Cà Mau: Khám phá U Minh Hạ
Vườn Quốc gia U Minh Hạ có diện tích 8.527 ha, nằm trên địa bàn 4 xã: Khánh An, Khánh Lâm (huyện U Minh) và Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời).
Đây là khu bảo tồn thiên nhiên thuộc 1 trong 3 vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, có hệ sinh thái vô cùng phong phú, đa dạng.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ từ trên cao nhìn xuống như một tấm thảm xanh vô cùng đặc sắc mà thiên nhiên ban tặng.
U Minh Hạ có hệ sinh thái rừng tràm trên lớp than bùn thuộc loại quý hiếm của Việt Nam. Theo thống kê, vườn có khoảng 176 loài thực vật thuộc các nhóm như: thực vật rừng tràm, đồng cỏ ngập theo mùa, lung bàu ngập thường xuyên và thảm thực vật ven kênh, rạch… Tiêu biểu như cây tràm, mật cật, trâm ổi, cùng các loại dây leo, dớn, bồng bông, choại… Đặc biệt, dưới mặt nước là thảm bèo cùng với lục bình, rau dừa, u vu, rau muống, năng sậy, cùng các loài cỏ mọc đan xen dầy đặc. Từ trên cao nhìn xuống, hệ thực vật Vườn Quốc gia U Minh Hạ như một tấm thảm xanh vô cùng đặc sắc mà thiên nhiên đã ban tặng.
U Minh Hạ có hệ sinh thái rừng tràm trên lớp than bùn thuộc loại quý hiếm của Việt Nam.
Độc đáo thảm thực vật bèo và các loài rau cỏ trên mặt nước ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ.
Video đang HOT
Đến với Vườn Quốc gia U Minh Hạ, du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của bạt ngàn rừng tràm, mà còn thú vị khi được ngắm những khoảnh khắc đáng yêu của những chú khỉ tinh khôn, láu lỉnh.
Khỉ chuyền cành.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ với hệ động, thực vật rất phong phú và đa dạng. Vườn có hơn 25.000 ha vùng đệm là khu bảo vệ thiết yếu, bảo đảm cho sự phục hồi các giống, loài đặc hữu của hệ sinh thái ngập nước với nhiều loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, trong đó có loài khỉ đuôi dài./
Xuyên rừng U Minh Hạ
Cùng đoàn văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đi thực tế sáng tác tại các tỉnh phía Nam, tôi có dịp xuyên rừng U Minh Hạ.
Chỉ một lần đến để nhiều lần nhớ rồi mãi mãi không quên được xứ sở trù phú, nồng hậu, xanh bát ngát màu tràm ở cuối bản đồ Tổ quốc.
Vườn quốc gia U Minh Hạ có tổng diện tích 8.256ha, nằm trên địa bàn các xã Khánh Lâm, Khánh An thuộc huyện U Minh và xã Trần Hợi, Khánh Bình, Tây Bắc thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Xuyên rừng bằng vỏ lãi
Chiếc vỏ lãi lướt trên dòng kênh xé đám bèo phủ đầy mặt nước xuyên rừng U Minh Hạ. Đến đoạn kênh xanh lè bèo lục bình, vỏ lãi mắc cạn trước đám bèo dày đặc, người lái chổng cánh quạt lên khỏi mặt nước để bèo cuốn trong cánh quạt rớt xuống rồi lại hạ quạt xuống nước, lấy trớn xé đám lục bình chạy tiếp.
Đi vỏ lãi khám phá thiên nhiên miền sông nước U Minh Hạ
Đi được một đoạn, bèo lục bình lại bám vào cánh quạt ghì chặt, nặng máy, chiếc vỏ lãi tắt tiếng đứng im. Người lái vỏ lãi phải khởi động lại mới qua đoạn kênh đầy bèo lục bình.
Theo Phòng Du lịch Vườn quốc gia U Minh Hạ, tại vườn có rất nhiều loại bèo (bèo lục bình, bèo tấm, bèo cái, bèo tai chuột, bèo tai tượng, bèo hoa dâu...). Đây là loài thực vật thủy sinh, thân cỏ, sống nổi trên mặt nước. Bèo có tác dụng lọc nước do có khả năng hấp thụ kim loại nặng, nên những nơi có bèo sinh sản, nước rất trong so với những khu vực khác.
Chiếc vỏ lãi ôm cua, chặt góc vào đoạn kênh bèo tấm, giảm tốc, cả đoàn ngắm cảnh hai bên bờ. Những vạt cỏ bò thòng ra mặt nước, mớ dây bòng bong quấn quanh ngọn cỏ rồi "nở" vòng tròn như chiếc "nhẫn cỏ cho em". Ven bờ, những cây mận trái chín soi đỏ mặt nước, buồng chuối "chưa rụng rốn" cũng thòng xuống.
Đi vỏ lãi chưa đã, có người rủ đi bộ dọc bờ kênh. Cả ngày hôm trước, đi qua huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Ngọc Hiển của tỉnh Cà Mau, ngồi trên xe nhìn xuống đâu đâu cũng thấy kênh rạch chằng chịt, giờ là lần đầu tiên "rờ" xuống dòng kênh, cảm giác xúc động thật khó tả.
Đi một đoạn trên con rạch nhỏ, hiền lành, vạt bèo cái vo tròn bằng cái mâm, cái rổ thấy mà thương. Chị Nguyễn Thị Hương - người địa phương dẫn đường - cho hay: "Khu vực trung tâm của vườn và vùng đệm có bèo cái - loại bèo lá to, hình dáng giống như một cái nơ, sống dày đặc dưới chân rừng. Bèo mẹ và con liên kết lúc thì vo tròn, lúc như tấm thảm xanh khổng lồ nổi trên mặt nước.
Dòng kênh lúc nãy có buồng chuối "chưa rụng rốn" là khu vực ngoài vành đai, giờ theo kênh nhỏ vào trong. Dòng kênh như suối nguồn dịu ngọt. Giữa mênh mông rừng tràm, hơi đất bốc lên nồng nồng, mùi bùn đặc sệt của bao lớp lá khô, cỏ cây ven dòng kênh lâu ngày đến tuổi già khô rạp mình.
Một góc rừng U Minh Hạ nhìn từ đài quan sát
Dưới lớp bèo là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sản. Người dân địa phương thường đặt trúm bắt cá. Anh Đỗ Chí - thành viên đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên - kể: "Hồi nhỏ, tôi coi nhiều thước phim, hình ảnh về U Minh Hạ, thấy cá ăn móng (cá quẫy, đớp bọt nước. Móng là bong bóng nhỏ do cá đớp mồi trên mặt nước tạo thành) như cơm sôi. Vào mùa khô, người nuôi cá thường phải đốt đồng để dọn "bãi đẻ" cho cá vì khi mùa mưa đến, cá đồng (cá rô, cá trê, cá lóc...) thường tìm đến những khu đất vừa mới đốt, nước trong, ít phèn để đẻ trứng. Không chỉ cá mà còn có cả lươn, rắn, rùa, chim... Giờ tới nơi mới thấy đúng như trong phim. Hồi nãy, có con khỉ trong rừng ló ra. Nó đi một đoạn thì gặp bầy khỉ đứng hai bên đường "đón khách", tỉnh queo".
Tiếp tục lên đài quan sát, phóng tầm mắt nhìn hơn 8.000ha rừng tràm của Vườn quốc gia U Minh Hạ phủ một màu xanh tươi mát, chạy dài tít tắp đến tận chân trời. Dưới tán tràm rậm rạp, giữa ngút ngàn lau sậy trổ bông trắng xóa, chúng tôi đắm mình cùng thiên nhiên giữa không gian xanh mát. Nơi đây là chốn cư ngụ của vô số loài động vật hoang dã như: khỉ, chồn, trăn, rắn, rùa, tê tê... trong đó nhiều loài quý hiếm có tên trong sách đỏ.
Món ăn lạ miệng, ngon
Bên cạnh sự kỳ vĩ của thiên nhiên, hành trình khám phá Vườn quốc gia U Minh Hạ còn hấp dẫn chúng tôi nhờ nhiều món ngon đặc sản truyền thống, như lẩu mắm, lươn um lá nhàu, cháo rắn, chuột chiên sả ớt. Sóc tràm là tên gọi né của thịt chuột. Người vùng sông nước mời khách từ miền Trung ăn cho biết mùi thịt chuột bằng cách gọi đó là thịt sóc tràm nhằm đánh lạc hướng khẩu vị rồi sau đó mới "tuyên bố" là chuột đồng.
Cá trê vàng nấu lẩu khoai, nhúng rau đắng mà vị ngọt ơi là ngọt. Nhìn con cá trê vớt ra từ nồi lẩu bỏ trong cái dĩa mình trần thân trụi, một người chợt hát: "Đố ai kiếm được cái vảy con cá trê vàng (Lý áo vá quàng). Ăn nửa nồi lẩu, có người đòi nâng ly..." rồi tiếp trích đoạn cải lương Chiếc áo người thương mang lại cho đoàn thật nhiều cảm xúc.
Tiếp đến là món cá rô kho tộ, chiên xù. Mấy con cá rô nằm trong chảo dầu, khói xì xèo được dọn lên mâm.
Nghệ sĩ Ái Phi, thành viên đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên, tâm sự: "Mấy ngày qua, mỗi bữa tôi ăn hai nửa chén cơm, nay ăn ba chén đầy mà chưa no bụng. Cá rô kho tộ ngon nên "cắm đầu" ăn một hồi dòm lại chỉ còn chút nước trong tộ".
Trước khi đoàn rời đi, chủ quán "xin một phút"... quảng bá du lịch địa phương: "Đêm ở đây rất thú vị: nghe tiếng dế nỉ non, tiếng lũ côn trùng hòa tấu dưới tán rừng tràm rậm rạp như một bản giao hưởng đồng ca, thu hút khách tham quan trải nghiệm khám phá đêm U Minh Hạ...".
Đi qua các xã của huyện Trần Văn Thời, có con rạch nhỏ ngăn đôi hai ngôi nhà cạnh nhau, tấm ván bắc qua, con nít bước qua bước lại. Có ngôi nhà cặp sát mé kênh, cụ già ngồi trong bếp nhìn ra rặng tràm xanh chạy mải miết. Xa nữa, thấp thoáng một mái nhà. Phong cảnh vùng quê thật thanh bình. Cả đoàn nhìn say mê bức tranh thôn quê êm đềm ấy mà thêm thương mảnh đất phương Nam.
Dọc bờ kênh nhỏ, một cô gái bưng rổ rau đi qua. Người đàn ông lái chiếc Honda cub cũ kỹ quẹo vào bờ kênh, ôm cua qua bụi dừa nước, có người phụ nữ tay chống nạnh ngang hông đứng chờ, nói gì đó lớn tiếng. Người bạn ở Cà Mau vội giải thích: "Cách phát âm của người dân vùng sông nước tưởng hung dữ chớ bụng hổng có gì đâu".
"Nghe nói Cà Mau xa lắm" nhưng không đi thì mãi không biết được cái tình của đất và người vùng sông nước kênh rạch chằng chịt. Yêu sao dòng kênh chở đầy đám bèo lênh đênh để rồi đi qua mà vẫn nhớ, vẫn thương.
Khát vọng bứt phá du lịch Cà Mau có 2 hệ sinh thái rừng ngập nước, đó là rừng đước và rừng tràm. Trong đó, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và vùng lõi Vườn Quốc gia U Minh Hạ được công nhận Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới, là vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo, du lịch cộng...