Cà phê Việt Nam và nỗi buồn giá “đội sổ”
Giá cà phê trên thị trường thế giới giảm xuống “đáy”, thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ qua đã khiến lượng và giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam bị ảnh hưởng, theo hướng giảm mạnh. Đáng chú ý, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đang bị xếp vào hàng “đội sổ”, rẻ gần bằng nửa so với hàng cùng loại của Colombia.
Vừa mất mùa, vừa mất giá
Báo cáo mới đây nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 5/2019 ước đạt 141.000 tấn với giá trị đạt 229 triệu USD, lũy kế xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 773.000 tấn và 1,32 tỷ USD, giảm 12,4% về khối lượng và giảm 22,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019 với thị phần lần lượt là 12,8% và 10,1%. Hai thị trường có giá trị xuất khẩu cà phê trong 4 tháng đầu năm 2019 tăng là Philippines (tăng 22,5%) và Malaysia (tăng 7,9%).
Khoảng 80% sản lượng cà phê nước ta được sơ chế khô tại gia đình với sân phơi tạm bợ. Ảnh: I.T
Giá xuất khẩu bình quân cà phê trong tháng 4/2019 đạt mức 1.679USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng 3.2019 và giảm đến 12% so với tháng 4/2018. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2019, giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 1.730USD/tấn, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng mừng là sau một thời gian dài liên tục giảm giá và tụt xuống mức thấp kỷ lục trong khoảng 10 năm qua thì những ngày gần đây, giá cà phê trên sàn kỳ hạn lại có xu hướng tăng. Theo đó, ngày 5/6, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2019 tại sàn giao dịch hàng hóa London đạt 1.484USD/tấn, tăng tới 115USD/tấn so với đầu tháng 5. Nguyên nhân do các quỹ đầu cơ quốc tế đã giảm bớt lượng bán ra trên sàn giao dịch cà phê kỳ hạn.
Nhờ động thái này, giá cà phê trong nước cũng tăng theo. So với tháng 5, hiện giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đã tăng thêm từ 2.100-2.500 đồng/kg, lên mức 33.300-34.100 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, do cà phê Việt Nam sản xuất chủ yếu phục vụ xuất khẩu nên tình hình giao dịch trên sàn kỳ hạn có ảnh hưởng rất lớn đến giá cà phê trong nước. Có thời điểm đầu tháng 5, giá cà phê tụt xuống chỉ còn khoảng 29.000 đồng/kg khiến nông dân lỗ nặng.
Video đang HOT
Năm ngoái cà phê Việt Nam mất mùa, năm nay lại mất giá đã khiến cả nông dân lẫn doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Grai (trụ sở tại xã Ia H’rung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) hiện có 800ha cà phê kinh doanh trên tổng diện tích 1.001ha. Công ty này (thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong việc tái canh vườn cà phê. Vườn cà phê của công ty luôn tươi tốt và cho năng suất ổn định, tuy nhiên năm 2018, công ty này cũng không tránh được tình trạng mất mùa, sản lượng sụt giảm tới 30 – 40%.
Ông Nguyễn Văn Phú – Giám đốc Công ty cho biết, năm nay đơn vị lại tiếp tục gặp khó khăn vì mất giá, khiến cả nông dân và doanh nghiệp đều bị lỗ, “bí” vốn quay vòng, còn ngân hàng thấy giá cà phê giảm sâu thì cũng thắt chặt cho vay.
Đứng đầu về lượng, “đội sổ” về giá
Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất vào thị trường Hàn Quốc, nhưng tại đây, giá cà phê của Việt Nam chỉ đạt 1,8USD/kg, thấp hơn một nửa so với giá nhập khẩu cà phê bình quân của nước này.
Cụ thể, Bộ Công Thương dẫn số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Hàn Quốc cho biết: Trong 4 tháng đầu năm 2019, Hàn Quốc nhập 53.232 tấn cà phê, trị giá 208 triệu USD, tăng 1,7% về lượng và tăng 1,5% về trị giá so với 4 tháng đầu năm 2018. Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Hàn Quốc 4 tháng đầu năm 2019 đạt mức 3,9USD/kg, giảm 0,2% so với 4 tháng đầu năm 2018.
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất vào Hàn Quốc với sản lượng gần 11.000 tấn, nhưng giá xuất khẩu thì đạt mức thấp nhất trong danh sách, chỉ được 1,8USD/kg, trong khi Brazil là nước đứng thứ 2 về sản lượng với gần 10.600 tấn nhưng xuất khẩu được vào Hàn Quốc với giá 2,6USD/kg; còn cà phê Colombia đứng thứ 3 với trên 9.000 tấn, giá bình quân đạt 3,2USD/kg.
Đặc biệt, trong 4 tháng qua Mỹ, mới chỉ xuất khẩu vào Hàn Quốc khoảng 3.000 tấn cà phê, nhưng giá thì cao ngất ngưởng, đạt mức gần 11USD/kg.
Vì sao giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam lại lẹt đẹt nhất trong các cường quốc về cà phê? Đại diện Bộ Công Thương cho biết, do Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu cà phê dạng thô (chiếm tới 90% lượng cà phê xuất khẩu), còn cà phê của Mỹ hầu hết đã qua chế biến.
Trước đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản ước tính, khoảng 80% sản lượng cà phê được sơ chế khô tại các hộ gia đình với sân phơi tạm bợ như sân đất, sân đất kết hợp bạt hoặc ximăng. Do máy móc, thiết bị sơ chế của người dân còn lạc hậu, cộng với nguyên liệu thu hoạch không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về độ chín, cà phê còn lẫn các tạp chất… dẫn đến chất lượng cà phê còn thấp.
Trong khi xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô nên cà phê Việt không có thương hiệu mà phần lớn trở thành nguyên liệu của nhiều nước dùng để chế biến sâu và tái xuất lại tiêu thụ ở Việt Nam dưới dạng cà phê bột, hòa tan, pha sẵn…
Trong khi đó, mỗi năm thế giới chi khoảng 500 tỷ USD cho cà phê tiêu dùng, nhưng doanh thu từ xuất khẩu cà phê của Việt Nam mới đạt trên 3,5 tỷ USD (năm 2018) là quá khiêm tốn, cho thấy giá trị thương mại đạt quá thấp so với sản lượng.
Theo Danviet
Gạo Việt "kẹt đường" vào Trung Quốc
Những tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo dường như không còn giữ được phong độ như năm 2017, 2018 khi kim ngạch xuất khẩu liên tục sụt giảm. Những động thái mới từ nhiều thị trường nhập khẩu đã gây sức ép tạo nên sự sụt giảm đáng lo ngại này.
"Mắc kẹt" ở Trung Quốc
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPNTNT), khối lượng gạo xuất khẩu (XK)tháng 5/2019 ước đạt 739.000 tấn, trị giá 314 triệu USD, đưa khối lượng XK gạo 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,83 triệu tấn và 1,21 tỷ USD, giảm 4% về khối lượng và giảm tới 20,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Philippines vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường XK gạo của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019 với 35,9% thị phần.
Đáng lưu ý, từ vị trí dẫn đầu những năm trước, Trung Quốc đã tụt xuống vị trí thứ 7 trong các thị trường XK gạo của Việt Nam. Nếu như năm 2017, Trung Quốc chiếm đến 39,2% thị phần, đứng vị trí thứ nhất trong các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam thì năm 2018, con số này chỉ còn 22%, tương đương 1,33 triệu tấn.
Xuất khẩu gạo đang chịu nhiều áp lực cạnh tranh. (ảnh tư liệu)
Và đà giảm kim ngạch XK gạo sang thị trường này tiếp tục kéo sang những tháng đầu năm 2019. Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2019, XK gạo sang Trung Quốc giảm tới 95,14% về lượng và 95,48% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, khiến giá trị XK gạo sang thị trường này chưa đạt 30 triệu USD, một con số quá nhỏ bé.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là từ tháng 6/2018 đến nay Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu gạo Việt Nam mức 50%. Đó là chưa kể, trong số 156 doanh nghiệp XK gạo của Việt Nam, Trung Quốc chỉ cấp giấy phép cho 22 doanh nghiệp. Về chủng loại XK, trong 5 tháng đầu năm 2019, giá trị XK gạo trắng chiếm 50,5% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 34,1%; gạo nếp chiếm 8,1% và gạo Japonica, gạo giống Nhật chiếm 7,1%.
Thêm những thách thức
Không chỉ khó khăn ở thị trường Trung Quốc, XK gạo của Việt Nam đang gặp thêm những thách thức mới khi Chính phủ Bangladesh vừa quyết định nâng thuế nhập khẩu gạo từ 28% lên 55%. Điều này được dự đoán sẽ phủ bóng đen lên thị trường XK gạo thế giới khi năm 2017, Bangladesh từng nổi lên là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới với sản lượng trên 3 triệu tấn.
Nhưng sau những vụ mùa thất bát, năm nay, Bangladesh không chỉ giảm nhập khẩu gạo với khối lượng vài trăm nghìn tấn mà còn lập kế hoạch XK gạo lượng gạo dư thừa lên đến 2 - 2,5 triệu tấn, điều chính phủ nước này đã cấm từ năm 2008.
Các chuyên gia đánh giá, động thái này của Bangladesh sẽ tạo áp lực cạnh tranh vốn đã gay gắt nay càng gay gắt hơn trên thị trường thế giới, Ấn Độ - nước XK gạo chủ yếu sang Bangladesh sẽ phải tìm thị trường khác thay thế.
Thực tế, những tháng qua trên thị trường thế giới, giá gạo diễn biến theo chiều hướng giảm khi nguồn cung vẫn khá dồi dào. Trong đó, giá gạo Ấn Độ chạm mức thấp 7 tháng do nhu cầu yếu, giá gạo Thái Lan không đổi ở mức 400 USD/tấn do nhu cầu tiêu thụ ở mức thấp và thị trường được dự đoán sẽ không có giao dịch lớn trong ngắn hạn.
Có thể thấy rất rõ, gạo Việt đang phải chịu sức ép cạnh tranh vô cùng lớn, vì ngoài đối thủ truyền thống là Thái Lan, thị trường XK gạo thế giới còn có thêm những "chiến binh" khác như Ấn Độ, Myanmar, Campuchia và cả Bangladesh.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo triển vọng XK gạo trong quý II/2019 chưa thực sự lạc quan bởi ngoài thị trường Trung Quốc có nhiều rào cản phải ứng phó, nhiều thị trường khác như Philippines, Indonesia... đã nhập nhiều gạo trong năm trước và chưa có nhu cầu nhập thêm. Một quốc gia khác trong khu vực là Malaysia vừa tăng 5% diện tích trồng lúa nhằm thực hiện mục tiêu giảm phụ thuộc vào gạo nhập khẩu.
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, thị trường XK gạo Việt Nam năm nay đang đối mặt với nhiều khó khăn khi các quốc gia thu mua lớn có xu hướng giảm nhu cầu, tiến tới tự chủ nguồn lương thực, trong khi các nước XK gạo tăng cường xuất ra thị trường.
Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh XK gạo cần phải cơ cấu lại các sản phẩm XK, tiếp tục đầu tư tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hóa thị trường XK. Cùng với những tháo gỡ về chính sách, thị trường từ phía Nhà nước và các bộ, ngành, các doanh nghiệp cần liên kết với nông dân để hình thành chuỗi sản xuất khép kín, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh so với các đối thủ.
Theo Danviet
Bán chạy Dịch tả lợn châu Phi, giá lợn hơi ầm ầm "lao dốc" Do tâm lý lo sợ Dịch tả lợn châu Phi (ASF), nhiều hộ nông dân bán lợn chạy dịch số lượng lớn khiến nguồn cung lợn hơi tăng đột ngột và giá lợn hơi giảm mạnh. Dự báo, nguồn cung thịt lợn vào cuối năm 2019 có thể giảm mạnh. Nguồn: Internet Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản...