Cá muối chua ngày mưa lũ
Từ bao năm nay, trước khi mùa mưa bão kéo về trên mảnh đất miền Trung, các mẹ, các chị quê tôi đã kịp ủ cho gia đình mình một hũ cá muối chua đậm đà hương vị.
Cá muối chua là món ăn quen thuộc của người dân quê tôi trong những ngày mưa gió
Hũ cá muối chua là thức ăn lý tưởng để phòng những ngày mưa dầm lụt lội hay bão lũ không thể đi chợ được thì trong nhà vẫn có thức ăn.
Quê tôi vốn là một làng thuần nông, cuộc sống quanh năm gắn bó với sông nước ruộng đồng, quần quật làm lụng chỉ vừa đủ ăn. Hơn nữa thiên nhiên cũng không ban tặng người quê tôi mưa nắng thuận hòa quanh năm nên mọi người luôn có tính tiết kiệm và lo xa. Món cá muối chua có nguồn gốc từ sự khó khăn trong đời sống kinh tế và bản tính cần kiệm, lo xa ấy.
Cá muối chua còn được gọi là cá thính, làm từ nguyên liệu là các loại cá biển như ngừ, ồ, nục… vì các loài cá này vào mùa rất rẻ. Tuy vậy, ở quê mọi người vẫn thích dùng cá sông, cá đồng như mương, mại, mè, tràu, mòi… để làm cá muối chua bởi phần lớn các loài cá này được các gia đình tự đánh bắt, vừa tươi ngon, đảm bảo chất lượng lại tiết kiệm một khoản tiền kha khá do không phải mua ngoài chợ.
Video đang HOT
Để có được một hũ cá muối chua thơm ngon, mặn mà, ăn rất ngon miệng và “hao” cơm trong những ngày mưa gió, sau khi đánh bắt cá về phải làm thật sạch, để ráo nước rồi cho vào hũ sành. Cứ một lớp muối sắp một lớp cá. Lượng muối phải đủ mặn để cá săn chắc, không nát. Đậy kín nắp hũ trong một tuần là cá “chín”.
Lúc này các bà nội trợ sẽ lấy cá ra, ép nhẹ tay cho cá ráo nước bớt mặn rồi ướp với với bột bắp. Bột bắp cần phải rang trên lửa nhỏ liu riu đến khi chín vàng đều (không được để bắp bị cháy), tỏa hương thơm thì đem ra nghiền mịn. Cứ một lớp cá rải một lớp bột bắp lên trên, đậy kín nắp hũ, để hai tuần là cá quyện hương thơm của bột bắp, mặn mà, thơm nồng nàn, có thể dùng được.
Có nhiều cách chế biến cá muối chua như hấp, chiên nhưng ngon nhất vẫn là nướng. Cá được nướng trên than hồng cho nóng, dậy mùi rồi cho lên đĩa, thêm một ít dầu phộng phi thơm với tỏi hay nén rưới lên trên là các gia đình có ngay một món ăn với cơm nóng rất đậm đà, chua chua, ngòn ngọt, thơm nồng đượm và ngon miệng trong những ngày bão lũ hay ngày đông mưa dầm, gió bấc, tiết trời lạnh cóng.
Một mùa mưa bão nữa lại về, lại thấy thèm, nhớ và thương biết bao những bữa cơm gia đình ở quê với độc nhất món cá muối chua trong những ngày gian khó. Dẫu bây giờ cuộc sống của người quê tôi có khá hơn, chuyện chợ búa không còn khó khăn như trước nhưng tôi biết trong mỗi gia đình ở quê những ngày cuối thu này, món cá muối chua dậy mùi, thơm nồng nàn, hấp dẫn đã xuất hiện trong các bữa cơm gia đình như một nét văn hóa ẩm thực không thể thiếu của quê nhà
Theo tuổi trẻ
Độc đáo món bún cá ở Hải Phòng
Nếu như nói đến bún chả, bún đậu mắm tôm người ta nghĩ ngay đến Hà Nội, nói đến bún bò người ta nghĩ đến Huế còn khi nhắc đến bún cá thì không thể không nói đến Hải Phòng.
Tuy rằng bún cá không phải chỉ ở Hải Phòng mới có nhưng ở nơi đây bún cá lại có những nét độc đáo, đặc trưng riêng. Sự đặc trưng ấy thể hiện ở cách làm cầu kỳ, cách lựa chọn nguyên liệu (gồm cả cá biển và cá đồng), cách làm nước dùng... Chúng ta có thể có được một bát bún cá từ những gánh hàng rong vỉa hè của các bà các chị hay những quán ăn nhỏ và những nhà hàng lớn.
Bún cá Hải Phòng có hương vị đặc trưng của vùng biển lại có nét thanh dị của đồng quê bởi nó được chế biến từ cả hai loại cá đó là cá biển (cá Thu) và cá đồng(cá Trôi, cá Trắm) hài hòa với nhau.
Để có được một nồi bún cá ngon, người làm bếp phải trải qua công đoạn chọn cá vô cùng kỹ lưỡng, loại cá thường được chọn để nấu bún cá là cá thu hoặc cá trắm đồng, thịt cá phải săn chắc và ít tanh.
Đối với cá biển thì được lọc lấy phần xương và phần thịt riêng, phần thịt đem giã hoặc xay nhuyễn, ướp với nước mắm, bột nêm và tiêu khoảng nửa tiếng rồi viên cùng với thì là và nghệ để miếng cá thơm và vàng. Sau khi rán cá sẽ có vị rất đặc trưng của thì là, màu vàng óng của nghệ cực kỳ bắt mắt và hấp dẫn.
Còn cá đồng thì rửa sạch, cắt thành miếng nhỏ, ướp gia vị như mắm tiêu, bột nêm cho vừa đủ rồi đem rán giòn, để ráo.
Nước lèo phải dùng xương ống lợn ninh nhừ cùng với xương và đầu cá biển mới có vị ngọt riêng và đặc trưng của bún cá Hải Phòng.
Hoa chuối thái nhỏ, một vị rau sống không thể thiếu khi ăn kèm với bún cá Hải Phòng.
Bún cá Hải Phòng cũng như các món bún cá nơi khác không thể thiếu rau sống ăn kèm, có các loại như hoa chuối thái nhỏ, rau muống, rau thơm...
Bát bún cá Hải Phòng có màu vàng óng của chả cá, màu xanh dọc mùng, màu đỏ của tương ớt trên màu trắng tinh của bún ngập trong nước dùng cực kỳ hấp dẫn. Khi ăn bún cá có vị ngọt đậm đà của xương, của chả cá, vị cay nồng của ớt lại có vị thanh mát của rau sống. Bún cá Hải Phòng không chỉ là thưởng thức mà nó còn là sự độc đáo của quê hương, khác với bún cá ở nơi khác.
Theo VNE
Thơm nức lẩu mắm Cần Thơ giữa Sài Gòn Vị ngọt đậm đà, cay cay dậy lên mùi thơm của sả, quyện cùng mùi thơm của mắm, tạo nên món lẩu mắm thơm ngon đặc trưng. Ăn lẩu mắm thường kèm với bún, rất nhiều loại rau ngon và nước chấm mắm me. Lẩu mắm là món ăn dân dã, được chọn lọc từ những tinh túy nhất trong văn hóa ẩm...