Cà pháo không chỉ được muối chua mà còn chế biến theo cách này rất đưa cơm
Nếu đã chán cà pháo muối chua, bạn đã thử làm món cà nấu với mẻ chua chua, ngọt ngọt rất đưa cơm chưa? Không biết từ khi nào, cà pháo được người Việt Nam phát hiện và đưa vào thực đơn hằng ngày.
Chỉ biết rằng, những món ăn từ cà pháo đã có một vị trí không thể thay thế trên bản đồ ẩm thực của nước ta. Trước kia, cà pháo là món ăn dung dị, dân dã; ngày nay cà pháo đã được đưa vào những nhà hàng cơm quê với giá cả không hề rẻ.
Cà pháo dung dị, gần gũi nhưng là nguyên liệu để tạo nên nhiều món ăn ngon. (Ảnh minh họa)
Nhắc đến cà pháo, nhiều người sẽ nhớ ngay đến món cà muối chua thường chấm với mắm tôm hoặc ăn kèm với canh cua. Thế nhưng, có một cách chế biến khác của cà pháo, thơm ngon và đưa cơm chẳng kém, đó là món cà pháo nấu với mẻ.
Cà pháo nấu mẻ chua ngọt ngon cơm vào những ngày nắng nóng. (Ảnh: Bếp của vợ)
Mẻ (miền Nam gọi là cơm mẻ) thực chất là cơm trắng lên men, có vị chua nhẹ rất riêng. Nguyên liệu này thường xuất hiện nhiều trong những món ăn của người Bắc, ví dụ như món giấm cá nấu mẻ hay giả cầy,…
Khi kết hợp với cà pháo, mẻ thường được lọc lấy nước để sẵn. Nước mẻ có vị chua nhè nhẹ, thanh mát chứ không gắt như me hay chanh.
Cơm mẻ được làm từ cơm trắng lên men. (Ảnh minh họa)
Món này làm rất đơn giản. Cà pháo rửa sạch, bổ làm đôi rồi ngâm trong nước pha giấm để không bị thâm. Thường thì cà sẽ được đem đi luộc trước rồi mới kết hợp với các nguyên liệu khác, như vậy sẽ nhanh mềm hơn. Nhưng cũng tùy vào mỗi gia đình, có người lại thích om cà với mẻ ngay từ đầu để thấm gia vị.
Video đang HOT
Món này muốn ngon thì phải có thịt ba chỉ thái nhỏ và đậu phụ rán. Thịt được ướp với muối, mì chính và một ít bột nghệ cho thấm, sau đó đem đi xào với đầu hành cho săn lại. Lúc này mùi thơm đã bắt đầu tỏa ra.
Nguyên liệu chính của món ăn. (Ảnh minh họa)
Đợi khi lớp mỡ trong thịt bắt đầu tiết ra, cà pháo được cho vào cùng với mẻ, om trên lửa nhỏ cho tới khi nước sánh lại, cà và thịt chín nhừ. Tiếp đến, cho đậu phụ rán vào và nêm lại gia vị cho vừa ăn. Bước cuối cùng là cho thêm tía tô, lá lốt vào rồi đảo đều và tắt bếp. Mùi thơm của mẻ hòa quyện với rau thơm bao trùm cả góc bếp.
Món ăn có vị chua nhẹ của mẻ, ngọt của cà và béo của thịt ba chỉ. (Ảnh minh họa)
Cà pháo nấu mẻ có vị chua dịu, xen chút béo béo của thịt và đậu. Miếng cà pháo ăn mềm, ngọt, thấm đượm gia vị. Món này ngon nhất là ăn với cơm trắng. Đặc biệt vào những ngày nắng nóng, một chút chua chua kích thích vị giác khiến người ăn cảm thấy ngon miệng hơn.
Cá kho cà pháo món dân dã ngày hè xứ Nghệ
Thịt cá màu hổ phách đẹp mắt, chắc béo, thấm vị mằn mặn, chua chua từ cà pháo quyện với mật mía ngọt đượm, cộng chút the cay từ ớt rất đưa cơm ngày hè.
Nguyên liệu
800 gr cá trắm hoặc cá tràu (quả)
100 gr thịt ba chỉ
1 bát cà pháo muối mặn
1/2 chén mật mía
2- 3 củ hành khô (nếu có hành tăm xứ Nghệ thì càng thơm ngon, chuẩn vị)
1 nhánh riềng bánh tẻ (không non, không già)
2 nhánh sả
Gia vị: Muối hạt, nước mắm cốt, mì chính, hạt tiêu, ớt
Chanh và muối hạt sơ chế cá
Cách làm
Cá làm sạch, cạo bỏ hết màng đen trong bụng, dùng muối hạt và chanh chà xát khử tanh, rửa sạch, để ráo nước. Ướp cá với một thìa canh muối hạt trước vừa giúp cá chắc, vừa đậm vị hơn khi kho.
Riềng rửa sạch, thái lát. Sả đập dập, cắt khúc. Hành khô ngâm rửa sạch, bóc giữ cả vỏ kho theo cách xưa. Vỏ hành vừa giúp cá lên màu óng đẹp, khi ăn cảm nhận được vị dai dai, thấm vị ngọt béo từ cá thịt. Ớt khô rửa sạch để nguyên quả.
Lấy 1 bát cà pháo muối chua rửa sạch.
Ướp cá với 1/2 chén (bát nhỏ) mật mía, 3 - 4 thìa canh nước mắm cốt ngon, 1 thìa cà phê mì chính (hoặc hạt nêm), 1 thìa cà phê hạt tiêu tối thiểu 1 giờ. Sau đó, xếp riềng, sả dưới đáy nồi, rồi lần lượt xếp cá, thịt ba chỉ thái miếng, xen kẽ cà pháo muối chua. Trên cùng cho ớt quả, hành khô, hạt tiêu.
Kho cá cần kho tối thiểu 2 lần lửa sẽ giúp dậy màu, dậy vị và dậy mùi hấp dẫn. Lần 1: Thêm chút nước sôi xâm xấp cá, cho lên bếp đun sôi 5 - 6 phút, nêm nếm lại gia vị cho phù hợp.
Sau đó, hạ lửa nhỏ liu riu kho trong 40 - 45 phút. Lúc này mật mía quyện nước mắm, nước chua từ cà pháo muối tiết ra cứ thế quyện vào nhau làm cho thịt cá dần se lại. Sau đó, tắt bếp để nguội giúp cho "cá hồi thịt" trở nên săn chắc. Ở các lửa 2,3 cũng kho tương tự ở lửa liu riu, thỉnh thoảng múc nước kho rưới đều mặt. Chêm nước nếu muốn kho lâu, xương mềm rục. Khi nước gần cạn thì rưới thêm mỡ lợn, tăng lửa, mở vung để nước kho sền sệt, ánh màu hổ phách đẹp mắt.
Yêu cầu thành phẩm: Thịt cá màu nâu đỏ, chắc béo, thấm vị mằn mặn, chua chua từ cá quyện với mật mía ngòn đượm, cộng chút the cay từ ớt đẩy đưa vị giác, giúp bữa ăn ngày nóng trở nên tròn vị.
Chú ý:
Để khử tanh của cá, khi sơ chế dùng muối hạt, chanh hoặc nước vo gạo rửa sạch.
Nếu không có mật mía thì dùng nước hàng, đường thay thế và nêm nếm theo khẩu vị phù hợp.
Cà pháo muối mặn khi kho cùng cá sẽ trở nên mềm và vị mặn tiết ra nên ướp cá bớt lượng muối, mắm.
Thưởng thức hương vị Bắc trên đất Sài Gòn Người ta bảo đất Sài Gòn dễ tính, món ăn vùng nào cũng sẵn sàng du nhập, thế nên không quá khó để tìm được một quán ăn phù hợp với khẩu vị của mình.Vì vậy những quán ăn mang đậm hương vị đất Bắc cũng không ít ở đây. 1. Quán Bụi - 17A Ngô Văn Năm, Q.1 Quán bán cả ngày....