Ca sĩ Khánh Ly: Trịnh Công Sơn nên đi tu!
“Ông Sơn là người rất dễ thương. Tôi nghĩ ông nên đi tu mới phải vì ông hiền lắm” – Khánh Ly tâm sự trong buổi ra mắt cuốn sách đầu tay.
Ca sĩ Khánh Ly vừa có buổi ra mắt cuốn sách đầu tay Đằng sau những nụ cười tại Hà Nội vào tối 12/6. Cuốn sách cho thấy nhiều điều về cuộc đời của một người nghệ sĩ, lại là nghệ sĩ Việt sống nhiều năm ở nước ngoài với những chuỗi ngày rong ruổi từ sân bay này qua sân bay khác. Và cuốn sách cũng hé lộ một Khánh Ly không phải diva nhạc Trịnh nữa mà một Khánh Ly rất đời, một người đàn bà bình thường, yêu chồng thương con.
Buổi ra mắt sách của Khánh Ly đã vượt ra khỏi một buổi giới thiệu sách khô cứng mà nó tràn đầy xúc cảm, của cả tác giả lẫn độc giả. Bởi bà đã biến không gian ra mắt sách nhỏ hẹp trở thành một buổi du ca thực sự với những ngẫu hứng bằng loạt các bài hát quen thuộc.
Khánh Ly có cuộc trò chuyện đầy xúc cảm với độc giả. Dưới đây là loạt câu hỏi và những sẻ chia của người nghệ sĩ mà cho tới giờ, những hỉ – nộ – ái – ố của cuộc đời không còn làm bà bận tâm.
Tôi không có gì hối tiếc
- Thưa bà, đời sống của người nghệ sĩ, lại nổi tiếng như bà, chắc khác người bình thường nhiều lắm?
- Đời sống của tôi không có gì khác người bình thường. Tôi cũng biết vui, buồn, lo sợ, biết ghen tuông, yêu chồng, yêu con, biết khóc, cười. Chỉ là vui nhiều hay buồn nhiều, khóc nhiều hay cười nhiều mà thôi.
- Ở tuổi 70, bà có điều gì cảm thấy hối tiếc không?
- Trở lại Hà Nội sau 40 năm ra đi sống trên đất khách, khi tôi đã 70 tuổi, ở tuổi đó, mình làm được gì? Tôi vẫn luôn tự hỏi như vậy và tự trả lời mình là có, có chứ. Tuổi tác vẫn là con số thôi, nhưng trái tim, cảm xúc với cuộc đời còn mới quan trọng và mới đủ là động lực để mình đi tới.
Tôi sống không hận thù, không ghen tuông. Lúc nào cũng thấy cuộc đời đẹp, không có gì bạc đãi mình.
Khánh Ly chia sẻ lúc nào bà cũng thấy cuộc đời đẹp.
May mắn được hát nhạc Trịnh (nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – PV), có người chồng yêu thương mình. Tôi không có gì hối tiếc trong đời sống này. Bây giờ, tôi muốn làm được nhiều việc, không phải cho tôi mà cho người khác, những người không may mắn. Tôi không có gì cho ai, chỉ có trái tim. Đó là niềm an ủi trong những ngày tháng còn lại. Hôm qua xảy ra chuyện gì với tôi, tôi biết, ngày hôm nay cũng vậy nhưng ngày mai thì tôi chịu.
Thế cho nên, những gì mình làm được hôm nay thì làm luôn chứ để đến ngày mai thì không biết sao nữa. Tôi là người may mắn lắm, được người trẻ thương, người già thương, đàn ông cũng quý, đàn bà cũng yêu, ai cho bao nhiêu tôi nhận bấy nhiêu. Tôi chẳng có gì hối tiếc cả.
- Lúc nào cũng thấy bà than, sao tôi khổ thế này, sao tôi suốt ngày phải mang những chiếc vali nặng thế kia. Có khi nào bà chùn chân mà muốn dừng lại tất cả. Khi chồng bà còn sống, sao bà không để ông ấy lo những việc đó giúp bà, giống như nhiều ca sĩ khác?
- Là ca sĩ, cho tới thời điểm này, tôi tự hào rằng tôi chưa bao giờ đến trễ hơn ban nhạc. Tôi đến khi ban nhạc chưa tới và về muộn nhất khi không còn ai. Tôi vẫn còn yêu nghề lắm lắm.
Tôi đến sớm cũng có lý do của mình. Nhiều người không thích hát mở màn bởi phải thử âm thanh, ánh sáng, đo lòng khán giả. Tôi biết điều đó và luôn đi sớm để bầu show không phải lo lắng. Đối với tôi, hát đầu hay hát cuối cũng thế. Khi khán giả yêu mình thì mình có hát đầu hay đuôi thì họ vẫn yêu mình.
Video đang HOT
Tôi không để chồng xách vali cho tôi. Bởi tôi coi đó là việc của tôi. Anh giữ cho tôi hình ảnh trong lòng khán giả, mắt khán giả, tai khán giả. Chồng tôi làm cho tôi được ở trong lòng khán giả lâu dài, thế là làm cho tôi quá nhiều rồi.
- Bà đã từng cảm thấy ân hận điều gì với chồng?
- Nói về người mình yêu thì nói mãi không hết chuyện, lúc nào trong lòng cũng có mối ân hận, có điều chưa làm được cho chồng. Đến lúc biết không còn nhìn thấy nhau tôi không thể nói được cảm giác ấy nhưng lòng ân hận tràn đầy. Yêu chưa đủ, nhiều điều chưa làm được. Yêu và đền bù cho chồng chưa đủ. Nhưng không phải vì như thế mà tôi ngồi chết trong căn phòng một mình.
Tôi có được tiếng hát, ít ra trong quá khứ, tôi đi đến gần những cảnh đời khốn khó, làm những công việc không dễ chịu lắm mà tôi vẫn làm được. Vậy tôi nghĩ sao tôi không dùng tiếng hát này đi đến gần những người không may? Chồng muốn tôi làm điều đó.
Khi chồng tôi đột ngột mất đi, ca sĩ Quang Thành kéo tôi ra khỏi một cái chết rất chậm. Bắt đầu lại đời sống bằng một đêm hát trong ngày lễ phục sinh. Làm những điều chồng tôi muốn làm khi còn sống.
- Có khi nào, bà muốn thử hát nhạc của nhạc sĩ khác ngoài nhạc Trịnh?
- Tôi hát nhạc Trịnh bởi tôi yêu nhạc Trịnh. Lúc mới hát, tôi không hiểu lắm. Mà ông Sơn không bao giờ cắt nghĩa nhạc của ông ấy. Tôi lại không dám hỏi bởi sợ ông ấy chê mình dốt.
Tôi trải qua quãng đời 40 năm không hề êm ái, đơn giản. Từ những khó khăn của đời sống, tôi hiểu nhạc của Trịnh Công Sơn nhiều hơn. Tôi thích nhạc Phú Quang, Dương Thụ, Đỗ Trung Quân nhưng tôi không dám thử. Ở tuổi như tôi bây giờ, thử không cẩn thận là cháy (cười lớn).
Tôi đi 1000 km từ Sydney đến Melbourne, khóc đủ 1000 km với bài Quê hương của Đỗ Trung Quân.
- Bà đã từng hát bài “Quê hương” chưa?
- Nhiều lần tôi muốn hát, ca sĩ Quang Thành cứ can ngăn, bảo bài đó chị để dành để khi trở về chính quê hương mình hát, cảm xúc lắm. Hôm nay tôi hát bài này nhé, tôi chờ đợi để được hát bài này.
Khánh Ly ký tặng độc giả trong buổi ra mắt sách.
- Bà có thể chia sẻ đôi chút về Trịnh Công Sơn?
- Ông Sơn là người rất dễ thương. Tôi nghĩ ông nên đi tu mới phải vì ông hiền lắm. Bất kể chuyện lớn nhỏ gì tôi nói với ông, ông hỏi câu rất thờ ơ “Thật à?”. Ngày nào ông cũng tắm mấy bận, tắm xong ra phố ngồi vì phải nhìn thấy mọi người, không nhìn thấy mọi người, lòng không yên.
Ở Đà Lạt, ông tập nhạc cho tôi, hát cho tôi nghe và giúp tôi có một lỗ tai nghe nhạc.
- Có bao giờ Trịnh Công Sơn trách giận gì bà chưa?
- Ông Sơn có đôi lúc trách, giận vì sao mọi người phải đi kiếm tiền. Tôi đi hát kiếm tiền vì còn phải nuôi con nhưng ông Sơn đã được anh em trong nhà lo lắng cho hết. Ông không bao giờ biết tới đồng tiền, tiêu tiền, tiền ai cho ông đều để một chỗ.
Một hôm, trong căn phòng nhỏ, tôi hỏi ông Sơn, con người sống trong đời sống cần gì, làm gì? Sơn cười bảo: “Cần có một tấm lòng”. Tôi cười, ở giữa thời gạo châu, củi quế, thời mà giá trị con người được đánh giá bằng áo quần, vòng vàng, hột xoàn. Một tấm lòng để làm gì chứ?
Sơn lại cười, bảo, sống trong đời cần có một tấm lòng dù chỉ để gió cuốn đi. Khi đó, tôi chưa hiểu ngay, lẩm bẩm bảo tấm lòng thì có bán đi ăn được không nhưng càng ngày, tôi càng thấy thấm câu nói của Sơn.
Sau này, Sơn nói với tôi: “Hãy sống tử tế với nhau”. Đó là câu hay nhất mà tôi được nghe trong cuộc đời này.
Trịnh Công Sơn cũng trách tôi mải kiếm tiền, không du ca như trước. Nhưng nếu nói tôi để các con qua một bên mà chỉ biết nhạc thì tôi không làm được. Vì đối với người đàn bà, những đứa con là tài sản quan trọng nhất.
- Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn yêu ai, đến giờ vẫn còn là dấu hỏi, hình như bà cũng nằm trong danh sách đó?
- Ông Sơn chỉ yêu một người là mẹ ông. Bà là tình yêu duy nhất trong đời ông. Tất cả đều quy về tình yêu mẹ.
Càng ngày tôi càng thấy rõ tình yêu lớn nhất của ông trong đời là tình yêu dành cho mẹ. Ít thấy ai định nghĩa về tình yêu hay như ông Sơn và viết về tình yêu hay như ông. Có lẽ vì vậy mà nhiều người nghĩ ông yêu nhiều người nhưng thực ra tất cả tình yêu là ông dành cho mẹ.
Giữa tôi với Sơn không có tình yêu trong kiếp này. Nó là tình cảm cao hơn tình yêu. Nó như là tình cha con.
Theo T.Lê/ Vietnamnet
Đức Tuấn đứng lên ghế hát nhạc Trịnh
Nam ca sĩ 35 tuổi mang tới sự gần gũi trong đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn tại Hà Nội.
Tối 30/5, đêm nhạc kỷ niệm 14 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có chủ đề Nhớ Trịnh Công Sơn - Nối vòng tay lớn được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Trong chương trình, Đức Tuấn thể hiện các ca khúc Ra đồng giữa Ngọ, Phúc âm buồn.
Trong phút cao hứng, Đức Tuấn chạy xuống dưới khán đài, đứng lên ghế cất cao giọng hát.
Diva Mỹ Linh diện lại chiếc áo dài màu cam mà cô từng mặc khi tham gia chương trình này tại TP HCM vào tối 23/5. Nữ ca sĩ trình bày hai ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn là Rừng xưa đã khép và Huyền thoại mẹ. Phần thể hiện của Mỹ Linh được nhiều khán giả Thủ đô ủng hộ.
Thanh Bùi mang đến liên khúc Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui - Ở trọ - Biết đâu nguồn cội.
Tùng Dương từng để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả khi xuất hiện trong đêm nhạc Trịnh mang tên Gọi tên bốn mùa vào đầu năm 2013. Bằng chất giọng liêu trai, đan xen giữa cảm xúc và kỹ thuật, nam ca sĩ sinh năm 1983 thể hiện ca khúc Hành hương trên đồi cao đầy ma mị.
Tùng Dương cho người nghe thấy sự cân bằng về cảm xúc và đầy nội lực trong giọng hát. Khi hát nhạc Trịnh, anh cũng biết tiết chế nhiều hơn nhưng vẫn giữ chất "quái" đủ để những người yêu giọng hát của chàng "Trương Chi 8X" này vẫn nhận ra và tạo nên điểm khác lạ. Đó cũng là cách để Tùng Dương đến với nhạc Trịnh một cách tự nhiên nhất, không màu mè, nhưng vẫn mang bản sắc riêng cá nhân.
Phần song ca Hãy yêu nhau đi của Tùng Dương và Thanh Lam được xem là một trong những tiết mục hay nhất của chương trình. Khi đứng trên sân khấu, cả Tùng Dương và diva nhạc Việt đều tìm thấy sự hòa hợp để giúp nhau thăng hoa.
Trong tiết mục đơn, Thanh Lam biểu diễn ca khúc Diễm xưa. Diễm xưa được ra đời khi nhạc sĩ gốc Huế bất chợt rung động trước hình ảnh một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế.
Tuy gặp vấn đề về sức khỏe nhưng Cẩm Vân vẫn biết cách ứng biến trên sân khấu để hoàn thành tiết mục Ru ta ngậm ngùi một cách trọn vẹn.
Việt Hoàn mang đến không gian tươi sáng cùng ca khúc Tình yêu tìm thấy.
Dù xuất hiện bên cạnh các đàn anh, đàn chị trong nghề nhưng Hoàng Quyên không tỏ ra lép vế. Giọng hát đầy nội lực được rèn giũa qua thời gian giúp á quân Vietnam Idol có thể tự tin trình diễn các ca khúc khó trên sân khấu. Trong đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn, Hoàng Quyên mang đến dấu ấn mới mẻ qua cách hát tự nhiên pha chút ngẫu hứng cùng Đêm thấy ta là thác đổ.
Theo Zing
Khán giả chạy lên sân khấu 'vái lạy' Mỹ Linh Nam khán giả bất ngờ tiến lên sân khấu để lắng nghe màn trình diễn của diva nhạc Việt, vừa bày tỏ sự đồng cảm với sáng tác của Trịnh Công Sơn. Tối 23/5, hàng chục ngàn người tập trung về khu vực cầu Ánh Sao, Phú Mỹ Hưng (TP HCM) để thưởng thức đêm nhạc kỷ niệm 14 năm ngày mất nhạc...