Ca sĩ Đào Nguyên Vũ và cuộc “hoài niệm” kéo dài 25 năm
Đào Nguyên Vũ vừa là ca sĩ, vừa là giảng viên thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Với 25 năm làm nghề nhưng phải đến tận bây giờ, anh mới ra mắt sản phẩm âm nhạc gồm CD và DVD với tên gọi “ Hoài niệm trong lòng phố”.
Ca sĩ Đào Nguyên Vũ (ảnh nhân vật cung cấp).
May mắn có vợ đứng sau hỗ trợ
CD “Hoài niệm trong lòng phố” gồm 11 ca khúc gồm các sáng tác quen thuộc của những nhạc sỹ nổi tiếng như: “Khúc mùa thu”, “Mẹ” (Phú Quang), “Hướng về Hà Nội” (Hoàng Dương), “Em còn nhớ hay em đã quên” (Trịnh Công Sơn), “Hà Nội mùa lá bay” (Hữu Xuân), “Mẹ tôi” (Trần Tiến), “Mối tình đầu” (Thế Duy)… Đặc biệt, trong sản phẩm này, Đào Nguyên Vũ cũng lần đầu giới thiệu đến công chúng một bài hát do chính anh sáng tác và trình bày, đó là ca khúc “Hoài niệm trong lòng phố” (phổ thơ của chiến sỹ công an Xuân Trường). Tựa đề ca khúc này cũng được anh lấy làm tên chính thức cho bộ đôi sản phẩm rất tâm huyết này của anh.
Khi được hỏi vì sao phải đến 25 năm Đào Nguyên Vũ mới cho ra mắt sản phẩm đầu tay, anh chia sẻ: “Sau cuộc thi Sao Mai 2001, tôi cũng đi diễn ở ngoài nhiều nhưng sau đó vào biên chế Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam nên phải tập trung vào việc phục vụ công việc của Nhà hát. Là solist nên các lịch biểu diễn, tôi đều phải đi. 10 năm “nằm im” ở Nhà hát nên không nghĩ đến chuyện đi diễn hay ra album được. Rồi bận rộn chuyện giảng dạy ở Trường Học viện âm nhạc Quốc gia… Đó là đặc thù của những nghệ sĩ làm ở các đoàn nhà nước và tham gia giảng dạy, rất ít cơ hội để làm sản phẩm riêng”.
Tuy nhiên, sau sản phẩm này, Đào Nguyên Vũ cho biết, sẽ tập trung nhiều hơn cho sự nghiệp riêng “nhưng dù thế nào thì cũng không thể quá được vì đặc thù của công việc giảng dạy vẫn phải hoàn thành trước đã”.
Một điều cũng được nhiều người thắc mắc là tại sao cả CD và DVD không có bài nào có sự kết hợp với vợ là ca sĩ Phương Nga? Đào Nguyên Vũ cho biết: “Tôi là ca sĩ theo dòng nhạc trữ tình, còn vợ tôi chuyên nhạc chính thống nên để kết hợp cũng khó. Thay vào đó, bà xã là người đứng đằng sau hỗ trợ cho Vũ rất nhiều, nhất là về công tác “hậu cần”. Ngay cả bạn diễn trong MV cũng là do vợ tìm và “chỉ định”".
Ca sĩ “3 trong 1″
Sinh năm 1979 ở Hà Nội, Đào Nguyên Vũ ngay từ nhỏ đã được gia đình hướng theo môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Có lẽ ít người nào được học tập chính quy, đào tạo bài bản và được “thọ giáo” với nhiều nghệ sĩ gạo cội của nền âm nhạc nước nhà như anh. Đó là những giảng viên như: NSND Quý Dương; NSND Quang Huy, NSUT Đức Lộc; NSND Doãn Tần, NSUT Lê Gia Hội ở những năm đại học và NSND Trung Kiên trong khoảng thời gian anh học Thạc sĩ.
Đến bây giờ khi được hỏi, Đào Nguyên Vũ vẫn nhớ về “bước ngoặt đầu đời” khi bố dẫn đến gặp NSND Quý Dương để “nhờ thầy kiểm tra năng khiếu”. Cậu bé 14 tuổi nghịch ngợm ngày ấy rất tự nhiên và bạo dạn, đã vừa hát vừa nhảy khi được NSND Quý Dương yêu cầu hát thử một bài. Sau khi nghe Nguyên Vũ hát, ông có ghé vào tai bố anh, khẽ cười và nói nhỏ: “Thằng bé nhà em rất có tố chất nghệ sỹ, em nên cho nó theo nghệ thuật”. Anh đã bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp một cách tự nhiên như thế, tự nhiên như chính con người anh.
Video đang HOT
“Bệ đỡ” cho nhiều nghệ sĩ trẻ
Năm 1995, Đào Nguyên Vũ bắt đầu theo học hệ Trung cấp Thanh nhạc tại Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội. Hai năm sau, nhờ sự giới thiệu của NSND Quang Huy, anh có cơ hội vừa học, vừa biểu diễn tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, khi mới 17 tuổi. Năm 1999, Đào Nguyên Vũ thi đỗ vào hệ Đại học Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với số điểm cao. Đây cũng là năm mà anh đạt được thành công đầu tiên khi đạt giải Nhất cuộc thi tháng do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Một năm sau, anh tiếp tục giành được giải Nhì cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Hà Nội. Đến năm 2001, tại cuộc thi Sao Mai toàn quốc, mặc dù chỉ nằm trong top 10 nhưng với ca khúc “Dáng đứng Việt Nam”, dưới sự hướng dẫn của NSND Doãn Tần, Đào Nguyên Vũ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người yêu âm nhạc.
Một điều thú vị là Quán quân cuộc thi năm đó là Phương Nga, người sau này là vợ của Đào Nguyên Vũ. Sau chuyện này, nhiều người vẫn đùa dù không đoạt giải cao nhưng Đào Nguyên Vũ lại “cao tay” khi sở hữu được người sở hữu giải thưởng.
Sau cuộc thi, Đào Nguyên Vũ về công tác tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, được học hỏi các nghệ sĩ nổi tiếng như giáo sư thanh nhạc Michel Ducharme, giảng viên thanh nhạc Majory… Cùng với việc được cọ xát với đỉnh cao của nghệ thuật thanh nhạc, trình độ của anh được nâng lên một tầm cao mới.
Tên tuổi của anh trở nên quen thuộc trong các chương trình nghệ thuật trong và ngoài nước, trong những dự án âm nhạc quốc tế như lần anh được mời tham gia biểu diễn tại Thụy Điển, hay những vai diễn quan trọng trong các vở nhạc kịch do các đạo diễn nổi tiếng của thế giới dàn dựng và công diễn tại Việt Nam như: Gaston – La Traviata; Sportin’s life – Porgy and Bess… Vai diễn đặc biệt gây ấn tượng của anh đó là nhân vật Monotatos trong vở nhạc kịch “ Cây sáo thần” của thần đồng âm nhạc người Áo V.A.Mozart.
Đạo diễn Manfred Waba người Áo đã nhận xét: “Dù đã đi nhiều nơi, dựng vở nhạc kịch “Cây sáo thần” tại nhiều nước trên thế giới, nhưng tôi có cảm tưởng vai diễn Monotatos chính là dành cho Nguyên Vũ”. Vị đạo diễn này đánh giá đây là một vai diễn khó thể hiện, nhưng là một nhân vật đặc biệt, góp phần không nhỏ tạo nên thành công của vở nhạc kịch nổi tiếng này. Năm 2010, Đào Nguyên Vũ cũng được mời đảm nhận vai trò solist giọng Tenor trong bản “Giao hưởng số 9″ của nhạc sĩ Beethoven trong Lễ kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Cùng năm này, anh cũng là một trong ba đại diện của Việt Nam được mời tham gia Hội thảo International voices (Những giọng hát quốc tế) được tổ chức tại London (Anh) với tư cách là giảng viên thanh nhạc. Anh cùng sinh viên của mình đã giới thiệu đến bạn bè quốc tế những ca khúc mang nét đặc sắc, độc đáo của âm nhạc dân gian mang âm hưởng ca trù của Việt Nam. Buổi diễn đã gây được tiếng vang lớn và được đưa lên trang BBC của Anh.
Ngoài công việc chuyên môn, Đào Nguyên Vũ còn thành công ở vai trò giảng dạy. Những học trò xuất sắc của anh đã giành được những giải thưởng cao tại các cuộc thi hát như Ninh Đức, Hoàng Long – giải Nhất cuộc thi Opera quốc tế tại Budapest (Hungary), Anh Quân Idol, Quân Jakii hay Sao Mai 2015 Trần Hữu Tuấn…
Ở vai trò sáng tác, Đào Nguyên Vũ ghi dấu ấn với ca khúc “Khúc xưa thành Thăng Long”, lời ca chính là bài thơ nổi tiếng “Long Thành cầm giả ca” của đại thi hào Nguyễn Du đã mang lại thành công cho Bích Hồng tại Sao Mai 2011, với giải “Khán giả yêu thích nhất” và thí sinh Phan Ngọc Ánh giành giải Nhì Sao Mai 2017. Anh cũng là người đầu tiên trích hịch tướng sĩ vào trong ca khúc được ca sĩ Hoàng Thanh Long thể hiện tại cuộc thi tài năng trẻ toàn quốc và anh đã đạt được huy chương bạc tại cuộc thi bằng ca khúc này…
Minh Nhật
Theo Giadinh.net.vn
Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Huyền thoại Mẹ"
Nhân kỷ niệm 89 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2019), ngày 18/10 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), Báo Văn hóa đã tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề "Huyền thoại Mẹ". Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) vinh dự là nhà tài trợ, đồng hành cùng chương trình.
Tiết mục hát múa của CLB thiếu nhi Thiên Phúc với các ca khúc "Đưa cơm cho mẹ đi cày" và "Mẹ yêu ơi"
Với thời lượng 90 phút, chương trình nghệ thuật đặc biệt "Huyền thoại Mẹ" gồm những bản tình ca về tình mẫu tử, về hình tượng Mẹ - những người phụ nữ Việt Nam hồn hậu, luôn tần tảo hy sinh vì gia đình và những đứa con thương yêu: ca khúc Đưa cơm cho mẹ đi cày, Mẹ yêu ơi, Nhật ký của mẹ, Đất nước lời ru, Những cô gái quan họ, Chín bậc tình yêu, Người mẹ của tôi, Về thăm mẹ, Huyền thoại mẹ, Tìm lại lời ru, Mẹ yêu con, Nơi ấy con tìm về...
Chia sẻ về chương trình, Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Chu Thu Hằng nhấn mạnh: "Đây là lần đầu tiên Báo Văn hóa tổ chức một đêm nhạc có chủ đề về Mẹ, một chủ đề gần gũi, thiêng liêng và luôn ấm áp với mỗi con người. Với mong muốn Chương trình sẽ gửi gắm những thông điệp lớn lao, "Huyền thoại Mẹ" là những gì thân thương nhất, bình dị nhất nhưng cũng là giá trị không thể thiếu vắng nhất trong cuộc đời của những người con, đó là tình yêu vĩnh cửu và thiêng liêng dành cho Mẹ của mình".
Tổng đạo diễn chương trình, NSND Quốc Hưng- Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, không phải lần đầu tiên thực hiện một chương trình âm nhạc về Mẹ nhưng lần nào cũng vậy, Mẹ luôn là tình yêu, là nguồn cảm hứng vĩnh cửu để NSND Quốc Hưng xây dựng một chương trình với những xúc cảm thiêng liêng nhất.
Bài hát " Chín bậc tình yêu " với sự thể hiện của ca sỹ Bích Hồng
Dù đã thể hiện rất nhiều ca khúc về tình mẫu tử, song với ca sĩ Bích Hồng, "Chín bậc tình yêu" vẫn luôn đem lại nhiều xúc cảm mỗi khi hát lại. Đây cũng là ca khúc mà Bích Hồng đã chọn để thực hiện một MV riêng của mình. "Khi hát ca khúc, Bích Hồng cảm thấy một phần cuộc sống của mình trong đó. "Chín bậc tình yêu" cũng chính là nỗi lòng mà Bích Hồng muốn nói với những mẹ của mình: mẹ ruột, mẹ chồng.
Ca sĩ Bích Hồng thổ lộ, việc theo đuổi con đường nghệ thuật của cô khởi đầu không hề dễ dàng, thậm chí đã từng bị gia đình phản đối. Nhưng chính mẹ của Bích Hồng lại là người đã âm thầm ủng hộ, tạo điều kiện để cô được đi học và theo đuổi đam mê của mình. "Giờ đây, được đứng trên những sân khấu lớn như "Huyền thoại Mẹ" để hát cho mẹ nghe, Bích Hồng thật sự biết ơn bởi những gì tốt đẹp nhất mẹ dành cho con", Bích Hồng chia sẻ.
Ca sĩ Anh Thơ cùng tốp múa biểu diễn ca khúc "Đất nước lời ru".
Chương trình có sự tham gia của nhiều ca, nghệ sĩ nổi tiếng như ca sĩ Anh Thơ, Trọng Tấn, Tân Nhàn, Hoàng Tùng, Hồng Duyên, Minh Chuyên, Lương Nguyệt Ánh, Sèn Hoàng Mỹ Lam. Ngoài ra còn có sự tham gia của nhóm nhạc trẻ Mây và nhóm thiếu nhi Thiên Phúc.
Ca sỹ Trọng Tấn với phần thể hiện 2 ca khúc "Người mẹ của tôi" và "về thăm mẹ".
Ca khúc "Những cô gái quan họ" với sự thể hiện của Nhóm Mây
Ca sĩ Hoàng Tùng với ca khúc "Nơi ấy con tìm về"
Bài hát " Huyền thoại mẹ" với sự thể hiện của ca sĩ Sèn Hoàng Mỹ Lam
Bài hát " Tìm lại lời ru" với sự thể hiện của ca sĩ Minh Chuyên
Bài hát " Điều không thể mất" với sự thể hiện của ca sĩ Tân Nhàn
NSND Quốc Hưng với ca khúc "Mẹ"
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng khách mời lên tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ có mặt trong chương trình.
Nguyễn Hoan
Theo Petrotimes.vn
Chương trình nghệ thuật "Huyền thoại Mẹ" trước giớ G: Vì con là tuổi thanh xuân của mẹ Tối nay 18.10, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), chương trình nghệ thuật " Huyền thoại Mẹ" do Báo Văn Hóa và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức hứa hẹn sẽ là một đêm âm nhạc đong đầy những tình cảm yêu thương, dung dị và ngọt ngào. Khán giả một lần nữa sẽ được gặp lại...