Cà Mau: Đào củ lùn trông như trứng gà so, thương lái khuân sạch
Những năm gần đây, mô hình trồng củ lùn được bà con nông dân trên địa bàn xã Khánh An, huyện U Minh ( Cà Mau) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Củ lùn là loại dễ trồng, phù hợp với vùng đất cát của địa phương nên năng suất đạt trung bình từ 1,2 – 2 tấn/công, bình quân mỗi công người trồng thu lãi hơn 20 triệu đồng.
Cách đây 5 năm, chị Lê Hồng Ngon, ấp An Phú, xã Khánh An, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) được người thân cho vài bụi củ lùn giống về trồng thử. Sau thời gian trồng thử nghiệm, thấy cây củ lùn phát triển tốt, năng suất đạt cao nên chị Ngon mạnh dạn mở rộng diện tích trồng 6 công củ lùn.
Cây củ lùn thường được trồng 1 vụ trong năm và bắt đầu vào khoảng tháng 4 âm lịch khi mùa mưa xuống. Sau 9 tháng xuống giống, khi thấy cây có dấu hiệu xuống lá là củ lùn đến thời điểm thu hoạch.
Mô hình trồng củ lùn mang lại thu nhập cao cho nông dân xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Loại củ lùn này ít bị sâu bệnh và không tốn nhiều công chăm sóc. Trong quá trình trồng, chị Ngon chỉ làm cỏ và bón phân vài lần là có thể đợi thu hoạch. Vụ củ lùn vừa qua, chị Ngon thu hoạch được khoảng 1,5 tấn/công, với giá bán dao động từ 15.000 – 25.000 đồng/kg (tùy loại).
Video đang HOT
Chị Ngon cho biết: “Trước kia, đất đai ở đây bỏ hoang nhiều, cỏ sậy mọc um tùm, nhưng từ khi loại củ này bén rễ ở vùng đất này đã mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều nông dân như tôi. Trồng củ lùn rất nhàn vì không phải tưới nước thường xuyên, chủ yếu thời điểm xuống giống nếu gặp phải mưa nhiều thì mình phải che đậy kỹ, để giống không bị ngập úng, nhờ đó tỷ lệ giống hao hụt rất ít”.
Mặc dù, mới bắt đầu trồng củ lùn được hơn 2 năm nay nhưng ông Võ Minh Đương, ngụ ấp An Phú, xã Khánh An huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) đã có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình này. Từ khi trồng, ông Đương hạn chế tối đa việc sử dụng phân thuốc nên chất lượng củ lùn rất ngon ngọt và được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Củ lùn giống được người dân xã Khánh An, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) dự trữ lại để dành trồng cho vụ sau.
Với 1 công đất trồng cây củ lùn, vụ vừa qua, ông Đương thu hoạch được 1,2 tấn củ lùn. Hiện ông chủ yếu bán lẻ cho các mối quen đặt trước nên giá thành khá cao khoảng 25.000 đồng/kg, sau mùa vụ ông thu lời hơn 20 triệu đồng/công.
Ông Đương cho biết: “So với các mô hình khác, cây củ lùn này có hiệu quả kinh tế khá cao. Đối với những người có không có nhiều vốn cũng có thể trồng vì nó không tốn quá nhiều chi phí. Hiện nay, tôi đã có lượng khách hàng ổn định, chủ yếu là bán lẻ nhưng nhiều khi không đủ hàng để bán. Sau mùa vụ tôi thường để dành các loại củ giống tốt cho vụ sau, nếu bà con trong vùng có nhu cầu tôi cũng tặng họ để làm giống”.
Củ lùn là loại củ bán để ăn chơi nhưng rất hút hàng, giá thành tương đối cao và đầu ra ổn định. Thậm chí, hiện các mối lái bên ngoài tỉnh Cà Mau cũng đặt hàng nhưng bà con không đủ cung ứng.
Củ lùn khi thu hoạch được phân loại và chia ra giá thành khác nhau: củ lùn lớn có giá 30.000 đồng/kg, đều củ thì 25.000 đồng/kg. Nếu cân cho lái, loại đều củ 20.000 đồng/kg. Loại nhỏ nhất cũng bán được 7000 – 10.000 đồng/kg.
Toàn xã Khánh An, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) hiện có gần 20 hộ trồng củ lùn, với tổng diện tích 4,2ha, tập trung chủ yếu ở ấp An Phú và ấp 17.
Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An, huyện U Minh Phạm Văn Hiếu cho biết, lúc đầu chỉ có vài hộ dân trồng tự phát nhưng dần dần thấy mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao nên nhiều bà con đã mở rộng diện tích trồng cây củ lùn.
Theo đánh giá, đất đai ở đây khá phù hợp nên cho năng suất cao, chất lượng củ lùn cũng ngon ngọt hơn nơi khác chuyển đến. Hiện tại, nguồn cung vẫn chưa đủ cầu nên đầu ra củ lùn địa phương ổn định và giá thành cao, tạo điều kiện giúp nhiều bà con nông dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Trồng khoai lùn còn gọi sâm lùn Thái, dân đào củ "hái" ra tiền
Ở nhiều vùng nông thôn của huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), tận dụng những diện tích trống quanh nhà và để hạn chế cỏ mọc, người dân thường trồng khoai lùn. Năm nay, khoai lùn có giá, người trồng có nguồn thu nhập cao.
Khoai lùn rất dễ trồng, ít tốn chi phí đầu tư cũng như công chăm sóc. Là loại cây thích hợp với đất cát pha, thường được trồng vào khoảng tháng 4 hàng năm, khi mùa mưa bắt đầu.
Khoai lùn-cây củ lùn-cây sâm lùn Thái đang được nhiều nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang ưa trồng bởi canh tác đơn giản, giá bán ổn định, hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Báo Hậu Giang.
Sau 9 tháng xuống giống, khi thấy cây khoai lùn có dấu hiệu xuống lá là khoai lùn đến thời điểm thu hoạch. Năng suất khoai lùn hay còn gọi là cây củ lùn (một số nơi gọi là sâm lùn Thái) trung bình đạt từ 2-2,5 tấn/công.
Hiện khoai lùn hay còn gọi là củ sâm lùn Thái được thương lái thu mua với giá 22.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước (năm 2019), trừ hết chi phí người trồng lợi nhuận 20 triệu đồng/công.
Củ khoai lùn đang được nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thu hoạch và bán với giá 22.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: internet.
Theo người trồng khoai lùn ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, do giá khoai lùn nhiều năm gần đây luôn ổn định, nên nhiều diện tích canh tác kém hiệu quả người dân đã cải tạo để chuyển sang trồng loại cây khoai lùn này. Khoai lùn hay còn gọi cây củ sâm lùn Thái là loại cây trồng không tốn nhiều chi phí đầu tư nên chỉ cần giá ổn định ở mức 10.000 đồng/kg là có lời.
Củ lùn hình tròn, cuống dài kết thành từng chùm, vỏ mỏng màu vàng nhạt, trên củ có nhiều rễ phụ. Ruột củ lùn màu trắng trong, phần nhân màu trắng đục, ăn giòn ngọt. Củ sâm lùn có tên khoa học là Calathea allovia, hay còn gọi là củ năng tàu. Được mô tả khoa học đầu tiên năm 1829. Củ lùn là loài bản địa của miền nam Nam Mỹ và vùng Caribe, Cuba, Hispaniola, Puerto Rico, Tiểu Antilles, Trinidad & Tobago, Venezuela, Colombia, Ecuador, Peru và Brazil, Jamaica. Củ khoai lùn hay sâm lùn được trồng lấy củ với số lượng nhỏ ở nhiều vùng nhiệt đới. Tại Việt Nam, củ lùn có tên gọi khác là sâm lùn Thái, được du nhập từ Thái Lan. Củ lùn có mặt ở các tỉnh như An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Đồng Nai, Tây Nguyên.
Theo Duy Khánh (Báo Hậu Giang)
Vựa lúa lớn nhất nước - Sông cạn trơ đáy, lúa chết trơ gốc! Hạn, mặn ở ĐBSCL năm nay xuất hiện sớm đã làm hàng chục ngàn héc ta lúa chết rụi, hàng trăm ngàn héc ta cây ăn trái, hoa màu đang héo rũ, ước tính có đến 160.000 hộ dân thiếu nước ngọt. Nước mặn tràn vào ruộng ruộng lúa của người dân ở ấp Tân Quy A, xã Tân Hưng, huyện Long Phú,...