Các cách giải độc rượu methanol hiệu quả
Hiện có khá nhiều loại rượu có chứa methanol được bày bán trên thị trường. Những rượu methanol độc hại này chủ yếu do gian thương “pha chế” từ cồn và hóa chất công nghiệp. Hơn nữa, rượu uống ethanol chưng cất thủ công cũng có chứa từ 5-10% methanol do không có phương cách khử bỏ.
Vì bản chất của bia cũng là rượu ethanol hay etylic. Câu hỏi đặt ra là Tại sao rượu ethanol lại có tác dụng giải độc rượu methanol ?
Tổng quan về rượu methanol
Methanol là chất gì? Methanol, rượu metylic, rượu gỗ, naphtha gỗ, là rượu đơn giản nhất chỉ có 1 carbon, công thức hóa học CH3OH. Methanol nhẹ, dễ bay hơi, không màu, dễ cháy, mùi đặc trưng, rất giống như rượu uống ethanol. Ở nhiệt độ thường, ethanol là một chất lỏng phân cực, nên được sử dụng làm dung môi, nhiên liệu, chất pha màu… Methanol cũng được sử dụng để sản xuất diesel sinh học thông qua phản ứng este hóa.
Nguồn methanol gây ngộ độc: Với cách sản xuất rượu ethanol thủ công trong dân gian, khó tách bỏ các sản phẩm có hại trong quá trình nấu như methanol, aldehyde, furfural lẫn trong sản phẩm.
Đáng lo hơn hiện nay, nhiều gian thương chạy theo lợi nhuận sẵn sàng dùng methanol công nghiệp, cồn khô (nhiều methanol) về pha chế bán và gây hại cho người tiêu dùng.
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn và tiêu chuẩn quốc gia về rượu trắng thì hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100mg/lít cồn thực phẩm.
Methanol chuyển hóa và gây độc như thế nào?
Rượu methanol dễ dàng được hấp thu qua ruột, da, phổi của người. Nồng độ rượu methanol trong máu đạt ngưỡng cao nhất sau khi tiếp xúc từ 30 – 60 phút. Methanol phân bố rộng rãi vào các chất dịch cơ thể, và được chuyển hóa khá chậm ở gan. Có khoảng 3% lượng methanol vào cơ thể được đào thải nguyên dạng qua phổi hoặc nước tiểu.
Ở gan, rượu methanol được thoái hóa, ôxy hóa tạo nên formaldehyde, chất này lại tiếp tục được ôxy hóa tạo nên acid formic. Cuối cùng, acid formic được chuyển hóa thành carbonic (CO2) và nước, thải qua phổi và thận.
Video đang HOT
Bản thân rượu methanol có độc tính thấp, nhưng chính hai sản phẩm thoái hóa của nó là formaldehyde (formol) và acid formic tích tụ lại trong máu gây nên tình trạng toan chuyển hóa, tổn thương các mô khác như thận, gan, tổn thương võng mạc, thần kinh thị giác dẫn đến mù lòa. Theo tính toán y học, chỉ cần uống 30ml methanol 40 độ con người có thể bị mu, ngô đôc dẫn tới tử vong! Liều gây chết, lethal dose, LD50 của methanol khi uống thay đổi theo cá nhân, ước tính từ 20-150g.
Dấu hiệu nhiễm độc rượu methanol: Nhiễm độc bắt đầu xuất hiện từ 18 – 24 giờ sau khi uống phải rượu methanol. Dấu hiệu nhiễm độc gồm các biểu hiện tương tự như khi uống quá nhiều rượu nên thấy buồn ngủ, lú lẫn, mất điều hòa vận động, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng kèm với các biểu hiện rối loạn thị giác từ nhìn mờ đến không nhìn thấy hoàn toàn. Trường hợp nhiễm độc nặng sẽ có dấu hiệu thở nhanh, hôn mê, suy thở, tụt huyết áp, ngưng tim và có thể dẫn đến tử vong.
Tại các cơ sở y tế, có thể xét nghiệm định lượng nồng độ methanol trong máu để xác định chẩn đoán, và làm các xét nghiệm đánh giá như khí máu, chức năng gan, thận, điện giải đồ, đường máu, soi đáy mắt tìm dấu hiệu phù gai thị.v.v…
Điều trị ngộ độc rượu methanol
Điều trị đặc hiệu, là dùng chất đối kháng đặc hiệu (antidote). Hai chất thường dùng là fomepizole (4-MP, methylpyrazole) và rượu ethanol.
Cơ chế tác dụng của cả hai chất đối kháng đặc hiệu này là ức chế cạnh tranh các enzyme (competitive enzymatic inhibition) chuyển hóa methanol, cụ thể là cạnh tranh với alcohol dehydrogenase ADH, và alhahyde dehydrogenase ALDH. Khi bị ức chế cạnh tranh, con đường thoái hóa của methanol bị chận lại, formol và acid formic không được sản sinh ra.
Điều trị bằng các biện pháp hỗ trợ khác như: (1) Hạn chế hấp thu nếu bệnh nhân tới sớm bằng than hoạt. (2) Điều chỉnh các rối loạn toan kiềm, điện giải; (3) Bổ xung acid folic là chất cần thiết giúp chuyển hóa acid formic thành carbonic (CO2) và nước; (4) Chống co giật; (5) Lọc máu, chạy thận nhân tạo, giúp đào thải methanol và acid formic đồng thời điều chỉnh toan kiềm máu nhanh hơn.
Vì sao có thể dùng bia để giải độc rượu methanol?
Biết được ethanol là chất đối kháng đặc hiệu, antidote, của methanol qua cơ chế ức chế enzyme cạnh tranh, các thầy thuốc lâm sàng sử dụng rượu thực phẩm, rượu ethanol, để chữa trị ngộ độc loại rượu nguy hiểm này.
Cái hay của Bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, bệnh viện Đa khoa Quảng Trị, cùng các đồng sự là trong hoàn cảnh khó khăn, không có hai chất đối kháng đặc hiệu là fomepizole lẫn rượu methanol y tế, họ đã dùng bia có nồng độ rượu ethanol khoảng 6 độ (6%) bơm truyền vào đường tiêu hóa để giải độc, cứu sống các bệnh nhân ngộ độc rượu methanol nặng.
TS.BS Trần Bá Thoại
Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam
Theo Dân trí
Bộ Y tế nói gì về phương pháp truyền bia chữa ngộ độc rượu
Bệnh nhân ngộ độc rượu được cứu sống bằng cách truyền 5 lít bia khiến nhiều người xôn xao. Tuy nhiên, chuyên gia khẳng định phương pháp này chỉ được thực hiện ở cơ sở y tế, người dân tuyệt đối không tự ý truyền bia giải độc rượu
BV đa khoa tỉnh Quảng Trị vừa xử trí cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật bị ngộ độc rượu công nghiệp methanol. Trong quá trình cấp cứu, bác sĩ truyền tới 15 lon bia vào đường tiêu hoá để giải rượu khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Tuy nhiên lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, đây không phải là phương pháp mới. Từ năm 2015, Bộ Y tế đã xây dựng phác đồ chẩn đoán và xử trí ngộ độc, trong đó có ngộ độc rượu methanol.
Trong đó ngoài lọc máu, tăng thải trừ chất độc, dùng thuốc vận mạch, truyền dịch... phác đồ chỉ rõ cần dùng thuốc giải độc đặc hiệu gồm ethanol và fomepizole. Khi truyền 2 chất này sẽ cản methanol chuyển hoá thành các chất độc axit formic và format, methanol tự do sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua thận hoặc lọc máu.
Phương pháp truyền bia, uống bia hoặc uống rượu methanol pha loãng chỉ áp dụng cho các trường hợp ngộ độc methanol
Ethanol hoặc fomedizole nên được dùng ở các bệnh nhân sẽ và đang được lọc máu liên tục hoặc trong thời gian chờ đợi lọc máu thẩm tách để ngăn chặn quá trình chuyển hóa gây độc tiếp diễn của methanol trong khi chưa được loại bỏ khỏi cơ thể.
Cách dùng ethanol đường uống: Dùng rượu ethanol đảm bảo an toàn và có ghi rõ độ cồn (%), sau đó pha rượu thành nồng độ 20% (1ml chứa 0,16 gram ethanol).
Liều ban đầu: 800 mg/kg (4ml/kg), uống (có thể pha thêm đường hoặc nước quả) hoặc nhỏ giọt qua sonde dạ dày.
Liều duy trì: Người không nghiện rượu từ 80 - 130 mg/kg/giờ (0,4 đến 0,7ml/kg/giờ), ở người nghiện rượu dùng 150 mg/kg/giờ (0,8 mL/kg/giờ), uống hoặc qua sonde dạ dày.
Liều dùng duy trì trong và sau khi lọc máu: 250 đến 350 mg/kg/giờ (1,3 đến 1,8 mL/kg/giờ), uống hoặc qua sonde dạ dày.
Lưu ý, việc cho uống, truyền ethanol để giải rượu chỉ áp dụng cho các trường hợp ngộ độc methnol. Nếu ngộ độc ethanol (rượu thực phẩm) mà vẫn tiếp tục uống ethanol (bia, rượu gạo) thì người bệnh càng trầm trọng.
BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai khuyến cáo thêm, việc truyền bia để giải độc rượu chỉ được áp dụng tại các cơ sở y tế, do chính các bác sĩ có chuyên môn thực hiện.
Việc lựa chọn phương pháp giải độc còn phải căn cứ vào nồng độ methanol gây ngộ độc trong cơ thể bệnh nhân. Vì vậy, người dân tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải độc sau khi uống rượu.
Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, BS Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị giải thích, rượu có 2 loại là ethanol và methanol, khi vào cơ thể, gan sẽ chuyển hoá ethanol trước. Trong bia chứa ethanol, khi truyền bia vào cơ thể, gan sẽ ưu tiên chuyển hoá bia trước, ngưng chuyển hoá methanol, giúp bác sĩ có đủ thời gian lọc máu.
Methanol thường được gọi là cồn công nghiệp, thường dùng làm sơn, dung môi... Tuy nhiên chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol.
Methanol hấp thu nhanh chóng, phần lớn được chuyển hoá qua gan nhưng chậm. Khi uống rượu methanol, người uống cũng có biểu hiện say rượu, tuy nhiên methanol khi vào cơ thể sẽ chuyển hoá thành axit formic, sau đó thành formate, gây nhiễm toan chuyển hóa, gây nhiễm độc với các tạng, đặc biệt là thần kinh và thị giác.
Rượu methanol chuyển hoá gây nhiễm độc muộn nhưng thường nặng, dễ tử vong nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị tích cực.
Ở giai đoạn đầu, triệu chứng ngộ độc methanol thường kín đáo và nhẹ với các biểu hiện ức chế thần kinh, an thần, vô cảm... nên thường bị bỏ qua.
Ở giai đoạn sau, ngộ độc methanol thường gây mờ mắt, mắt nhìn đôi, rối loạn ý thức, hôn mê, hội chứng parkinson, thiết hụt nhận thức, viêm tuỷ cắt ngang, bệnh lý đa dây thần kinh, teo đĩa thị, giãn mạch, tụt huyết áp và suy tim. Đặc biệt, bệnh nhân có thể ngừng thở nếu có nhiễm toan chuyển hoá, viêm tụy cấp, thay đổi chức năng gan, không tiểu được hoặc tiểu nước đỏ nếu bị tiêu cơ vân, cứng gáy...
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet
5 thói quen ngủ giúp loại bỏ mệt mỏi Duy trì thói quen ngủ hợp lý, khoa học giúp bạn hồi phục hoàn toàn sức khỏe để chuẩn bị cho ngày làm việc mới. ShutterStock Ăn nhẹ vào buổi tối và tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng. Ăn uống đúng cách thực sự quan trọng đối với cơ thể, giúp bạn nạp đầy đủ dưỡng chất, giữ mình tràn đầy...