Cả nước có 4.292 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; Hà Nội tiếp tục giãn cách toàn xã hội đến 6 giờ ngày 23/8
Trong ngày 6/8, đã có 4.292 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca bệnh được điều trị khỏi ở nước ta đến nay là 62.332 ca.
Cũng tính từ 6 giờ sáng đến 18 giờ 30 phút ngày 6/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.315 ca mắc mới trong ngày. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 18/CĐ-UBND tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6 giờ ngày 23/8/2021.
Nút giao thông Hoàng Quốc Việt – Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) vắng vẻ trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Hà Nội tiếp tục giãn cách toàn xã hội đến 6 giờ ngày 23/8
Ngày 6/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 18/CĐ-UBND về việc tiếp tục thực hiện giãn cách toàn xã hội trên địa bàn thành phố để phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, toàn thành phố tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6 giờ ngày 23/8/2021.
Trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố và các địa phương trên cả nước vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố; triển khai đảm bảo thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách xã hội. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và quy định cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 17…
Nội dung Công điện cũng nhấn mạnh: Công tác phòng, chống dịch phải thực hiện từ gốc, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cần có sự tự giác, chấp hành, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng xã hội, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là giãn cách, cách ly xã hội. Đề nghị chính quyền cơ sở nghiên cứu kỹ các văn bản, quyết định, hướng dẫn của Trung ương và thành phố để chủ động linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch được kịp thời, hiệu quả, thực chất và phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tế của từng địa phương…
Bốn quy định khác luật sẽ được áp dụng để phòng, chống COVID-19
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa chủ trì cuộc họp khẩn cấp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Trước đó, tối 5/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công văn số 1067 xin ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các giải pháp cấp bách phòng, chống COVID-19. Ngày 6/8, Chính phủ tiếp tục có Tờ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ quyết định các giải pháp cấp bách khác quy định của luật.
Từ tối 5/8 và chiều 6/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã chủ trì các cuộc họp với các Ủy ban liên quan thảo luận về các nội dung trình của Chính phủ theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại cuộc họp này.
Tại cuộc họp các ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều bày tỏ đồng tình với các nội dung đề xuất của Chính phủ, đặc biệt là 4 nội dung mới khác quy định của pháp luật hiện hành hoặc thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo quy định của Nghị quyết số 30 của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với 4 nội dung trên trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Với các quy định khác trong dự thảo, Chính phủ chủ động triển khai trong thực tiễn.
Video đang HOT
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nhanh chóng tổ chức thực hiện các quy định mới, trong quá trình đó có đánh giá, tổng hợp, rút kinh nghiệm để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại các phiên họp, kỳ họp sắp tới.
Hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp sản xuất, thương mại dịch vụ
Sáng 6/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cùng lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số cơ sở sản xuất, thương mại dịch vụ trên địa bàn gồm: Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), phường 13, quận Bình Thạnh; Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (VIFON), phường 2, quận Tân Bình; Công ty TNHH TikiNow Smart Logistics (TIKI), phường Tây Thạnh, quận Tân Phú.
Trong buổi làm việc, đại diện Vissan và VIFON nêu những khó khăn trong việc tổ chức sản xuất, duy trì nguồn cung ứng nguyên liệu đang “bị đứt gãy” do tác động của dịch COVID-19 cũng như thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Theo đó, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, những doanh nghiệp này đều phải giảm số lượng lao động nên công suất giảm, trong khi nhu cầu của người dân tăng cao; nguồn cung ứng nguyên liệu thiếu nên các đơn hàng bị xử lý chậm. Trong khi đó, thời gian áp dụng mô hình sản xuất “3 tại chỗ” kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tâm lý của công nhân, người lao động..
Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, người lao động khi phải thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” trong thời gian dài, Phó Thủ tướng gợi ý việc phân nhỏ ca kíp theo khu vực cư trú của người lao động, đặc biệt phải nắm sát người ở “vùng xanh”, “vùng đỏ”; tìm kiếm khu nhà trọ để làm ký túc xá, tổ chức đưa đón người lao động an toàn từ nơi ở đến nơi sản xuất…
Đối với bất cập trong việc giao hàng liên quận, giao hàng tại các “vùng đỏ”, kho để hàng tại một số quận có diện tích hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu người dân… của TIKI, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý việc thiết lập kho chứa hàng lưu động tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, đồng thời huy động lực lượng tình nguyện, đoàn thanh niên… nhận hàng từ địa điểm chốt khu vực vùng phong tỏa, hỗ trợ đưa cho người nhận hàng.
15.000 công nhân lao động Thủ đô được nhận hỗ trợ từ chương trình “ Xe buýt siêu thị 0 đồng”
Lãnh đạo tổ chức Công đoàn Thủ đô trao quà hỗ trợ khó khăn cho công nhân lao động huyện Thanh Trì. Ảnh: TTXVN phát.
Bốn chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tiếp tục chở các nhu yếu phẩm hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn bởi dịch COVID-19. Theo đó, 3.297 suất quà đã được tổ chức Công đoàn Thủ đô trao tới người lao động các quận, huyện: Hà Đông, Hoàng Mai, Chương Mỹ, Gia Lâm…
Đây cũng là những chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” cuối cùng khép lại hành trình chạy thí điểm 10 ngày để thực hiện kế hoạch “Ứng phó khẩn cấp hỗ trợ đoàn viên, người lao bị ảnh hưởng do dịch COVID-19″.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, từ nhu cầu thực tế và đề xuất của công nhân lao động, đơn vị đã trích 4 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Công đoàn Hà Nội để hỗ trợ 15.000 công nhân lao động đang ở khu vực cách ly, phong tỏa, có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường, kết thúc 10 ngày thí điểm “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, đơn vị sẽ sơ kết, rút kinh nghiệm để hoàn thiện, xây dựng kế hoạch tiếp tục chăm lo cho đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đưa ra những chỉ đạo kịp thời tới các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để triển khai các “Gian hàng 0 đồng”,” Siêu thị 0 đồng”, “Ô tô siêu thị 0 đồng” hỗ trợ và giúp người lao động vượt qua khó khăn trong đại dịch.
Cùng với đó, Công đoàn Thủ đô yêu cầu các cấp Công đoàn tiếp tục phát huy hiệu quả các “Tổ an toàn COVID-19″, xây dựng các “Vùng xanh doanh nghiệp” tạo môi trường sản xuất an toàn giúp người lao động yên tâm thực hiện chủ trương “ai ở đâu, ở yên đấy” để góp phần phòng, chống dịch hiệu quả…
Sẽ tạm dừng phân bổ vaccine phòng COVID-19 với đơn vị nào tiêm chậm tiến độ
Bộ Y tế phát đi công điện đề nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Công điện được gửi tới Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Y tế, Bộ Công an; Cục Quân y, Bộ Quốc phòng; các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được giao nhiệm vụ tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19.
Vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Theo công điện này, thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 và Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế về việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 năm 2021-2022; các đơn vị tích cực trong công tác tiếp nhận vaccine, lập kế hoạch, triển khai tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Đến nay, cả nước đã tiêm được hơn 7,5 triệu/18,7 triệu liều vaccine (trong đó hơn 14 triệu liều mới được tiếp nhận từ giữa tháng 7 và đầu tháng 8). Tuy nhiên theo báo cáo của Cơ quan thường trực Tiểu ban Tiêm chủng, hiện nay vẫn còn một số đơn vị rất chậm trễ trong việc tiếp nhận vaccine, tổ chức triển khai tiêm chủng và báo cáo tiến độ.
Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trong bối cảnh dịch đang diễn biến ngày càng phức tạp và số lượng lớn vaccine về Việt Nam trong thời gian tới; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) điện Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, các kho Quân khu phải thông báo và thực hiện cấp phát vaccine ngay sau khi nhận được quyết định phân bổ của Bộ Y tế cho các đơn vị.
Các đơn vị phải chủ động liên hệ với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hoặc các kho Quân khu để tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng ngay số vaccine được phân bổ. Các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho tất cả các đối tượng từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu, người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), các trường hợp có bệnh lý nền theo đúng Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine và Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022; thực hiện báo cáo, cập nhật tiến độ tiêm chủng hàng ngày theo quy định.
Đến ngày 10/8/2021, nếu đơn vị nào triển khai tiêm chủng chậm, Bộ Y tế sẽ công bố công khai kết quả tiêm chủng của đơn vị trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ; điều phối vaccine cho các đơn vị khác và sẽ tạm dừng việc phân bổ vaccine cho đơn vị trong các đợt tiếp theo.
Hơn 13.600 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động trong tháng 7
Trong tháng 7, cả nước có 13.687 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, gần 10.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.
Theo Tổng cục Thống kê, việc thực hiện giãn cách toàn xã hội ở 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong tháng 7, cũng như 7 tháng đầu năm 2021.
Hơn 13.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động
Theo đó, trong tháng 7, cả nước có 8.740 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 122,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 71,2 nghìn người, giảm 22,8% về số doanh nghiệp, giảm 25,3% về vốn đăng ký và giảm 0,9% về số lao động so với tháng 6.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong tháng, cả nước có 4.947 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
75,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 7 tháng. (Ảnh minh hoạ: UEH)
Tính chung trong 7 tháng năm 2021, cả nước có 75,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1065,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 555,5 nghìn lao động.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đạt 14,1 tỷ đồng Nếu tính cả 1.366,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 27,6 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm là 2.432,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, còn có 29,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2021 là 105,4 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 15,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Gần 10.000 doanh nghiệp rời thị trường
Bên cạnh đó, trong tháng 7, 4.527 doanh nghiệp đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 3.932 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 1.442 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Tính chung 7 tháng năm nay, có gần 79,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Vốn đầu tư nước ngoài và trong nước giảm
Trong tháng 7, việc giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và một số địa phương thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg đã ảnh hưởng đến các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7 ước tính đạt 38,3 nghìn tỷ đồng, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 210,8 nghìn tỷ đồng, bằng 44,3% kế hoạch năm và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,72 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 1.006 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 10,13 tỷ USD.
Diễn biến dịch 24/5: Bắc Giang vượt 1000 ca, chùm ca bệnh ở Hà Nội phức tạp Trong 24h qua, Việt Nam có thêm 187 ca Covid-19 gồm 3 ca nhập cảnh và 184 ca trong nước. Như vậy, tính từ 27/4 đến nay, nước ta đã có đến 2.349 ca lây nhiễm trong cộng đồng, xuất hiện ở 30 tỉnh thành. Sau 28 ngày, tổng số ca nhiễm của đợt dịch thứ 4 đến nay cao gấp 2,85 lần...