Cà Mau: Có một làng biển mà lại xây nhà sàn và nuôi nhiều dê
Giữa cái nắng chang chang, trên tuyến đường ven biển, thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), chúng tôi về lại ấp Rạch Thọ. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với rừng và biển, vùng bãi bồi. Ông Trương Văn Mum (Hai Mum), người dân ở ấp Mũi, cho biết: “Cũng nhờ Khu du lịch Khai Long mà giờ bộ mặt ấp Rạch Thọ thay đổi hơn trước rất nhiều”.
Trưởng ấp Rạch Thọ Nguyễn Văn Trải nói vui: “Đời sống khởi sắc, những năm gần đây, bà con đi làm ăn xa đã ít rồi”. Chỉ tay ra phía biển, ông Trải nói: “Đó là bãi nghêu, bà con cào nghêu ở đây cũng nhiều, đi biển, nuôi sò huyết, rồi nuôi tôm sinh thái rừng; Mé bờ là hàng so đũa cho dê ăn và cũng từ mô hình nuôi dê mà bà con dần khá lên”..
Nhờ tuyến đường Hồ Chí Minh, cuộc sống người dân ở ấp Rạch Thọ khởi sắc hơn.
Đổi thay từng ngày
Đã 3 năm phụ trách ấp trong việc xây dựng nông thôn mới, là người từng ăn, từng ở với bà con ấp Rạch Thọ, Phó chủ tịch UBND xã Đất Mũi Bùi Thanh Thương hiểu tường tận mọi ngóc ngách ở đây. Ông khẳng khái: “Dân ấp Rạch Thọ ở đầu trên xóm dưới ai cũng thật thà, chất phác, có tệ nạn xã hội gì đâu. Ấp này được chọn làm ấp điểm trong xây dựng nông thôn mới, giờ là ấp văn hoá rồi đó nghen. Tính sơ qua giờ ấp đã có 2 tổ hợp tác nuôi dê, 1 tổ hợp tác nuôi tôm sinh thái rừng và Hợp tác xã nuôi nghêu Đất Mũi”.
Ông Thương kể lại, nghề nuôi nghêu của người dân ấp Rạch Thọ đã có từ lâu (khoảng 10 năm nay), chủ yếu là tự phát, làm nhỏ lẻ. Khoảng 3 năm nay, HTX hình thành, mỗi năm mỗi thành viên thu nhập vài trăm triệu đồng. “Kinh tế phát triển, nghèo chỉ còn 5 hộ và sẽ xoá dần trong thời gian tới”, ông Thương phấn khởi.
Bãi nghêu thuộc Hợp tác xã nghêu Đất Mũi tạo thu nhập cho chị em phụ nữ tại địa phương.
Khoảng 3 năm trở lại đây, cùng với tận dụng lợi thế kinh tế rừng, người dân còn phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái. Mỗi năm bà con có thể kiếm từ 100-200 triệu đồng, bền vững hơn nuôi tôm công nghiệp rất nhiều.
Video đang HOT
Ấp Rạch Thọ tiếp giáp với ấp Khai Long và ấp Kênh Đào Đông, xung quanh là biển, nên điều trăn trở nhất của lãnh đạo địa phương là làm sao cho những hộ dân tứ xứ về đây có cơ ngơi ổn định. Họ đều nghèo, không có đất sản xuất, họ làm nghề biển để mưu sinh, nhờ biển mà họ đã bám trụ nơi này.
“Dân ở đây gốc chỉ 20%, còn lại là di cư tự do. Có đôi vợ chồng chỉ cần chiếc vỏ máy, đi bắt ốc len, mỗi ngày cũng kiếm được gần 500 ngàn đồng đó”, ông Trải tâm sự.
Con dê làm cơ nghiệp
Ông Trải khoe: “Mới đây ấp Rạch Thọ được UBND tỉnh tặng bằng khen về xây dựng nông thôn mới”. Đối với cán bộ ở địa phương, thấy việc nào hay là triển khai liền, qua những lần tập huấn, hội họp ở xã hay huyện… Đặc biệt là từng đảng viên ở ấp phải đi trước, phải xây dựng mô hình, khi có người thực, việc thực, bà con mới tin và thực hiện.
Chi bộ ấp Rạch Thọ có 20 đảng viên, mỗi đảng viên phụ trách một hộ nghèo, cùng sát cánh động viên bà con thoát nghèo, không để người dân trông chờ, ỷ lại, xoá nghèo phải bền vững.
Đường đi theo xóm là hàng so đũa thẳng tắp, đối diện là những căn nhà sàn nhỏ, sau nhà là những chuồng dê được cất kiên cố. Về chiều, những lão nông cho dê thả lan cặp mé lộ, dê mải mê ăn, một không gian bình dị đến lạ thường.
Ấp Rạch Thọ có khoảng 300 hộ, khi xây nhà sàn, họ tận dụng đất trống để nuôi dê, đến nay đàn dê của toàn ấp hơn 350 con, những lúc dê đẻ, có hộ lên tới gần 100 con.
Đang chặt từng nhánh cỏ sữa cho dê ăn, ông Lê Văn Mười Lớn nói: “Dê này dễ nuôi lắm, lâu lâu hết so đũa thì có cỏ sữa dê ăn cũng được, có lá gì thì ăn lá nấy”. Ở đây người ta gọi ông là Mười Dê bởi ông là người tiên phong đem con dê về vùng đất Rạch Thọ. Mấy chục năm nuôi dê ông nghiệm ra một điều, con dê giờ đã gắn chặt ở nơi này, là sinh kế của hơn 20 hộ trong tổ hợp tác.
“Nói ra thì không ai tin, ở Bến Tre thấy người ta nuôi nhiều quá, năm 2016 tôi đem về nuôi thử, nếu được thì lập nghiệp luôn. Mới đầu chỉ có 2 con dê cái, 1 con dê đực, qua 3 năm, tôi mở rộng và phát triển đàn dê lên đến 40 con. Mình vô đây cũng nhờ con dê, nghề nghiệp ráng đeo”, ông Mười Lớn bộc bạch. Năm vừa rồi, giá dê chưa được ổn định, từ 60-70 ngàn đồng/kg mà ông Mười bỏ túi tới 100 triệu đồng.
Mô hình nuôi dê của của ông Mười Dê (Lê Văn Mười Lớn), ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Từ huyện Cái Nước về đây sang đất lập nghiệp năm 1997, năm 2014 nhận được nguồn vốn của Hội Nông dân (20 triệu đồng), gia đình bà Cao Thị Lanh (Tám Lanh) bắt đầu với mô hình nuôi dê. Bà Tám Lanh kể lại: “Nhận được nguồn vốn vay, lúc đầu tôi mua 4 con. Qua những lần gây giống và xuất bán, hiện giờ gia đình còn 5 con dê cái và 1 con dê đực, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng”.
Cũng giống như câu chuyện của ông Mười Dê, Tám Lanh… và nhiều người, đối với họ, vùng đất cực Nam của Tổ quốc đậm tình, đậm nghĩa này là điểm dừng chân cuối cùng. Con người và thiên nhiên nơi đây gắn bó với nhau, tạo nên vẻ đẹp dung dị đời thường. Nếu có dịp đến đây, ngắm nhìn buổi chiều hoàng hôn trên phía xa tận bãi nghêu Đất Mũi, chúng ta sẽ thấy hết vẻ đẹp bình yên của Rạch Thọ./.
Theo Nhật Minh (Báo Cà Mau)
Cà Mau: Hóa ra làm nên "vương quốc" hàu lồng chỉ cần 1 ấp này thôi
Ấp Lạch Vàm là một trong những phân khu chức năng du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Dựa vào "thiên thời, địa lợi" mà đoạn kênh Rạch Vàm chạy dài gần 2km từ cầu Lạch Vàm tới rạch Bào Nhỏ đã trở thành một "vương quốc" hàu lồng.
Trưởng ban Nhân dân ấp Lạch Vàm, ông Nguyễn Văn Chính cho biết: "Hàu là đặc sản biển giàu dinh dưỡng, có giá trị kinh tế cao, đang được người dân địa phương chú trọng. Toàn ấp có 1.800ha, với 225 hộ và 932 khẩu, chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy - hải sản, đặc biệt là nuôi hàu thương phẩm. Ấp có lợi thế nhiều kênh rạch, rừng ven biển đã biến Lạch Vàm trở thành "ngôi nhà" cho con hàu ngoài tự nhiên trú ngụ".
Tham quan trải nghiệm nghề nuôi hàu lồng trên kênh Rạch Vàm.
Dựa trên nền tảng đó, nghề thống nhất nuôi hàu thương phẩm bằng lồng ngay trên vùng chúng sinh trưởng tự nhiên đã ra đời và phát triển mạnh mẽ từ năm 2007, trở thành "vương quốc" hàu lồng; trong đó kênh Rạch Vàm (ấp Lạch Vàm) giữ vai trò "trung tâm" của loài nhuyễn thể hai mảnh này.
Giao thông bộ đoạn cầu Rạch Vàm ra Đất Mũi hiện đã khang trang nhiều.
Nghề nuôi hàu thương phẩm bằng lồng, bè trên sông rạch đã đưa sản phẩm này trở thành đặc sản nức tiếng với du khách phương xa.
Du khách thưởng thức những con hàu tươi ngon tại chỗ, để cảm nhận được tình người, tình đất nơi miền Đất Mũi thân yêu.
Ông Nguyễn Văn Hôn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nuôi Hàu lồng Đất Mũi, chia sẻ: "Ấp Lạch Vàm có 28 lồng, gần 1.300 vỉ. Nghề này phát triển mạnh và thuận lợi hơn khi khai thác nguồn hàu giống ngoài tự nhiên tại vùng ven sông, ven biển được xem là một lợi thế, với khoảng vài chục ngàn con giống mỗi năm. Sản lượng hàu thương phẩm hàng năm ở đây đạt chừng 180 tấn".
Hiện nay, ngoài nuôi hàu thương phẩm, Hợp tác xã sẽ đầu tư thêm nhiều dịch vụ mới để thu hút khách du lịch: Mở tuyến du lịch bằng ca nô, vỏ lãi đưa du khách trải nghiệm từ các lồng nuôi hàu đến khu bãi bồi Đất Mũi, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Kênh Rạch Vàm (ấp Lạch Vàm) giữ vai trò "trung tâm" nuôi hàu lồng thương phẩm của Đất Mũi.
Đến Mũi Cà Mau, du khách không thể bỏ qua tour tham quan điểm nuôi hàu lồng Đất Mũi, nơi đây hứa hẹn sẽ là nơi trải nghiệm thú vị cho du khách trong hành trình khám phá vùng đất cực Nam Tổ quốc. Tự tay khai thác và thưởng thức những con hàu tươi ngon tại chỗ, để cảm nhận được tình người, tình đất nơi đây, tuy dân dã nhưng mang đậm hương vị của miền quê rừng, biển và đã biến nơi đây trở thành trung tâm các tour du lịch sinh thái nổi tiếng của Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau.
Theo Huỳnh Lâm (Báo ảnh Đất Mũi)
Trao 2.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân tỉnh Cà Mau Sáng 2-6, tại Mũi Cà Mau- điểm cực Nam Tổ quốc (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), Báo Người Lao Động phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã trao 2.000 lá cờ và quà cho các ngư dân. Ông Thân Đức Hưởng trao cờ và quà cho ngư dân Đây là một trong những...