Ca nhiễm nCoV gần 82 triệu, WHO nói Covid-19 là ‘hồi chuông cảnh tỉnh’
Thế giới ghi nhận gần 81,6 triệu ca nCoV và gần 1,8 triệu ca tử vong, WHO cho rằng Covid-19 chưa phải dịch bệnh nguy hiểm nhất.
Thế giới ghi nhận 81.585.733 ca nhiễm và 1.779.986 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 481.835 và 8.824 ca một ngày, trong khi 57.678.549 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cảnh báo còn nhiều dịch bệnh nguy hiểm hơn Covid-19 có thể bùng phát trong tương lai và kêu gọi thế giới chuẩn bị nghiêm túc.
“Đây là hồi chuông cảnh tỉnh. Đại dịch này rất nghiêm trọng, nó lây lan rất nhanh và ảnh hưởng mọi khu vực trên thế giới, nhưng chưa hẳn là dịch bệnh nguy hiểm nhất. Tỷ lệ tử vong hiện nay vẫn tương đối thấp nếu so với nhiều dịch bệnh mới nổi, chúng ta cần chuẩn bị cho những căn bệnh nghiêm trọng hơn trong tương lai”, ông nói.
Binh sĩ Mexico tiêm vaccine của Pfizer tại một trạm y tế lưu động hôm 28/12. Ảnh: AFP .
Mỹ , vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 174.688 ca nhiễm và 1.781 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 19.723.899, trong đó 342.733 người chết. Theo đại học John Hopkins, cứ 1.000 người Mỹ lại có một người chết vì Covid-19.
Mỹ đã triển khai tiểm chủng hơn 2,1 triệu liều vaccine Covid-19. Giới chức Mỹ từ ngày 28/12 yêu cầu hành khách lên các chuyến bay từ Anh đến nước này cần trình kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.
Tiến sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu ủy ban chống Covid-19 của Mỹ, cho rằng cần nghiêm túc nhìn nhận biến chủng Covid-19 ở Anh, nhưng thêm rằng nó cũng chưa cho thấy khả năng gây bệnh nghiêm trọng hơn hoặc kháng vaccine. Ông ủng hộ quyết định của các quan chức Mỹ về yêu cầu người nhập cảnh vào Mỹ phải có xét nghiệm Covid-19 âm tính.
Anh, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận 2.329.730 ca nhiễm và 71.109 ca tử vong, tăng lần lượt 41.385 và 357 trường hợp.
Anh hôm 14/12 phát hiện chủng nCoV mới, có hơn 20 đột biến so với phiên bản gốc và có khả năng lây nhiễm cao hơn 70%. Đến tháng 11, khoảng 1/4 số ca nhiễm mới ở London là do chủng mới và đến giữa tháng 12, con số này tăng lên gần 2/3.
Hàng chục quốc gia đã cấm mọi chuyến bay hoặc siết chặt kiểm soát hành khách từ Anh nhằm hạn chế sự lây lan của chủng nCoV này.
Ấn Độ , vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 16.072 ca nhiễm và 250 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.224.797 và 148.190.
Các bang tại Ấn Độ đang truy vết những người đến từ Anh đã nhập cảnh vào nước này trong vài tuần qua để xét nghiệm nCoV và giải trình tự gene để xác định người nhiễm chủng virus mới từ Anh. Dù chưa có kết quả chính thức, một số bang đã xác định được ca nhiễm mang chủng virus mới, bao gồm 21 người ở Delhi, 18 người ở Telangana.
Giới chức Ấn Độ đã thông báo đình chỉ mọi chuyến bay từ Anh từ ngày 23/12 cho đến hết ngày 31/12. Mọi hành khách đến từ Anh trước khi lệnh cấm có hiệu lực phải xét nghiệm ngay khi nhập cảnh tại sân bay.
Brazil , vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 424 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 191.570. Số người nhiễm nCoV tăng 20.548 ca trong 24 giờ qua, lên 7.504.833.
Video đang HOT
Brazil hôm 24/12 tuyên bố đình chỉ các chuyến bay đến từ Anh và cấm nhập cảnh với những người đã ở Anh trong 14 ngày qua do lo ngại về biến chủng nCoV từ nước này.
Chính phủ Brazil dự kiến tiêm vaccine Covid-19 cho 51 triệu người, tức khoảng 1/4 dân số, trong nửa đầu năm 2021. Viện Butantan hôm 23/12 thông báo vaccine Trung Quốc CoronaVac được thử nghiệm ở nước này đã đáp ứng ngưỡng hiệu quả do cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa đặt ra.
Pháp , vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 2.960 ca nhiễm và 363 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.562.646 và 63.109. Pháp ngày 25/12 ghi nhận ca nhiễm chủng nCoV mới từ Anh đầu tiên là một công dân Pháp sống ở Anh.
Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cảnh báo Pháp không loại trừ khả năng phong tỏa toàn quốc lần thứ ba nếu tình hình tiếp tục xấu đi. Giới chức Y tế nước này lo ngại bùng phát đợt dịch thứ ba sau kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Iran , một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 54.818 người chết, tăng 121, trong tổng số 1.206.373 ca nhiễm, tăng 5.908. Tổng thống Iran Hassan Rounani tiếp tục phàn nàn rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây khó khăn cho việc thanh toán vaccine, dù Washington đã chấp thuận để Tehran chuyển tiền tới một ngân hàng Thụy Sĩ để mua vaccine của COVAX.
Iran áp lệnh giới nghiêm ban đêm tại 330 thành phố được đánh giá ít có nguy cơ lây lan Covid-19 nhằm duy trì đà giảm số ca nhiễm. Lệnh giới nghiêm từ 21h đến 4h sáng, vốn đã được áp dụng tại 108 thành phố với mức rủi ro lây nhiễm trung bình, sẽ mở rộng sang cả những khu vực có mức rủi ro thấp ở khu vực đô thị.
Hàn Quốc ghi nhận 808 ca nhiễm mới trong 24 giờ, nâng tổng số lên 57.680, trong đó 819 ca tử vong, tăng 11 ca so với hôm trước. Hàn Quốc tuyên bố sẽ mở rộng các biện pháp giãn cách xã hội để kiềm chế Covid-19 lây lan đến ngày 3/1, trong bối cảnh liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục mỗi ngày.
“Chúng tôi sẽ theo dõi tình hình trong tuần tới và quyết định có điều chỉnh các biện pháp giãn cách xã hội trước ngày 3/1, khi những biện pháp cách ly đặc biệt dành cho ngày lễ cuối năm kết thúc hay không”, Bộ trưởng Y tế Kwon Deok-cheol nói.
Nhật Bản báo cáo 3.252 người chết, tăng 39 ca, trong tổng số 220.236 ca nhiễm, tăng 2.924 trường hợp. Chính phủ nước này đã tuyên bố cấm nhập cảnh từ tất cả các quốc gia để ngăn sự lây lan của biến chủng nCoV ở Anh.
Tokyo những ngày gần đây cũng ghi nhận ca nhiễm nCoV tăng đột biến, trong bối cảnh Nhật Bản sắp bước vào kỳ nghỉ năm mới, thời điểm dòng người từ thủ đô bắt đầu đổ về các tỉnh khắp cả nước.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 719.219 ca nhiễm, tăng 5.854, trong đó 21.452 người chết, tăng 215. Indonesia đã cấm mọi du khách đến từ Anh và thắt chặt quy định với người đến từ châu Âu và Australia để hạn chế lây lan biến chủng virus.
Philippines báo cáo 470.650 ca nhiễm và 9.124 ca tử vong, tăng lần lượt 766 và 15 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Bộ trưởng Nội vụ Philippines Eduardo Ano hôm 28/12 cho biết một số bộ trưởng đã được tiêm vaccine Covid-19. Tư lệnh lục quân Philippines Cirilito Sobejana thông báo binh sĩ nước này cũng được tiêm vaccine nhưng với số lượng không lớn. Cả hai quan chức đều không cho biết loại vaccine được sử dụng.
Tuy nhiên, Giám đốc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines Rolando Enrique Domingo khẳng định nước này chưa phê duyệt sử dụng loại vaccine Covid-19 nào, khiến việc nhập khẩu, phân phối hoặc bán chúng là phi pháp.
Gần 78,3 triệu ca Covid-19 toàn cầu, Đức gia hạn lệnh cấm đi lại với Anh
Gần 78,3 triệu ca nhiễm, hơn 1,7 triệu người chết vì Covid-19 toàn cầu. Đức gia hạn lệnh cấm đi lại với Anh do lo ngại chủng nCoV mới.
Thế giới ghi nhận 78.288.590 ca nhiễm và 1.721.968 người đã chết do Covid-19, tăng lần lượt 641.843 và 14.265 ca một ngày, trong khi 55.052.983 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Đức báo cáo 22.495 ca nhiễm và 944 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.556.611 và 28.241. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuần trước cho hay nước này muốn Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech "trước Giáng sinh", để có thể đạt mục tiêu bắt đầu tiêm chủng tại Đức trước cuối năm nay.
Nhân viên y tế tại một trung tâm xét nghiệm Covid-19 ở sân bay Duesseldorf, Đức, ngày 21/12. Ảnh: Reuters.
Berlin thông báo sẽ gia hạn lệnh cấm đi lại từ Anh cho đến ngày 6/1/2021, bất chấp lời khuyên từ Ủy ban châu Âu (EC) rằng các nước thành viên trong khối nên hủy bỏ lệnh này.
Chính phủ Đức áp đặt lệnh phong tỏa một phần từ ngày 16/12 nhằm kiềm chế sự lây lan của nCoV dường như đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Lệnh phong tỏa dự kiến được áp dụng tới ngày 10/1. Cửa hàng không thiết yếu và trường học đóng cửa, công ty được khuyến khích cho phép nhân viên làm việc tại nhà hoặc kéo dài thời gian nghỉ lễ.
Mỹ , vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 150.336 ca nhiễm và 2.703 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 18.635.884, trong đó 330.065 người đã chết.
Tổng thống đắc cử Joe Biden tiêm vaccine Covid-19 trên truyền hình trực tiếp tối 21/12 để trấn an người dân về độ an toàn của vaccine. Đệ nhất phu nhân tương lai Jill Biden cũng tiêm vaccine Covid-19 cùng ngày. Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris và chồng Doug Emhoff dự kiến tiêm trong tuần tới.
Giới chức y tế Mỹ cho biết họ dự kiến cung cấp đủ liều vaccine đầu tiên cho 20 triệu người vào cuối năm nay, nhưng sẽ còn lâu nữa vaccine mới được phổ biến. Ngay cả trong điều kiện hoàn hảo, người dân Mỹ có thể sẽ không được tiêm chủng cho đến cuối mùa xuân hoặc mùa hè năm 2021. Giới chức y tế cảnh báo tình hình dịch bệnh những tháng tới sẽ rất thảm khốc.
Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên Nhà Trắng về phản ứng với Covid-19, ngày 22/12 cho biết bà có kế hoạch nghỉ hưu song vẫn sẽ sẵn sàng giúp Tổng thống đắc cử Biden khi cần.
"Tôi sẽ giúp sức với mọi vai trò mà mọi người nghĩ tôi có thể đảm nhận. Rồi sau đó tôi sẽ nghỉ hưu", bà cho biết.
Bình luận trên được đưa ra vài ngày sau khi AP đưa tin bà đã rời khỏi bang của mình vào kỳ nghỉ cuối tuần Lễ Tạ ơn, dù Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cùng nhiều quan chức y tế khác đã cảnh báo công chúng Mỹ hạn chế tối đa việc đi lại hay tham dự các buổi tụ tập đông người.
Anh báo cáo thêm 36.804 ca nhiễm và 691 người chết, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.110.314 và 68.307.
Hàng loạt nước châu Âu và châu Á đã cấm mọi chuyến bay, hoặc siết chặt kiểm soát hành khách từ Anh sau khi phát hiện chủng nCoV mới tại nước này. Các nhà khoa học Anh tin rằng biến thể mới không gây tình trạng nghiêm trọng hơn bản gốc, song nó có khả năng lây truyền cao hơn tới 70%.
Thủ tướng Boris Johnson cho biết chủng virus đột biến mới là nguyên nhân gây ra 60% ca nhiễm mới ở London và các vùng lân cận. Chính phủ Anh đã phải áp lệnh phong tỏa Giáng sinh ở London và phía đông nam đất nước do chủng virus này "vượt tầm kiểm soát", đồng nghĩa hàng triệu người dân sẽ phải hủy các kế hoạch Giáng sinh và ở yên trong nhà.
Pháp , vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 11.795 ca nhiễm và 487 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.490.946 và 61.702. Phủ tổng thống Pháp hôm 21/12 cho biết tình hình Tổng thống Emmanuel Macron đã ổn định, nhưng ông vẫn còn một số triệu chứng của Covid-19.
Chính phủ Pháp cho biết họ đã thống nhất sẽ vẫn cho phép công dân EU từ Anh vào nước này nếu có xét nghiệm âm tính với Covid-19, bất chấp việc nCoV chủng mới đang bùng lên tại Anh.
Ấn Độ , vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 23.881 ca nhiễm và 331 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.099.303 và 146.476.
Giới chức Ấn Độ thông báo đình chỉ mọi chuyến bay từ Anh từ ngày 23/12 cho đến hết ngày 31/12. Mọi hành khách đến từ Anh trước khi lệnh cấm có hiệu lực phải xét nghiệm ngay khi nhập cảnh tại sân bay. Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan khẳng định chính phủ đã chuẩn bị đối phó với chủng nCoV mới và người dân không cần hoảng loạn.
Brazil , vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 937 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 188.259. Số người nhiễm nCoV tăng 54.600 trong 24 giờ qua, lên 7.318.821.
Chính phủ Brazil dự kiến tiêm vaccine Covid-19 cho 51 triệu người, tức khoảng 1/4 dân số, trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, cơ quan quản lý y tế Anvisa đánh giá các tiêu chuẩn phê duyệt sử dụng khẩn cấp CoronaVac, vaccine Covid-19 của Trung Quốc đang thử nghiệm diện rộng ở Sao Paulo, không minh bạch.
CoronaVac đang trở thành chủ đề tranh cãi chính trị ở Brazil. Tổng thống Jair Bolsonaro gieo nghi ngờ vào loại vaccine này, mô tả nó là công cụ của Thống đốc Sao Paulo Joao Doria, người được cho là đối thủ tiềm năng của ông trong cuộc bầu cử tới, cũng như chính quyền Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh cho biết nhiều nước đã đồng ý tham gia chương trình thử nghiệm vaccine trên diện rộng của họ.
Tổng thống Bolsonaro hôm 18/12 cũng bày tỏ nghi ngờ về vaccine Pfizer-BioNTech.
Nga , vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 28.776 ca nhiễm nCoV và 561 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.906.503 và 51.912.
Nga đang chiến đấu với sóng lây nhiễm thứ hai khi giới chức Saint Petersburg cho biết họ sắp hết giường dành cho bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, Điện Kremlin cho biết giới chức không có kế hoạch tái áp đặt phong tỏa toàn quốc mà chọn phương án hạn chế theo từng khu vực. Từ đầu tháng 12, những người thuộc nhóm nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế và giáo viên, bắt đầu được tiêm vaccine Sputnik V.
Iran , một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 54.003 người chết, tăng 187, trong tổng số 1.170.743 ca nhiễm, tăng 6.208. Bộ Y tế nước này hồi đầu tháng thông báo tình trạng lây nhiễm đang chậm lại, nhưng họ lại đối mặt thử thách mới liên quan đến vaccine.
Tổng thống Hassan Rouhani cho biết Iran vẫn chưa thể mua vaccine Covid-19 do các ngân hàng không sẵn sàng xử lý giao dịch, bởi lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ, bất chấp vaccine cùng những mặt hàng nhân đạo khác được cho là sẽ nhận được quyền miễn trừ.
Hàn Quốc đang đương đầu làn sóng Covid-19 thứ ba khi ca nhiễm mới hàng ngày tăng mạnh. Nước này báo cáo thêm 869 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 51.460, trong đó 722 trường hợp tử vong, tăng 24 ca so với một ngày trước.
Vùng thủ đô Seoul (Seoul, Incheon và các thành phố vệ tinh) sắp hết giường điều trị tích cực. Dù từng được coi là một hình mẫu chống Covid-19, sự trỗi dậy của virus gần đây khiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phải xin lỗi vì không ngăn chặn được làn sóng lây nhiễm mới, đồng thời cảnh báo tình hình hiện nay "vô cùng nghiêm trọng". Giới chức cho biết nhiều người đã chết trong khi chờ giường bệnh vì tình trạng quá tải.
Chính phủ đã chỉ thị tất cả các trường học ở Vùng thủ đô Seoul đóng cửa trong một tháng nhưng không ban lệnh phong tỏa do lo ngại về thiệt hại đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 678.125 ca nhiễm, tăng 6.347, trong đó 20.257 người chết, tăng 172. Tổng thống Joko Widodo thông báo ông sẽ là người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 ở Indonesia và toàn bộ người dân sẽ được tiêm chủng miễn phí.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới với khoảng 270 triệu người, nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên gồm 1,2 triệu liều từ công ty Sinovac của Trung Quốc hôm 6/12. Nước này hy vọng sẽ bắt đầu tiêm chủng cho nhóm dân số là lao động từ 18 đến 59 tuổi, những người được coi là phải di chuyển nhiều nhất vì nghề nghiệp của họ.
Philippines báo cáo 462.815 ca nhiễm và 9.021 ca tử vong, tăng lần lượt 1.314 và 66 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực. Philippines là một trong những nơi ăn mừng lễ Giáng sinh lâu nhất thế giới, bắt đầu từ tháng 9. Hàng đoàn người đổ về các trung tâm thương mại và mua sắm rộng lớn bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp tại quốc gia Đông Nam Á này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước không quá lo lắng trước chủng nCoV mới được phát hiện tại Anh, cho rằng đây là điều bình thường trong quá trình tiến hóa của virus và khẳng định nhiều công cụ để truy dấu virus đang có hiệu quả.
"Minh bạch là rất quan trọng, cần phải cho công chúng biết điều gì đang diễn ra, nhưng cũng phải cho thấy đây là điều bình thường trong vòng đời virus. Việc theo dõi virus chặt chẽ, cẩn thận và mang tính khoa học là bước đi rất tích cực với y tế toàn cầu", giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho hay.
Số ca mắc mới COVID-19 tại nhiều nước Đông Nam Á vẫn ở mức cao Ngày 4/12, nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Indonesia, Philippines, Campuchia, vẫn ghi nhận nhiều ca mắc mới COVID-19. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Medan, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN Theo Bộ Y tế Indonesia , số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 của nước này trong 24 giờ qua là 5.803 người, đưa tổng số ca nhiễm lên...