Cà phê một mình
Hà Nội mùa thu Hà Nội gió
Nếu là trước đây, hắn sẽ tuyệt đối không đi cà phê một mình. Nhưng giờ không phải là trước đây. Với cái điện thoại có danh bạ trống trơn, hắn buộc phải bước vào quán một mình.
Cà phê công sở là thứ cà phê vô vị nhất.
Từ khi đi làm, lịch sinh hoạt của hắn là như thế này: Sáng, công sở, chiều, cũng công sở, tối lê lết về được đến nhà thì đầu đã đau như búa bổ, đặt lưng lên giường là không nghe thấy cả những tiếng trộn bê tông ầm ầm của công trường đang thi công sát bên cửa sổ.
Còn weekkend? Sáng thứ bảy, ôm gối vật sang bên phải đến mười giờ sáng. Xuống nhà ăn uống, xem ti vi đến hai giờ chiều lên đến phòng lại ôm gối, vật sang bên trái đến bảy giờ tối. Ăn tối xong, xem phim xong, đầu lại đau như lúc vừa đi làm về. lên đến phòng chỉ còn nước lăn ra ngủ. Và ngày chủ nhật cũng vậy.
Cuối tuần nào cũng như cuối tuần nào, hắn luôn tự hỏi không hiểu sao thời gian của hai ngày cuối tuần trôi qua nhanh thế? Chẳng bù cho năm ngày trong tuần, mỗi ngày tám tiếng ngồi ỳ trước máy tính mà tưởng như mình ngồi tới hai mươi tiếng. Cũng phải thôi, ngồi một chỗ hết sáng lại đến chiều, nhúc nhích cũng không dám, đến đi toilet cũng phải ngẩng lên nhìn mặt sếp trưởng rồi mới dám đi thì thấy thời gian trôi quá chậm là phải. Ấy thế mà hơn một năm nay, từ lúc ra trường, tuần nào của hắn cũng như vậy, năm ngày đi làm, hai ngày ngủ bù cho não hồi phục để năm ngày tiếp theo còn chiến đấu.
Mà cái trò ngày nào cũng như nhau, tháng trước giống hệt tháng sau, cứ bật máy tính lên là thấy một loạt các kiểu số má, công thức rất dễ khiến người ta bị đau đầu và mệt mỏi kinh niên. Khi cơ thể đã mệt mỏi, uể oải, thì làm sao ta hoàn thành được mớ công việc dồn xuống đều đều như thác đổ? Và giải pháp là gì? Chính là chất kích thích.
Chất kích thích cũng có nhiều loại. Thuốc lá, trà, cà phê… Hắn đã thử từng thứ một, nhưng rồi thứ hắn chọn là cà phê. Thứ nhất, cà phê không làm phiền chị em trong phòng vì mùi, vì khói… Cà phê lại nặng hơn trà và cũng có loại tan, đóng gói sẵn, rất nhanh, rất tiện, không lo bị sếp trưởng lườm cho dựng tóc gáy vì lề rề ở bàn nước quá lâu.
Sau khi có cà phê làm trợ thủ, hắn đã thỏa mãn với điều đó một khoảng thời gian rất dài. Và hắn lại tiếp tục cái guồng quay: sáng, chiều công sở, tối ngủ, cuối tuần ngủ bù cho cả tuần… Chỉ khác trước là mỗi ngày có thêm một cốc cà phê vào buổi sáng, một cốc vào đầu giờ làm việc buổi chiều, pha cấp tốc rồi mang về chỗ, húp thật nhanh trước khi cà phê hết nóng và tiếp tục chúi đầu vào những dãy số dài vô tận…
Cho đến một ngày, hắn thức trước khi chuông đồng hồ báo thức, và nhận ra bên ngoài gió đã mang theo hơi lạnh. Hắn lờ đờ nhỏm dậy, xoa xoa mớ tóc đã mọc quá dài so với chuẩn, vén màn cửa sổ để gió sớm có thể mang hơi sương tự do vào chơi.
Hắn rất thích hơi lạnh buổi sớm. Thứ hơi lạnh mang sương ẩm ướt nhưng rất trong trẻo và dễ chịu. Hắn hít hà mùi thơm ngai ngái đó, khoan khoái mỉm cười.
Hắn làm một chuyện bất thường là bật chiếc máy tình phủ bụi ở góc phòng lên. Chiếc máy hắn yêu quý và coi như tính mạng suốt những năm đi học rất ít khi được sờ tới từ khi hắn có việc làm, vì ngày nào hắn chẳng ngồi tám tiếng dính vào máy tính, về nhà nhìn thấy cái máy hắn đã ngán ngẩm, chẳng còn buốn chạm vào nó nữa chứ đừng nói là ngồi lướt web.
Ấy vậy mà sáng hôm đó với cái đầu nặng trĩu, hắn lại ngồi vào máy tính, và lướt web. Có ai đó gửi cho hắn một cái link bài hát trong facebook. Hắn lơ đãng click vào và nhận ra đó là một giai điệu vô cùng quen thuộc của “Đoản khúc thu Hà Nội”. tiếng hát Hồng Nhung như chiếm lĩnh cả không gian buổi sớm yên tĩnh…
“Bởi vì mùa thu tôi ở lại
Hà Nội mùa thu Hà Nội thu
Hà Nội mùa thu tràn nỗi nhớ
Không bởi vì em hay vì em…
Hà Nội mùa thu Hà Nội gió
Xôn xao con đường xôn xao lá
Nhoà phố mong manh nhoè phố mưa
Chợt nắng long lanh chợt nắng thưa…”
“Nếu một ngày kia tôi không còn thức dậy… Hà Nội mùa thu có nhớ tôi?”
Hắn ngồi đực ra, không biết phải làm gì. Không hiểu sao hắn bỗng có ý nghĩ rằng mình vừa bước lạc vào một kiếp nào xa xôi lắm…
Ở kiếp sống đó, hắn có thể ngủ dậy lúc chín giờ tối, và bước ra đường khi nửa đêm về sáng chỉ để chụp lấy bức hình con phố quen vắng tanh không một bóng người.
Ở kiếp sống đó, hắn đã lang thang suốt đêm để hứng sương và những cơn gió mang hơi lạnh đầu mùa.
Ở kiếp sống đó, hắn hiếm khi uống cà phê. Nhưng mỗi khi uống, hắn lại lần vào quán và ngồi đến hai, ba tiếng không buồn đứng dậy. Và có lần, khi ra về, li cà phê chỉ mới vơi một nửa. Vậy mà caffeine vẫn đủ làm hắn thức đến gần sáng hôm sau.
Đúng rồi, quan trọng nhất là ở kiếp sống đó, mỗi ngày hắn đều dậy rất sớm để đón ban mai và tổ chức những buổi tiệc để đưa tiễn ngày qua đời. Vì khi ấy, mỗi ngày là một ngày khác nhau. Mỗi ngày, hắn có một việc mới để làm, để vui, và có thể, không phải ngày nào hắn cũng uống cà phê nhưng hắn tuyệt đối không uống cà phê tan.
Video đang HOT
Còn bây giờ? Bây giờ hắn biết rõ một ngày sẽ trôi qua như thế nào, lúc nào phải làm gì, mấy giờ hắn sẽ được đứng lên pha cà phê, mấy giờ phải đứng lên đi ăn cơm. Thậm chí, buổi trưa ăn món gì hắn cũng biết rõ. Cuộc sống của hắn được lên lịch đều đặn như vòng quay của chiếc kim đồng hồ. Hắn có muốn chạy ngược lại, các bánh răng cũng không cho phép.
Hắn không còn dậy sớm vì hắn biết hôm nay cũng sẽ chẳng khác hôm qua là mấy.
Hắn không còn tiễn đưa ngày vì với hắn, ngày mai tuyệt đối không phải là một thứ gì đáng để chờ mong.
Và ngày nào, hắn cũng uống cà phê tan.
Hắn bỗng nhớ, nhớ và thèm đến vô cùng cảm giác được ngồi ườn ra ở quán cà phê nhìn những giọt đen rơi chậm rãi xuống lớp đường thắng ở đáy cốc và tự vo tròn lại với nhau, được chậm lại ngoái nhìn một bóng nắng có hình dáng lạ kì in trên hè phố, được quay mặt hứng lấy một cơn gió đi lạc mang theo những hương thơm vừa quen vừa lạ không phả ra từ chiếc máy điều hòa ở góc phòng.
Sáng hôm đó đi làm, hắn không pha cà phê tan.
Ngày hôm đó, lần đầu tiên trong suốt một năm hắn nhấc điện thoại lên gọi cho những người hắn quen trước khi bước chân vào công sở. Hắn ngạc nhiên khi nhận thấy danh bạ điện thoại đã sắp đầy tràn cả bộ nhớ của hai chiếc sim trong máy. Có những người hắn thậm chí không hề nhớ mặt, có những người hắn còn không biết cả tên. Nhưng hắn vẫn gọi. Dù chỉ để nhận được những tiếng thông báo của tổng đài, và đôi khi là những mẩu hội thoại thế này:
“A lô?”
- Long à?
- Vâng, ai đấy ạ?
- Tao, Khang đây.
- Khang nào nhỉ?
Hắn dập máy.
Tranh thủ khoảng thời gian nghỉ trưa để lướt web, hắn lại vào facebook, cắm tai phone và bật lên “Đoản khúc thu Hà Nội”. Một buổi sáng quá tải, không cà phê làm hắn lơ mơ buồn ngủ. Hắn gục xuống bàn để mặc điệu nhạc kéo hắn hồn hắn phiêu du…
Buồn tay, hắn với ra gõ một câu lên status:
“Nếu một ngày kia tôi không còn thức dậy…
Hà Nội mùa thu có nhớ tôi?”
Tối, tan sở, hắn ngồi cắm cúi xóa hết những số điện thoại hắn lưu trong điện thoại rồi cắm phone vào tai, lượn lờ quanh các con phố cho tới lúc gần hết một bình xăng. Khi hắn nhận ra mình đã lượn qua cửa quán cà phê quen gần hai chục lần, hắn đành tặc lưỡi và quyết định rẽ vào.
Nếu là trước đây, hắn sẽ tuyệt đối không đi cà phê một mình. Nhưng giờ không phải là trước đây. Với cái điện thoại có danh bạ trống trơn, hắn buộc phải bước vào quán một mình.
Hắn thở dài chọn cho mình một góc khuất ánh đèn để ngồi. Hắn không muốn ai nhận ra hắn ngồi một mình. Hắn có thể giả vờ như đang đợi bạn. Hắn có thể lấy điện thoại ra giả vờ gọi cho bớt ngượng. Nhưng hắn không làm. Vì hắn biết là hắn chẳng còn lưu số điện thoại nào để gọi, và dù hắn có chờ cũng sẽ không ai đến…
- Cậu dùng gì?
- Cho con một nóng đường thắng, không sữa. – Hắn ngẩng lên khi nghe thấy tiếng bà chủ sát bên tai.
- Ớ thằng này, mày đi du học hay đi đâu mà mất mặt lâu thế?” Hắn ngẩn ra nhìn bà trân trối. Bà chủ cười, “Lâu lắm rồi chú mày mới có dịp lôi đường thắng ra mời khách đấy. Đi du học hả?”
- Dạ – Hắn cũng mỉm cười.
Về rồi phải chăm đến chỗ cô đấy nhá, thế hội bạn mày đâu?
- Hôm nay con đi một mình.
- Thế hả, để cô bật nhạc cho mày.
Hắn bần thần nhìn theo tấm lưng bà chủ đi vào bên trong mà không biết nói gì. Đâu đó bên trong ngực hắn có cảm giác nghèn nghẹn dâng lên…
Cà phê được bưng ra, hắn thích thú đắm mình vào thứ hương thơm vừa nồng vừa ngọt, chăm chú nhìn những giọt đậm đà tự vo tròn vào với nhau…
- Ớ, ớ, thằng Khang kia phải không?
Hắn giật mình ngẩng lên khi nghe thấy tên mình. Tốp người vừa gọi đang hớn hở đi về phía hắn, ba gương mặt, hai quen, một lạ.
Cô gái trong nhóm bước nhanh đến đánh vào vai hắn và kéo ghế gồi sát bên cạnh.
- Thằng lợn, mày biến đi đâu mất tích thế?
Hắn cười trừ.
Người con trai hắn biết cũng kéo ghế ngồi xuống phía bên kia hắn, nhường chỗ bên cô gái người thứ ba.
- Đi du học hả mày? – Cậu lên tiếng.
- Không, đi làm. – Hắn thành thật.
Cậu nhìn hắn từ trên xuống dưới, rồi lại đưa mắt từ dưới lên trên.
- Làm cái của nợ gì mà tự nhiên bốc hơi mất?
Đúng đó, tao gọi mày điên cuồng mà chẳng thấy ư hử gì cả.
- Giờ dùng số nào? Đưa máy đây tao xem.
- Iphone hả mày, mua lâu chưa?
- Ối giồi ôi, Vũ, danh bạ điện thoại trống trơn này!
- Thất tình à?
- Thằng lợn, số của tao mày cũng dám xóa?
- Thì nó chả xóa rồi đấy thôi.
Hắn trợn mắt, hết nhìn bên nọ đến bên kia, chẳng biết phải chen vào câu gì. Hai đứa bạn lâu ngày mới gặp mà như chưa từng có khoảng thời gian xa cách, liến láu không thôi. Hắn đưa mắt ngại ngần nhìn người con trai lạ vẫn ngồi im từ ban nãy. Cô gái hiểu ý mỉm cười,
- À, quên chưa giới thiệu, đây là anh Hùng, bạn trai tao.”
- Chào anh. – Hắn gật đầu.
- Ơ, dạo này mày ít nói nhỉ, bị đứa nào nó đá cho tung người nên não bị lì à?
- Thôi đi, chắc con tim nó còn đang rỉ máu đó, điện thoại xóa hết thế kia mà.
- Hớ hớ, mày với anh Hùng ôm hôn thắm thiết cái xem nó có đau thương tung bàn bỏ chạy không?
- Phim hàn xẻng hả mày?
- Thằng Long với thằng Hải kìa, mày họng to gọi đi.
- Ê, hai thằng kia, bên này!
- Sao lại rúc vào đây?
- Kéo thêm cái bàn vào đây, hai con lợn, chúng mày rúc thế nào vào được xó này, ra kia!
- Ở đây có mít sờ tơ thất tình nên ưa xó tối.
- Uầy, Khang, mày chui lủi ở xó nào cả năm trời thế?”
Chiếc loa ở góc quán lại vang lên giai điệu quen thuộc của Đoản khúc thu Hà Nội.
Góc tối hắn ngồi trở nên ầm ỹ. Cảnh tượng quen quen như kiếp sống xa xôi nào đó bỗng quay lại thật gần…
Và, hắn, cà phê không một mình.
“Hà Nội mùa thu Hà Nội gió
Xôn xao con đường xôn xao lá
Nhoà phố mong manh nhoè phố mưa…”
Theo 2Sao
Các tip đầu năm cực bổ ích cho tân sinh viên
Có biết bao điều mới mẻ đang đón chờ các tân sinh viên, làm thế nào để chuẩn bị tốt nhất cho giai đoạn mới trong đời này, teen nhỉ? Chúng tớ tặng các bạn vài tips cho "bước ngoặt cuộc đời" này nhé!
Xác định mục tiêu cụ thể
Mục tiêu sẽ giúp mỗi người xác định được hướng đi đúng đắn. Một mục tiêu học tập rõ ràng tất nhiên sẽ giúp teen học tốt. Bởi vậy, bạn còn chần chừ gì nữa mà không khởi đầu năm học mới bằng những mục tiêu cụ thể? Không cần những mục tiêu quá cao xa, mơ hồ, teen hãy xác định những mục tiêu ngắn hạn và có "cơ" thực hiện được.
Như Trinh, HV Báo chí tuyên truyền kể về những ngày đầu năm, cô bạn đã xác định phải trở thành cộng tác viên viết báo ngay từ năm nhất để làm nền tảng cho con đường báo chí mà bạn đã chọn. Vậy là, mới chân ướt chân ráo vào trường, Trinh đã chủ động tìm đọc một số sách về báo chí, tập tành viết bài, lò dò đi gửi khắp nơi... "Bắt đầu từ những bài viết non nớt ấy mà đến năm thứ ba đại học, mình đã thu được vốn kinh nghiệm kha khá về nghề báo rồi đấy", Trinh vui vẻ cho biết.
Hoài Nam, ĐH Kinh Tế Quốc Dân thì say mê tình nguyện. Với Nam, Đại học mở ra cho bạn ấy môi trường hoạt động tình nguyện thân thiện và phong phú hơn bao giờ hết.
"Mình sẽ cố gắng trở thành một tình nguyện viên năng nổ, cống hiến và hoạt động hết mình trong bốn năm đại học", Nam kể về mục tiêu rất đẹp của mình.
Những mục tiêu gần gũi, gây hứng thú như thế sẽ giúp teen "lớn" lên thật nhiều trong thời sinh viên. Hãy tự mình thử và cảm nhận, bạn nhé!
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Đề phòng bệnh chủ quan
Đầu năm thường ít kiến thức, môn học mới nhưng vẫn còn khá thoải mái. Mới đầu, những giờ học còn khá nhẹ nhàng, nhiều teen vì thế mà sinh tâm lý chủ quan. Đặc biệt với các môn đại cương bị nhiều người coi là khô khan, dễ nhàm như triết, kinh tế chính trị... teen cực kì nhanh oải.
Hằng, năm nhất ĐH Ngoại Ngữ chia sẻ: "Còn nhớ năm ngoái vào trường, mình đã quyết tâm học hành cẩn thận. Ấy thế mà qua vài buổi học đại cương nhàm nhàm, lại quen thói học xong về để đấy. Đại học không có những kì kiểm tra như kiểu 15p, 45 phút như phổ thông nên mình cứ thể kệ đến cuối kì. Chủ quan nghĩ, "toàn lý thuyết, học sau cũng được". Vậy là cuối kì è cổ ra gánh một đống giáo trình, đề cương ôn thi... Rõ khổ!"
Không ít bạn dù đã được cảnh báo về tình trạng sinh viên đi học về bỏ sách vở đó, buổi sau cứ thế đến trường. Nhưng rồi nhiều bạn vẫn đi vào "vết xe đổ" vì chủ quan. Những tiết học vì thế mà ngày càng nặng nề, uể oải, đậm tính đối phó.
Cái khổ này sẽ còn đến với những teen mắc bệnh chủ quan. Chủ quan sẽ không hoàn thành được những mục tiêu đã đề ra. Chủ quan sẽ không "điều khiển" được mình trong mấy năm đại học.
Bắt đầu đời sinh viên, chắc bạn không muốn mình sẽ trở nên bê- xê- lết chỉ vì căn bệnh chủ quan này phải không?
Bài trừ tật xấu của bản thân
Lười ghi bài, đi học muộn, hay quên... những căn bệnh học trò mà teen nào cũng có thể mắc phải ấy sẽ có nguy cơ tiếp diễn ở đại học. Bạn có muốn bước sang thời sinh viên rồi mà vẫn ôm trọn vẹn những tật xấu từ thời phổ thông lên giảng đường hay không?
"Hồi cấp ba, mình là chúa đi học muộn. Lúc ấy nhà xa trường đã đành. Bây giờ lên thành phố học, ở kí túc xá gần trường, ai ngờ tật xấu này càng tệ hơn... Sáng nào cũng ngủ nướng, tự nhủ, mình gần trường mà, năm phút là đến lớp. Thế mà thành ra cả kì buổi nào cũng đi muộn...", Hoàng Mai kể.
Những thói quen xấu có thể khiến teen mất điểm ngay từ đầu năm trong mắt bạn bè, thầy cô nữa, nên teen phải hết sức cẩn trọng. Hãy làm mới mình, trước tiên bằng việc diệt trừ dần những thói quen xấu ấy bạn nhé.
Có rất nhiều điều tuyệt vời cho bạn khám phá trong quãng đời sinh viên trước mắt. Hi vọng những tip nhỏ trên sẽ giúp các tân sinh viên đặt những bước đi đầu tiên thật vững vàng lên giảng đường.
Theo PLXH
Sĩ tử uể oải trong ngày làm thủ tục thi ĐH đợt 2 Khuôn mặt mệt mỏi, uể oải, nằm ngủ gục xuống mặt bàn... là những trạng thái dễ ghi nhận tại các hội đồng thi sáng nay, 8/7. Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn tâm lý của nhiều thí sinh. Sáng nay, gần 60.000 thí sinh làm thủ tục dự thi ĐH đợt 2 với các khối B, C, D....