Cả nhà 6 người ở Thủ Đức đã ‘đánh bại’ COVID ra sao?
Giữ tinh thần lạc quan, ăn uống đầy đủ, tập thể dục đều đặn… là chìa khóa mà những gia đình có nhiều thành viên mắc COVID-19 đã làm để chiến thắng dịch bệnh, đoàn tụ cùng nhau.
Gia đình chị Nguyễn Thị Điệp có 6 người mắc COVID-19 đến nay đã hoàn toàn khỏe mạnh, được xuất viện về nhà – Ảnh: NVCC
Tròn 3 ngày từ khi xuất viện, cả gia đình 6 người của chị Nguyễn Thị Điệp (41 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) đã chiến thắng COVID-19. Giờ đây cả nhà có thể quây quần vui vẻ sống cùng nhau.
Gia đình chị Điệp có 7 người, chỉ chồng chị có kết quả xét nghiệm âm tính. Ngày 11-7, chị Điệp cùng 5 thành viên khác, trong đó có người mẹ 85 tuổi và bé trai 4 tuổi, phải vào Bệnh viện dã chiến số 6 để điều trị COVID-19.
“Khi thấy mình có các biểu hiện mất khứu giác, vị giác, sốt, ho, khó thở, tôi đã nghĩ ngay tới COVID-19. Không ngoài dự đoán, cả gia đình 6 người xét nghiệm đều có kết quả dương tính.
Nhưng nếu tôi gục ngã ngay lúc này, mẹ và các con sẽ ngã theo, nên tôi luôn động viên và khuyên các con cố gắng không có gì phải sợ”, chị Điệp bùi ngùi nhớ lại.
Điều chị Điệp lo lắng nhất là mẹ mình đã 85 tuổi, còn mắc thêm bệnh nền huyết áp, hở van tim, riêng bé nhỏ nhất 4 tuổi may mắn chỉ có triệu chứng nhẹ, nên chị luôn động viên cả gia đình cùng cố gắng.
“Những lúc chới với nhất, tôi lại nhìn thấy hình ảnh các y bác sĩ ướt đẫm mồ hôi, trong bộ đồ bảo hộ, nên lại tự động viên mình và các thành viên trong gia đình cố gắng. Các y bác sĩ giúp đỡ chúng tôi rất nhiệt tình, ân cần, chu đáo.
Dù ăn không nổi, không cảm nhận được mùi vị thức ăn nhưng tôi cùng các con vẫn cố ăn uống đầy đủ, thuốc không được bỏ lỡ lúc nào”, chị Điệp kể.
Chồng chị Điệp vẫn luôn vận động các nhà hảo tâm, nhà tài trợ gửi quà đến những nơi khó khăn ở Bình Dương, TP.HCM – Ảnh: NVCC
Không những vậy, chị Điệp còn là người phía sau động viên chồng đừng quá lo lắng cho gia đình, dành thời gian giúp đỡ những người khó khăn hơn. Chồng chị đã vận động thêm nhóm thiện nguyện gửi thực phẩm đến những nơi khó khăn ở Bình Dương và TP.HCM.
Đến ngày 27-7, cả gia đình 6 người có thể xuất viện cùng nhau, mọi người đều khỏe mạnh, không có bất cứ triệu chứng gì, gia đình chị vẫn tiếp tục theo dõi sức khỏe thêm tại nhà.
Video đang HOT
“Tôi chỉ muốn nhắn nhủ với mọi người rằng chăm sóc sức khỏe cho chính mình cũng là giúp ích cho xã hội”, chị Điệp chia sẻ.
Những giấy tờ xuất viện của 6 thành viên, chị Điệp sẽ cất mãi như là một kỷ niệm đẹp của gia đình – Ảnh: NVCC
Còn gia đình chị Trương Thị Thủy (38 tuổi, ngụ quận Bình Tân) có 3 người mắc COVID-19. “Chúng tôi phát hiện nhiễm COVID-19 từ gia đình hàng xóm. Khi cả nhà có kết quả dương tính, mỗi người một bộ đồ bảo hộ, trên xe đến bệnh viện dã chiến chúng tôi lo lắng lắm”, chị Thủy kể.
Ngày 15-7, khi cả gia đình đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 4, chồng chị bỗng trở nặng, phải chuyển đến Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức).
“Vừa lo cho chồng và con gái 14 tuổi nhưng tôi luôn dặn mình phải giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ. Điều quan trọng nhất là chúng tôi luôn được các y bác sĩ chăm sóc rất chu đáo, ăn uống đủ bữa. Tôi cùng con không bỏ bữa nào, sáng dậy tập thể dục sớm, uống thuốc đều đặn, nghe lời bác sĩ. Một tuần sau đó chúng tôi đã được xuất viện”, chị Thủy nhớ lại.
Chị Thủy cùng con gái được xuất viện vào ngày 28-7. Chị rất lo lắng cho chồng mình, tuy nhiên đến trưa 30-7, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 thông báo chồng chị được xuất viện về nhà.
“Tôi rất vui và xúc động, chỉ muốn mọi người hãy giữ tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ, đó mới chính là chìa khóa chiến thắng COVID-19″, chị Thủy chia sẻ.
Không riêng gia đình chị Điệp và chị Thủy, rất nhiều gia đình đang điều trị tại các bệnh viện khác như: Bệnh viện Hồi sức COVID-19, Bệnh viện Dã chiến Củ Chi… cũng đã được xuất viện, đoàn tụ cùng nhau.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thạc sĩ Lê Minh Hiển – trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, phụ trách phòng công tác xã hội Bệnh viện Hồi sức COVID-19 – cho biết nhiều bệnh nhân COVID-19 khi xuất viện vì nhiều lý do khác nhau không có người thân đến đón, thì bệnh viện đã chủ động liên lạc tìm kiếm phương tiện để hỗ trợ người bệnh về nhà.
“Đến sáng nay, chúng tôi đã tìm được một chiếc xe để hỗ trợ những bệnh nhân xuất viện không có người nhà đến đón. Dù có khó khăn, vất vả đến mấy nhưng niềm vui mà chúng tôi có được đó chính là đón nhận tin vui từ những người xuất viện, mong mọi người cùng nhau chiến thắng COVID-19″, thạc sĩ Hiển nói.
Người già mắc bệnh nền ở TP.HCM ngồi xe lăn, chống gậy đi tiêm vaccine COVID-19
Nhiều người già mắc bệnh nền tại TP.HCM ngồi xe lăn, chống gậy đến BV Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức tiêm vaccine, để an toàn họ được test nhanh COVID-19 miễn phí.
TP.HCM triển khai tiêm vaccine cho người lớn tuổi, người mắc các bệnh mãn tính được ưu tiên tiêm tại bệnh viện. Hầu hết người lớn tuổi đều tỏ ra vui mừng vì được thông báo đi tiêm vaccine COVID-19.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiến hành việc tiêm vaccine cho các cụ già trên 65 tuổi với quy trình chặt chẽ, kỹ càng. Trước tiên, mọi người phải khai báo thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại liên lạc cho cán bộ y tế.
Sau khi sàng lọc bước 1, những người lớn tuổi sẽ khai báo y tế theo mẫu được phát sẵn.
Tuy nhiên, một số cụ tuổi cao, sức yếu nên không thể tự mình làm việc này. Vì thế, bệnh viện đã bố trí các cán bộ, nhân viên túc trực xung quanh để giúp đỡ các cụ khai báo y tế hoặc hướng dẫn người nhà của họ thực hiện theo đúng quy trình.
Để bảo đảm an toàn trong quá trình tiêm, tất cả người lớn tuổi được test nhanh COVID-19 miễn phí.
Sau khi test nhanh, những người kết quả âm tính sẽ được khám sàng lọc kỹ càng và tiến hành tiêm theo thứ tự.
Nếu phát hiện dương tính sẽ được đưa ngay đến phòng riêng và tiến hành các bước xử lý y tế tiếp theo cũng như xét nghiệm PCR.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh, 74 tuổi ngụ phường Phước Bình, TP Thủ Đức ngồi trên chiếc xe ba bánh đến bệnh viện để khám sàng lọc và tiêm vaccine. Quãng đường từ nhà ông tới bệnh viện di chuyển bằng xe 3 bánh mất hơn 1 tiếng.
"Tôi không vợ con, ở một mình và bán vé số. Dịch bệnh đang nguy hiểm, đặc biệt những người lớn tuổi như tôi, nên khi được tiêm vaccine tôi rất mừng và yên tâm", ông Huỳnh nói.
Được con gái đẩy trên xe lăn đến khám sức khỏe để tiêm vaccine, ông Nguyễn Văn Dảo, 71 tuổi ngụ TP Thủ Đức hồi hộp chờ đến lượt.
Con gái ông Dảo cho biết, ông sức khỏe yếu nên chị và gia đình rất lo lắng nếu chẳng may ông bị mắc COVID-19. Khi nhận được giấy của phường thông báo ông được ưu tiên tiêm vaccine, gia đình và con cháu rất mừng.
Các cụ ông, cụ bà được bác sĩ khám sức khỏe rất kỹ trước khi vào tiêm.
Bà Bảo 89 tuổi, ngụ Phước Long A, TP Thủ Đức bị bệnh huyết áp, tiểu đường, tim mạch và mỡ máu được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Con gái bà Bảo cho hay, lúc đầu bà không muốn tiêm, con cháu phải thuyết phục mãi bà mới chịu đi.
Được tiêm vaccine xong, bà Nguyễn Thị Mịnh vừa vui vừa lo lắng vì sức khỏe của bà không giống như người trẻ.
"Tôi cũng khá lo vì mình lớn tuổi rồi không biết tiêm có bị sao không, nhưng thấy các y, bác sĩ khám rất kỹ nên tôi cũng có phần yên tâm. Được tiêm thế này là mừng lắm rồi. Mong cho người dân được tiêm vaccine thật nhiều để bớt dịch, mọi người trở về cuộc sống bình thường", bà Mịnh chia sẻ.
Các cụ ông, cụ bà sau khi được tiêm và chờ theo dõi 30 phút sẽ được nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe và hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà.
Thêm 3 bệnh nhân COVID-19 có bệnh nền nặng tử vong Tối 14-7, Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo 3 ca tử vong do COVID-19 số 136 đến 138. Tổng số ca tử vong cả nước được Bộ Y tế cập nhật đến nay là 138 - Ảnh: TỬ VĂN Ca tử vong số 136 là BN18453, nữ, 80 tuổi, địa chỉ tại huyện Bình...