Cả người lớn, trẻ em đều nên tiêm phòng sởi
Đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh trên người đã diễn biến phức tạp với số ca mắc sởi tăng nhanh. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
Người dân đang lo lắng về sự bất thường của dịch sởi khi tại Hà Nội số ca mắc sởi tăng gấp chục lần so với cùng kỳ. Liệu có xuất hiện một đại dịch sởi thứ hai sau 5 năm diễn ra đỉnh dịch vào năm 2014 không, thưa ông?
Trên thế giới hiện nay đã có hơn 180 quốc gia có lưu hành sởi trong năm 2018 và đầu năm 2019. Trong đó, 11 nước trong khu vực Đông Nam Á đều ghi nhận ca mắc sởi trong thời gian này. Ngay cả một số nước ở châu Âu, mặc dù đã thanh toán được dịch bệnh sởi, nhưng trong năm 2018 và đầu năm 2019 đã ghi nhận quay trở lại của dịch bệnh này như Italia, Ucraina… Nguyên nhân đều được chỉ ra là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh không đạt như yêu cầu.
Việt Nam cũng đang nằm trong bối cảnh đó. Hiện cả nước đã có 43 tỉnh, thành ghi nhận rải rác các trường hợp mắc sởi. Tuy nhiên, so sánh số ca mắc với thế giới, số ca mắc sởi ở nước ta thấp hơn, đặc biệt, số ca mắc ghi nhận tại thời điểm này vẫn thấp hơn so với số ca mắc trung bình 5 năm gần đây, trừ thời điểm đỉnh dịch sởi năm 2014. Vì ngay trong năm 2018, Bộ Y tế đã triển khai, chỉ đạo quyết liệt việc tiêm vắc xin sởi – rubella cho các tỉnh có nguy cơ và những đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng.
Về tình hình sởi tại Hà Nội, đúng là số mắc tăng gấp 10 lần, nhưng số ca mắc này tăng là do tỷ lệ dân di cư từ các địa phương khác về Thủ đô tăng cao, số trẻ này rất khó kiểm soát và quản lý cả về tiêm chủng.
Theo ông, cần triển khai những biện pháp gì để giảm thiểu tối đa số ca mắc cũng như không để bài học đau lòng về vụ dịch sởi xảy ra như năm 2014 với hàng trăm trẻ tử vong?
Dự báo trong thời gian tới, dịch sởi có thể tiếp tục ghi nhận nhiều ca mới tại các địa phương do trẻ không được tiêm chủng hoặc không tiêm đầy đủ. Bên cạnh đó, thời tiết mùa Đông Xuân cũng là điều kiện thuận lợi cho vi rút sởi lây truyền. Chưa kể, hiện dịch bệnh đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, Nam, nên nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Với tình hình hiện nay, các cơ quan liên quan trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh không được chủ quan. Trước hết, phải làm tốt công tác cách ly bệnh nhân mắc sởi trong các cơ sở điều trị, phân luồng điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối với những bệnh nhân nhẹ chỉ cần cách ly ở nhà, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng là trẻ có thể bình phục, không nhất thiết phải đưa vào bệnh viện để hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo khiến bệnh trở nặng.
Bộ Y tế sẽ đôn đốc các tỉnh, thành triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi- rubella cho 57 tỉnh, thành có nguy cơ cao hoặc tại những tỉnh, thành có số mắc cao hoặc tăng đột ngột, lưu ý các địa bàn có di biến động dân cư cao, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Về phía người dân, Bộ Y tế khuyến cáo, với trẻ em, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch để có kháng thể chống lại dịch bệnh. Với người lớn, không nên chủ quan với dịch, người nào chưa có kháng thể, chưa bị mắc sởi nên tiêm phòng sởi và nhắc lại sau 5 năm.
Xin cảm ơn ông!
D. Ngân (thực hiện)
Theo baohaiquan
Bé 13 tháng tuổi nguy hiểm tính mạng do mẹ theo phong trào 'anti vắc xin'
Chỉ vì tin vào lời chia sẻ của nhiều người trên mạng xã hội, không ít các bà mẹ trẻ phải ân hận suốt đời khi không cho con đi tiêm phòng sởi, khiến trẻ bệnh "nặng càng thêm nặng".
Video: TP. HCM, 95% ca mắc sởi do phong trào "anti vắc xin" của phụ huynh
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện đang tiếp nhận và điều trị cho khoảng hơn 30 bệnh nhi mắc sởi nặng. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 3 đến 5 ca sởi, chủ yếu là trẻ em.
Điều đáng nói, nguyên nhân chủ yếu do trẻ không được đưa đi tiêm vắc xin đầy đủ chỉ vì tâm lý chủ quan, lo sợ và tin theo phong trào "anti vắc xin" của các phụ huynh.
Theo bác sĩ Kính, phụ huynh không nên chủ quan trong việc điều trị sởi cho con em mình (Ảnh: Phạm Quý)
Điển hình là trường hợp của bé T.M.C. (13 tháng tuổi, trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng sốt cao 38,5 độ, ho, chảy nước mũi, phát ban toàn thân. Mẹ của bé tin theo thông tin được lan truyền từ các bà mẹ khác trên mạng xã hội, lo sợ con bị phản ứng sau khi tiêm nên đã không cho trẻ tiêm phòng.
Theo TTND. PGS. TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, dịch sởi năm nay đang bùng phát trên diện rộng tới 44 tỉnh/ thành phố trong cả nước. Riêng TP.HCM, dịch sởi đã lây lan cho 22.000 người. Còn ở Hà Nội, ghi nhận khoảng hơn 150 ca mắc sởi.
"Dịch sởi lây lan rất nhanh và để lại biến chứng, hậu quả rất nặng nề, trong đó có viêm phổi, viêm phế quản, tắc thở, thậm chí viêm não, mất mạng...
Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể chăm sóc tại nhà theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Thường theo đúng phương pháp, trẻ sẽ khỏi sau 7 - 10 ngày tùy thể trạng", bác sĩ Kính nói.
Khi trẻ đến tuổi, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng đẩy đủ. (Ảnh: Soha)
Cũng theo bác sĩ Kính, hiện nay, có rất nhiều các bậc cha mẹ đang quá chủ quan dẫn đến sai lầm trong việc điều trị bệnh cho trẻ, nghe mạng xã hội không đưa trẻ đi tiêm khiến trẻ bệnh "nặng càng thêm nặng".
Thậm chí, có người dù biết con có bệnh vẫn để chữa trị tại nhà mà kiêng tắm, kiêng nước, điều này thực sự rất nguy hiểm vì có thể khiến trẻ bị viêm kết mạc hay bội nhiễm trên da, dẫn tới các bệnh nguy hiểm khác nếu không được vệ sinh sạch sẽ và ăn uống đầy đủ.
Do vậy, theo bác sĩ Kính, khi phát hiện trẻ sốt cao, phát ban, khó thở, thân nhiệt không ổn định thì cha mẹ cần nghĩ ngay tới bệnh sởi và cần đưa con tới ngay bệnh viện nơi gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị đúng phương pháp. Tránh chủ quan, chữa mẹo hoặc tự chữa ở nhà dễ khiến trẻ bị biến chứng nguy hiểm.
Theo bác sĩ Kính, với bệnh sởi, việc phòng bệnh vẫn là tối quan trọng, để giảm bớt nguy cơ nhiễm bệnh. Do đó, trước khi mang thai, phụ nữ nên được tiêm phòng sởi để có miễn dịch cho con.
Ngoài ra, đối với những trẻ đã đến tuổi tiêm vắc xin, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm đầy đủ, không nên quá lo lắng về phản ứng hay nghe theo người khác cảnh báo trên mạng xã hội mà không dám đưa con đi khám, dẫn đến nhiều trẻ bị mắc sởi, dịch sởi càng thêm khó kiểm soát.
"Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang kêu gọi khắp các quốc gia cần tiêm phòng sởi, nhưng một số nước lại đang có phong trào anti vắc xin. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch sởi phát triển và khó kiểm soát hơn.
Phụ huynh không nên quá lo lắng, khi trẻ đến tuổi, hay đưa trẻ đến trung tâm y tế được cấp phép tiêm chủng vắc xin để tiêm, phòng ngừa cho trẻ, tránh để trẻ nhiễm sởi trong khi có thể tự phòng bệnh", bác sĩ Kính nói.
Theo vtc
Hà Nội: Đẩy mạnh công tác phòng chống sởi Dịch sởi đang lan rộng tại nhiều nước trên thế giới với 41.000 người mắc sởi (theo con số thống kê của Tổ chức Y thế Thế giới trong 6 tháng đầu năm 2018). Tại Việt Nam, các chuyên gia cũng dự báo dịch sởi có thể gia tăng vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019 theo chu kỳ dịch sởi sau...