Cả xóm nghèo bàng hoàng ngày trở thành… tỷ phú
Cho đến tận hôm nay, cả xóm Thượng thuộc thôn Khê Tang, xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội vẫn chưa thể nào quên cái ngày mà cả xóm trở thành tỉ phú.
Nhà nhà, người người “may túi ba gang” ra ủy ban xã lĩnh tiền đền bù đất. Ai có trí tưởng tượng phong phú nhất cũng chẳng thể mơ mình trở thành tỉ phú nhanh đến thế và có nhiều tỉ đến thế. Cả xóm vỏn vẹn có 300 hộ nhưng tiền đền bù lên đến hơn 800 tỷ, một số tiền quá lớn đối với một làng quê thuần túy nông nghiệp…
Cả xóm thành tỷ phú
Chuyện đền bù đất do nhà nước mở đường, hay các khu đô thị… chẳng còn xa lạ gì đối với Việt Nam khi trong mấy năm qua, quá trình đô thị hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ.
Và một số làng quê vốn chỉ sống thuần túy bằng nông nghiệp bỗng chốc lại trở nên quá giầu. Bên cạnh sự bàng hoàng vì mình có quá nhiều tiền còn có cả chuyện loay hoay không biết làm gì với số tiền to đến như vậy.
Đường vào thôn Thượng hôm nay đã lấp ló nhiều nhà cao tầng đang xây dở
Dự án xây dựng tuyến đường mới nối từ thị xã Hà Đông đi xuyên qua các huyện phía nam Hà Tây cũ (nay là thành phố Hà Nội) đi vào thi công. Cuộc sống của người dân xã Cự Khê ( huyện Thanh Oai, Hà Nội) quay ngoắt 180 độ.
Tuyến đường này kết nối với quốc lộ 1A, liên thông với đường vành đai 4, đường Lê Trọng Tấn. Chính việc hình thành tuyến đường đã tạo động lực phát triển kinh tế, là cơ sở hình thành các khu công nghiệp, khu đô thị mới. Cự Khê là một trong những xã mà tuyến đường này chạy qua và nằm gọn trong dự án khu đô thị Thanh Hà – CIENCO 5.
Theo thông kê thì cả xóm Thượng có khoảng 1.200 nhân khẩu, 300 hộ gia đình. Cứ mỗi nhân khẩu sinh từ năm 1982 trở về trước có 3 sào bắc bộ, từ năm 1982 đến 1992 mỗi nhân khẩu được 1 sào 12 thước. Trong đó, mỗi sào bắc bộ tại khu vực này được đền bù lên đến 352 triệu đồng (sở dĩ có mức đền bù cao là do đây là khu vực giáp gianh với khu vực nội thành).
Với số nhân khẩu, số đất nông nghiệp và mức tiền đền bù như vậy thì cả xóm Thượng nhận tới hơn 760 tỉ đồng (theo thống kê của hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Thanh Oai).
Tuy nhiên, số tiền được đền bù 760 tỷ chỉ là phần nổi. Nhờ có tuyến đường và khu đô thị Thanh Hà – Cienco5 nên đất thổ cư đắt hơn bao giờ hết, trước đây chỉ vài ba triệu/m2 nhưng nay đã lên tới 27 đến 30 triệu/m2.
Ông Vũ Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Cự Khê- phụ trách giải phóng mặt bằng cho biết: “Không thể tưởng tượng được mức tiền đền bù nhiều đến thế! Điều lo ngại nhất ở đây là việc sử dụng đồng tiền như thế nào cho hợp lý. Tấm gương của nhiều địa phương vẫn còn đó…”.
“Hai năm nữa mới biết ai giàu ai nghèo!”
Sau lời mời của một anh bạn học phổ thông, tôi có cơ hội được vào ngôi làng tỷ phú và được chứng kiến sự đổi thay đến chóng mặt nơi đây.
Chỉ vài tháng trước đây thôi, anh bạn tôi tên H. vẫn là một anh “giai quê” chuyên bán cá, tôm tại các chợ tạm. Cuộc sống khá khó khăn, bố mất sớm, anh phải bỏ học giữa chừng để tìm kế sinh nhai.
Video đang HOT
Xóm Thượng như một “đại công trường”, nhiều ngôi nhà cũ bị đập bỏ và các ngôi nhà cao tầng mọc lên
Năm 18 tuổi anh lấy vợ và sinh một mạch 2 mụn con. Đã hơn 10 năm từ ngày quen H., chưa bao giờ tôi thấy… thần sắc anh tốt đến thế, cách nói chuyện cũng khác đi rất nhiều. Anh không còn rụt rè, ngài ngại khi nói đến chuyên tiêu xài nữa.
Bước vào cổng nhà H. đã thấy ngổn ngang vật liệu xây dựng. Nhà H. vừa phá ngôi nhà cổ cha ông để lại để xây một ngôi biệt thự 4 tầng. “Ông thông cảm, nhà đang xây ngổn ngang quá!” – H. niềm nở nói.
Bạn bè cũ chưa kịp hàn huyên thì hàng loạt những câu chuyện xoay quanh ngôi nhà đang xây, tiền được đền bù của gia đình H. và xóm Thượng được anh kể một cách hào hứng. “Nhà được đền bù nhiều không?”, H. trả lời thản nhiên: “Được có 5 tỷ bọ! Ở đây thế là bình thường đấy! Có hộ còn được hơn 9 tỉ cơ mà”. Qua cách nói chuyện của H., thì bạc tỉ ở nơi đây nó nhẹ nhàng, bọt bèo quá…
Bước vào xóm Thượng nay như vào một “đại công trường”. Ô tô, công nông chở vật liệu xây dựng quần suốt ngày đêm không kể nắng mưa. Khắp đầu đường cuối ngõ đâu cũng ngổn ngang gạch, cát.
Theo thống kê hiện nay, cả xóm có khoảng 50 hộ đang xây dựng nhà mới (toàn biệt thự 3 tầng trở lên), 20 hộ sửa lại nhà và hàng chục hàng quán mới được mở.
Trước đây, xe máy tay ga là loại phương tiện hiếm hoi, liệt vào hạng sang trọng của làng thì nay gần như gia đình nào cũng sở hữu ít nhất là 1 chiềc, có nhà có đến vài ba chiếc.
Câu chuyện của ông B. tại xóm Thượng đang trở thành câu chuyện “hot” nhất mà mọi người truyền nhau kể. Ông B. vốn là nông dân thuần túy, suốt ngày đầu tắt mặt tối với ruộng đồng. Sau khi nhận được tiền đền bù đất, ông quyết định mua cho 3 con mỗi người 1 chiếc xe máy Air Blade xịn.
Với bộ dạng nhếch nhác của mình, chẳng ai nghĩ ông có đủ tiền mua xe máy, hơn nữa ông không chỉ hỏi mua 1 cái mà còn mua đến 3 cái. Chủ cửa hàng không tin, nghĩ “ông này có vấn đề về thần kinh” nên không bán. Tự ái, ông sang cửa hàng khác ngay bên cạnh.
Hôm đó cả khu phố đều ngã ngửa vì đại gia chân đất, trong chớp mắt ẵm cả 3 con xe Air Blade xịn về nhà.
Còn có rất nhiều chuyện đổi thay đang xảy ra ở đây. Ông T. thì tự hào mình là một trong những người dân xóm Thượng ở xới gà chọi có thể “hô” thật to, bắt độ thật nặng ga mà không cần nghĩ tới chuyện “quay tiền” trả nếu thua.
Nay dân cờ bạc, cá độ xới chọi gà ai cũng biết ông T. với chiếc Dream mới tinh và tiền mang theo cả buộc. Khi được nhận tiền đền bù đất, ông quyết định mua cho vợ con mỗi người một cái két bạc với lý do: “Tiền của ai nấy tiêu, tiền tôi, tôi tiêu cho sướng…!”. Khi đem tiền đi gửi ngân hàng thì mỗi người một sổ không ai liên quan đến ai.
Thấy dân trong xóm đồn ông có con gà chọi dân chơi trả đến 30 triệu nhưng ông không bán. Khách đến nhà hỏi mua ông đều “văng” một câu lạnh tanh: “Trước đây 30 triệu với tôi là cả một gia tài, nhưng giờ nó chẳng là cái gì cả, bán làm gì…”.
“Được cá, mất cần”
Sau khi dân xóm Thượng nhận được tiền đền bù đất, UBND xã Cự Khê có tổ chức 2 cuộc họp. Nội dung các cuộc họp này là kêu gọi bà con trong xóm nên tiết kiệm và không phá hủy ngôi nhà đang ở (còn giá trị sử dụng) để xây nhà mới.
Tuy nhiên, việc này rất khó khăn. Ông Vũ Văn Kim – Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Cự Khê cho biết: “Việc này quả thật rất khó, vì tiền trong tay họ, hơn nữa có cả đống tiền như vậy, mua xe rồi chẳng biết làm gì nữa nên đua nhau xây nhà”.
“Họ vừa bị bẻ gãy mất chiếc cần câu mà bao đời nay cha ông mình vẫn dùng để mưu sinh…”
Ông Kim lại tiếp lời tỏ vẻ gay gắt: “Nhà ông M. xóm Thượng đấy, một ngày ông ý cho động thổ khởi công xây những 3 cái nhà cho 3 thằng con…”. Ông Kim buồn buồn gạt tàn thuốc lá và nói: “Chỉ 2 năm nữa mới biết ai giàu, ai nghèo chú à!”.
Ông Lê Đức Vinh, Trưởng thôn Thượng cho biết: “Chuyện xây nhà là dĩ nhiên, ai có tiền mà không muốn xây nhà.
Ở đây nhà nào cũng vậy, có bao nhiêu thằng con trai là xây từng đó cái nhà”. “Đấy, nhà ông L.D.T. đó, có 3 thằng con nay ông cũng đang thi công 3 ngôi nhà. Cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện rồi”.
Có người ví von, cả xóm Thượng như được biếu một con cá khổng lồ, họ đang vui mừng mổ xẻ từng thớ thịt để hưởng thụ. Nhưng họ đâu biết rằng con cá dù to đến mấy rồi cũng sẽ hết và còn điều kinh khủng, nghiệt ngã hơn nữa mà dường như họ chưa nhận ra: Họ vừa bị bẻ gãy mất chiếc cần câu mà bao đời nay cha ông mình vẫn dùng để mưu sinh…
Theo Vietnamnet
Những mảnh đời vạn chài ven sông Hồng
Sông Hồng đang trong những ngày khô cạn kỷ lục, dải đất trống ven bờ ngổn ngang rác và cỏ dại. Hàng chục "nhà nổi' (Phúc Xá, Hoàn Kiếm, Hà Nội) nằm rách rưới, liêu xiêu trong gió lạnh.
Từ trên cầu Long Biên xuống, băng qua những cánh đồng ngô cằn cỗi vì thiếu nước, là xóm bãi Giữa. Chỉ cách Hà Nội không xa, nhưng nơi đây dường như biệt lập với thế giới của chốn đô thị, phồn hoa.
Trong căn nhà lụp xụp, 4 vách và mái được chắp vá chằng chịt bởi những mảnh tôn, ken them là những tấm gỗ cũ kỹ và loang lổ, ông Nguyễn Văn Trọng, 67 tuổi, trưởng xóm bãi Giữa tiếp khách trong bộ quần áo xộc xệch, cáu bẩn. Cái rét của mùa đông khiến ông lão cứ phải ngồi thu lu trong chiếc chăn đã nhàu nát, cũ kỹ.
Gió sông thổi vào ràn rạt, rón tay rót chén trà nóng mời khách, ông lão cho biết, 21 hộ ở đây đều là những người dân tứ xứ, không nhà không cửa, cắm chòi neo đậu bên sông. Ngay từ sớm, những dân ở đây đều túa đi các ngả để nhặt rác hoặc làm thuê. Ở nhà chỉ có người già và những đứa trẻ nhỏ quanh quẩn chơi trên bờ.
"Cả xóm có 24 cháu, trong đó có 13 cháu đang ở độ tuổi đến trường. Các cháu được lên bờ đi học cách đây khoảng 2km", ông Trọng nói bằng chất giọng đùng đục.
Những đứa trẻ con chơi ven sông. Ảnh: Quý Thông.
Xế trưa, khu làng vạn chài bãi Giữa sông Hồng vắng vẻ, nhiều nhà đóng cửa im ỉm, chỉ có vài con gà, chó tha thẩn trước nhà. Quẳng chiếc cuốc xuống bên góc nhà, ông Nguyễn Đăng Được, 63 tuổi vớt nước ngay từ dưới sông lên rửa tay, rửa mặt.
Đã mấy năm nay, do sức khỏe kém và già cả, ông không đi làm thuê được nên ở nhà trồng rau. Mấy khóm đậu, rau cải trước cửa nhà được ông thuê đất, rồi trồng rau đem đi chợ bán. Ngày ngày, vợ ông đi nhặt rác, làm thuê, mấy đứa con lớn lộc ngộc nhưng mới chỉ học hết lớp 7, lớp 4.
Trầm ngâm một lúc, ông Được cho biết, ông là một trong những người đầu tiên thành lập ra xóm bãi này. Chẳng nhớ năm nào, ông rời vùng quê Quảng Bình nghèo khó, quanh năm bão lụt lên Hà Nội làm đủ thứ nghề từ làm thuê, bốc vác... Năm 1990, ông Được gặp người vợ bây giờ là chị Kiều Thị Hoa, kém ông hơn 30 tuổi, quê ở Sơn Tây.
"Cái nghèo, cái khổ đã đẩy chúng tôi lại gần nhau. Hai chúng tôi dắt díu đến bãi sông này, dựng tạm lều sinh sống, có cưới xin gì đâu", ông vừa nói, đôi bàn tay nhăn nheo châm lửa hút thuốc lào.
Những ngày tháng lênh đênh trên chiếc lều dựng tạm, lần lượt 3 đứa con ra đời. Đứa lớn nhất 20 tuổi giờ mới đang học lớp 9, đứa thứ hai 15 tuổi đang học dở lớp 4. "Chúng tôi làm quần quật cả năm mà chẳng đủ ăn, nói gì đến chuyện cho con đi học. Cũng may mấy năm nay có tổ chức từ thiện giúp đỡ, nên lũ trẻ mới được lên bờ đi học. Nhưng rồi buổi học, buổi bỏ, chữ chưa kịp ngấm đã trôi theo dòng nước sông Hồng hết", ông nói giọng trầm buồn.
Ông Được trong căn chòi trên sông nước. Cả đời làm lụng vất vả, ông bà cũng không nuôi đủ 3 đứa con đang tuổi lớn. Ảnh: Quý Thông.
Những đứa con ông ngày ngày đánh vật với các con chữ. Một số sinh viên tình nguyện đã đến tận bãi, mở lớp dạy học tại các thuyền phao, con ông mới lần lượt leo được lên lớp. Với chiếc bảng đen, hơn chục cái đầu của trẻ em bãi Giữa hí hoáy trong ánh sáng lờ mờ từ ánh điện phát ra từ chiếc ắc quy. Lớp học tình thương đó đã gieo cái chữ cho biết bao đứa trẻ, mở ra cho chúng một tương lai tươi sáng hơn.
"Đời thất học như bố mẹ chúng đã khổ lắm rồi, tôi cũng muốn các con học được cái chữ để hiểu biết, mở mang thêm", ông nói.
Chiều muộn, những đứa trẻ cắp sách từ trường về, mặt mũi đứa nào cũng lem luốc, lếch thếch nhưng ánh mắt thì rạng ngời niềm vui. "Dù vất và và đói rét nhưng chúng cháu sẽ quyết tâm không bỏ học lần nữa, quyết tâm bám trụ để học lấy cái chữ", Bắc, 15 tuổi, học sinh lớp 4 tâm sự.
Đã mấy năm nay, một tổ chức từ thiện đã đến đây, vận động từng gia đình để cho các con em đi học. Những đứa trẻ ở độ tuổi đến trường đã được đến lớp, được tổ chức từ thiện nuôi ăn học từ sáng tới chiều.
"Ở lớp chúng cháu được học văn hóa và được học cả tiếng Anh nữa. Cháu thấy mình vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều bạn ở đây. Như mấy đứa trẻ cháu bà Hanh, bà Vân sắp đến tuổi đến trường mà cũng có nguy cơ không được đi học vì chẳng có giấy khai sinh gì cả", Tuyết, 13 tuổi cho hay. Cô bé trông đen nhẻm, gầy guộc đang theo học lớp học tình thương thuộc dự án Ngôi nhà tuổi trẻ, một trường học không chính quy và cho trẻ lang thang và trẻ nghèo nằm ở làng Phúc Xá.
"Dạy những lớp học này thường vất vả vì các em đã quen sống tự do, ban đầu dạy rất khó. Nhưng ẩn sau những gương mặt lam lũ đó, cũng là những tâm hồn khát khao những con chữ, khát khao được yêu thương", Phúc - một tình nguyện viên chia sẻ.
Hoàng hôn khuất bóng trên các bãi bồi ven sông Hồng, những người đi làm thuê cũng lục tục kéo nhau về căn nhà bập bềnh trên sông nước. Trong ánh sáng bập bùng được nhóm lên, vợ chồng, con cái quây quần bên bữa cơm đạm bạc, giữa âm u những ruộng sắn, ngô hoang vắng. Xóm chài trong chiều đông, khi sương bắt đầu giăng mắc, lại càng u ám, buồn bã.
Từ tháng 12, Công dân toàn cầu sẽ phối hợp cùng các câu lạc bộ, các nhóm cộng đồng trên cả nước thực hiện những "Ngày cuối tuần ấm áp" ở khắp mọi miền đất nước, tổ chức 2 lần trong một tháng. Với mong muốn cùng giới trẻ chung tay hành động trong những vấn đề xã hội, chương trình xây dựng mạng lưới hoạt động xã hội của thanh niên Việt Nam trên khắp cả nước, phát sóng lúc 14h chủ nhật hằng tuần trên VTV3. Chương trình được tài trợ bởi ABBANK.
Anh Thư