Cà Mau: Phun thuốc diệt cỏ, diệt cả… lúa, nông dân yêu cầu công ty bán thuốc bồi thường
Ngày 25/8, nhiều hộ dân ở xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã có đơn yêu cầu gửi cơ quan chức năng, liên quan đến việc, khi nông dân mua thuốc về để phun trừ cỏ, nhưng làm chết cả lúa.
Số thuốc này, được các nông dân mua của đại lý và Công ty TNHH Bayer Việt Nam (Công ty Bayer).
Theo đó, ông Nguyễn Văn Cảnh đại diện 6 hộ dân ở xã Khánh Hải, trình bày, các hộ dân mua thuốc Whip’s 7.5EW của Công ty Bayer tại 2 đại lý trong xã (có 3 hộ trộn với thuốc của công ty khác, do đại lý phối trộn). Sau khi sử dụng thuốc này, thì lúa của các hộ dân chết rất nhiều. Trước tình trạng này, các hộ đã có đơn gửi UBND xã Khánh Hải. Tiếp đó, UBND đã cử người xuống dân để xác minh vụ việc.
Lúa của gia đình ông Hòa chết dần sau khi sử dụng thuốc diệt cỏ Whip’s 7.5EW.
Theo báo cáo kết quả xác minh UBND xã Khánh Hải, sau khi kiểm tra quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật các hộ đều sử dụng đúng liều lượng theo hướng dẫn của đại lý (có 1 hộ tăng liều). Tình trạng lúa khi kiểm tra những chỗ lúa bám thuốc đã xuống ủ và chết lõm. Những cây lúa còn sống không phát triển so với những cây lúa không bám thuốc.
Ông Hòa cho rằng, mặc dù đã giặm lại lúa ở những khu vực có lúa chết, nhưng cây lúa kém phát triển, rể bị đen. Ảnh: Chúc Ly.
Cũng theo UBND xã Khánh Hải, tổng diện tích lúa bị ảnh hưởng là gần 10ha, mức độ thiệt hại từ 30-80%. Hiện nay các trà lúa đã được dân giặm lại và bón phân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ ấp Bảy Ghe, Khánh Hải), cho biết: “Ở đầu vụ, khi cây lúa được 17 ngày tuổi thì tôi mua thuốc Whip’s 7.5EW để diệt cỏ. 3 ngày sau tôi phát hiện lúa bị quéo đọt, sau đó là chết hẳn, những cây lúa khác thì có rễ đen không phát triển. Đây là lần đầu tiên gia đình tôi sử dụng loại thuốc này để diệt cỏ”.
Video đang HOT
Cũng theo ông Hòa, ông chỉ sử dụng 1 loại thuốc diệt cỏ trên và có tăng liều, tuy nhiên khi mua thuốc thì đại lý không tư vấn tăng liều sẽ bị ảnh hưởng. Sau khi lúa gặp sự cố, gia đình ông đã phải tốn thêm chi phí khoảng 30 triệu đồng để giặm lại lúa. Hiện diện tích lúa có nguy cơ không trổ nhiều, giảm năng suất.
Theo anh Bền, cây lúa phát triển kém dù đã xịt thuốc dưỡng nhiều lần. Ảnh: Chúc Ly.
Cùng cảnh ngộ, anh Trần Chí Bền (ngụ ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải) chia sẻ: “Trước đó, thấy lúa có nhiều bông cỏ nên tôi vào đại lý hỏi mua thuốc diệt, sau đó đại lý đưa thuốc Whip’s 7.5EW. Khi mua thuốc tôi có nói rõ là sử dụng cho 15 công (mỗi công gần 1.300m2), nên họ đưa 12 chai thuốc. Tôi không pha trộn gì thêm và sử dụng đúng liều lượng khuyến cáo. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau lúa bắt đầu héo rũ và chết dần, rễ thì đen lại không phát triển”.
Theo anh Bền, sau nhiều lần sử dụng thuốc dưỡng, hiện diện tích lúa bị ảnh hưởng của gia đình có lá xanh tốt trở lại, nhưng phần củ hũ dưới gốc có hiện tượng thối đen, không phát triển.
Lấy mẫu thuốc kiểm định chất lượng
Theo các hộ dân, ở các hộ sử dụng thuốc Whip’s 7.5EW, dù sử dụng đúng liều hay tăng liều, đúng ngày hay không đúng ngày theo khuyến cáo thì đều có hiện tượng lúa chết. Sau thời gian khắc phục, cây lúa ra rễ yếu, có khả năng giảm năng suất.
Cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu thuốc Whip’s 7.5EW để kiểm định chất lượng. Ảnh: Chúc Ly.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Bích Loan – Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, thông tin: “Sau khi nhận được phản ánh của các hộ dân, xã đã tiến hành xác minh, lấy số liệu về mức độ thiệt hại. Sau đó, chúng tôi đã mời đại lý, đại diện công ty bán thuốc và nông dân đến để làm việc. Xã đóng vai trò làm trung gian để có thỏa thuận phù hợp. Tuy nhiên, bước đầu giữa hai bên thỏa thuận không đạt, công ty chỉ chấp nhận hỗ trợ thuốc dưỡng cho nông dân”.
Cũng theo bà Loan, sau đó, phía công ty đã cử anh Nguyễn Trần Anh Huấn, đại diện Công ty Bayer, đến làm việc một lần nữa. Theo đó, anh Huấn cho biết sẽ đến từng hộ dân xác minh việc sử dụng thuốc bị thiệt hại và có đề xuất hỗ trợ về kỹ thuật, phân thuốc để các hộ dân chăm sóc các trà lúa còn lại.
Tuy nhiên, các hộ dân tiếp tục đề nghị, phía công ty và hai đại lý cần có bồi thường thỏa đáng cho các hộ dân có lúa bị thiệt hại.
Phần củ hũ cây lúa bị đên và thối, dù lá vẫn xanh tốt sau khi sử dụng thuốc dưỡng. Ảnh: Chúc Ly.
Trao đổi với phóng viên chiều 25/8, ông Huấn xác nhận: “Phía đại diện công ty đã có 2 lần làm việc với nông dân nhưng chưa đi đến thống nhất. Công ty cũng chuẩn bị có văn bản gửi lại UBND xã Khánh Hải liên quan đến vụ việc. Do khi vụ việc xảy ra nông dân chưa báo cho bên cơ quan chuyên môn mà chỉ báo cho xã nên chúng tôi có văn bản đề nghị Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật đứng ra giải quyết vụ việc một cách rõ ràng và khách quan”.
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Trần Thức – Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau, cho rằng: “Ban đầu người dân chỉ báo vụ việc đến xã, và sau đó phía công ty đã làm việc với cơ quan chuyên môn. Từ đó, đơn vị sẽ đóng vai trò là trọng tài. Đơn vị sẽ lấy mẫu thuốc, trường hợp mẫu thuốc của công ty tốt, thì bước tiếp theo chúng tôi sẽ làm khảo nghiệm đánh giá, nếu thuốc bình thường thì lỗi kỹ thuật thuộc về dân. Còn nếu sau khi kết quả mẫu cho thấy thuốc kém chất lượng, thì rõ ràng phía công ty phải bồi thường cho dân. Hiện chúng tôi đã lấy mẫu thuốc để kiểm định chất lượng”.
Ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học: "Rào cản" ngay từ nhận thức
Nhiều người biết tác hại của thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học và muốn dùng thuốc BVTV sinh học. Tuy vậy, để thuốc BVTV sinh học được sử dụng rộng rãi vẫn còn nhiều thách thức, trong đó rào cản trước hết là về nhận thức.
Khó áp dụng đồng bộ
Ông Võ Thành Dũng - Phó Giám đốc HTX rau hữu cơ Trường Thịnh (TP.HCM) kể, nhiều nông dân biết tác hại của thuốc BVTV hóa học, nhưng dịch bệnh hại cây trồng bây giờ rất nhiều và phát triển còn nhanh hơn danh mục thuốc BVTV mà người ta biết.
Thực tế, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học cần những hiểu biết không chỉ về dịch hại, mà còn về thổ nhưỡng, thời tiết, mối quan hệ giữa dịch hại và chính những tác nhân sinh học đó. Chi phí cho các loại thuốc BVTV sinh học cao nhưng hoạt lực lại thấp hơn thuốc hóa học.
Trong khi đó, các sản phẩm rau quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có giá bán không chênh lệch nhiều với sản phẩm thông thường. Đây là một khó khăn lớn trong việc sử dụng và phổ biến kiến thức về thuốc BVTV sinh học cho người dân.
Ông Dũng lưu ý, việc sử dụng biện pháp phòng trừ sinh học không có nghĩa là diệt trừ tất cả các sâu hại hoặc bệnh hại, mà là làm giảm áp lực của sâu bệnh xuống dưới ngưỡng gây hại. Vì thế, biện pháp sinh học phải được áp dụng chung với các biện pháp canh tác phù hợp khác; áp dụng trong khoảng thời gian đủ lâu, khoảng không gian đủ rộng mới phát huy hiệu quả.
Nông dân TP.HCM phun thuốc diệt cỏ trên ruộng ớt. ảnh Nguyễn Vy
Một vườn rau sạch nằm giữa 10 vườn rau phun thuốc thì làm sao đảm bảo hiệu quả. Để đảm bảo năng suất và thu nhập, người dân đành quay trở lại sử dụng thuốc hóa học. "Thói quen duy trì lâu năm rồi thành quen. Không thể trách nhận thức của người dân" - ông Dũng nói.
Ông Lê Quang Khải - cán bộ kỹ thuật của nông trường VinEco (thuộc Masan) kể, tại các trang trại của mình, dù đã có sự thống nhất cao để áp dụng đồng loạt nhưng hiệu quả đến nay vẫn chưa cao và chi phí giá thành tăng lên.
Theo ông Khải, trong thống kê danh mục thuốc BVTV, chỉ có khoảng 20% là thuốc sinh học và thảo mộc, còn lại là thuốc hóa học. Trong cơ cấu cây trồng cũng có sự mất cân đối khi 90% loại thuốc tập trung cho cây lúa. Chỉ có số ít sản phẩm cho các cây trồng khác.
Nhiều nhưng chưa đủ
Cũng theo ông Khải, VinEco đang tuân thủ và hướng tới việc sử dụng thuốc theo các tiêu chuẩn của nước sở tại. Nhưng ở điều kiện trong nước, nhiều cây trồng chưa có thuốc sử dụng hoặc rất ít loại thuốc, khiến doanh nghiệp không thể trồng các loại rau đó và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Tại các trang trại của VinEco, lượng thuốc BVTV đăng ký sử dụng một số loại rau đặc thù, có tiềm năng xuất khẩu như măng tây, cà rốt, cải thảo... là không nhiều. Với măng tây là hoàn toàn không có nên sản phẩm này cũng gặp vấn đề về kiểm dịch, phát hiện bọ trĩ trong quá trình xuất khẩu đi Hàn Quốc.
PGS - TS Nguyễn Xuân Hồng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn thuốc BVTV cho biết, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam hiện có hơn 1.000 chất với hơn 4.000 tên thương phẩm.
Trong đó, thuốc BVTV sinh học có 231 hoạt chất, với 721 tên thương phẩm (chiếm 18% trong các thuốc BVTV). So với các nước trong ASEAN, con số này khá nhiều và đa dạng. Tuy nhiên, so với lượng thuốc BVTV nhập khẩu, lượng thuốc BVTV sinh học mới chiếm khoảng 10%. Các loại thuốc sinh học có thành phần hữu hiệu là vi sinh vật có ích hầu hết được sản xuât trong nước với quy mô nhỏ lẻ.
Thuốc BVTV sinh học, đặc biệt là các chế phẩm vi sinh trên đồng ruộng được sử dụng rất hạn chế. "Vì thế, công tác BVTV ở nước ta nhiều năm qua vẫn dựa chủ yếu vào thuốc hóa học. Đây là điểm yếu cần tập trung mọi nỗ lực để khắc phục trong thời gian tới" - TS Hồng nói.
Còn theo PGS - TS Phạm Thị Vượng - nguyên Viện trưởng Viện BVTV, cái khó trong sử dụng thuốc BVTV sinh học lâu nay tồn tại ngay từ khâu nhận thức, ở cả cán bộ khoa học và lực lượng quản lý, chỉ đạo sản xuất. Nhiều người tin rằng chỉ có thuốc BVTV hóa học mới có thể giải quyết được tất cả các dịch hại một cách dễ dàng.
Theo bà Vượng, từ những năm 1980 đến nay, nhà nước đã đầu tư nhiều nhân lực cho lĩnh vực này và cũng đã có nhiều sản phẩm tốt. Hiện nay, nhiều nông dân, trang trại rất muốn giảm lượng thuốc BVTV hóa học nhưng lại không biết rõ thuốc nào là sinh học. Cung, cầu đến nay chưa gặp nhau...
Khát vọng đường cao tốc nối hai đầu Tổ quốc Cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo 2 tỉnh Cao Bằng và Cà Mau cho thấy quyết tâm, chủ động thực hiện đường cao tốc nối hai đầu Tổ quốc làm động lực phát triển kinh tế - xã hội cho cả nước Cao Bằng và Cà Mau - hai vùng đất cách mạng ở hai đầu đất nước - đang quyết tâm làm...