Ca mổ đặc biệt cho người đàn ông Hà Nội mắc ung thư còng gập lưng
Người đàn ông Hà Nội mắc ung thư nhưng cơ thể suy kiệt, gù gập người, muốn phẫu thuật bác sĩ phải bố trí bàn mổ đặc biệt.
Bệnh nhân P.V.N, 56 tuổi, trú tại Ba Vì, Hà Nội được chẩn đoán u tuyến giáp thùy trái, kích thước 10×6 mm, cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân gầy yếu chỉ nặng 36kg, lưng bị còng gập 90 độ không thể nằm ngửa, thậm chí đi lại cũng khó khăn do viêm cột sống từ 16 năm trước.
BSCKII Hà Kim Hảo, Trưởng khoa Phẫu thuật Gây mê – Hồi sức, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, cơ thể bệnh nhân suy kiệt sẽ là khó khăn lớn trong gây mê hồi sức. Bệnh nhân lại bị còng gập người nên lồng ngực nhỏ, giãn nở kém, chức năng hô hấp hạn chế nên nguy cơ biến chứng rất lớn trong mổ.
Bệnh nhân được phẫu thuật trong tư thế đặc biệt
Ngoài ra do bệnh nhân không thể nằm, muốn phẫu thuật phải giữ ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, rất khó thao tác.
Sau nhiều lần hội chẩn, các bác sĩ lên phương án rất kĩ cho ca mổ đặc biệt. Các trang thiết bị chuyên dụng gồm đèn đặt nội khí quản có màn hình camera, bộ mở khí quản cấp cứu được chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống xấu.
Ngoài những xét nghiệm tiền phẫu cơ bản, bệnh nhân được chỉ định siêu âm tim và chụp cắt lớp phổi nhằm phát hiện các dị dạng có khả năng gây nguy hiểm cho cuộc mổ.
Ca phẫu thuật thành công sau 2 giờ căng thẳng, bệnh nhân được cắt gọn khối u, vét hạch cổ. Sau ca mổ, bệnh nhân tiếp tục được thở máy thêm 30 phút và dùng thuốc giải giãn cơ đặc hiệu, đảm bảo không còn thuốc mê trong cơ thể trước khi rút ống nội khí quản.
Video đang HOT
Sau mổ 1 ngày, bệnh nhân hồi phục rất tốt, có thể ăn uống đi lại nhẹ nhàng.
Bệnh nhân gù gập người do viêm cột sống 16 năm nay
BS Hảo chia sẻ, trong quá trình mổ, ekip đã phải sử dụng nhiều dụng cụ hỗ trợ để sắp xếp tư thế trên giường mổ sao cho bệnh nhân có thể chịu được và thuận lợi cho phẫu thuật viên quan sát, tiếp cận vị trí cần cắt u.
Bệnh nhân được đặt nằm ngửa với chân, cổ kê cao, cố định lưng và đặt ống nội khí quản gây mê. Các thông số hô hấp chỉ huy cũng được các bác sĩ tính toán chi tiết để cài đặt phù hợp với tình trạng người bệnh và theo dõi sát sao trong suốt ca mổ.
Hoảng hồn vú sùi loét, phun máu thành tia sau 20 năm tự điều trị ung thư
Bệnh nhân đến viện trong tình trạng ngực phải sưng to như quả bưởi, sùi loét, phun máu thành tia, chảy nhiều dịch có mùi hôi. Trước đó 20 năm, bà đã sờ thấy khối u to như quả trứng chim cút.
Ngày 24/6, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết phẫu thuật thành công khối u vú cho ca bệnh rất đặc biệt.
Bệnh nhân là bà D.T.T (73 tuổi, ở ngay Hoàng Mai, Hà Nội), phát hiện có khối u bằng quả trứng chim cút từ 20 năm trước đó nhưng chỉ tự điều trị tại nhà như uống mật động vật, cao hổ cốt, xạ đen...
Khối u vẫn tiếp tục tiến triển theo thời gian. Đặc biệt 5 năm gần đây, ngực bệnh nhân trở nên bầm tím, lở loét, thỉnh thoảng rỉ máu, bốc mùi khó chịu nhưng bà vẫn không đến viện vì sợ cảnh mổ xẻ.
Chỉ đến khi ngực bên phải sưng to như quả bưởi, sùi loét, phun máu thành tia, chảy nhiều dịch có mùi hôi, bà được người thân đưa đến BV Ung bướu Hà Nội khám.
Khối ung thư vú "khổng lồ" bị lở loét, ra máu
Tại đây, các bác sĩ thăm khám, xác định vú phải có khối kích thước 15x10cm xâm lấn da, nhiều hạch nách, xơ kẽ mô phổi hai bên. Kết quả giải phẫu bệnh xác định là ung thư.
"Khối u này nếu không được điều trị sớm sẽ tiếp tục phát triển, tăng sinh mạch gây ra máu nghiêm trọng, có thể xâm lấn gây hoại tử da, xâm lấn cơ ngực, nguy hiểm hơn là ung thư di căn các cơ quan bộ phận khác đe dọa tính mạng người bệnh", TS.BS Vũ Kiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Trưởng Khoa Ngoại Vú - Phụ khoa cho biết.
Vì thế, sau khi được chăm sóc giảm nhẹ, cầm máu, bà T. được chỉ định phẫu thuật tại khoa Ngoại Vú - Phụ khoa.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ nhận thấy khối u quá lớn, tăng sinh mạch, xâm lấn một phần cơ ngực nên ê-kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt toàn bộ tuyến vú phải bao gồm cả khối u và vét hạch nách, đồng thời xoay vạt bụng tạo hình khuyết hổng thành ngực.
Đến nay, sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn, vết mổ khô và được cho điều trị hóa xạ bổ trợ.
Bà T. cho biết, cắt bỏ được bên ngực to như quả bưởi, bốc mùi khó chịu, bà nhẹ cả người. Trước đó, vì sợ mổ xẻ nên bà không dám đi viện.
Bệnh nhân D.T.T sau khi được phẫu thuật cắt bỏ u
Theo TS Vũ Kiên, những trường hợp như bà T. ban đầu có thể chỉ là khối u lành tính nhưng do không được điều trị kịp thời và đúng cách nên biến chuyển thành ác tính.
Vì vậy, khi có bất cứ dấu hiệu bất thường ở tuyến vú hai bên và vùng nách hai bên như: đau vú, đau vùng nách, chảy dịch đầu vú, vú to bất thường, nổi u cục ở tuyến vú, thay đổi da vùng vú, tụt núm vú, thay đổi vùng da quanh đầu núm vú, nổi hạch nách cần phải đi khám chuyên khoa ung bướu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chị em phụ nữ, đặc biệt ở ngoài tuổi 40 tuổi cần chủ động tầm soát ung thư vú khi chưa có triệu chứng, để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Chẩn đoán sớm ung thư vú làm tăng cơ hội điều trị thành công, giảm biến chứng. Ngược lại, phát hiện chậm trễ sẽ khiến điều trị phức tạp, tốn kém và nhiều biến chứng, di chứng dẫn đến tàn tật, khả năng sống sót thấp.
Tại Việt Nam, ung thư vú là loại ung thư phổ biến hàng đầu ở nữ giới với tỷ lệ mắc mới chuẩn hóa theo tuổi (ASR) vào năm 2013 là 24,4/100.000 dân (ước tính của GLOBOCAN năm 2018 là 26,4/100.000 dân).
Tại Hà Nội, tỷ lệ này khá cao trong giai đoạn 2005-2008 là 40,3/100.000 dân và có khuynh hướng tăng lên trong những năm gần đây.
Ung thư vú là loại bệnh có tiên lượng điều trị tốt nếu được phát hiện sớm. Ngày nay, nhờ ứng dụng nhiều kĩ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị, tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú của Việt Nam đạt 75%, ngang với Singapore. Phát hiện ung thư vú càng sớm, cơ hội chữa khỏi càng cao.
Nổi hạch ở cổ, khi nào là ung thư? Theo bác sĩ Nguyễn Việt Cường - khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, nổi hạch ở cổ là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý. Đặc điểm hạch lành tính BS Cường cho biết, bình thường trên cơ thể một người trưởng thành có khoảng 450 hạch bạch huyết ở nhiều vị trí khác nhau như cổ, nách, bẹn v.v....