Các bí quyết chính để có tuổi thọ cao của các nhà sư Tây Tạng
Việc các nhà sư Tây Tạng sống lâu là một thực tế đã được biết đến, nhưng đâu là bí quyết?
Môi trường sống
Về mặt địa lý, người Tây Tạng sống ở vùng núi – nơi có không khí trong lành. Môi trường sống rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến phổi và các cơ quan khác của con người. Đặc biệt, điều này khác với môi trường đô thị ô nhiễm – khi mỗi ngày, một lượng lớn độc tố và các chất độc hại khác nhau xâm nhập vào phổi của cư dân.
Người Tây Tạng sống ở vùng có không khí trong lành; Nguồn: weekend.rambler.ru
Lối sống
Mặc dù trong thực tế người Tây Tạng dành nhiều thời gian để cầu kinh, họ vẫn có lối sống năng động, do họ không lạm dụng các tiện ích của xã hội hiện đại. Người Tây Tạng không sử dụng thiết bị hiện đại trong nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, họ sử dụng lao động chân tay cho canh tác và sản xuất. Những công việc như vậy buộc phải vận động rất nhiều và giữ cho cơ thể của họ trong tình trạng tốt.
Dinh dưỡng hợp lý
Người Tây Tạng thậm chí không quen với thức ăn nhanh. Trong chế độ ăn uống của họ chỉ có các loại ngũ cốc và thực phẩm giàu vitamin. Hàng ngày, 100% đồ ăn của họ là an toàn và thân thiện với môi trường.
Video đang HOT
Thiền, thể dục và vận động là những thói quen đáng quý của người Tây Tạng; Nguồn: replyua.net
Thể dục hàng ngày
Lao động bình thường sẽ không cho phép con người liên tục duy trì trương lực cơ, đó là lý do tại sao các nhà sư đã sử dụng một loại thể dục đặc biệt, và luyện tập mỗi ngày. Những bài tập này giúp phát triển cơ bắp và ngăn chặn chúng xuống cấp. Nhờ các bài tập này, các nhà sư kiểm soát tuyệt vời cơ thể của họ và có thể kiểm soát các thể trạng khác nhau của cơ thể (kể cả đau đớn).
Thần dược của tuổi trẻ
Người Tây Tạng uống một loại trà truyền thống, sắc từ một số loại thảo mộc. Nhiều người không thể uống được loại trà như vậy, vì nó có vị rất đắng và mùi khét đặc trưng. Phải mất thời gian để làm quen với nó, do đó, trà phải được sử dụng liên tục. Tại các vùng khác nhau ở Tây Tạng, có một số công thức cho thuốc tiên làm người ta trẻ mãi không già, nhưng cơ sở giống nhau – đó là sự kết hợp các loại thảo mộc.
Chế độ dinh dưỡng kết hợp với sự bổ trợ của thảo mộc giúp con người khỏe, trẻ; Nguồn: zdravstvyite.ru
Thanh thản
Đối với một người hiện đại, căng thẳng đã trở thành một thói quen. Ta thường không nghĩ những căng thẳng như vậy hủy hoại các tế bào thần kinh của chúng ta – nguy cơ gia tăng một số bệnh nguy hiểm. Người Tây Tạng tin chắc rằng, nếu giữ được tâm hồn thanh thản, và kiểm soát tốt cảm xúc của mình, người ta có thể sống lâu và hạnh phúc viên mãn./.
CTV Lê Ngọc/VOV.VN
Theo weekend.rambler.ru
Ăn kiêng theo khung giờ giúp sống lâu
Ăn trong giới hạn thời gian 6-8 giờ và kiêng ăn từ 16 đến 18 giờ mỗi ngày có thể là bí quyết chữa trị nhiều căn bệnh. Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y học New England (NEJM-Mỹ) cho thấy phương pháp "nhịn ăn gián đoạn" này làm giảm huyết áp, hỗ trợ giảm cân và nâng cao tuổi thọ.
Bản phân tích dựa trên nhiều nghiên cứu ở người và động vật cho rằng các bác sĩ có thể "kê đơn" kiêng ăn như một phương pháp phòng ngừa hoặc điều trị bệnh béo phì, ung thư, tiểu đường và bệnh tim. Tuy vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo bác sĩ cần theo dõi sát bệnh nhân trong suốt thời gian họ nhịn ăn gián đoạn, sau đó mới tăng dần thời lượng và tần suất nhịn ăn nhằm có được kết quả như mong muốn.
Nhịn ăn gián đoạn hoạt động như thế nào?
Nhịn ăn gián đoạn đã được nghiên cứu ở động vật gặm nhấm và người trưởng thành thừa cân để đánh giá khả năng cải thiện sức khỏe. Tác giả nghiên cứu Mark Mattson, Giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học Johns Hopkins, cho biết nhịn ăn gián đoạn có hai loại: ăn trong thời gian hạn chế (ăn trong khung 6-8 giờ và nhịn ăn trong 16-18 giờ mỗi ngày) và nhịn ăn gián đoạn 5:2 - tức là nhịn ăn 2 ngày/tuần (ngày nhịn ăn chỉ tiêu thụ 500 calo).
Theo Giáo sư Mattson, việc luân phiên ăn và nhịn ăn có thể cải thiện sức khỏe tế bào, chủ yếu là nhờ kích hoạt cơ chế trao đổi chất. Trong quá trình chuyển dịch cơ chế trao đổi chất này, các tế bào sử dụng hết kho dự trữ nhiên liệu vốn có và chuyển sang biến đổi chất béo thành năng lượng - nói nôm na là "bật công tắc" từ tích trữ chất béo sang tiêu hao chất béo.
Lợi ích đã được chứng minh
Một số nghiên cứu trên động vật và con người cho thấy nhịn ăn gián đoạn có liên quan đến việc nâng cao sức khỏe trái tim, cải thiện chức năng nhận thức và kéo dài tuổi thọ. Đơn cử trường hợp của cư dân ở tỉnh đảo Okinawa (Nhật Bản), nơi nổi tiếng có tuổi thọ rất cao và chế độ ăn giàu dưỡng chất nhưng ít calo. Các tác giả cho rằng nhịn ăn gián đoạn có thể đã giúp họ ngăn ngừa béo phì - yếu tố ảnh hưởng lớn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch - và kéo dài cuộc sống.
Nhịn ăn gián đoạn còn được cho giúp cải thiện tình trạng kháng insulin, ổn định lượng đường trong máu. Kết quả từ một nghiên cứu nhỏ năm 2018 cho thấy 3 người đàn ông mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 đã có thể ngừng tiêm insulin sau khi giảm cân nhờ nhịn ăn gián đoạn - một phát hiện trái với quan niệm lâu nay cho rằng bệnh tiểu đường là không thể chữa được.
Nghiên cứu trước đó mà Giáo sư Mattson là đồng tác giả cũng chỉ ra rằng, chuyển dịch cơ chế trao đổi chất do nhịn ăn tạm thời có thể tăng khả năng chống stress bằng cách tối ưu hóa chức năng não và sự linh hoạt thần kinh, tức khả năng thích ứng của não với sự phát triển của một người trong suốt cuộc đời. Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy người lớn tuổi áp dụng chế độ ăn kiêng hạn chế calo đã cải thiện trí nhớ ngôn ngữ so với hai nhóm khác không nhịn ăn.
Thậm chí, nhịn ăn gián đoạn còn cải thiện chức năng thể chất. Một nghiên cứu tiến hành đối với nam giới cho thấy nhịn ăn trong 16 giờ mỗi ngày đã giúp họ giảm mỡ và tăng cường khối lượng cơ bắp chỉ trong 2 tháng tập thể hình.
Hạn chế của phương pháp nhịn ăn gián đoạn
Nhóm nghiên cứu cho biết phần lớn các thử nghiệm lâm sàng tập trung vào những người trẻ tuổi và trung niên thừa cân, nên lợi ích và sự an toàn của nhịn ăn gián đoạn có thể không xảy ra với các đối tượng khác.
Hạn chế khác của phương pháp này là nó chắc chắn sẽ khiến người ta đói, trở nên cáu kỉnh và giảm khả năng tập trung. Lý do là khi não bị thiếu thức ăn, các hoóc-môn thèm ăn ở vùng dưới đồi - "trung tâm đói" của não - được giải phóng và có thể kích thích ăn nhiều hơn. Nhưng Giáo sư Mattson cho biết đây chỉ là "tác dụng phụ" tạm thời. "Bệnh nhân cần được tư vấn rằng cảm giác đói và cáu kỉnh chỉ xảy ra lúc đầu và thường biến mất sau 2-4 tuần vì cơ thể và não đã quen với thói quen mới" - ông giải thích thêm.
HOÀNG ĐIỂU
Theo CNN, USA Today/baocantho
Dinh dưỡng cho trẻ sau mổ teo mật bẩm sinh Teo mật bẩm sinh là bệnh lý hiếm gặp của gan và đường mật, được đặc trưng bởi sự gián đoạn hoặc thiếu hụt của hệ thống đường mật ngoài gan, dẫn đến cản trở dòng chảy của mật. Vitamin tan trong dầu - Ảnh minh họa Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, ở trẻ teo mật bẩm sinh do giảm bài tiết...