Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh: ‘Nhiều cô gái ở quê làm ruộng hát nhạc của anh Sơn rất hay’
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chia sẻ rằng ‘nhiều cô gái ở quê làm ruộng nhưng lại hát nhạc Trịnh rất hay’.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – Ảnh: Tiểu Vũ
Trong dịp kỷ niệm 23 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh đã dành riêng cho phóng viên Một Thế Giới những chia sẻ về việc giữ gìn phát huy di sản âm nhạc Trịnh Công Sơn mà gia đình đang thực hiện.
23 năm sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời, âm nhạc của ông đang được gia đình gìn giữ phát huy và lan tỏa đến mọi thành phần trong xã hội. Theo ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – em gái của cố nhạc sĩ, việc gìn giữ phát huy di sản âm nhạc Trịnh Công Sơn là trách nhiệm rất lớn của gia đình. Chính vì lẽ đó, trong những năm gần đây gia đình khuyến khích các nghệ sĩ nên có nhiều sáng tạo đổi mới trong cách tiếp cận và trình diễn nhạc Trịnh theo hướng hiện đại hơn, kể cả kết hợp với nhạc điện tử (EMD), rap, hip hop, rock… Gia đình sẵn sàng mở rộng tấm lòng để đón nhận và trao cho ca sĩ trẻ cơ hội để nhạc Trịnh có một hành trình mới trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh tin rằng nhạc Trịnh Công Sơn có đời sống riêng và có chỗ đứng vững chắc trong từng thành phần lứa tuổi. Người trẻ thích nghe thích hát nhạc Trịnh theo phong cách mới, người già thì thích nghe theo lối cổ điển, dù bằng cách nào thì nhạc Trịnh vẫn đang được phổ biến rất rộng rãi trong đời sống của người Việt.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thập niên 1990 – Ảnh: Gia đình cung cấp
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh tiết lộ ngày xưa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và người bạn là nhà văn Nguyễn Quang Sáng có lần về quê đã rất ấn tượng khi biết những cô gái làm ruộng ở quê nhưng thuộc và hát nhạc Trịnh rất hay. “Điều đó cho thấy nhạc anh Sơn ngoài tính triết lý nhân văn thì rất gần gũi với mọi người”, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nói.
Về việc một số ca sĩ hát sai lời nhạc Trịnh, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nói rằng nếu họ hát sai thì mình có ý kiến, tuy nhiên gia đình cũng không quá khắt khe: “Nếu bạn nào hát sai thì mình khuyên các bạn nên nghiên cứu về ca từ Trịnh Công Sơn để mà sửa… Nói chung gia đình sống theo cách của anh Sơn, người sai phải biết sửa…”.
Video đang HOT
NS Trần Mạnh Tuấn: 'May mắn khi còn sức khoẻ thổi Saxophone cho anh Trịnh Công Sơn nghe'
Bên cạnh ra mắt nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn, buổi tưởng niệm 23 năm ngày mất nhạc sĩ càng thêm xúc động khi nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn thổi Saxophone "phục vụ" cố nhạc sĩ.
Đã thành thông lệ hằng năm, đến ngày 1-4, người thân cùng đông đảo bạn bè thân thiết lại tề tựu về ngôi nhà số 47C Phạm Ngọc Thạch nơi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sống và làm việc đến cuối đời để tưởng nhớ ông.
Tưởng niệm 23 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.Ảnh: VĂN HÀ
Theo đó, chương trình có sự góp mặt của vợ chồng ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, vợ chồng nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn, ca sĩ Tấn Sơn, cùng các thành viên nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn và khán giả yêu mến cố nhạc sĩ.
Ra mắt nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn
Năm nay, nhân ngày giỗ lần thứ 23 (2001-2024) của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nhóm nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc Trịnh Công Sơn (gọi tắt là Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn) chính thức được giới thiệu.
Ông Nguyễn Trung Trực giới thiệu về nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn
Nhóm nghiên cứu là sự hợp tác giữa gia đình cố nhạc sĩ và Tiến sĩ Nguyễn Nam (Trưởng nhóm Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại ĐH Fulbright Việt Nam) cùng các bạn sinh viên.
Chia sẻ về nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Trung Trực, đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết trước nhiều ca sĩ trẻ, người trẻ làm mới cũng như hát nhạc Trịnh gia đình nghĩ đến vấn đề chuyển giao.
"Những thế hệ tới phải hiểu rất rõ ca từ Trịnh Công Sơn, ý nghĩa, triết lý, viết cho ai và bối cảnh như thế nào? Ảnh hưởng của Phật giáo, yếu tố khác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để dẫn đến một thế hệ hi vọng rằng hiểu nhạc Trịnh Công Sơn sâu hơn thì lúc đó mới có thể hát được nhạc Trịnh" - ông Nguyễn Trung Trực nói.
Có mặt tại buổi ra mắt, TS Nguyễn Nam cho biết nhóm nghiên cứu và biểu diễn nhạc Trịnh Công Sơn được thành lập tại ĐH Fulbright với sự bảo trợ của vợ chồng ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh.
TS Nguyễn Nam (thứ hai bìa trái), nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cùng các bạn trẻ nhóm nghiên cứu
"Tại ĐH Fulbright, có những bạn trẻ là sinh viên sẽ trình bày các ca khúc nhạc Trịnh theo cách hiểu cách cảm phong cách riêng của họ vừa là kết nối vừa là sáng tạo
Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn sẽ nghiên cứu tác giả, nghiên cứu trường hợp sáng tác... được mở rộng trong bối cảnh lịch sử, văn hoá, triết học, tôn giáo...
Đây là nền tảng giới trẻ hiểu về đất nước, trong quan hệ quốc tế đa chiều trong giai đoạn lịch sử đó. Nói cách khác nghiên cứu Trịnh Công Sơn là để chúng ta đặc biệt là thế hệ gen Z hiểu hơn về ông về nước Việt trong những tương tác lịch sử thế giới" - TS Nguyễn Nam chia sẻ.
Trong thời gian tới nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn hi vọng sẽ thực hiện được concert mang tên Cùng về trong vòng tay mẹ dự định tổ chức trong ngày 8-3-2025 (hướng đến 50 năm thống nhất đất nước), podcast Trịnh Công Sơn của tôi và của chúng ta, cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác...
Đặng Anh Kiệt, sinh viên năm cuối của ĐH Fulbright hát tại chương trình Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn nhớ về Trịnh Công Sơn
Bên cạnh việc ra mắt Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn mọi người lại cùng nhau thể hiện lại những ca khúc của cố nhạc sĩ.
Có mặt tại chương trình, dù những bước đi chưa vững, tay vẫn còn yếu sau khi bị tai biến, thế nhưng sự hồi phục "thần kỳ" của nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn khiến bạn bè, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không khỏi vui mừng.
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn và ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh
Tại đây, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã thổi các ca khúc như Diễm xưa, Xin cho tôi, Biển nhớ...
Gần 20 phút, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn khiến mọi người xúc động khi tái hiện loạt ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Chia sẻ với PLO, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cho biết anh cảm thấy may mắn khi còn đủ sức khoẻ thổi cho người anh đáng kính nghe.
"Khi đặt chân đến nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn cho mình một cảm xúc rất lạ. Biết anh từ năm 1992, bao nhiêu niệm với anh tại căn nhà này và cũng tại đây anh Sơn để lại cho tôi những kỷ vật vô cùng quý đó là 5 bức tranh sơn dầu do chính tay anh Sơn vẽ. Tôi cũng học được rất nhiều điều về anh Sơn từ con người cũng như cách tư duy âm nhạc của anh, những điều đáng quý đó sẽ theo tôi mãi" - nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn nói.
Nhớ về lần cuối gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cho biết trước hai ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, ông không muốn ai thấy hình ảnh của mình lúc đó nên không cho ai vào gặp.
"Chỉ có tôi được vào gặp. Lúc đó tôi có mang tờ giấy xin phép để làm album Hạ trắng và xin chữ ký cuối cùng của anh Sơn. Một kỷ niệm rất vui, tôi vào tận giường trả tiền tác quyền cho anh Sơn thì lúc đó 10 triệu cho 10 bài nhưng anh ấy chỉ viết 10 nghìn cho 10 bài. Đó là kỷ niệm rất dễ thương giữa tôi và anh Sơn trước khi anh mất"- nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn chia sẻ.
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn thổi ca khúc Xin cho tôi
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cũng tiết lộ, bản thân và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dự định làm một đĩa CD, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn sẽ thổi Saxophone một bài, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể về mình, cũng như bài hát của anh.
"Nhưng cuối cùng lại không thực hiện được vì anh Sơn ra đi nhanh quá" - nam nghệ sĩ nghẹn ngào.
Producer gen Z đưa nhạc Việt vươn ra thế giới Ca khúc 'Die Alone' với sự kết hợp của 3 producer Hoaprox, K-391, Nick Strand cùng nhạc sĩ Erik Smaaland vừa ra mắt. Die Alone là sản phẩm âm nhạc quy mô lớn nhất bậc nhất lịch sử nhạc điện tử (EDM) Việt. Hoaprox - người từng được mệnh danh là "Cậu bé vàng" của EDM Việt Nam - có cơ hội bắt...