Các bộ trưởng “quá vô tình”?
Chiều 22/3 vừa qua, khi chất vấn Bộ trưởng BộGiáo dụcvà Đào tạo Phạm Vũ Luận, Phó chủ nhiệm Ủy banPháp luậtcủa Quốc hội, đại biểu Lê Minh Thông đã nhắc đến một số bức thư ngỏ mà theo lời ông là đã gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Tác giả các bức thư này chính là TS. Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam(VTV), người khởi xướng chương trình “ Cơm có thịt” dành cho trẻ em vùng cao, một chương trình thiện nguyện được bắt đầu khi ông Tuấn tận mắt chứng kiến cảnh đói ăn thiếu mặc của hàng nghìn trẻ em tuổi mầm non.
Lý do khiến ông Tuấn phải viết đến hai lá thư là sự quá chậm trễ trong việc thực hiện Quyết định số 60/2011/QĐ-TT ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ với hai nội dung quan trọng. Một là trẻ mầm non 3, 4 tuổi tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn…được hỗ trợ 120 nghìn đồng/tháng để duy trì bữa ăn trưa tại trường. Hai là giáo viên mầm non ngoài biên chế (hợp đồng lao động) được hưởng chế độ trả lương và bảo hiểm cùng các chính sách khác giống như giáo viên mầm non có cùng trình độ đào tạo trong biên chế.
Thế nhưng, sau hơn một năm quyết định nói trên có hiệu lực, thông tư hướng dẫn vẫn… chưa có. Bởi thế, theo lời ông Tuấn thì “hàng chục vạn bé mầm non 3-4 tuổi, cả hơn chục vạn giáo viên mầm non diện hợp đồng lao động vẫn khắc khoải “sống để yêu thương” với đồng lương ngang bằng hoặc thấp hơn lương tối thiểu”.
Quyết định số 60/2011/QĐ-TT ngày 26/10/2011 đã hỗ trợ mỗi cháu học sinh đang học tại các trường miền núi 120 nghìn đồng/tháng ăn trưa. Hơn một năm sau, thông tư liên bộ hướng dẫn thi hành quyết định vẫn chưa có – Ảnh: Thanh Hải.
Video đang HOT
Trả lời chất vấn về “trách nhiệm của Bộ trưởng và của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chậm trễ thi hành quyết định của Thủ tướng và giải pháp nào để đẩy nhanh việc này” của đại biểu Thông, ông Luận giải thích, vì đây là thông tư liên bộ (bao gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ), nên “nó có những nội dung khó khăn phức tạp, nhưng để chậm như vậy thì nó là một thiếu sót”. Bộ trưởng thừa nhận như vậy, song ông cũng không nói đến khi nào “thiếu sót” này sẽ được khắc phục.
Ông Luận cũng cho hay, cách đây hai tuần khi họp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về cải cách hành chính, ông đã đề nghị cơ chế phân công soạn thảo văn bản sắp tới nên giao cho một cơ quan chủ trì quyết định, còn phối hợp với ai thì tuỳ bộ đó, nếu nhầm, nếu sai, nếu thiếu thì cơ quan chủ trì sẽ chịu trách nhiệm. Ông cũng không quên nhấn mạnh việc “không ai phải chịu trách nhiệm” nếu vẫn duy trì cơ chế phối hợp như hiện tại.
Có lẽ vì tin là quá khó, nên cũng không vị đại diện cho dân nào “truy” tiếp là đến bao giờ sẽ có thông tư, và nguyên nhân chính của sự chậm trễ hiện đang nằm ở bộ nào. Vì cho dù có đến ba bộ phối hợp, thì vẫn có địa chỉ rõ ràng chứ đâu phải vô danh.
Tuy nhiên, sau giờ giải lao của phiên chất vấn, Bộ trưởng Luận bỗng “xin bổ sung thêm” là thông tư để thực hiện Quyết định 60 đã được ban hành cách đây hai tuần.
Như vậy, có giả thiết đặt ra là do không trực tiếp ký thông tư nên Bộ trưởng không biết là thông tư này đã được ban hành trước phiên chất vấn tới hai tuần? Bởi, đó lẽ ra phải là thông tin đầu tiên được ông khẳng định khi đại biểu chất vấn về giải pháp để đẩy nhanh việc thi hành Quyết định 60.
Cho dù là thế, hay vì lý do lòng vòng ba bộ như ông giải thích, thì câu hỏi được ông Tuấn viết trong bức thư thứ hai là “dẫu để ra thông tư hướng dẫn thì phải thương thuyết với nhiều ngành, nhưng chậm trễ đến thế có quá vô tình không?”, không phải là không có lý.
Câu hỏi về sự “vô tình” với công việc “cha chung không ai khóc” càng được xoáy sâu hơn khi theo dõi tiếp phần trả lời chất vấn sau đó của vị “tư lệnh” ngành giáo dục. Khi đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị Bộ trưởng Luận cho biết mô hình trường thực nghiệm do GS. Hồ Ngọc Đại đã khởi xướng có áp dụng được trong thực tiễn giáo dục hay không?
Ở câu trả lời, Bộ trưởng Luận đánh giá đây là mô hình tốt, nhưng vướng luật, song chính ông đã quyết định cho áp dụng chương trình này ở 35 tỉnh.
“Khi tôi ký rồi, GS. Đại hỏi tôi: anh không sợ à? Tôi bảo, em cũng sợ, nhưng em cũng làm đúng điều Bác Hồ dạy, việc gì có lợi cho dân thì khó cũng cố làm, cố làm xem sao!”, ông Luận kể.
Đến đây, có lẽ chữ “vô tình” không nên chỉ xuất hiện ở câu hỏi dành riêng cho Bộ trưởng Luận. Bởi rõ ràng, việc “vượt rào” để triển khai một công việc do mình ông chịu trách nhiệm, dù “sợ” nhưng có lợi cho cái chung ông vẫn làm. Còn việc cùng ngồi lại để ra được thông tư hướng dẫn thực hiện quyết định của Thủ tướng phải chờ đến hơn một năm trời đằng đẵng. Chỉ đến khi thư ngỏ của ông Tuấn được các phương tiện thông tin đăng tải mới “góp phần thúc đẩy các bộ, ngành khẩn trương khắc phục sự chậm trễ này”, như chính thừa nhận tại phản hồi của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi đến ông Tuấn.
Và, có lẽ cũng cần thêm một câu hỏi nữa, nếu ông Tuấn không quyết liệt đến mức “xin phép hai tuần một lần trao đổi tiếp với Bộ trưởng” cho đến khi thông tư nói trên ra đời, thì sự “vô tình” sẽ còn kéo dài đến khi nào?
Theo vietbao
Dân vẫn chưa yên tâm
Tuần qua, hai cuộc chất vấn trước UBTVQH của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm và qua đó đã đánh động dư luận về nhiều vấn đề "nóng" trong cuộc sống.
Đối với Chánh án TANDTC việc xử lý "nhẹ tay" với tội phạm tham nhũng, cả về số lượng vụ án được đưa ra xét xử, cả về hình phạt - chủ yếu là án treo đã gây bức xúc. Đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo chương trình và chất lượng giáo dục thấp đã tạo ra một nút thắt về chất lượng lao động cản trở sự phát triển. Tuy nhiên, những trả lời của cả Chánh án Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã không làm yên lòng cả các đại biểu Quốc hội và người dân cả nước theo dõi buổi chất vấn.
Xét xử theo luật, mà luật lại chậm hơn tham nhũng?
Trả lời về số lượng các vụ tham nhũng phát hiện ra nhiều nhưng ít vụ được đưa ra xét xử, Chánh án Trương Hòa Bình đã khẳng định trách nhiệm này không thuộc TANDTC. Tòa án không tự mình truy tố được và chỉ có thể xét xử các vụ án khi Viện Kiểm sát nhân dân truy tố và có cáo trạng. Tất cả các vụ đã truy tố và có cáo trạng tòa án các cấp đều đã đưa ra xét xử. Rõ ràng đã có những vướng mắc khi nhiều vụ tham nhũng đã được xử lý kỷ luật và không được xử lý trước pháp luật. Có thể tội phạm tham nhũng đã quá tinh vi và vì vậy các chứng cứ không đủ để đưa ra truy tố và xét xử?
Đảng và Nhà nước đã khẳng định cương quyết chống tham những. Vậy cái gì cản trở đưa ra tòa các vụ tham nhũng. Có thể nói, có rất nhiều lý do. Từ cơ chế quản lý cán bộ, xử lý cán bộ ở cấp nào các cơ quan pháp luật phải có ý kiến của cơ quan quản lý cán bộ cấp đó đến sự can thiệp quá nhiều của các cán bộ lãnh đạo địa phương cũng như các cơ quan liên quan. Còn có nỗi sợ mơ hồ về sự mất uy tín của cơ quan, của phong trào nói chung khi xử lý pháp luật một cán bộ, đặc biệt khi cán bộ đó vốn có trọng trách tại địa phương hoặc cơ quan.
Nhưng không chỉ các vụ không truy tố, các vụ truy tố, xét xử, các bị cáo tham nhũng cũng bị xử lý rất nhẹ. Có đại biểu Quốc hội đã chỉ ra có địa phương, các vụ án tham nhũng khi đem ra xét xử có đến 45% các bị cáo được hưởng án treo. Trả lời vấn đề này, Chánh án TANDTC cho rằng có sự thật đó. Và TAND các cấp cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật đã nhiều lần kháng nghị, hủy án, xem xét tư cách thẩm phán trong các vụ xét xử này. Chánh án cũng thừa nhận việc cán bộ ngành tòa án nhận tiền hối lộ, chạy án là có thật và hàng năm ngành tòa án đều có báo cáo số trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, Chánh án TANDTC cũng khẳng định, đa số các vụ án tham nhũng đã được xét xử nghiêm minh. Các tội phạm đã bị nghiêm trị trước pháp luật. Giải thích về số lượng án treo nhiều, án nhẹ nhiều, Chánh án TANDTC cho rằng có hai điểm cần lưu ý. Một là tòa án chỉ xử các tội được truy tố trong cáo trạng với các tình tiết trong cáo trạng cùng các khung hình phạt đã được quy định trong các bộ luật. Cáo trạng chứa đựng những kết luận đã được khẳng định trong quá trình điều tra. Tòa án không thể truy tố các tội không có trong cáo trạng, không thể không căn cứ vào những chứng cứ trong cáo trạng và hồ sơ vụ án cũng không thể vụ nào cũng xử vượt khung.
Chánh án cho biết thêm hiện ngành đang xây dựng một nghị quyết mới để quy định chặt chẽ những điều kiện cho hưởng án treo, đảm bảo đúng quy định của pháp luật đối với nhóm tội tham nhũng nhằm phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Nhưng chưa biết khi nào có nghị quyết và đến bao giờ các quy định này mới được thực hiện.
Như vậy mặc dù Đảng và Chính phủ với những chủ trương chính sách của mình thể hiện thái độ cương quyết chống tham nhũng. Tuy nhiên đã có một sự bất cập chưa phối hợp được với các biện pháp phòng chống tham nhũng chính là sự thiếu thống nhất thái độ cương quyết trừng trị tội phạm tham nhũng của các cơ quan tư pháp, hành pháp. Sự thiếu thống nhất đó thể hiện ở quan niệm kỷ luật cũng là xử lý pháp luật, thiếu quyết tâm đi đến cùng, xử lý đến cùng các vụ tham nhũng. Rõ ràng các biện pháp pháp luật là một trong những công cụ của Nhà nước để chống tham nhũng, song nếu biện pháp pháp luật lại "nhẹ tay" như hiện nay thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ mất đi một động lực quan trọng.
Bao giờ nhân dân yên lòng với giáo dục?
Đó là câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Trong trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trình bày rất nhiều kế hoạch dài hơi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng lao động để phục vụ sự phát triển đất nước. Tuy nhiên khi buộc phải trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, thì ông không thể trả lời về một thời gian cụ thể. Ông chỉ có thể khẳng định được sẽ đem hết trí lực và cả nhiệt huyết để thực hiện nhưng không thể có một cam kết nào về thời hạn cũng như kết quả của những kế hoạch này. Qua các kế hoạch Bộ trưởng trình bày chúng ta có thể thông cảm với ông. Năm 2015 chúng ta mới triển khai cải cách giáo dục phổ thông. Theo các căn cứ khoa học 12 năm sau chúng ta mới hoàn thiện hệ thống và sau vài năm nữa chúng ta mới có sản phẩm giáo dục, nghĩa là con người được giáo dục theo hệ thống mới. Chưa kể không biết cuộc cải cách này có hiệu quả không và còn có cuộc cải cách mới nào khác không. Con em chúng ta đã được đem ra thí nghiệm cho nhiều cuộc cải cách rồi.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết những bất cập yếu kém trong quản lý nhà nước về giáo dục thời gian qua chính là nguyên nhân của tình trạng cả xã hội chưa bằng lòng với chất lượng giáo dục. Nhận thức được điều này, từ năm 2008, Bộ đã triển khai việc đổi mới quản lý giáo dục. Việc đổi mới vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa xứng tầm với chỉ đạo. Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp đổi mới giáo dục. Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược mới về phát triển giáo dục đào tạo đổi mới nhận thức chuyển từ mô hình đào tạo dựa vào quy mô, số lượng sang mô hình đào tạo nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục. Song tất cả vẫn đang ở thì tương lai, đang nghiên cứu.
Tuy nhiên như việc Bộ GD-ĐT phải gửi thư xin lỗi ông Trần Đăng Tuấn vì chậm trễ trong việc ban hành chính sách đối với các em nhỏ và giáo viên vùng cao đủ thấy khó khăn không chỉ ở quyết tâm nghiên cứu đề ra các kế hoạch mà ở thái độ quyết liệt vì các em, vì chất lượng giáo dục, vì chất lượng người Việt tương lai.
Theo ANTD
Đề nghị đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa Chất vấn Bộ trưởng Giáo dục chiều 22/3, nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc trước sai sót trong việc in ấn cờ, bản đồ trong sách tham khảo, đồng thời đề nghị đưa kiến thức về chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa vào sách giáo khoa. Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận chiều 22/3, nhiều đai biểu...