Cà Mau chi 2.600 tỷ đồng nhân rộng mô hình sản xuất
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đẩy mạnh triển khai các mô hình theo hình thức vừa chuyển giao, vừa nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, từ đó nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Nhờ vậy, đời sống người dân không ngừng được nâng lên, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thay đổi cách đầu tư, nhân rộng
Theo Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, năm 2019, địa phương sẽ huy động nhiều nguồn vốn để xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả với kinh phí trên 2.600 tỷ đồng. Dự kiến, sẽ có trên 62.000 hộ nông dân tham gia thực hiện.
Nuôi cá chình đang là mô hình kinh tế tiêu biểu, đạt hiệu quả cao ở xã Tân Thành, TP. Cà Mau. Ảnh: Chúc Ly
Hiện, toàn tỉnh có khoảng 2.000ha nuôi tôm siêu thâm canh với năng suất bình quân khoảng 40 tấn/ha (tính cả phần diện tích phụ trợ). Chỉ với diện tích này, sản lượng tôm mang về năm 2018 khoảng 80.000 tấn, chiếm trên 42% sản lượng tôm của tỉnh.
Trong khi đó, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh so với diện tích nuôi tôm toàn tỉnh (278.000ha) thì chưa được 1%. Từ đó có thể thấy, nuôi tôm siêu thâm canh là mô hình mang lại hiệu quả khá cao cả về năng suất, chất lượng.
Đánh giá tính hiệu quả của mô hình, theo ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, qua khảo sát thực tế, các mô hình sản xuất của người dân hầu hết cho hiệu quả rất cao. Hiện có nhiều nông dân xen canh nhiều loại cây trồng, vật nuôi trên cùng đơn vị diện tích, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mang lại thu nhập 500 – 600 triệu đồng/năm.
Cũng theo Sở NNPTNT tỉnh, kể từ năm 2017, kế hoạch nhân rộng mô hình đã thay đổi hoàn toàn và đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Nếu như trước kia, kế hoạch được xây dựng một chiều từ trên xuống, thì nay được tổng hợp từ nhu cầu của người dân trên cơ sở gắn kết với nguồn lực địa phương. Đây là cách làm tỉnh sẽ áp dụng trong thời gian tới, để khi kế hoạch được triển khai sát với thực tế của người dân và mỗi địa phương.
Tăng cường các giải pháp trọng tâm
Video đang HOT
Mặc dù vậy, việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả hiện vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đạt kết quả như mong đợi. Một số mô hình đã và đang sản xuất hiệu quả trong dân, nhưng chưa được thống kê cập nhật để nhân rộng, hay nhân rộng còn chậm, chưa xứng với tiềm năng, thực địa của địa phương.
Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau cho rằng, một số địa phương chưa tập trung xác định mô hình, đối tượng chủ lực phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện, nên còn xây dựng, nhân rộng mô hình dàn trải, dẫn đến hiệu quả không cao. Từng lúc, từng nơi những mô hình được xác định hiệu quả, nhưng do nhiều nguyên nhân như chất lượng giống, môi trường, dịch bệnh, thời tiết… nên có rủi ro dẫn đến hiệu quả không cao, nhất là mô hình nuôi tôm. Từ đó, người dân thiếu lòng tin, quay về sản xuất theo tập quán cũ.
Để khắc phục những khó khăn tồn tại, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho lực lượng lao động đang sản xuất, nâng cao tính chuyên nghiệp trong sản xuất hàng hóa.
Bên cạnh đó, nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn tại cơ sở về cây – con giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật; cùng với doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất theo loại hình tổ hợp tác, hợp tác xã, quản lý sản xuất theo hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, phát triển ngành hàng theo hướng bền vững.
Đồng thời, Sở NNPTNT cần nhanh chóng phối hợp với các địa phương công bố các vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản; lập hồ sơ truy xuất nguồn gốc, công bố tiêu chuẩn hàng hóa an toàn thực phẩm; quảng bá các sản phẩm có chứng nhận…
Theo Danviet
Mai một những làng nghề trứ danh Đất Mũi...
Phát triển làng nghề truyền thống ở Cà Mau không chỉ góp phần duy trì nét đẹp văn hóa địa phương, mà còn tạo việc làm ổn định, cải thiện thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc phát triển làng nghề ở vùng Đất Mũi còn gặp không ít khó khăn.
Đổi mới để tồn tại và phát triển
Theo Quyết định 1206/QĐ-UBND ngày 20/8/2008 của UBND tỉnh Cà Mau về việc phê duyệt quy hoạch phát triển làng nghề nông thôn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 37 làng nghề. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, toàn tỉnh chỉ có khoảng 13 làng nghề.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Cà Mau, nguyên nhân giảm số lượng làng nghề là do khan hiếm nguyên liệu; chuyển đổi sản xuất, chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi; đầu ra sản phẩm các làng nghề còn hạn chế về số lượng; giá thành bấp bênh và sức cạnh tranh thấp... Từ đó dẫn đến không ít làng nghề không thể tự đổi mới mô hình hoạt động và phải chuyển đổi sang nghề khác.
Nghề làm khô biển ở Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, Cà Mau). (ảnh: Chúc Ly)
Thực tế đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của gần 1.700 lao động, hơn 430 hộ đang làm việc ở các ngành, nghề mang tính truyền thống của địa phương.
Làng chiếu Tân Thành (TP.Cà Mau) một thời không chỉ nổi danh về chất lượng, mà còn mang đậm giá trị văn hoá vùng sông nước. Nhưng, ngày nay, làng chiếu đã không còn nhiều người theo nghề, nét đặc trưng của một làng nghề truyền thống trứ danh ngày nào cũng vì thế dần phai nhạt.
Bà Cao Thị Loan (ngụ ấp 6, xã Tân Thành, TP.Cà Mau), một trong số ít người theo nghề, chia sẻ: "Trước đây, làng nghề này rất phát triển, chiếu Cà Mau có mặt khắp các tỉnh Nam Bộ. Còn hiện tại, công việc chỉ mang tính cầm chừng, thời vụ, vì thế đời sống người làm chiếu khá bấp bênh".
Tại huyện Thới Bình, đan đát các sản phẩm từ trúc, tre là nghề truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, khó khăn về nguyên liệu, đầu ra... khiến nghề gặp khó. Thời gian gần đây, nhiều người theo nghề đã thay đổi cả về mẫu mã và hình thức sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường.
Trong đó, mô hình của câu lạc bộ (CLB) dạy nghề đan đát cho người khuyết tật xã Tân Bằng, huyện Thới Bình là một điển hình tiêu biểu về sự năng động để thích ứng và phát triển. CLB được thành lập vào tháng 6/2016, nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật có việc làm phù hợp với sức khoẻ và ổn định cuộc sống.
Đến nay, CLB đã hơn 50 người tham gia. Nhờ sự năng động trong tìm kiếm đối tác, cuối năm 2018, CLB đã liên kết với một doanh nghiệp tại TP.HCM để nhận làm gia công các sản phẩm giỏ bằng lục bình và dây chuối với số lượng lớn.
Theo ông Cao Ngọc Phẩm - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tân Bằng, công ty này cung cấp nguyên liệu, chị em làm được trả công theo sản phẩm (khoảng 18.000 đồng/sản phẩm). Hiện, CLB và công ty này đang có hướng mở rộng quy mô, ký hợp đồng dài hạn với người lao động.
Nhiều trở lực cần tháo gỡ
Theo đánh giá của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Cà Mau, nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các làng nghề nông thôn đã có bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, việc duy trì, phát triển các làng nghề nông thôn trên địa bàn còn nhiều khó khăn.
Trong đó, vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất cho các làng, nghề bị thu hẹp, do chuyển dịch sản xuất, cây trồng. Chất lượng một số sản phẩm chưa cao, không đồng đều và việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu còn hạn chế; các chính sách hỗ trợ làng nghề còn thiếu và chưa thống nhất...
Bên cạnh đó, năng lực, kinh nghiệm quản lý sản xuất, kinh doanh của một số chủ hộ chưa cao, hoạt động của các cơ sở còn nhỏ lẻ, manh mún, sử dụng công nghệ lạc hậu.
Thực trạng sản xuất nhỏ lẻ còn dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường. Trong đó, các làng nghề chế biến như tôm khô, cá khô khoai, mắm, ép chuối... là nhóm có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao từ khí thải, nước thải và chất thải rắn.
Kết quả kiểm tra của các cơ quan chuyên môn cho thấy, chất lượng môi trường hầu hết khu vực sản xuất trong các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, các làng nghề, các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải và rác thải.
Thấy được thực trạng này, Sở NNPTNT Cà Mau đã đưa ra giải pháp khắc phục, tăng cường công tác giám sát và thẩm định các kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động của các cơ sở sản xuất làng nghề có ảnh hưởng tới môi trường.
Ông Nguyễn Văn Tranh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết: "Sở đã và đang tiếp tục kết hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất làng nghề có quy mô nhỏ vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả".
Trong khi đó, theo ông Trần Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian tới, Cà Mau sẽ tập trung một số công việc quan trọng như: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch làng nghề nông thôn đến năm 2020 và định hướng những năm tiếp theo, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ đó, có chính sách đầu tư hợp lý; đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với nét đặc trưng của địa phương.
Theo Danviet
Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với thiên tai khốc liệt Hiện nay, tại khu vực Nam Bộ xảy ra 14/21 loại hình thiên tai, đã và đang gây thiệt hại rất lớn cho các địa phương, nguyên nhân là do sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ đầu nguồn sông Cửu Long. Sạt lở khiến 5 căn nhà ở xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đổ sập xuống sông...