Cá đuối đại bàng ở New Zealand sinh con dù không giao phối
Các nhà khoa học cho biết con cá con có thể là kết quả của quá trình sinh sản vô tính hoặc cá mẹ có thể đã lữu trữ tinh trùng từ lần giao phối cuối cùng với con đực.
Hai con cá đuối đại bàng đã khiến những người trông nom bể thủy sinh ở New Zealand và các nhà khoa học kinh ngạc khi sinh con dù không có con đực nào trong bể của chúng.
Nibble và Spot – đều là con cái và được nuôi tại Thủy cung Sea Life của Kelly Tarlton ở Auckland – đều sinh cá con vào đêm giao thừa mặc dù hai năm nay chúng không được giao phối với con đực.
Andrew Christie, người quản lý thủy cung, tin rằng lời giải thích khả dĩ nhất là những con cá đuối đã lưu trữ tinh trùng từ lần giao phối cuối cùng của chúng.
Lưu trữ tinh trùng là một chiến lược tương đối phổ biến ở các loài cá cũng như côn trùng, dơi và rùa như một cách bảo đảm khi chúng không tìm được bạn tình trong tự nhiên. Người ta cho rằng tinh trùng có thể được giữ lại từ một đến hai năm và sẵn sàng được sử dụng khi cá cái đến kỳ rụng trứng.
Những con cá đuối đại bàng được sinh ra trong một bể cá ở Auckland mà cá mẹ không tiếp xúc với con đực. Ảnh: Thủy cung Sea Life .
Adele Dutilloy, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển Quốc gia (NIWA), cho biết: “Lưu trữ tinh trùng dường như đặc biệt phổ biến ở những loài không thường xuyên tiếp xúc với nhau”.
Đầu tháng này, Dutilloy phát hiện bằng chứng đầu tiên về việc lưu trữ tinh trùng ở các loài cá mập biển sâu bởi chúng cần “tận dụng tối đa các cơ hôi giao phối” bởi mối nguy hiểm đi kèm.
“Cá mập giao phối có thể rất hung dữ”, bà nói.
Dutilloy cho biết khám phá này đã bổ sung thêm kiến thức khoa học về cách những loài hiếm gặp trưởng thành và sinh sản: “Chúng ta có thể giúp đỡ những loài này nhiều hơn trong quá trình sinh sản hồi nếu hiểu được chúng”.
Tuy nhiên, trong trường hợp con cá đuối tại thủy cung Kelly Tarlton, Dutilloy nghĩ rằng lời giải thích hợp lý hơn là trinh sản: một quá trình sinh sản vô tính tự nhiên, trong đó trứng phát triển thành phôi dù không được thụ tinh.
So sánh với cá mập, Dutilloy cho biết việc lưu trữ tinh trùng ở cá đuối là tương đối hiếm, trong khi trinh sản đã được ghi nhận ở cá đuối đại bàng đốm – họ hàng gần của Nibble và Spot.
Một con cá đuối đại bàng đốm 11 tuổi tên là Freckle cũng từng sinh sản vô tính tại Thủy cung SEA LIFE Sydney ở Sydney vào năm 2018, dù không giao phối với con đực trong gần 10 năm.
Những con cá non này có thể sẽ được xét nghiệm ADN để tìm hiểu xem chúng là kết quả của quá trình sinh sản hay trinh sinh. Ảnh: Thủy cung Sea Life của Kelly Tarlton.
Cho dù Nibble và Spot mang thai theo cách nào, Dutilloy tin rằng đó sẽ là trường hợp cá đuối đại bàng sinh sản vô tính đầu tiên được ghi nhận. “Cách duy nhất để xác nhận chắc chắn là thông qua xét nghiệm di truyền. Đó sẽ là một điều thực sự thú vị, bởi vì nó chưa từng được xem xét trước đây”.
Bà Dutilloy cũng bổ sung rằng kết quả này có thể có lợi cho những người quản lý bể thủy sinh khi họ biết chính xác số lượng cá đang nhân lên.
Maddy Seaman, giám đốc trưng bày tại thủy cung của Kelly Tarlton, cho biết xét nghiệm ADN – để xác nhận hoặc bác bỏ sự trinh sinh – sẽ khả thi hơn khi những con non lớn hơn.
Hiện tại, những con non này vẫn chưa được trưng bày do chúng vẫn còn nhỏ và dễ bị tổn thương bởi những con cá lớn hơn.
Con chim kiwi trắng cực hiếm ở New Zealand vừa qua đời
Con chim kiwi trắng có tên Manukura đã trở thành cảm hứng cho nhiều loại đồ chơi nhồi bông, kỷ vật và cả một cuốn sách ảnh tại New Zealand.
Một con kiwi có bộ lông trắng cực hiếm đã chết sau cuộc phẫu thuật, khiến các nhà bảo tồn ở New Zealand đau buồn.
Con Kiwi nâu Manukura ở Đảo Bắc ra đời trong điều kiện nuôi nhốt vào tháng 5/2011 với đặc tính di truyền leucism hiếm gặp, mang lại cho nó bộ lông màu trắng nổi bật.
Con chim này trở thành đại sứ cho cả trung tâm động vật hoang dã quốc gia Pkaha tại núi Bruce ở Wairarapa. Manukura cũng trở thành cảm hứng cho nhiều loại đồ chơi nhồi bông, kỷ vật và cả một cuốn sách ảnh.
Con Kiwi nâu Manukura ở Đảo Bắc ra đời trong điều kiện nuôi nhốt với bộ lông màu trắng nổi bật do đặc tính di truyền leucism hiếm gặp. Ảnh: Getty Images.
Manukura đã được đưa đến bệnh viện Wildbase tại Đại học Massey ở Palmerston North vào đầu tháng này sau khi các nhân viên kiểm lâm tại Pkaha nhận thấy nó đang sụt cân.
Các bác sĩ thú y đã tìm thấy một quả trứng chưa thụ tinh trong bụng Manukura mà nó không thể đẻ ra. Mặc dù họ đã loại bỏ nó thành công, sức khỏe của con chim tiếp tục xấu đi trong những tuần tiếp theo.
Cái chết của nó vào chiều 27/12 đã được thông báo vào ngày hôm sau trên trang Instagram của Pkaha: "Nó sẽ luôn được nhớ đến".
Manukura là con đầu tiên trong số ba con kiwi trắng nở tại Pkaha vào mùa sinh sản 2011-2012. Nó khiến lượng khách đến trung tâm tăng vọt.
Trong một tuyên bố từ Pkaha, người dân bày tỏ sự đau buồn trước cái chết của Manukura: "Đó là một báu vật quý giá". Một trưởng lão, Manu Kawana, cũng trực tiếp cầu nguyện cho Manukura.
Tổng giám đốc Pkaha, Emily Court, cho biết trung tâm đang tham khảo ý kiến của cư dân về các cách để công chúng tưởng nhớ Manukura.
Trong phần lớn năm đầu khi Manukura sinh ra, nó được xác định là đực, tuy nhiên cuối cùng người ta phát hiện nó thuộc giống cái. Đây lại là một điều bất ngờ khác từ loài chim này.
'Vũ điệu ánh sáng' tuyệt đẹp soi sáng bầu trời Na Uy Dải ánh sáng xanh tuyệt đẹp thu hút sự chú ý của nhiều người trên khắp thế giới. Cực quang tuyệt đẹp soi sáng bầu trời Na Uy Ánh sáng từ bầu trời đã làm mê hoặc và quyến rũ rất nhiều cư dân trên khắp thế giới qua nhiều thời đại. Hiện tượng thiên nhiên tuyệt đẹp được đề cập trong các...