Các báo cáo về tỷ giá đều đưa thông điệp tích cực
Ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm thêm lãi suất USD, thì tỷ giá VND/USD cũng khó biến động trong những tháng cuối năm.
Tỷ giá VND/USD khó biến động trong những tháng cuối năm..
Kỳ vọng thêm một lần Fed hạ lãi suất
Giới phân tích tài chính nhận định, nếu Fed giảm lãi suất vào cuối năm nay như kỳ vọng thì cũng sẽ không tác động quá lớn đến chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Báo cáo thị trường tiền tệ của Bộ phận Nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán SSI ( SSI Research) cho biết, lãi suất tín phiếu vừa được NHNN điều chỉnh xuống 2,75%/năm với kỳ hạn 7 ngày, giảm 25 điểm cơ bản so với mức 3%/năm đã duy trì từ ngày 10/10/2018.
Theo báo cáo trên, trong gần 4 tháng trở lại đây, tín phiếu là kênh hoạt động chính trên thị trường mở, lãi suất tín phiếu hạ sẽ khuyến khích các thành viên thị trường đẩy tiền vào nền kinh tế, thay vì chuyển về NHNN. Tuy nhiên, nhìn lại từ cuối năm 2015, dù Fed liên tục tăng lãi suất, nhưng lãi suất tín phiếu và lãi suất thị trường mở (OMO) của NHNN vẫn duy trì ổn định, thậm chí có một số thời điểm, lãi suất OMO còn giảm rất thấp (xuống dưới 1%/năm).
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI) cho rằng, diễn biến như vậy cho thấy, chính sách tiền tệ của Việt Nam được điều hành khá linh hoạt, chứ không cứng nhắc theo một hướng là thắt chặt hay nới lỏng, mà chỉ hướng tới mục tiêu là giữ ổn định tiền tệ, thận trọng trong việc điều tiết dòng tiền và kiểm soát chất lượng tín dụng.
Vì thế, nếu Fed giảm thêm lãi suất cơ bản USD một lần nữa trong năm nay như kỳ vọng, thì cũng không tác động quá lớn đến chính sách tiền tệ của NHNN, mà chỉ khiến việc thực hiện các định hướng chính sách thuận lợi hơn do giảm bớt sức ép từ tỷ giá.
Video đang HOT
Một số ý kiến cho rằng, NHNN đã có động thái nới lỏng tiền tệ khi vừa điều chỉnh nâng hạn mức tín dụng cho một loạt ngân hàng.
Tỷ giá khó biến động cuối năm
Chính việc Fed liên tục cắt giảm lãi suất trong thời gian qua đã tác động tích cực lên thị trường ngoại hối, cũng như giảm bớt áp lực tỷ giá. NHNN hạn chế dần cho vay ngoại tệ và hướng chuyển sang mua – bán, thay vì vay – mượn ngoại tệ như trước.
Ngày 18/11, NHNN công bố tỷ giá trung tâm VND/USD ở mức 23.140 đồng, giảm 6 VND/USD so với phiên cuối tuần qua. Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN mua vào ở mức 23.200 VND/USD (không đổi) và bán ra ở mức 23.788 VND/USD (giảm 1 VND/USD so với cuối tuần rồi). Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá VND/USD tại Vietcombank tăng 5 VND/USD so với cuối tuần qua, phổ biến ở mức 23.145 – 23.265 VND/USD (mua – bán).
Một chuyên gia tài chính cho rằng, đối với tỷ giá VND/USD, tác động tức thời của việc Fed hạ lãi suất lần mới nhất là không lớn, do thị trường ngoại hối Việt Nam về cơ bản ổn định (do quan hệ cung – cầu cơ bản ổn định, thanh khoản thị trường tương đối dồi dào, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng…). Dẫu vậy, theo vị chuyên gia này, doanh nghiệp vẫn cần theo dõi sát sao, bởi những biến động trên thị trường ngoại hối quốc tế sẽ có tác động nhất định tới tỷ giá VND/USD.
Về trung và dài hạn, tỷ giá VND/USD sẽ tùy thuộc chủ yếu vào các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng GDP, trạng thái cán cân thanh toán tổng thể, cán cân thương mại, thu hút FDI, giá vàng… và sự quản lý sát sao, cũng như động thái phù hợp của NHNN.
Các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo, khả năng Fed cắt giảm lãi suất một lần nữa trong năm 2019 là khá cao. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục bám sát, theo dõi sát sao động thái của Fed và ngân hàng trung ương các nước, cũng như những biến động trên thị trường tài chính quốc tế, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần chú trọng tăng khả năng chống chịu, tiếp tục tăng các gối đệm trước những cú sốc từ bên ngoài… để có phản ứng linh hoạt, kịp thời, cũng như có chính sách tiền tệ và thương mại phù hợp, giúp nền kinh tế và thị trường tài chính – tiền tệ phát triển ổn định.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) cho rằng, năm nay, NHNN điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, phù hợp, nên đã vừa giữ ổn định giá trị đồng tiền, vừa hỗ trợ xuất khẩu.
Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, việc giữ ổn định tỷ giá là khâu quan trọng nhất để tạo niềm tin vào đồng nội tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Còn ở góc độ thị trường, cung – cầu ngoại tệ mới là yếu tố quyết định tỷ giá. Hiện thanh khoản ngoại tệ tốt, cung ngoại tệ đang dư thừa, việc giữ tỷ giá ổn định, không để VND tăng giá nhiều so với USD đã hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu, nên không có lý do gì phải phá giá.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Giảm lãi suất hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chính thức giảm các loại lãi suất điều hành xuống 0,25% từ ngày 16-9. Động thái trên của NHNN có tác động đến lãi suất chung trên thị trường và tăng trưởng nền kinh tế trong thời gian tới.
Giảm đúng thời điểm
Mặc dù đây là lần đầu tiên NHNN giảm lãi suất điều hành kể từ tháng 10-2017 nhưng động thái này không bất ngờ mà chỉ là sự đồng thuận xu hướng giảm lãi suất của thế giới. Hiện nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã hạ lãi suất nhiều lần từ đầu năm đến nay để hỗ trợ nền kinh tế. Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tính từ đầu tháng 8-2019, đã có khoảng 19 ngân hàng trung ương trên thế giới hạ lãi suất cơ bản.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng đã hạ lãi suất USD lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ và ngày 18-9-2019 đã tiếp tục hạ thêm 0,25% về 1,75%- 2%/năm, đồng thời cơ quan này tiếp tục cam kết hành động phù hợp để duy trì đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại tăng mạnh nên lãi suất cho vay vào thời điểm cuối năm sẽ khó giảm. Ảnh: Phan Lê
Nhiều nước trong nhóm nền kinh tế mới nổi cũng đã hạ lãi suất. Còn với bối cảnh trong nước, hiện lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức tương đối thấp, CPI 8 tháng đầu năm 2019 tăng 2,57%, thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Thông thường, khi lãi suất điều hành giảm sẽ tạo áp lực tăng lạm phát nên việc hiện tại giữ được lạm phát tương đối thấp là thời điểm thích hợp để giảm lãi suất.
Với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, tăng trưởng thương mại của Việt Nam ít nhiều sẽ gặp bất lợi. Do đó, việc NHNN chủ động cắt giảm lãi suất điều hành trong thời điểm này là bước đi thận trọng cần thiết để đảm bảo đà tăng trưởng kinh tế được duy trì và tạo điều kiện tăng sức chịu đựng của nền kinh tế trong nước khi đứng trước những bất ổn từ kinh tế thế giới, đồng thời không tạo áp lực lớn lên lạm phát và tỷ giá.
Thực tế cho thấy, thị trường đón nhận thông tin này khá tích cực khi đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên của chính sách nới lỏng kinh tế. Thị trường chứng khoán Việt Nam sau động thái giảm lãi suất của NHNN đã bật tăng trở lại, VN-Index đóng phiên trong ngày 19-9 đã tiến sát mốc 1.000 điểm, ở mức 997,1 điểm.
Cần thời gian thẩm thấu
Giảm lãi suất điều hành mang lại kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ khá hơn, từ đó góp phần giữ được nhịp độ tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, ở góc độ thực tế, tác động của việc giảm các loại lãi suất điều hành tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, ở Việt Nam, lãi suất điều hành không mấy liên quan đến lãi suất thị trường vì các ngân hàng thương mại vay từ NHNN không lớn, đặc biệt là kênh tái cấp vốn hầu như không hoạt động, chỉ cho vay với ngân hàng sắp phá sản.
Liên quan đến tác động của việc giảm lãi suất điều hành tới thị trường nói chung, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, lãi suất điều hành chỉ giảm 0,25% hầu như không tác động đến thị trường nhưng tạo ra một không gian để NHNN có thể dễ dàng điều chỉnh chính sách, đồng thời tạo tâm lý tích cực tới thị trường. Từ nay đến cuối năm, NHNN có thể xem xét giảm thêm mới có giá trị thực trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, mặc dù giảm lãi suất điều hành tại Việt Nam sẽ chưa tác động ngay tới lãi suất thị trường nhưng đây là thông điệp chính sách quan trọng theo hướng nới lỏng tiền tệ. Thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại (NHTM) yếu thanh khoản đã đẩy lãi suất huy động lên khá cao, nới rộng khoảng cách với lãi suất huy động của nhóm các NHTM nhà nước và NHTM tư nhân lớn.
Song với tỷ trọng trên 70% thị phần, huy động và cho vay, nhóm NHTM nhà nước và các NHTM tư nhân lớn mới đóng vai trò quyết định trong xu hướng lãi suất chung của thị trường. "Trong bối cảnh có nhiều yếu tố thuận lợi, các biện pháp kỹ thuật của NHNN nếu có được sự đồng lòng của các NHTM lớn thì mục tiêu giảm lãi suất vẫn có thể đạt được mà chưa cần phải dùng đến biện pháp nới lỏng, bơm tiền vào nền kinh tế"- ông Linh nhận định.
Bình luận về việc giảm lãi suất điều hành sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thời gian tới, ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, cần có lộ trình và độ trễ nhất định. Vì khi các tổ chức tín dụng vay từ NHNN, có thể vay dưới dạng tái cấp vốn, vay liên ngân hàng qua đêm... chỉ ở những trường hợp nhất định ví dụ như có các gói tín dụng mà NHNN yêu cầu phải ưu tiên, hỗ trợ...
Nếu các NHTM tham gia các gói hỗ trợ đó thì sẽ được vay tái cấp vốn từ NHNN với lãi suất thấp hơn một chút nhưng mức vay sẽ không nhiều. Do đó, động thái giảm lãi suất của NHNN sẽ có tác động tích cực nhưng cũng cần phải được thẩm thấu dần. Sự thẩm thấu này khả năng sẽ phải đến cuối năm 2019 hoặc phải sang năm 2020.
Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), với nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước tích cực như hiện nay, lãi suất về cơ bản sẽ diễn biến ổn định, được hỗ trợ bởi các yếu tố tích cực như thanh khoản hệ thống được đảm bảo, có dư thừa, tín dụng tăng phù hợp với chỉ tiêu định hướng. Ngoài ra, xu hướng ngân hàng trung ương các nước không còn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt như giai đoạn trước giúp giảm áp lực cho lãi suất trong nước. NHNN điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng.
NHUNG NGUYỄN
Theo saigondautu
SSI Research: Vinamilk tiếp tục gia tăng thị phần nhưng cần vượt qua nhiều thách thức ngắn hạn về giá nguyên liệu, thay đổi thói quen tiêu dùng SSI kỳ vọng việc mua lại thành công GTN Foods/Mộc Châu là 1 trong 3 động lực tăng trưởng chính trong tương lai cùng với việc tăng doanh thu từ các sản phẩm mới ra mắt giai đoạn 2018-2019 và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Vinamilk (VNM) đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2019, với doanh thu thuần 14.290...