Các bệnh ở thận do thuốc diệt virut
Các thuốc diệt virut đều có nguy cơ gây độc cho thận, nhất là khi được dùng phối hợp ở những bệnh nhân mắc bệnh phức tạp.
Trong những năm gần đây, rất nhiều loại thuốc diệt virut mới mạnh mẽ và hiệu quả hơn đã ra đời. Tuy nhiên, các thuốc này đều có nguy cơ gây độc cho thận, nhất là khi được dùng phối hợp ở những bệnh nhân mắc bệnh phức tạp.
Tổn thương thận do thuốc là một trong những nguyên nhân quan trọng gây suy thận cấp trên lâm sàng, chiếm 2-15% tổng số các suy thận cấp phải nhập viện điều trị. Dưới đây, xin được đề cập đến các tổn thương thận do thuốc diệt virut để độc giả tham khảo.
Nhiễm độc ống thận cấp
Đây là loại nhiễm độc ống thận trực tiếp có thể gây suy thận cấp và rối loạn chức năng ống thận do làm thoái hoá và bong tróc các tế bào biểu mô. Dạng tổn thương này có thể gây ra do nhóm thuốc giống acyclic nucleotide phosphonates, acyclovir và một số thuốc diệt virut khác. Các loại thuốc gây độc là:
Cidofovir: Là một chất tương tự nucleotide với tác dụng rất tốt chống lại cytomegalovirus (CMV). Tác dụng gây độc thận của thuốc này phụ thuộc liều dùng và chủ yếu gây rối loạn chức năng ống lượn gần của thận. Nhiễm độc thận do cidofovir gây xuất hiện protein trong nước tiểu, suy thận, suy chức năng ống lượn gần và viêm thận kẽ mạn tính. Các rối loạn này thường hồi phục khi giảm liều hoặc ngưng dùng thuốc. Để giảm bớt nguy cơ xảy ra các biến chứng này, cần giảm liều dùng cidofovir ở bệnh nhân có suy thận và các tổn thương khác ở thận và tránh dùng thuốc này cùng với các thuốc có khả năng gây độc cho thận như foscarnet, amphotericin B, gentamycin…
Adefovir dipivoxil: Tác dụng gây độc thận của thuốc này cũng phụ thuộc vào liều dùng. Ở liều 120mg/ngày, 22-32% bệnh nhân sẽ xuất hiện các biểu hiện suy chức năng ống lượn gần. Các biểu hiện này thường nhẹ và ít gặp hơn ở liều 30mg/ngày và không xảy ra ở liều 10mg/ngày.
Tenofovir disoproxil fumarate: Là một chất ức chế men sao chép ngược, được dùng trong điều trị HIV, thuốc này có nguy cơ gây độc ống thận đặc biệt là khi dùng liều cao, kéo dài. Biểu hiện sớm thường gặp là xuất hiện đường, protein trong nước tiểu ở mức độ nhẹ, thường xảy ra sau điều trị khoảng 20 tuần và hồi phục sau khi ngưng dùng thuốc 1 – 10 tuần.
Foscarnet: Là một chất tương tự pyrophosphate, chủ yếu dùng trong điều trị các trường hợp viêm võng mạc CMV và nhiễm HSV kháng aciclovir. Foscarnet có thể gây nhiễm độc thận ở khoảng 27% số bệnh nhân với các mức độ khác nhau, truyền dịch tích cực giúp giảm rõ rệt nguy cơ này. Nhiễm độc thận do foscarnet có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào của quá trình điều trị và thường hồi phục trong vòng 1 tuần sau khi giảm liều hoặc ngưng thuốc.
Video đang HOT
Thận bị hỏng (trái) và thận bình thường
Bệnh thận do tinh thể
Sự lắng đọng các tinh thể ở thận có thể gây ra suy thận, tổn thương thận do tinh thể chủ yếu xảy ra do các tinh thể kết tủa ở ống lượn xa.
Acyclovir: Do thuốc này ít tan trong nước tiểu nên dễ có nguy cơ kết tủa thành các tinh thể ở trong ống thận và gây tắc ống thận, nhất là trong những trường hợp truyền nhanh tĩnh mạch liều cao và lưu lượng nước tiểu quá ít. Suy thận do acyclovir xảy ra ở 12-48% số người dùng thuốc, đa số ở mức độ nhẹ, không triệu chứng và thường sau dùng thuốc 24-48 giờ.
Indinavir: Thuốc ít tan ở môi trường nước tiểu và được ghi nhận có thể gây bệnh thận do tinh thể, đái ra cặn sỏi hoặc sỏi thận. Các triệu chứng tiết niệu xảy ra ở khoảng 8% và tinh thể trong nước tiểu được tìm thấy ở 20% số bệnh nhân điều trị bằng indinavir. Hầu hết các trường hợp suy thận do indinavir là ở mức độ nhẹ và có hồi phục, chỉ khoảng 0,5% có các triệu chứng nặng như sỏi thận, đái máu, đau thắt lưng và phải ngưng dùng thuốc. Sỏi thận chứa indinavir và các chất chuyển hoá của nó có thể được hình thành ở bất cứ thời điểm nào của quá trình dùng thuốc. Để giảm nguy cơ lắng đọng indinavir trong nước tiểu, bệnh nhân cần được cung cấp ít nhất 3 lít nước mỗi ngày.
Ganciclovir: Một số trường hợp kết tủa ganciclovir ở trong ống thận gây suy giảm chức năng thận cũng đã được ghi nhận.
Bệnh lý cầu thận
Bệnh lý cầu thận được ghi nhận sau dùng cả interferon (IFN) và foscarnet. Khoảng 25% bệnh nhân dùng IFN xuất hiện protein trong nước tiểu mức độ nhẹ đến vừa và 10% có suy chức năng thận, hầu hết các trường hợp này xảy ra ở người có bệnh máu hoặc viêm gan. Một số trường hợp suy thận do lắng đọng tinh thể trisodium foscarnet ở mao mạch cầu thận cũng đã được phát hiện.
Khi điều trị kéo dài với indinavir và cidofovir được ghi nhận có thể gây suy thận mạn, teo thận trong một số trường hợp.
Do vậy, để tránh những biến chứng của thuốc gây hại cho thận, với bất kỳ bệnh nhân nào cũng cần được theo dõi chặt chẽ chức năng thận khi phải dùng các thuốc diệt virut vừa nêu ở trên.
Theo VNE
Các bệnh do virus ở trẻ em
Dù là bệnh thường gặp như viêm đường hô hấp hay tiêu chảy do virus... nhưng nếu không được điều trị kịp thời vẫn có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Những ngày gần đây, các bệnh viện (BV) tại Hà Nội liên tục tiếp nhận nhiều ca bệnh nhi khá nặng vì thời tiết biến đổi khi chuyển mùa.
Rotavirus rình rập
Một bé trai 14 tháng tuổi vừa đến cấp cứu tại Khoa Nhi BV Bạch Mai, Hà Nội trong tình trạng hôn mê sâu. Dù được cấp cứu tích cực nhưng bé đã tử vong sau chưa đầy 2 giờ nhập viện.
Gia đình cho biết 2 ngày trước khi nhập viện, bé bị tiêu chảy kèm nôn nhiều và sốt. Khi bé tiêu chảy, gia đình có pha Oresol cho uống nhưng cháu lại nôn ra. Sang ngày thứ 2, gia đình mời bác sĩ đến nhà khám nhưng sau đó, bé vẫn tiêu chảy ồ ạt hơn 30 lần trong ngày. Đến cuối ngày thứ 2, thấy bé suy kiệt, gia đình vội vàng đưa vào BV cấp cứu. Lúc này, bé đã rơi vào trạng thái co giật, sốc trụy mạch.
Theo các bác sĩ, đây là ca tử vong do tiêu chảy khá hiếm gặp trong thời gian qua. Gần đây, điều kiện y tế lẫn việc xử trí bệnh này không quá phức tạp.
Giới chuyên môn cho biết hiện nay cũng là thời điểm dịch tiêu chảy do Rotavirus bắt đầu xuất hiện. Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai, tiêu chảy cấp do Rotavirus là bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa thu - đông, đặc biệt là bé 3-24 tháng tuổi.
Virus gây tiêu chảy có thể xâm nhập cơ thể qua đường phân - miệng. Trẻ tiêu chảy phân lỏng, toàn nước, có lúc phân màu xanh, có thể có đờm nhớt; tiêu chảy và nôn ói có thể lên đến 20 lần/ngày.
"Thông thường, trẻ sẽ nôn trước, sau khoảng 1-2 ngày thì bắt đầu đi ngoài. Trẻ có thể ho, sốt nên nhiều cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng. Nhiều cha mẹ còn tưởng trẻ bị tiêu chảy vì mọc răng, dẫn đến có trường hợp nhập viện trong tình trạng mất nước nặng, đe dọa tính mạng" - TS Dũng cảnh báo.
Biến chứng nguy hiểm là mất nước, mất muối quá nhiều, dễ dẫn đến trụy mạch nếu không được bù nước kịp thời. Cha mẹ nên cho trẻ uống dung dịch Oresol theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì, không pha loãng hay đặc quá. Tuyệt đối không cho uống các loại nước ngọt, nước có gaz khi trẻ đang mất nước do tiêu chảy.
Nếu thấy trẻ mệt quá, bỏ bú, không ăn uống, không chơi, nằm li bì thì nên đưa đến BV. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy. Kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus mà còn làm giảm nhu động ruột dẫn đến tình trạng trướng bụng, thủng ruột, tắc ruột, thậm chí tử vong.
Chớ xem thường sốt virus
Thời điểm giao mùa không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng là đối tượng tấn công của sốt siêu vi do nhiễm các loại virus khác nhau. Phần lớn sốt siêu vi không nguy hiểm, bệnh có thể tự khỏi. Tuy nhiên, cũng có một số bệnh biến chứng nguy hiểm khó lường, nhất là với trẻ em.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Khoa Khám bệnh tự nguyện BV Nhi Trung ương, người nhiễm virus thường sốt cao, kèm theo ớn lạnh, đau toàn thân, mệt mỏi, chán ăn, đôi khi có rối loạn tiêu hóa, viêm kết mạc...
Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh, Khoa Nhi BV Bạch Mai, cho biết khoảng 2 tuần nay, số trẻ viêm phổi tăng mạnh, nhiều trường hợp bị nặng do biến chứng của sốt virus. Phần lớn trẻ ở độ tuổi rất nhỏ, dưới 6 tháng; cá biệt có cháu chỉ mới hơn 10 ngày tuổi đã bị viêm phổi nặng.
Theo bác sĩ Tuấn Anh, trẻ sơ sinh nếu bị viêm phổi thì diễn biến rất nhanh, có cháu chỉ vài giờ và dấu hiệu lại thường không điển hình, dễ bị bỏ qua. "Với nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi, thậm chí chỉ húng hắng ho, không sốt (hoặc chỉ hâm hấp) nhưng đã bị biến chứng viêm phổi rất nặng. Đáng lưu ý là trong số trẻ viêm phổi, có tới 70%-80% bị sốt siêu vi nhưng do cha mẹ chủ quan, tự điều trị hoặc không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ đã dẫn tới biến chứng" - bác sĩ Tuấn Anh cảnh báo.
Các bác sĩ cho rằng cha mẹ có thể dễ dàng quan sát nhịp thở của con bằng cách vén áo để quan sát sự di động của lồng ngực hoặc bụng lúc trẻ nằm yên hay ngủ. Nếu thấy trẻ thở co lõm lồng ngực và thở rất nhanh, thậm chí chỉ cần ho nhiều, xuất hiện khó thở, thở rít, ngủ li bì..., cha mẹ cần đưa đi khám tại các cơ sở y tế.
Theo VNE
Chủ động ngừa bệnh đau mắt đỏ Bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) hiện tại vẫn chưa có xu hướng thuyên giảm mà ngày càng lan rộng ở cả miền Bắc và miền Nam. Theo thống kê sơ bộ của Bệnh viện (BV) Mắt Trung ương, khoảng 20% trong tổng số bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ. Tại BV Mắt TP. Hồ Chí Minh, có gần...