Cá rô kho lá nghệ, mộc mạc vị quê
Những đứa trẻ sinh ra từ làng, có ai mà không biết con cá rô, cá diếc, cá cờ hay lũ cua đồng. Nhớ trò chơi chọi cá cờ rôm rả cả một góc làng; nhớ những buổi trưa trốn bố mẹ í ới hò nhau men theo các bờ ao, bờ chuôm, mò ra cánh đồng lúa đi câu cá, móc cua…
Và có lẽ, nhớ nhất vẫn là món cá rô kho lá nghệ mẹ vẫn thường nấu – món ăn dân dã đượm vị đồng đất quê hương.
Món cá rô kho lá nghệ thơm ngon, gợi hương vị mộc mạc thôn quê.
Những ngày đầu tháng 10 bắt đầu từ đợt mưa ào ạt trắng trời, “khúc ruột” miền trung, mảnh đất vẫn thường được ví như “chiếc đòn gánh hai đầu đất nước” vẫn luôn phải gánh chịu nhiều nhọc nhằn, khốn khó từ thiên tai. Nhìn mưa xối xả phả rát mặt người, lòng buông tiếng thở dài: “Số phận một vùng đất là điều không được lựa chọn”.
Lại nhớ cuộc trò chuyện qua Zalo với bố mẹ ở quê lúc đầu tối: “Con yên tâm, ở nhà bố mẹ vẫn khỏe. Đồng lúa vào mùa, bố mẹ tranh thủ lúc nào trời quang mây tạnh thì ra đồng gặt cho xong thôi. Hai người túc tắc làm cũng được hơn nửa rồi, được bao nhiêu biết bấy nhiêu thôi con, cái nghề “trông đủ thứ” ấy mà”. Nói rồi bố mẹ hỏi chuyện mưa gió trên thành phố, rồi chuyện đi làm, ăn uống ra sao.
Bố bảo: “Con gái con đứa ở trọ một mình, bố mẹ không gần bên mà chăm sóc, nhắc nhở được nên cố gắng giữ gìn sức khỏe”. Mẹ thì cứ sốt sắng hỏi: “Thức ăn đợt trước bố mẹ gửi đã ăn hết chưa? Cần gì thêm thì nói để đợt tới bố mẹ gửi”. Chẳng biết vì đâu mà sống mũi cay cay, khóe mắt chực trào, từ miền kí ức gợi lên hình ảnh, hương vị món cá rô kho lá nghệ, lót thêm một lớp thịt ba chỉ cháy cạnh kho nhừ dưới đáy nồi mà rưng rưng…
Video đang HOT
Sẽ không nói quá nếu ví von rằng: Gia đình chính là môi trường thực hành, ươm mầm tài năng cho nhiều “siêu đầu bếp” trổ tài. Đó có thể là mẹ, là bố, hay là ông bà, anh chị… Nghĩa là bất kì ai, miễn đảm bảo tiêu chí: Nấu ăn bằng tất cả sự tự nguyện, say mê và tình yêu thương. Như ở nhà tôi, do đặc thù công việc thường xuyên phải công tác xa nhà nên bữa cơm gia đình bao giờ cũng do một tay mẹ nấu. Chúng tôi được cái cớ “bận học” nên thường ăn thì nhiều mà làm chẳng đáng bao nhiêu, phụ mẹ vài ba việc lặt vặt như nhặt rau, rửa rau, bóc hành, tỏi…
Trong tất cả những công việc “phụ bếp” ấy, tôi đặc biệt ghét phải cạo, rửa nghệ. Cái mùi ngai ngái cộng thêm việc tay bị ám vàng màu nghệ, rửa hoài cũng không hết khiến tôi luôn tìm cách né tránh mỗi khi bị sai việc.
Ấy vậy mà, thói đời trớ trêu, người không thích làm, thích đụng tay vào nghệ nhưng lại rất thích ăn các món có liên quan đến nghệ, nhất là món cá rô kho lá nghệ. Đừng ai nói lá nghệ khác củ nghệ, tôi biết điều đó rồi. Nhưng những ai nói thế chắc có lẽ chưa biết cách chế biến món cá rô kho lá nghệ ở quê tôi đâu.
Để làm món cá rô kho lá nghệ này, mẹ tôi phải dậy đi chợ từ sáng sớm chọn cá tươi, ngon bắt được ở đồng hay các mương nước là “chuẩn bài” nhất. Cá rô đồng nhỏ con, vây cứng, vảy có màu vàng mỡ chứ không to bự, đẫy đà như giống cá rô phi. Mẹ mua cả mớ về, con to con nhỏ lẫn lộn nhau, nhưng được cái tươi rói, con nào con nấy hấp háy đôi mắt nhìn, có nhiều con nghịch ngợm cố gắng nảy mình ra khỏi chậu rồi lơ ngơ chẳng biết đi đâu về đâu, lại chấp nhận bị tóm lại.
Mẹ bắt đầu công đoạn cắt vây, đánh vảy rồi cẩn thận xếp cá vào nồi đất đã được lót sẵn lớp lá nghệ. Lá nghệ tươi xanh được mẹ hái nơi góc vườn. Lựa mấy lá bánh tẻ, mẹ bảo: “Lá non quá khi kho cá sẽ không có thơm đượm, còn lá già quá thì ăn sẽ bị dai, xơ”. Chỉ có lá nghệ bánh tẻ khi nấu lên ăn mới có mùi thơm đặc trưng, vị bùi bùi.
Có cá rô, có lá nghệ rồi thì tiếp tục thái thịt ba chỉ thành miếng nhỏ, hơi dày hơn so với khi làm món thịt kho, sau đó đảo qua cho vàng đều hai mặt. Khi các mặt của thịt ba chỉ chuyển sang màu cánh gián, hơi sém cạnh thì tắt bếp. Lá nghệ được cắt thành đoạn 3 – 5 cm, rải xuống đáy nồi rồi lần lượt xếp thịt ba chỉ vào, sau đó xếp cá rô rồi phủ lớp lá nghệ lên trên cùng.
Củ nghệ được cạo sạch lớp vỏ, giã nhuyễn, cho thêm chút nước ấm tạo thành hỗn hợp cho vào nồi cá, nêm thêm gia vị, mỡ, hành khô đập dập, đun trên lửa.
Bí quyết trong việc nấu ăn của mẹ tôi luôn có thêm trợ thủ đắc lực, đó là nước mắm chắt. Nước mắm được bố mẹ ủ từ cá trích tươi, ăn đến đâu thì lắng lọc đến đó nên mùi thơm nồng, vị ngọt thanh. Ban đầu, mẹ kho cá trên lửa lớn, đến khi thịt cá săn lại thì hạ lửa nhỏ cho cá được thấm gia vị, mềm nhừ mà không bị nát.
Bữa cơm chiều, mấy bố con háo hức chờ đợi món cá rô kho lá nghệ của mẹ “lên mâm”. Cá rô ngọt, dai thịt ăn kèm lá nghệ bùi bùi, đậm đà quyện hòa cùng vị béo, mềm của miệng thịt ba chỉ tạo thành hương vị món ăn lôi cuốn, hấp dẫn, vừa mộc mạc vừa tinh tế.
Đi xa muôn trùng, ăn đủ món, lòng người vẫn khắc khoải nhớ thương hương vị món cá rô kho lá nghệ mộc mạc vị quê, đong đầy tình yêu thương…
Mát lành cá diếc rau răm
Vào thời điểm cuối hè sang thu, trong những chiếc thau sóng sánh ở chợ quê có một loài cá vảy óng ánh xanh trông rất đẹp. Ấy là cá diếc.
Nếu để ý kỹ, vào thời điểm cuối hè sang thu, trong những chiếc thau sóng sánh ở chợ quê có một loài cá tươi rói ước chừng bằng nửa bàn tay, trông giống cá chép, nhưng mình dẹt, đầu nhỏ, vảy óng ánh xanh trông rất đẹp. Ấy là cá diếc.
Cá diếc là loài cá phổ biến, có từ Bắc chí Nam, mỗi nơi có một cách chế biến, một hương vị độc đáo riêng. Đã có nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra công dụng chữa bệnh của loài cá dân dã này. Ở quê tôi, miền Trung, người bị ho lâu ngày thường nấu canh cá diếc mã đề, món ăn có vị đắng, nhưng rất ích lợi cho sức khỏe. Trong bữa cơm hằng ngày đơn giản, có khi chỉ món cá diếc kho khế mềm rục cả xương cũng "đưa cơm" hết biết. Nhưng món ăn nhẹ nhàng, dễ chế biến, dễ ăn nhất là món cá diếc rau răm.
Vào khoảng tháng Bảy, đến tháng Chín âm lịch là vào mùa cá diếc. Những con cá lúc này đã trở nên béo và thơm ngon. Trong phiên chợ quê, người ta đã thấy cá lượn lờ trong những thau nước, óng ánh, tươi roi rói.
Má tôi mang cá diếc về, làm sạch, ướp với ít hành, muối, nước mắm cho ngấm để khử mùi tanh. Rau răm hái chừng một nắm, nhặt lấy phần đọt để không bị già và chát, đem rửa sạch. Má đổ nước vào nồi đun, đợi nước sôi thả cá vào, nấu sôi thêm một lát nữa rồi cho rau răm, nêm nếm thêm gia vị cho vừa ăn, xắt thêm trái ớt. Thế là đã xong món cá diếc rau răm.
Tưởng như không có gì đơn giản hơn, vậy mà chính cách chế biến ấy đã giữ lại được trọn vẹn hương vị tươi ngon thuần khiết của cá. Cá chín mềm, nước trong vắt, rau răm vừa chín tới màu còn xanh, điểm thêm ít ớt đỏ, chỉ nhìn thôi đã thấy vị ngọt mát. Khi ăn, má múc cá ra tô, thật nhẹ tay để cá không nát. Má rót thêm một chén nước mắm trong (phải là nước mắm trong chưa qua chế biến), rồi má xắt ớt vào. Vớt cá ra đĩa, má rưới ít nước mắm ớt lên trên.
Thịt cá diếc thơm mềm, hòa quyện với vị nước mắm thơm cay đậm đà. Khi ăn, tôi múc thêm nước cá rau răm ra chén, để tận hưởng vị thơm ngọt thấm vào đầu lưỡi. Món cá diếc rau răm phải ăn nóng để không tanh. Vào những ngày nắng tháng Chín nám trái bưởi, giữa trưa được thưởng thức một bát canh cá diếc rau răm ngọt mát, ăn xong là thấy giải nhiệt.
Trong câu chuyện kể của những người già trong làng, ngày xưa sông hồ đầy ăm ắp thủy sản, cá cũng to hơn bây giờ, con cá diếc có khi to bằng cả bàn tay. Giờ cá ít hơn và nhỏ hơn trước. Trong cuộc tồn sinh của vạn vật và người, đất trời vẫn hào phóng cho con người những món ăn bình dị ngon lành, nhưng cũng đòi hỏi con người biết bảo vệ gìn giữ.
Những lúc ngán món nhiều dầu mỡ, tôi tìm mua và nấu một bát canh cá diếc rau răm. Không ngon như má tôi nấu, nhưng tôi vẫn vừa ăn vừa cảm nhận được nhịp đi của bốn mùa, của món quà kỳ diệu của thiên nhiên tạo vật. Bình dị vậy mà cũng là tao nhã vậy.
Cách làm món cá kho tiêu ngon ấm lòng trong tiết trời se lạnh Cá kho tiêu là một trong những món ăn chính yếu của hầu hết mọi gia đình. Vị ngọt của cá hòa quyện với vị cay của tiêu cùng với đó là vị béo của thịt mang đến cho bữa cơm gia đình bạn thêm ngon miệng, đặc biệt món ăn này sẽ càng trở nên tuyệt vời hơn khi bạn ăn trong...