Ca nghi Covid-19 cách ly “qua đêm” trên xe cấp cứu: GĐ bệnh viện nói gì?
Sự việc một ca nghi mắc Covid-19 phải cách ly “qua đêm” trên xe cấp cứu, sau khi đến Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn ( Hà Nội) để xét nghiệm đang khiến dư luận xôn xao.
Chiều 29/11, mạng xã hội xuất hiện bài viết về trường hợp nghi Covid-19 đến Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn (52 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) để làm xét nghiệm Covid-19 nhưng phải cách ly một mình trên xe cứu thương… qua đêm. Chủ nhân của bài viết tự nhận là người thân của trường hợp nghi Covid-19 này.
Một phần nội dung của bài viết (Ảnh chụp màn hình).
“Đêm qua người nhà tôi đến BV Bảo Sơn (52 Nguyễn Chí Thanh, HN) xét nghiệm Covid. Vì nghi nhiễm nên BV làm xét nghiệm PCR và cho biết chiều tối nay mới có kết quả.
Điều đáng nói là, BV giữ bệnh nhân lại, không cho về (cháu đang nuôi con nhỏ) nhưng lại bắt ra cổng chờ. Vì BV không có phòng cách ly theo quy định của BYT.
Đêm khuya, gió lạnh, cháu phải lang thang ngoài cổng nên tôi gọi điện đến BV, hỏi để thế nếu cháu chuyển bệnh, bị sao thì ai chịu trách nhiệm, sau đó, cháu mới được BV cho vào trú tạm trong chiếc xe ô tô.
Cháu phải ở trên xe ô tô từ đêm qua để chờ đến tối nay và không được ra ngoài. Hiện nay trời đang rất nắng, cháu bị ho nhiều và rất mệt, nhưng vẫn phải nằm trên cái ô tô rất nhỏ và bí giữa trời nắng. Cháu cho biết rất khó chịu vì vốn đã mệt sẵn nên mới đi khám bệnh”, một đoạn nội dung của bài viết.
Dân trí đã liên hệ trực tiếp với BS Nguyễn Văn Mão, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn để làm rõ vụ việc.
Qua trao đổi, BS Mão xác nhận có trường hợp ca nghi Covid-19 đã cách ly qua đêm trên xe cấp cứu để chờ xét nghiệm PCR tại bệnh viện. Cụ thể, trường hợp này là một cô gái trẻ đến bệnh viện để làm xét nghiệm vào tối 28/11.
Lý giải về nguyên nhân xảy ra vụ việc, BS Mão cho biết, thời điểm nữ bệnh nhân này đến bệnh viện để lấy mẫu xét nghiệm khẳng định PCR, bệnh viện cũng đồng thời tiếp nhận 2 trường hợp nghi Covid-19 khác nên… “hơi khó khăn”.
Cụ thể, theo BS Mão, bệnh viện có bố trí “khu đằng trước” để cách ly các ca nghi ngờ Covid-19. Tuy nhiên, thời điểm đó cùng lúc tiếp nhận 3 ca nghi Covid-19 nên cơ sở không kịp đáp ứng và phải “giải quyết từ từ”.
“Vừa rồi không may chúng tôi tiếp nhận cùng lúc 3 trường hợp nghi Covid-19. Trong khi đó, việc xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp PCR phải chờ rất lâu mới có kết quả. Khi có kết quả khẳng định mới có thể điều chuyển bệnh nhân đến cơ sở điều trị được”, BS Mão cho hay.
Theo BS Mão, bệnh viện dự tính đến trưa 29/11 sẽ có kết quả xét nghiệm PCR cho bệnh nhân. Tuy nhiên, phải đến chiều việc xét nghiệm mới được hoàn tất.
“Bệnh viện đã giải thích với người nhà bệnh nhân cố gắng chờ kết quả xét nghiệm PCR thì mới có thể điều chuyển bệnh nhân đi được”, BS Mão thông tin.
Theo vị giám đốc này, trưa 29/11, bệnh viện đã cho giải phóng một khu nhà và chuyển ca nghi Covid-19 trên vào cách ly tại đó vào đầu giờ chiều. Đến tối cùng ngày, trường hợp này có kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2 và được chuyển đi cơ sở điều trị Covid-19.
F0 tăng trở lại, lo hệ thống y tế vượt ngưỡng chịu đựng
Số ca nhiễm Covid-19 ở khu vực Đông Nam bộ, ĐBSCL, miền Trung có dấu hiệu gia tăng, đặt các tỉnh, thành phải tính đến khả năng chịu đựng của hệ thống y tế địa phương.
Thậm chí, có tỉnh đã lo ngại "mất kiểm soát".
F0 vẫn ở mức cao
Tại cuộc họp với Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận sáng 18.11, lãnh đạo UBND tỉnh bày tỏ sự lo lắng trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp trong những ngày qua và phải đối mặt nguy cơ mất kiểm soát dịch trên địa bàn. Cụ thể, từ ngày 3 - 9.11 trên địa bàn ghi nhận 1.658 ca nhiễm mới (1.185 ca nhiễm cộng đồng), nhưng từ ngày 10 - 16.11, số ca nhiễm mới lên đến 2.835 ca (1.560 ca cộng đồng)...
Ngưỡng chịu đựng của ngành y tế TP.HCM là 120.000 ca Covid-19
Theo nhận định của cơ quan chức năng Bình Thuận, hiện nay xuất hiện tình trạng quá tải ở nhiều khu cách ly tập trung khi F0 và F1 liên tục tăng; các địa phương chưa tích cực triển khai cách ly F0, F1 tại nhà khiến cho các khu cách ly, điều trị tập trung càng quá tải; hệ thống y tế thiếu nhân lực trầm trọng. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên chỉ đạt 28,2% (mũi 1 đã đạt 91%).
Sở Y tế TP.HCM cho biết hệ thống y tế của thành phố có thể chịu đựng được ngưỡng 120.000 ca F0. ẢnhNGỌC DƯƠNG
Trước diễn biến phức tạp của dịch trên địa bàn, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng vẫn phải áp dụng giải pháp hạn chế tiếp xúc giữa người với người, dừng các hoạt động không cần thiết và sử dụng các chốt kiểm dịch để hạn chế người dân ra vào các vùng đỏ. Đặc biệt, yêu cầu các địa phương khẩn trương áp dụng biện pháp cách ly F0, F1 tại nhà nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế và các khu cách ly.
Ngày 18.11, UBND TP.Vũng Tàu cho biết đã kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xem xét, chấp thuận nâng cấp độ dịch tại xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) lên cấp độ 4 (hiện đang cấp độ 3). Theo TP.Vũng Tàu, tình hình dịch diễn biến phức tạp tại xã Long Sơn, đặc biệt tại dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn và chợ xã Long Sơn. Cụ thể, tính từ ngày 10 - 17.11, phát sinh 117 ca bệnh tại xã Long Sơn. Đối với dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, hiện có 12.200 người làm việc tại đây.
Tại Đồng Nai, từ khi nới lỏng giãn cách, số ca F0 ở Đồng Nai vẫn ở mức cao (từ 500 - 1.000 ca/ngày), trong đó F0 trong cộng đồng luôn trên 200 ca. Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết phần lớn các ca F0 đều không có triệu chứng, ngoài ra hiện có trên 88% người dân 18 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19, trong đó đối tượng trên 50 tuổi đạt tỷ lệ 95%, nên dù ca nhiễm có cao nhưng số người có triệu chứng nặng và tử vong rất thấp. Và để kịp thời xử lý F0 trong cộng đồng và điều trị F0 tại nhà, Đồng Nai đã yêu cầu thành lập gấp các trạm y tế lưu động.
Tại Quảng Nam, những ngày qua liên tục ghi nhận nhiều ca Covid-19 trong cộng đồng. Đáng chú ý, ngành y tế đã ghi nhận 25 học sinh tại Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (P.Vĩnh Điện, TX.Điện Bàn) và 2 công nhân tại một công ty ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc cũng liên quan ổ dịch tại ngôi trường này nên nguy cơ bùng phát dịch trở lại tại khu công nghiệp là rất cao. Ngành y tế đang tích cực truy vết, xét nghiệm nhanh đối với tất cả học sinh, giáo viên, nhân viên lao động tại Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu với gần 1.900 người để bóc tách các ca Covid-19 ra khỏi cộng đồng.
Ở Quảng Trị, dịch lan rộng huyện miền núi vùng biên. Cụ thể, từ đầu tháng 11, dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát tại 2 huyện vùng cao Hướng Hóa và Đakrông. Đến ngày 18.11, tại H.Hướng Hóa có 98 ca nhiễm (hàng chục ca cộng đồng), chủ yếu tập trung ở vùng biên giới thị trấn vùng biên Lao Bảo (hầu hết là người đồng bào dân tộc ít người và người buôn bán ở cửa khẩu). Trong các ngày từ 16 - 18.11, từ ổ dịch ở TT.Lao Bảo đã lây lan xuống các địa bàn xã Mò Ó và TT.Krông Klang (H.Đakrông) và xã Vĩnh Khê (H.Vĩnh Linh) với hàng chục ca. Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị, cho biết sẽ dồn toàn lực để dập dịch tại TT.Lao Bảo trong 10 ngày.
Cụ bà U.90 ở Vĩnh Long được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ảnh XUÂN PHÚC
Nhiều ổ dịch mới
Các tỉnh ĐBSCL cũng đang nỗ lực ứng phó trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc liên tục tăng. Ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, cho biết số ca mắc mới liên tục ghi nhận lên đến 3 con số. Đáng chú ý là số ca mắc trong cộng đồng chưa có dấu hiệu giảm. Trong 6 ngày liên tiếp (từ 12 - 17.11), mỗi ngày Vĩnh Long ghi nhận gần 300 ca mắc mới, trong đó số ca cộng đồng chiếm gần 1/2. Riêng sáng 18.11, Vĩnh Long ghi nhận 195 ca mắc, trong đó có 110 ca cộng đồng.
Tại An Giang, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh này, cho biết số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang tăng nhanh. Từ ngày 12 - 17.11 có 2.392 ca, riêng ngày 17.11 có 511 ca và 8 ca tử vong. Tính từ 27.4 - 18.11, An Giang ghi nhận 19.756 ca mắc. Qua phân tích, tỷ lệ ca mắc trong cộng đồng chiếm 30% với 6.001 ca. Hiện có nhiều ổ dịch mới tại các huyện: Châu Thành, An Phú, Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên và TP.Châu Đốc.
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết dịch bệnh tại tỉnh đang bùng phát và tăng đột biến trở lại. Trong ngày 18.11, tỉnh ghi nhận hơn 500 ca mắc mới, trong khi giai đoạn 3 tháng chống dịch cao điểm trước thì ngày cao nhất ghi nhận chưa đến 200 ca mắc/ngày.
Còn theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, từ đầu tháng 11 đến nay, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao. Trong tuần, có 1.741 ca mắc mới (tăng 47,54% so với tuần trước), trong đó có 679 ca cộng đồng. Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhận định "những ngày tới, số F0 trong cộng đồng có thể tiếp tục tăng".
Theo bác sĩ Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, trong tuần qua, số ca mắc Covid-19 tại tỉnh này tăng cao đột ngột trở lại, trung bình mỗi ngày gần 500 ca với khoảng 1/3 ca cộng đồng. Trong điều kiện các ổ dịch đang diễn biến phức tạp, khả năng thu dung, điều trị của tỉnh đã "kịch trần".
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bạc Liêu cho hay số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng liên tục tăng cao. Sáng 18.11, tỉnh ghi nhận 314 ca mắc, trong đó có 221 ca cộng đồng. Từ ngày 27.4 đến nay, Bạc Liêu có 8.223 ca mắc, có 4.871 ca khỏi bệnh; 77 ca tử vong, hiện đang điều trị 3.275 ca.
Theo ông Trần Văn Khải, Phó giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng, ngoài điểm nóng là ổ dịch trên địa bàn H.Trần Đề, gần đây tỉnh ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm trong cộng đồng trên địa bàn H.Kế Sách và TP.Sóc Trăng.
Ngày 18.11: Cả nước 10.223 ca Covid-19, 6.723 ca khỏi | TP.HCM 1.609 ca
TP.HCM chịu đựng được ngưỡng 120.000 F0
Tại TP.HCM, chiều 18.11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác đã làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM trong bối cảnh số ca nhiễm và ca tử vong trên địa bàn có xu hướng gia tăng những ngày gần đây. Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thông tin số ca F0 cách ly tại nhà những ngày gần đây tăng dần, hiện khoảng gần 50.000 F0. TP cũng rất lo khi quản lý số lượng F0 tại nhà, số trường hợp chuyển nặng có dấu hiệu tăng. Tương tự, số ca tử vong từ ngày 1.10 đến nay giảm dần nhưng 2 tuần nay có dấu hiệu tăng, dao động 30 - 40 ca/ngày, trong đó có cả các bệnh nhân nặng từ các tỉnh, thành khác chuyển đến.
Ông Thượng cho hay trong điều kiện vừa điều trị bệnh thông thường vừa điều trị bệnh nhân Covid-19 (khi lực lượng chi viện rút về), ngưỡng chịu đựng của hệ thống y tế tại TP.HCM là 120.000 F0. Hiện nay số ca F0 của toàn TP, bao gồm cả cách ly tại nhà, là hơn 64.000 F0. TP đang duy trì 86 trạm y tế lưu động do bệnh viện quân y phụ trách, hơn 100 trạm do ngành y tế TP triển khai. Ngoài ra, TP.HCM còn hình thành 8 cụm điều trị phân bổ theo địa bàn quận, huyện; xây dựng bệnh viện dã chiến 3 tầng, kích hoạt hệ thống tư vấn từ xa qua Tổng đài 1022 - phím 4, xây dựng đề án nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở...
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết từ ngày 1.10, TP triển khai các biện pháp thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, xã hội trên nguyên tắc an toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải đảm bảo an toàn. Ông Đức nhìn nhận nếu nơi nào tổ chức tốt thì đảm bảo; TP không ghi nhận trường hợp lây nhiễm liên quan việc mở quán ăn hay không mở quán ăn có phục vụ bia, rượu. Riêng dịch vụ massage, karaoke, spa... thì TP thống nhất tạm ngưng đến cuối tháng 11.2021 vì còn một số vấn đề cần cân nhắc kỹ, rà soát bộ tiêu chí để hướng dẫn kỹ hơn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhìn nhận con số hơn 64.000 ca F0 ở TP.HCM chắc chắn thấp hơn con số thực tế. Với sức chịu đựng của ngành y tế là 120.000 ca F0 thì với mức độ tăng 1.000 - 2.000 ca/ngày, khoảng 30 ngày nữa thì sẽ quá sức. Tuy nhiên, TP.HCM có thể cân đối ngưỡng chịu đựng thông qua số ca F0 khỏi bệnh, hiện mỗi ngày có khoảng 1.300 ca nhiễm mới và có 700 - 800 ca F0 khỏi bệnh. Các giải pháp để cân đối được ông Nên đưa ra bao gồm: giảm lây chùm, lây ổ qua lực lượng phản ứng nhanh, cấp thuốc ngay cho F0 mới phát hiện, rút ngắn thời gian điều trị, kích hoạt hệ thống y tế công tư, quân dân y, đông tây y...
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra yêu cầu trong tình hình mới, ngành y tế phải giám sát được hoạt động của người dân, trong đó vai trò của công an rất quan trọng, kết hợp với lực lượng y tế, mạng lưới thầy thuốc đồng hành. Tất cả người có nguy cơ như: người chưa tiêm vắc xin, người có bệnh nền, người già, trẻ em chưa tiêm vắc xin... cần được giám sát chặt chẽ, phân công từng tổ đặc nhiệm, kết nối vào mạng lưới thầy thuốc đồng hành. Phó thủ tướng đề nghị TP tiếp tục cảnh giác, không được phép lơi lỏng, trong điều kiện tỷ lệ tiêm vắc xin bao phủ rộng thì bình tĩnh hơn. TP.HCM cũng cần mạnh dạn mở cửa du lịch quốc tế đón kiều bào về nước thông qua các quy định về tiêm vắc xin, xét nghiệm, nhất là trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang đến gần.
Nhiều tỉnh chăm sóc, điều trị F0 tại nhà
Trao đổi với Thanh Niên, ngày 18.11, BS CK2 Phạm Phú Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, cho biết Sở đang xin chủ trương mở thêm một bệnh viện dã chiến và chờ phê duyệt. Cần Thơ cũng đang tăng cường triển khai thí điểm điều trị F0 tại nhà nếu họ đủ điều kiện.
Còn theo Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long Văn Công Minh, tỉnh đang nỗ lực bao phủ mũi 2 vắc xin phòng Covid-19 cho người trên 18 tuổi và trẻ từ 12 - 17 tuổi, thực hiện cách ly F1 tại nhà để giảm áp lực cho ngành y tế.
Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, nêu đối với các ca F0 nặng sẽ được điều trị ở các bệnh viện tuyến tỉnh, với F0 có triệu chứng trung bình được điều trị ở các cơ sở tuyến huyện, còn F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng sẽ được điều trị tại các cơ sở ở cộng đồng hoặc tại nhà.
Còn theo ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, tỉnh sẽ siết chặt quản lý địa bàn, yêu cầu người dân đảm bảo 5K khi di chuyển; đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phủ toàn dân và tranh thủ các nguồn thuốc để điều trị F0.
Theo ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh thực hiện điều trị F0 tại nhà khi đủ điều kiện và đã kích hoạt 101 trạm y tế lưu động.
Hà Nội bất ngờ dừng cách ly người đến từ TP.HCM và các tỉnh phía nam
Sau 2 ngày ra yêu cầu bắt buộc cách ly đối với người đến từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, tối qua (18.11), Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ra công điện điều chỉnh việc giám sát, xét nghiệm với người từ vùng nguy cơ cao, địa bàn có dịch về Hà Nội.
Theo đó, việc xét nghiệm thực hiện theo quy định của Bộ Y tế (không yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm khi ra vào TP). Về việc cách ly, người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin (thẻ xanh) hoặc khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng chỉ cần tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất. Người chưa tiêm đủ liều vắc xin (thẻ vàng) cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo, xét nghiệm vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7.
Người chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì cách ly 14 ngày, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và xét nghiệm vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương. Những người đã tiêm vắc xin hoặc khỏi bệnh Covid-19 tại nước ngoài thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.
Bài học phòng dịch từ chuỗi lây nhiễm viện Việt Đức Từ cụm dịch liên quan bệnh viện Việt Đức với 42 ca nhiễm, hơn 9.000 người cách ly; các chuyên gia cho rằng có thể rút ra nhiều bài học về chống dịch sau nới lỏng giãn cách. Hà Nội nới lỏng các biện pháp giãn cách từ ngày 21/9, cho phép bán hàng ăn mang về và một số dịch vụ khác,...