Các bác sĩ viết sẵn di chúc trước khi tham gia chống dịch
Có nhiều bác sĩ tham gia tuyến đầu chống Covid-19 đã viết sẵn di chúc phòng khi điều xấu nhất xảy đến với bản thân.
Michelle Au là một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Emory St. Joseph ở Atlanta. Là bác sĩ chuyên ngành gây mê hồi sức, nhiệm vụ chính của cô là đặt nội khí quản cho bệnh nhân suy hô hấp. Đây là một công việc đòi hỏi sự khéo léo khi bác sĩ đưa một đường ống qua miệng để vào đến khí quản của người bệnh. Thủ thuật này khiến bác sĩ có nguy cơ phơi nhiễm cao vì họ tiếp xúc rất gần với miệng bệnh nhân.
“Một số bệnh nhân thở hắt ra hoặc ho khi tôi đưa ống vào”, bác sĩ Au cho biết.
Tuần trước, Michelle Au đã đặt nội khí quản cho hai bệnh nhân mắc Covid-19. Chia sẻ về khoảnh khắc đó, cô nói: “Đồng hồ đếm 10 giây, 20 giây, 30 giây. Thủ thuật này tiến hành càng lâu thì tôi càng có nguy cơ lây nhiễm virus từ bệnh nhân”.
Bác sĩ Au là một bác sĩ gây mê tại Bệnh viện Emory St. Joseph ở Atlanta
Virus có thể vướng lên tóc hoặc móng tay cô, sau đó bám lên người chồng và ba đứa con nhỏ đang đợi cô ở nhà. Vì vậy, mỗi ngày trước khi rời bệnh viện, bác sĩ Au phải tắm rửa, gội đầu và thay quần áo. Sau đó, cô lấy dung dịch khử trùng lau sạch mọi bề mặt mình từng chạm vào như cửa xe, vô lăng, điện thoại,…
“Cách đây không lâu, tôi nghĩ những thủ tục này thật phiền toái, nhưng giờ đây nó là cách duy nhất để tôi bảo vệ người thân và gia đình”, cô Au nói.
Thậm chí, khi đã sát khuẩn kĩ càng, cô vẫn ngủ dưới tầng hầm, trong khi chồng cô – một bác sĩ phẫu thuật và các con ngủ tại hai phòng khác nhau.
Cuối tuần trước, vợ chồng bác sĩ Au đã nghiêm túc ngồi lại thảo luận về di chúc của mình. Theo đó, trong trường hợp cả hai vợ chồng cô cùng qua đời vì Covid-19 thì họ sẽ có 4 lựa chọn ủy thác quyền nuôi con.
“Hai lựa chọn đầu tiên sẽ là ông bà nội ngoại hai bên; người thứ ba sẽ là một bác sĩ. Chúng tôi đang tìm người thứ tư có rủi ro thấp hơn”, Au chia sẻ.
Video đang HOT
Bác sĩ John Marshall, Trưởng khoa cấp cứu tại Trung tâm Y tế Maimonides, Brooklyn, New York lại chọn cách vẫn về nhà để được nhìn thấy các con từ xa. Tuy nhiên, suốt một tháng qua ông không ngủ chung với vợ một lần nào. Một số đồng nghiệp của ông cũng đưa vợ con đến nơi an toàn hoặc thuê nhà trọ để ở riêng, tránh tối đa việc tiếp xúc với gia đình.
“Chúng tôi biết cách chữa trị một vết thương do đạn bắn, biết phải làm gì khi ai đó bị nhiễm trùng huyết hay lên cơn đau tim. Nhưng Covid-19 là một chủng virus mạnh và hoàn toàn mới. Không có cách nào chắc chắn để chúng tôi tự bảo vệ mình và gia đình”, bác sĩ Marshall thừa nhận.
Ông cũng khuyến khích cấp dưới viết sẵn di chúc đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra.
Tiến sĩ, bác sĩ Jane van Dis, bác sĩ sản phụ khoa ở Los Angeles là một mẹ đơn thân. Jane đã suy nghĩ rất nhiều trong hoàn cảnh này. Cô cũng nghiên cứu rất nhiều các chính sách bảo hiểm nhân thọ, kiểm tra lại thẻ tín dụng, thế chấp và các khoản vay để có thể ủy thác cho người cô tin tưởng chăm sóc con mình.
Bác sĩ Vicki Jackson làm việc tại bệnh viện Mass General, bang Massachusetts lại nhắn nhủ với chồng mình: “Anh nên tái hôn nếu em ra đi vì Covid-19. Em chỉ cần cô ấy đối xử tốt với con của chúng ta.”
Các bác sĩ như Au, Marshall, Jackson ý thức rất rõ họ đang phải đối mặt với cái gì. Tuy nhiên trước câu hỏi về ý định bỏ cuộc vì hiểm nguy và áp lực, bác sĩ Bhardwaj khẳng định: “Với tư cách là một người mẹ, tôi phải làm mọi cách để bảo vệ con cái mình. Nhưng tôi không bao giờ quên mình là một bác sĩ. Tôi sẽ không bao giờ lùi bước”.
Trường Giang
Nhiều người Mỹ thiếu thông tin về Covid-19
Scott Isaacs là bác sĩ nội tiết trong hơn hai thập kỷ ở Atlanta, nhiều tuần qua điện thoại của ông reo liên tục bởi bệnh nhân hỏi "tôi phải làm gì".
Công việc của bác sĩ Scott 20 năm qua là chữa trị cho các bệnh nhân lớn tuổi mắc tiểu đường ở khu vực Atlanta. Ông chưa từng tưởng tượng một ngày, mình sẽ chiến đấu trên tuyến đầu chống đại dịch.
Nhiều tuần liền, điện thoại của ông reo liên tục. Các bệnh nhân tiểu đường - đối tượng có nguy cơ cao mắc Covid-19 muốn biết: Làm thế nào để được xét nghiệm? Dự trữ thuốc ra sao? Liệu ông có thể viết thư đến công ty đề xuất cho tôi làm việc tại nhà hay không?
Tuần trước, bác sĩ Isaacs đã gặp một y tá đang mang thai, cũng là bệnh nhân tiểu đường tuýp 1. Cô hỏi mình nên ở nhà bao lâu để tránh lây nhiễm, ông thành thực nói: "Tôi thật sự không có câu trả lời".
Bác sĩ Isaacs vốn quen với việc chữa bệnh dựa trên kiến thức chuyên khoa. Song dịch bệnh bùng phát bất ngờ đưa ông đến một lĩnh vực mới, chia sẻ trải nghiệm cùng nhiều chuyên gia y tế khác, làm việc như một bác sĩ chính của các bệnh nhân Covid-19 cần chăm sóc đặc biệt.
Tiến sĩ Scott Isaacs, một bác sĩ chuyên khoa nội tiết tại Atlanta. Ảnh: NY Times
Rất nhiều người được đào tạo để xử lý các triệu chứng đặc thù và cố gắng bắt kịp diễn biến từ dịch bệnh theo tư vấn của chính phủ và các cơ quan y tế.
"Chúng tôi nghe được nỗi lo lắng từ các chuyên gia, những người chưa biết phải làm gì đối với bệnh nhân của mình. Bác sĩ da liễu, bác sĩ nhãn khoa hay thậm chí cả các nha sĩ", tiến sĩ Megan Ranney, một bác sĩ cấp cứu ở Rhode Island cho biết.
Tiến sĩ Sandra Weber, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Nội tiết Lâm sàng Mỹ nhận định, sự bùng phát của Covid-19 đã lập tức cho thấy người dân nước này phụ thuộc nhiều vào các chuyên gia y tế đến thế nào. Không phải ai cũng có bác sĩ cá nhân. Nhiều người dân không thường xuyên đến gặp bác sĩ nội khoa hoặc bác sĩ gia đình.
Khi cảm thấy lo lắng, họ có xu hướng gọi cho chuyên gia liên quan đến bệnh lý cụ thể mình đang có. Các bác sĩ tim mạch, phổi hay phụ sản được cho là rất phù hợp để tư vấn cho bệnh nhân về Covid-19. Song những người ở chuyên khoa khác gặp nhiều khó khăn khi lắng nghe câu hỏi họ không thường giải đáp trước đây.
Tiến sĩ Weber hỗ trợ bệnh nhân bằng cách cung cấp thêm thuốc men phòng trường hợp họ phải tự cách ly. Trong khi đó các bác sĩ tâm thần, đặc biệt là tại các khu học xá phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi như đường lây nhiễm tiềm năng của virus. Khối lượng công việc, lịch học của họ cũng dày hơn.
Đối với Gauri Khurana, một bác sĩ tâm thần chủ yếu làm việc với sinh viên đại học, các câu hỏi liên quan đến Covid-19 khiến cô gặp nhiều khó khăn. Sinh viên có xu hướng lo lắng về yêu cầu tốt nghiệp hoặc sức khỏe cá nhân, liệu họ có khả năng mắc bệnh hay không.
"Tôi không nghĩ nhiều người trong số họ có bác sĩ cá nhân và ở thời điểm này, mọi người đều hoảng loạn, tự hỏi điều gì sẽ xảy ra. Có những bệnh nhân muốn bỏ học, chuyển đến Canada. Họ cảm thấy biết ơn đối với bất cứ lời khuyên nào, đặc biệt là từ một bác sĩ bởi giờ có quá nhiều thông tin sai lệch", cô nói.
Chính vì vậy tiến sĩ Khurana liên tục đọc các bài báo về nCoV, cố gắng hết sức để tư vấn cho các bệnh nhân của mình. Một số phương án được đề xuất bao gồm sử dụng thẻ tín dụng thay vì tiền mặt, đeo găng tay khi đi ra ngoài, mang theo vật dụng cá nhân...
Tiến sĩ Rajeev Jain, một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa ở Dallas. Ảnh: NY Times
Tiến sĩ Rajeev Jain, một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa ở Dallas đã điều trị cho lượng lớn bệnh nhân bị rối loạn tự miễn dịch. Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho họ, Jain đã huỷ bỏ một số buổi hẹn khám không cần thiết. Phần lớn thời gian ông trả lời các cuộc gọi từ bệnh nhân. Nhiều người thắc mắc liệu họ có nên ngừng sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hay không. Sau khi tham khảo lời khuyên chung từ các hiệp hội tiêu hoá Mỹ, bác sĩ Jain cho rằng bệnh nhân nên tiếp tục điều trị bình thường.
Ông lo lắng nếu ngừng dùng thuốc, bệnh nhân có thể nhiễm các bệnh khác và phải nhập viện.
"Hiện tại đó là nơi chứa nhiều virus nhất. Đây là điều cuối cùng mà tôi muốn làm", ông nói.
Khi các bác sĩ chuẩn bị tinh thần bước vào một giai đoạn ngày càng khó khăn, đại diện các hiệp hội y tế cho biết họ đang nhanh chóng phát triển và phân bổ các nguồn lực để hỗ trợ công tác điều trị cho bệnh nhân.
Patrice Harris, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Mỹ cho biết đơn vị này đã phát triển một trung tâm tài nguyên trực tuyến về Covid-19 nhằm hướng dẫn các bác sĩ. Bà cũng nói thêm rằng hiệp hội đã nhận thức được khó khăn còn tồn tại và cố gắng giải quyết tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ, bao gồm khẩu trang N95.
Dịch bệnh quét qua, nhiều cơ sở y tế đối mặt với những vấn đề không thể lường trước. Bác sĩ Isaacs cho biết phòng khám của ông đã 4 lần bị cướp khẩu trang, khăn diệt khuẩn và dung dịch khử trùng.
Trong khi đó, tiến sĩ Supriya Mahajan, chuyên gia thần kinh tại một phòng khám tư nhân ở Ohio cho biết cô phải đối mặt với tổn thất tài chính khi chuyển hầu hết các cuộc hẹn khám trực tiếp sang điều trị từ xa.
Dù gặp nhiều khó khăn, hầu như các y bác sĩ vẫn đặt lợi ích của bệnh nhân lên trước.
"Tôi đã nhắc nhở bản thân về việc vì sao mình chọn ngành y tế ngay từ đầu. Tôi cần phải cố gắng và làm hết những gì có thể để giúp đỡ các bệnh nhân", tiến sĩ Rajeev Jain chia sẻ.
Ngày 29/3, Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 123.313 ca nhiễm, 2.211 ca tử vong và 3.231 người hồi phục. Số ca tử vong ở Mỹ đã tăng gấp đôi chỉ trong ba ngày, bao gồm một trẻ sơ sinh ở thành phố Chicago. New York, Washington và California là ba bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thục Linh
'Hãy vỗ tay cho các y bác sĩ, nhưng quan trọng hơn là bạn ở trong nhà' Từ Vũ Hán đến Italy, Tây Ban Nha, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, người dân đã ra ban công để thể hiện lòng biết ơn những nhân viên y tế đang ở tuyến đầu chống dịch. Vỗ tay trở thành một hành động được nhiều người thực hiện. Với hơn 1/3 dân số thế giới sống dưới cảnh phong tỏa, việc...