Cà Mau: Lão nông đem chôm chôm về trồng đất phèn chua mặn, cây bén rễ, trái ngọt lừ chưa chín đã được “đặt gạch”
Chôm chôm vốn là loại cây ăn trái chỉ thích hợp với vùng đất ngọt phù sa, đất thịt pha cát hoặc đất đỏ bazan, có khả năng thoát nước tốt.
Vậy mà ở xứ U Minh Hạ, lão nông Trần Thanh Sử (Ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) đã đem loại cây này về trồng hơn 15 năm qua.
Mặc dù được trồng trên vùng đất phèn, cây chôm chôm vẫn bén rễ, đơm hoa, kết trái mỗi khi đến vụ mùa.
Ghé vào vườn chôm chôm đang chín đỏ, cái sịa và cây bẹo bán chôm chôm để trước nhà, vừa bán xong cho mấy người khách, ông Sử cười: “Cũng may, đợt mưa gió vừa rồi vườn chôm chôm không bị ảnh hưởng gì. Trái chưa kịp chín là đã có người đặt chừa lại cho họ đãi đám rồi. Có bữa để sịa chôm chôm trước nhà, người ta đi qua đi lại không mà bán được cả trăm kí, chưa kể đi giao nữa, có mấy mối ngoài chợ dặn lấy sỉ mà mình không có số lượng nhiều”.
Trên vùng đất phèn U Minh Hạ, vườn chôm chôm của ông Năm Sử vẫn cho trái hơn chục năm qua.
Ông Sử kể, từ năm 1993, ông về đây sinh sống. Lúc đó, cha ông đã trồng thử cây chôm chôm trên vùng đất này. Thấy cây vẫn sống và cho trái, vài năm sau, ông lên Bến Tre mua 40 gốc chôm chôm về trồng trên diện tích 2 ngàn mét vuông. Ông cũng học hỏi kỹ thuật trồng của nhà vườn để cây có thể sinh trưởng trên vùng đất nơi đây.
Ban đầu ông Sử cải tạo đất phèn, lên liếp cao khoảng 1 m để cây không bị ngập úng vào mùa mưa, khoảng cách giữa các cây từ 8-10 m. Sau 3 năm chăm sóc, cây bắt đầu cho trái. Mỗi vụ chôm chôm đạt năng suất từ 700 kg đến 1 tấn (tuỳ năm). Với giá bán từ 15-20 ngàn đồng/kg, mỗi năm ông thu về gần 20 triệu đồng.
Ông Sử chia sẻ: “Mùa chôm chôm ở đây trễ hơn những vùng trên khoảng 1 tháng. Vài năm trở lại đây, mặc dù có giá nhưng do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, độ phèn cao, thiếu nước ngọt để tưới nên chôm chôm cho năng suất không cao như lúc trước. Vườn chôm chôm này cũng lâu năm rồi, muốn năng suất cao mình phải tỉa lại cây, đầu tư hệ thống tưới, phải tốn chi phí hơn 100 triệu đồng”.
Chôm chôm sạch được người dân ưa chuộng, thậm chí không đủ bán.
U Minh Hạ là vùng sản xuất nông lâm kết hợp, chủ yếu trồng tràm và lúa. Tuy nhiên, nhiều năm nay, sản xuất lúa không hiệu quả do đất phèn nặng, thời tiết thất thường nên người dân chuyển dần sang trồng tràm và cây ăn trái. Vì vậy, đây được xem là vườn chôm chôm đầu tiên xuất hiện ở Cà Mau.
Mặc dù khâu chăm sóc, điều kiện phát triển của cây không được thuận lợi, nhưng vườn chôm chôm của ông Sử không sử dụng phân thuốc hoá học nên chất lượng trái giòn ngọt, an toàn, được mọi người ưa chuộng, thậm chí không đủ để bán.
Hiện tại, ông Sử đã san lấp đất, lên liếp để chuẩn bị mở rộng thêm diện tích trồng giống chôm chôm mới Tiến Cường cho năng suất cao hơn. Bên cạnh đó, ông dự kiến trồng thêm sầu riêng và măng cụt, hướng tới phát triển du lịch nhà vườn.
Có thể nói, đây là tín hiệu vui mở hướng cho nông dân trên vùng đất phèn mặn này. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp giúp nông dân nâng cao hiệu quả, góp phần đa dạng mô hình kinh tế ở địa phương, nhất là khi loại hình du lịch sinh thái miệt vườn đang phát triển như hiện nay./.
Nhiều vườn sầu riêng, chôm chôm miền Tây chết héo
Nhiều vườn sầu riêng, chôm chôm ở Bến Tre, Tiền Giang giảm năng suất hoặc chết héo do hạn mặn, nông dân thua lỗ, dự định chặt bỏ trồng cây khác.
Buổi trưa, ông Đoàn Văn Ham (53 tuổi) dừng xe máy, đi bộ vào con lộ nhỏ thăm vườn sầu riêng 3.500 m2 ở xã Tân Phú (Châu Thành, Bến Tre). Nhìn từ xa, vườn sầu riêng hơn 10 năm tuổi, đang độ cho trái khô héo, phần lớn thân mục ruỗng, cành đã chết khô, gãy rụng đầy vườn. Những cây còn lại lá cũng ngả màu vàng úa, hoa héo rủ, trái đèo đẹt, phần lớn bị hư khi còn non.
Năm ngoái, do đạt năng suất cao, trái to, đẹp, vườn sầu riêng của ông Ham là một trong những điểm dừng chân của các tour du lịch trên địa bàn. Trừ chi phí, một mùa vườn nhà ông thu lợi nhuận hơn 400 triệu đồng.
Vườn sầu riêng 3.500 m2 của ông Đoàn Văn Ham dù tốn 60 triệu tiền nước tưới, hiện vẫn chết hết. Ảnh: Hoàng Nam.
Ba tháng trước, nước sông Tiền bắt đầu bị nhiễm mặn, len lỏi vào mương vườn. Ông Ham dừng lấy nước dưới mương, mua nước từ các sà lan với giá từ vài chục đến hàng trăm nghìn mỗi khối tưới vườn cây.
"Do tốn kém, nên sau đó tôi quyết định ngưng tưới, cắt trái bán. Nhưng thiếu nước nên trái cũng èo uột, bán giá rẻ, toàn vườn cây chỉ được 30 triệu đồng, trong khi tiền nước tưới đã 60 triệu đồng", ông Ham nói.
Vườn chôm chôm 3.000 m2 của người hàng xóm ông Ham cũng xơ xác, lá đã ngả màu nâu, cây chết gần như hoàn toàn. Dọc hai bên đường tại xã Tân Phú, hàng trăm vườn sầu riêng, chôm chôm khác cũng đang trong tình trạng tương tự. Nhiều nông dân cắt bỏ bớt cành, ngọn, dùng lá dừa, lá chuối bao bọc thân cây để giảm bớt sức nóng, đợi mùa mưa đến với hy vọng cây đâm chồi. Một số vườn khác do cây đã chết, chủ vườn đốn bỏ, chuyển sang trồng bưởi, cam.
Ông Phạm Hoàng Khôi, Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết, do năm nay hạn mặn kéo dài 6 tháng, nông dân đã trữ lẫn mua nước tưới, vẫn không thể cứu được các vườn cây. Toàn xã có hơn 1.600 ha cây ăn trái, hiện 50 ha sầu riêng và 70 ha chôm chôm chết hoàn toàn, gần 1.000 ha vườn cây chết 50-70%. Địa phương đang đề xuất tỉnh hỗ trợ kỹ thuật, cây giống lẫn vay vốn để người dân tái sản xuất.
Trái sầu riêng tại vườn nhà ông Đoàn Văn Ham chết héo, nứt nẻ vì thiếu nước. Ảnh: Hoàng Nam.
Tỉnh Bến Tre có gần 12.000 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng, thiệt hại do hạn mặn. Ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, đã có báo cáo tỉnh kế hoạch thay đổi giống cây trồng, phương thức sản xuất để ứng phó với hạn mặn đang ngày càng phức tạp.
Theo ông, giống cây trồng sắp tới phải đảm bảo thích nghi với độ mặn, chịu được hạn. Đồng thời, địa phương tập trung đầu tư sản xuất kỹ thuật cao như số hóa vườn cây để kiểm soát sản xuất một cách thông minh nhất.
"Quan điểm là thay đổi nhưng phải khoa học, có kiểm soát, cái khó là làm thế nào để người dân được lợi nhuận tốt nhất, chứ không thể thay đổi kiểu thuận thiên như nước mặn thì chuyển qua nuôi trồng thủy sản hoặc bỏ cây ăn trái chuyển sang trồng dừa", ông Đức nhận định.
Cách xã Tân Phú 50 km, buổi chiều, ông Nguyễn Văn Phước (50 tuổi, Long Tiên, Cai Lậy, Tiền Giang) cùng vợ thu hoạch nốt lượng trái ít ỏi trong vườn sầu riêng 100 gốc. Quanh vườn, những cây 13 năm tuổi rụng hết lá, trơ thân cành, nhiều cây trái nứt toác, để lộ phần ruột còn non do thiếu nước. Những trái còn xanh, ông Phước phải dùng dây nylon neo lại vì sợ trái dễ rụng sớm. Những năm trước, đến mùa sầu riêng, thương lái đến tận vườn để thu mua, còn năm nay, mỗi ngày vợ chồng ông phải tự cắt trái rồi dùng xe máy chở ra chợ để bán lẻ.
"Năm ngoái, sầu riêng trúng mùa, trên 20 tấn mỗi ha, giá 50.000-60.000 đồng một ký, lời hơn 200 triệu đồng. Năm nay, sầu riêng xấu nên giá bèo bọt, 10.000-35.000 đồng một ký, từ đầu mùa tới giờ bán có hơn 30 triệu, lỗ tiền phân, thuốc, nước tưới", ông Phước nói.
Sợ những trái sầu riêng còn sót lại tại vườn rụng do thiếu nước, vợ ông Nguyễn Văn Phước dùng dây neo lại. Ảnh: Hoàng Nam.
Như nhiều nhà vườn khác, gia đình ông Phước đang tính toán sau khi cắt hết trái sẽ đốn bỏ vườn sầu riêng để trồng mít. Ông lý giải, cây mít thời gian cho trái ngắn, chỉ ba năm, còn sầu riêng cần thời gian gấp đôi, trong khi nhà vườn đang đắn đo vì không biết hạn mặn những năm tới sẽ ra sao.
Tỉnh Tiền Giang có gần 80.000 ha cây ăn trái, trong đó có trên 10.000 ha sầu riêng chuyên canh tại huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và Châu Thành. Do ảnh hưởng hạn mặn, gần 2.300 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng, thiệt hại, trong đó, hàng chục ha sầu riêng bị chết héo.
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn và Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang cho biết, theo dự báo, nhiều khả năng hạn mặn năm sau có thể tiếp tục diễn biến phức tạp như năm nay, chủ yếu là do vấn đề kiểm soát nước ở thượng nguồn Mekong. Về lâu dài, tỉnh sẽ có phương án trữ nước ngọt vào mùa khô với quy mô lớn, để đủ nước cho sản xuất lẫn sinh hoạt.
Cụ thể, tỉnh đang đề xuất bộ phê duyệt dự án hồ chứa nước kênh Nguyễn Tấn Thành dài 19 km, rộng 65 m được xây hệ thống cống đóng mở hai đầu, một đầu giáp với sông Tiền Châu Thành), đầu còn lại giáp kênh Nguyễn Văn Tiếp (Tân Phước). Tổng kinh phí hồ chứa khoảng 400 tỷ đồng, cung cấp cho hơn 800.000 dân mùa khô hạn và là hồ trữ ngọt lớn nhất miền Tây.
Nhiều nhà vườn cho biết sẽ bỏ sầu riêng để chuyển sang trồng các loại cây khác. Video: Hoàng Nam.
Mùa hạn mặn năm nay đến sớm, sâu bất thường và kéo dài khiến 6 tỉnh gồm Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh chống hạn mặn.
Đau xót: Chôm chôm chín nhưng không ai mua vì trái bé như cái kẹo, sầu riêng như nắm tay Đã tới ngày thu hoạch nhưng vườn chôm chôm của bà Nguyễn Thị Anh Châu ngụ ấp Tân Đông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre vẫn không thấy ai đến mua. Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Châu cho biết, gia đình có 3 công (3.000m2) đất vườn trồng chôm chôm và bưởi. Tuy nhiên, cả hai loại...