Cá nóc nhiều bất thường tại vùng biển Thừa Thiên-Huế
Thời gian gần đây, cá nóc xuất hiện nhiều ở ngoài khơi, vùng lộng ở vùng biển huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế làm hoạt động đánh bắt thủy hải sản của ngư dân vùng biển gặp khó khăn. Loài cá này cắn đứt hết dây câu, lươi khi ngư dân vừa bủa, khiên nhiều tàu thiệt hại vài chục triệu đồng sau mỗi chuyến đi biển.
Ngư lưới cụ của ngư dân xã Phú Thuận, huyện Phú Vang bị cá nóc cắn phá. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Nhiều ngư dân vùng biển các xã Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải (huyện Phú Vang) cho biết trong thời gian gần đây, khi ngư dân ra khơi đánh bắt, cứ khoảng 10 con cá mắc lưới thì có tới 6-7 con cá nóc. Nhiều thuyền câu bị cá nóc cắn đứt lưỡi câu, cước chì gây thiệt hại ngư lưới cụ của người dân.
Một ngư dân ở thị trấn Thuận An than thở: “Làm nghề mấy chục năm, chưa khi nào thấy cá nóc sinh sôi như vậy. Đặc biệt, trong vòng một tháng trở lại đây, cá nóc nhiều vô kể. Thả câu chỗ nào thì cá nóc vây chỗ đó, chỉ trong tích tắc là cá cắn sạch cả trăm lưỡi câu; nhất là cá nóc nóc nghệ, nóc thu to bằng cổ tay.”
Năm nay, ngư dân làm nghề câu đang gặp khó khăn do cá nóc xuất hiện nhiều, cắn phá cước. Toàn thị trấn có gần 250 phương tiện đánh bắt xa và gần bờ, trong đó có khoảng 50% hành nghề câu nên thiệt hại khá lớn.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Thuận Đặng Tiến Tùy cho biết cá nóc thường xuất hiện vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 8 (dương lịch), nhưng năm nay cá nóc xuất hiện nhiều. Toàn xã có khoảng 800 lao động làm nghề đánh bắt, trong đó, riêng đánh bắt xa bờ bằng rường câu cá hố thường trực có khoảng 200 lao động. Số lao động này hiện nay đang gặp khó khăn vì cá nóc cắn phá câu gây hư hỏng nhiều ngư lưới cụ.
Video đang HOT
Cá nóc xuất hiện nhiều trên vùng biển Thừa Thiên – Huế gây thiệt hại cho ngư dân.
Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh khẳng định đây là hiện tượng bất thường. Hàng chục năm nay chưa khi nào cá nóc xuất hiện nhiều như thời điểm hiện tại. Trước mắt, Chi cục hướng dẫn ngư dân tuyệt đối không sử dụng cá nóc làm thực phẩm và đang theo dõi, tìm hiểu nguyên nhân sự việc nêu trên.
Sở Y tế Thừa Thiên – Huế khuyến cáo, người dân không được sử dụng cá nóc làm thực phẩm vì đây là loài thủy sản có độc tố cao. Ngay cả khi đun sôi ở nhiệt độ 1.000 độ C trong 6 giờ, lượng độc tố trong cá nóc mới giảm đi 50%, độc tố chỉ mất đi khi đuợc đun sôi ở 2.000 độ C trong 10 phút. Vì thế, không thể làm mất độc cá nóc bằng cách nấu và chế biến thông thuờng.
Các loài cá nóc độc có thể quan sát được, thường cá có thân dài từ 4cm đến 40cm, chắc, vây ngắn, đầu to, mắt lồi, thịt trắng. Cá nóc sống ở tầng đáy và sát đáy biển; vùng cửa sông, nước lợ. Độc tố trong cá nóc có thành phần chủ yếu là tetrodotoxins, thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm. Độc tố tập trung nhiều ở gan, thận, tuỵ, cơ quan sinh dục và độc tính tăng mạnh vào mùa sinh sản.
Hiện tại, các địa phương vùng ven biển Thừa Thiên-Huế tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân không chế biến cá nóc để ăn, không đánh bắt cá nóc; nếu đánh bắt được thì phải tiêu hủy…
Theo Quôc Viêt (TTXVN/Vietnam )
Cả làng ăn cá nóc 'tử thần' ở xứ Huế
Chứng kiến hàng xóm thiệt mạng vì ăn cá nóc, nhưng nhiều ngư dân một làng ven biển ở Huế vẫn xem đây là món khoái khẩu hàng ngày.
Sau nửa ngày ra khơi, ngư dân Hoàng Châu, 67 tuổi, thôn Tân Mỹ A, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) cùng bạn chài cập bờ với những con cá tươi rói vừa đánh bắt được. Trong rổ đựng cá của họ, xen lẫn cá nục, cá đục là những con cá nóc đã được lột da, vứt bỏ nội tạng.
Ông Châu chia sẻ, với người dân vùng miền khác thì cá nóc được xem như loại cá "tử thần" vì có chất cực độc khiến ăn vào là chết, tuy nhiên ngư dân thôn Tân Mỹ A lại sử dụng cá nóc làm thực phẩm hàng ngày. Không chỉ chế biến cá nóc tươi làm thực phẩm, họ còn phơi khô cá nóc để làm mồi nhậu. Nhiều gia đình có người thân ở tỉnh, thành khác hoặc nước ngoài vẫn thường gửi cá nóc khô làm quà.
"Cá nóc chúng tôi thường đánh bắt để ăn là loại da trơn, thân có màu hơi vàng xanh. Sau khi câu được cá nóc, ngư dân dùng chiếc dao nhọn lột lớp da và bỏ ruột gan, rồi kho với ớt để ăn ngay hoặc phơi khô", ông Châu nói.
Cá nóc được ngư dân lột da đưa vào bờ để sử dụng. Ảnh: Võ Thạnh.
Lý giải việc ngư dân thôn Tân Mỹ vẫn ăn cá nóc mặc dù biết loại này rất nguy hiểm, ngư dân Trần Ánh (64 tuổi) cho hay người dân địa phương phân cá nóc thành ba loại, gồm cá nóc thu xương xanh ngoài khơi, cá nóc gai gần bờ và cá nóc da trơn. Trong đó, hai loại đầu không ăn được, còn cá nóc da trơn không có độc."Hàng ngày tôi vẫn đánh bắt cá nóc da trơn về ăn bình thường", ông Ánh nói.
Ngư dân Hoàng Châu kể về cách làm cá nóc. Ảnh: Võ Thạnh.
Ngư dân Hồ Phúc (60 tuổi) cho biết, cứ đến đầu tháng tư, ông lại sắm lưỡi câu và dong thuyền đi câu cá nóc.
Theo ông, người dân địa phương đã ăn cá nóc từ nhiều đời nay. Tuy nhiên, cách đây 5 năm, hai người ở Tân Mỹ A bị ngộ độc do ăn cá nóc, một người chết. "Lúc bấy giờ, nhiều người trong thôn không dám dùng cá nóc nữa. Nhưng vài năm trở lại đây, bà con lại ăn bình thường", ông Phúc chia sẻ.
Nhiều ngư dân khác cho biết, cá nóc sau lột da thì "thịt trắng phau, chế biến rồi thơm ngon hơn cả thịt gà, ai ăn cũng mê".
Ngư dân thôn Tân Mỹ A xem cá nóc là món khoái khẩu. Ảnh: Võ Thạnh.
Theo ông Phan Văn Trí - Phó chủ tịch xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), toàn xã có hai thôn ven biển với 130 thuyền đánh bắt hải sản.
"Việc ngăn cản người dân đánh bắt, chế biến cá nóc rất khó, vì xã không biết bà con đi biển và sử dụng cá nóc như thế nào. Trước mắt, địa phương chỉ thông qua đài phát thanh xã tuyên truyền cho người dân hiểu về sự nguy hiểm của việc ăn cá nóc", ông Trí nói.
Võ Thạnh
Theo VNE
Nam thanh niên tự thiêu bên sông Hương Sau khi tự đổ xăng vào mình và châm lửa, nam thanh niên nhảy xuống sông Hương mất tích. Khoảng 13h30 ngày 15/8, nhà chức trách tỉnh Thừa Thiên Huế tìm thấy thi thể nam thanh niên 31 tuổi dưới sông Hương, sau nhiều giờ tìm kiếm. Hơn một giờ trước đó, nhiều người dân đang nghỉ trưa bên công viên Phú Xuân...