Cà Mau: Dông, lốc làm sập, tốc mái hàng trăm căn nhà, gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp
Liên tiếp trong những ngày qua, mưa lớn kèm theo dông, lốc đã gây thiệt hại về nhà cửa và diện tích sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đặc biệt, trong ngày 9/7, dông, lốc làm ảnh hưởng tới hàng trăm căn nhà, hơn 340 ha lúa, hoa màu bị ngã đổ.
Dông, lốc tiếp tục khiến hàng chục ngôi nhà tại xã Tắc Vân, tỉnh Cà Mau bị sập và tốc mái (ảnh tư liệu).
Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, có 209 căn nhà trên địa bàn bị sập, tốc mái do mưa lớn kèm theo dông, lốc. Thiệt hại nặng nhất là xã Phong Điền có 13 căn nhà bị sập, 83 căn bị tốc mái; thị trấn Sông Đốc có 63 căn bị tốc mái… Bên cạnh đó, hơn 340 ha lúa Hè Thu và nhiều cây lớn, cụm pano, áp phích bị ngã đổ; ước thiệt hại trên 850 triệu đồng. Tại huyện Cái Nước, thống kê sơ bộ, dông lốc đã làm 178 căn nhà bị sập và tốc mái, ước thiệt hại gần 1,6 tỷ đồng.
Đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, huyện Trần Văn Thời và huyện Cái Nước là những địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất tại tỉnh Cà Mau. Trước tình hình trên, chính quyền các địa phương cùng các lực lượng có liên quan khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục ảnh hưởng của thiên tai; đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên giúp bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Chiều 9/7, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, thiệt hại do mưa dông đang được cập nhật. Hiện nhiều nơi trong tỉnh vẫn đang tiếp tục diễn ra mưa lớn kèm dông, lốc. Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cũng cảnh báo trên vùng Biển Đông xuất hiện một vùng áp thấp, khả năng trong những ngày tới sẽ phát triển thành áp thấp nhiệt đới, dự báo sẽ gây mưa và xuất hiện dông, lốc, gió giật cấp 7-8, biển động, sóng cao từ 2-3 m, người dân cần tăng cường công tác phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Chủ động ứng phó với khả năng thời tiết nguy hiểm trên biển
Ngày 7/7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 358/VPTT gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 8//7, hình thành một dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực giữa Biển Đông, trong khoảng ngày 9 - 11/7, trên dải hội tụ nhiệt đới có khả năng hình thành một vùng áp thấp gây mưa rào và dông mạnh ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và vùng biển giữa và Nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa); gió Tây Nam cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 7 - 8, biển động, sóng biển cao từ 2 - 3 m. Vùng áp thấp này có khả năng phát triển thành áp thấp nhiệt đới.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do hình thái thời tiết nguy hiểm và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên biển trong những ngày tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo về diễn biến hình thái thời tiết nguy hiểm và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên Biển Đông; thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn về người, tài sản và có kế hoạch sản xuất phù hợp, duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống, đồng thời trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ Ngày 6/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành Công điện số 20/CĐ-QG gửi Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc. Điểm sạt lở ta luy âm trên quốc lộ 4H từ huyện Mường Chà đi Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), ngày 4/7....