Cá linh mất… thiêng
Anh Nguyễn Tấn Đức, gốc miền tây, ở quận 10 TP.HCM, hảo các món nhà quê mà vẫn lạnh nhạt trước lời mời đi ăn cá linh non của đám bạn thân. Đây là sự bất thường!
Cùng họ cá vảy trắng, lớn không quá hai – ba ngón tay nhưng thịt cá linh có hương vị đặc biệt: mềm dẻo, ngọt thanh tao lẫn beo béo, thêm chút nhân nhẩn đắng từ mật. Đặc biệt lớp vảy trắng lấp lánh, bé tí trên mình cá cũng góp phần nâng độ ngọt bùi cho con cá.
Linh giả
Mùa nước nổi ở miền Tây, canh chua bông điên điển cá linh ngon đáo để.
Mỗi năm một lần, phôi của giống cá lang bạt này từ Biển Hồ, Campuchia theo dòng nước lũ ngầu đục phù sa sông Mekong chảy về “tưới tắm” cho đồng bằng sông Cửu Long thêm xanh tươi cây trái… Nhờ vậy mới có tô canh chua cá linh thơm phức, nấu với bông điên điển, chồi (chột) bông súng mập ú, bông so đũa giòn giòn… Ngon “thần sầu” vậy mà anh Đức nỡ phớt lờ?
Mới hay, vài năm gần đây tại một số nhà hàng ở Sài Gòn đã bán loại cá linh nuôi, tung tăng trong bể bơm oxy suốt bốn mùa. Vậy mới lạ! Một trong những người cung cấp dạng cá linh dỏm này là anh Nguyễn Văn Tân, ở Cái Bè, Tiền Giang. Anh Tân khẳng định: “Làm gì có cá linh bốn mùa. Toàn cá duồn, cá trôi con nhái… Phải ngay mùa lũ, nhà tôi mới tranh thủ ăn cá linh thứ thiệt cho đã thèm!”
Video đang HOT
Nhìn thoáng qua, đám cá duồn, cá trôi con khá giống cá linh. Tuy nhiên, thịt chúng lạt, xương cứng và nhiều, lại ốm nhách. Những nhược điểm này, đầu bếp dễ dàng khắc phục bằng cách chiên giòn hoặc nêm nhiều gia vị để tăng thêm độ ngọt, béo.
Mặt khác, cá linh sống khi vận chuyển đi xa dễ chết hơn cá duồn hay cá trôi, dù được bơm oxy. Cho nên mùa này, một số thương lái giàu kinh nghiệm ở Hồng Ngự muốn chở cá linh non còn sống nhăn về tới Mỹ Tho phải dùng ghe lườn (loại ghe được thiết kế phần mũi và lái kín, còn bụng thì có khe thông với mặt nước nhưng cá không thoát ra được) mới ít hao hụt.
Một số hàng quán ở miền tây có bán các món cá linh tươi mùa này: Quán Bảo Giang 1 ở P. Mỹ Thới, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Nhà hàng Xuân Khánh 209 đường 30.4, P. Xuân Khánh, TP Cần Thơ.
Linh thật
Khác anh Đức, một số ít khách khoái ẩm thực vẫn háo hức về quán Tạ Hiền, gần chùa Vĩnh Tràng, Mỹ Tho tao ngộ cá linh, dịp cuối tuần. Ở đây, cá lượn lờ gần đặc nước trong một hồ rộng, khách có thể dùng vợt vớt chúng lên nhờ đầu bếp nấu canh, kho mía, thả lẩu mắm… tuỳ thích. Và anh chủ quán này không chỉ rành tập tính một loại cá linh, hỏi về đám cá heo nước ngọt, trèn kết, rau hẹ nước… Nói chung là sản vật đồng bằng anh khá tường tận. Vậy là có cớ để chủ – khách kết giao! Nhưng lỡ có “chuyên gia” nào nói sai hay vu oan, dù chỉ là chuyện của con tép rong, anh sẽ minh oan tới khàn giọng.
Mức lũ năm nay đã vượt báo động 3 ở hạ lưu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, có thể đám linh sẽ vui mừng vì rộng đường rong chơi. Hứa hẹn một mùa bội thu cho “vương quốc” mắm Châu Đốc và nhiều bữa tiệc cá linh ngon chân phương vùng sông nước hiền hoà này. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể rằng, hơn 20 năm trước, một buổi chiều đứng trên bờ kênh ở An Giang quê ông, ngay mùa lũ về, bỗng dưng ông nghe “ồ… ồ…” như “hơi” một trận giông lớn đang kéo tới. Nhưng không phải, từng luồng cá linh đang kéo về xanh nước! Thời đó cá linh nhiều vô kể, làm mắm không xuể người ta ủ chúng thành phân đem bón cho cây. Giá rẻ bèo. Lúc trà dư tửu hậu, một số lão nông ở Hồng Ngự và An Giang đã hỏi: “Tại sao kêu cá linh? – Chịu thua. Họ cho biết giống cá này xưa… biết nghe. Vì quá nhiều, chúng có thể đâm vào làm rách miệng đáy, hư dớn… coi như bẻ gãy cần câu cơm của người dân trong mùa lũ. Hoặc cùng một hàng đáy giăng ngang sông, chúng chỉ chạy vào miệng đáy của những ai thành khẩn khấn vái thuỷ thần. Tóm lại, giống cá trắng du mục này có thể làm cho người dân khá lên hoặc nghèo khó thêm, linh là vậy. Tiếc thay, cuộc sống càng hiện đại thì cá linh lại mất uy. Lẽ nào quýt làm… linh chịu?
Theo SGTT
Cá linh non, món ăn ngon mùa nước nổi miền Tây
Mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long thường bắt đầu từ cuối tháng Tám dương lịch hàng năm, cũng là lúc cá linh xuất hiện.
Ở vùng An Giang, Đồng Tháp còn lưu truyền ca dao về con cá linh:
"Nước không chưn sao kêu nước đứng
Cá không thờ sao gọi cá linh"
Ấy là do tích vua Gia Long khi bôn tẩu ở vùng đầu nguổn sông Hậu, cá linh bay phóng vào thuyền, vua cho là điềm gở nên không đi theo hướng ấy và đã thoát nạn. Ông mới đặt tên cho loài cá này là "cá linh".
Cá linh là đặc sản của miền Nam.
Cá linh nhỏ bằng mút đũa, gọi là cá linh non. Cá linh kho non kho mẵn (lạt) là món ngon dân dã, dễ làm, ăn cơm rất "bắt". Cá còn non ngọt thịt, hầu như không có xương, béo. Khi nấu, cá không cần đánh vảy, lấy mật, chỉ cần ngâm nước muối cho sạch nhớt là nấu được rồi.
Nói là đơn giản nhưng cũng phải khéo nấu! Cá linh non ngâm rửa để vào rổ thưa cho ráo nước. Chặt một trái dừa tươi đổ vào ơ đất, nấu cho sôi riu lên dằn vài muỗng nước mắm biển ngon, sau đó trút nhẹ cá linh vào nồi, thêm ít tóp mỡ, hành lá sắc hột lựu vô sau cùng. Nước sôi nhiều hớt bọt, nghe mùi cá thơm bốc lên phải bắc ơ xuống hoặc giảm tối đa lửa, bởi cá linh thịt mềm rất mau chín
Món cá linh kho non béo ngậy đậm đà.
Món rau kèm khoái khẩu thực khách thường là bông súng, bắp chuối bào trộn bông lục bình chần bóp giấm, chanh, đường hoặc có thể ăn với rau lang, rau trai luộc, đọt lá vông non, đọt nhãn lồng, rau thuốc giòi, đọt lá cách... Món này đúng là "thực phẩm chức năng" rất rẻ tiền và hợp tự nhiên.
Hiện cá linh non ở các huyện đầu nguồn như An Phú, Tân Châu, Hồng Ngự, thương lái thu mua khoảng từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng một kg. Càng về sau mùa nước nổi, cá linh càng rẻ. Năm 2010 vừa qua tại chợ Tam Nông (Đồng Tháp) giá cá linh vào vụ chỉ có 5.000 đồng một, có khi còn thấp hơn nữa.
Theo VNE
Cá linh - Món ăn đặc sản ở đồng bằng sông Cửu Long Theo quyển "Nửa tháng trong miền Thất Sơn" của học giả Nguyễn Văn Hầu, người ta gọi con nước đổ là vì "nước chỉ từ nguồn đổ xuống biển, không chảy lên". Đặc biệt, "mỗi năm, khi nước bắt đầu đổ thì trứng cá nở thành con. Chúng bị làn nước "giang hồ phiêu bạt", lênh đênh vượt biên thùy. Ven Đồng Tháp...