Cà Mau: Ban bố tình huống khẩn cấp đê biển Tây
Ngày 6.8, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, vừa có quyết định ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây.
Cà Mau đang nỗ lực gia cố bảo vệ đê biển Tây – Ảnh: Nguyệt Danh
Quyết định này do Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – Nguyễn Tiến Hải, ký vào ngày 4.8.2019. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT khoanh vùng đang bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn. Tháo dỡ công trình, di dời nhà cửa, vật kiến trúc ảnh hưởng hành lang đê điều. Lắp đặt biển báo cho khu vực sạt lở; xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm, vị trí đê xung yếu.
UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND H.Trần Văn Thời, H.U Minh vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Đồng thời thông báo, cắm biển cảnh báo, rào chắn ngăn không cho người, phương tiện có tải trọng lớn vào khu vực sạt lở, bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và giữ gìn an ninh trật tự khu vực.
Về các biện pháp khắc phục sự cố sạt lở, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tỉnh khẩn trương lựa chọn đơn vị tư vấn, tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, trình thẩm định và phê duyệt phương án.
Bên cạnh đó, huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để hạn chế quá trình đào, khoét mái và thân đê biển Tây trong những đoạn đê biển được cảnh báo, nhằm giảm thiểu tối đa sạt lở.
Video đang HOT
Trước đó, chiều 3.8, tại tuyến đê phòng hộ ven biển thuộc xã Khánh Bình Tây (H.Trần Văn Thời) sóng lớn đã đánh liên tiếp gây sạt lở thân đê phòng hộ. Sóng lớn đánh mạnh vào đê, khiến một phần thân đê đã bị sạt lở nghiêm trọng, với chiều dài khoảng 300m.
Ngay sau đó, các ngành chức năng ở Cà Mau đã huy động nguồn lực quân đội, dân quân tự vệ dùng cừ tràm, vải địa… để gia cố đê. Đồng thời, dùng bao tải chứa đất đắp trên mặt để ngăn không cho nước mặn tràn vào vùng ngọt hóa bên trong đê.
Nguyệt Danh
Theo Motthegioi.vn
Cà Mau chi 2.600 tỷ đồng nhân rộng mô hình sản xuất
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đẩy mạnh triển khai các mô hình theo hình thức vừa chuyển giao, vừa nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, từ đó nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Nhờ vậy, đời sống người dân không ngừng được nâng lên, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thay đổi cách đầu tư, nhân rộng
Theo Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, năm 2019, địa phương sẽ huy động nhiều nguồn vốn để xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả với kinh phí trên 2.600 tỷ đồng. Dự kiến, sẽ có trên 62.000 hộ nông dân tham gia thực hiện.
Nuôi cá chình đang là mô hình kinh tế tiêu biểu, đạt hiệu quả cao ở xã Tân Thành, TP. Cà Mau. Ảnh: Chúc Ly
Hiện, toàn tỉnh có khoảng 2.000ha nuôi tôm siêu thâm canh với năng suất bình quân khoảng 40 tấn/ha (tính cả phần diện tích phụ trợ). Chỉ với diện tích này, sản lượng tôm mang về năm 2018 khoảng 80.000 tấn, chiếm trên 42% sản lượng tôm của tỉnh.
Trong khi đó, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh so với diện tích nuôi tôm toàn tỉnh (278.000ha) thì chưa được 1%. Từ đó có thể thấy, nuôi tôm siêu thâm canh là mô hình mang lại hiệu quả khá cao cả về năng suất, chất lượng.
Đánh giá tính hiệu quả của mô hình, theo ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, qua khảo sát thực tế, các mô hình sản xuất của người dân hầu hết cho hiệu quả rất cao. Hiện có nhiều nông dân xen canh nhiều loại cây trồng, vật nuôi trên cùng đơn vị diện tích, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mang lại thu nhập 500 - 600 triệu đồng/năm.
Cũng theo Sở NNPTNT tỉnh, kể từ năm 2017, kế hoạch nhân rộng mô hình đã thay đổi hoàn toàn và đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Nếu như trước kia, kế hoạch được xây dựng một chiều từ trên xuống, thì nay được tổng hợp từ nhu cầu của người dân trên cơ sở gắn kết với nguồn lực địa phương. Đây là cách làm tỉnh sẽ áp dụng trong thời gian tới, để khi kế hoạch được triển khai sát với thực tế của người dân và mỗi địa phương.
Tăng cường các giải pháp trọng tâm
Mặc dù vậy, việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả hiện vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đạt kết quả như mong đợi. Một số mô hình đã và đang sản xuất hiệu quả trong dân, nhưng chưa được thống kê cập nhật để nhân rộng, hay nhân rộng còn chậm, chưa xứng với tiềm năng, thực địa của địa phương.
Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau cho rằng, một số địa phương chưa tập trung xác định mô hình, đối tượng chủ lực phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện, nên còn xây dựng, nhân rộng mô hình dàn trải, dẫn đến hiệu quả không cao. Từng lúc, từng nơi những mô hình được xác định hiệu quả, nhưng do nhiều nguyên nhân như chất lượng giống, môi trường, dịch bệnh, thời tiết... nên có rủi ro dẫn đến hiệu quả không cao, nhất là mô hình nuôi tôm. Từ đó, người dân thiếu lòng tin, quay về sản xuất theo tập quán cũ.
Để khắc phục những khó khăn tồn tại, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho lực lượng lao động đang sản xuất, nâng cao tính chuyên nghiệp trong sản xuất hàng hóa.
Bên cạnh đó, nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn tại cơ sở về cây - con giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật; cùng với doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất theo loại hình tổ hợp tác, hợp tác xã, quản lý sản xuất theo hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, phát triển ngành hàng theo hướng bền vững.
Đồng thời, Sở NNPTNT cần nhanh chóng phối hợp với các địa phương công bố các vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản; lập hồ sơ truy xuất nguồn gốc, công bố tiêu chuẩn hàng hóa an toàn thực phẩm; quảng bá các sản phẩm có chứng nhận...
Theo Danviet
Mai một những làng nghề trứ danh Đất Mũi... Phát triển làng nghề truyền thống ở Cà Mau không chỉ góp phần duy trì nét đẹp văn hóa địa phương, mà còn tạo việc làm ổn định, cải thiện thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc phát triển làng nghề ở vùng Đất Mũi còn gặp không ít khó khăn. Đổi mới để...