Cá độ làng!
Chán thức đêm ở những thành phố ồn ào, tôi quyết định “mò” về những ngôi làng xa lắc để xem không khí EURO thế nào. Cũng như bao nơi khác trên đất nước này, cư dân của những ngôi làng ấy cũng “ăn EURO, ngủ cùng EURO”, cũng hỉ nộ ái ố đủ cung bậc theo đường lăn của trái bóng và sự lên xuống của… túi tiền.
EURO 2012 thu hút một lượng lớn Việt kiều Mỹ gọi điện về làng cá độ. Ảnh: H.V.M
Nhưng “làng” đã không làm tôi thất vọng bởi lần đầu tiên tôi chứng kiến những chuyện, những kiểu cá độ chỉ có… dưới làng mới có!
Khi những bà nội trợ bắt tỉ số
Điểm dừng chân đầu tiên của tôi là nhà Tuấn – một người bạn ở thôn 2, xã Điền Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Mới được mấy tuần trà, đã thấy trước cửa nhà xuất hiện 5 “mụ” đàn bà mặt mày nghiêm trọng xin cho gặp nhà báo. “Chết cha”, tôi tái mặt, liên tưởng đến chuyện sẽ nhận đơn khiếu kiện, nhưng không phải. Sau một hồi vòng vo hỏi han, một trong 5 “mụ” đặt vấn đề: “Nghe tin có nhà báo về chơi, chị em tui đến để nhờ… tư vấn bắt tỉ số trận Nga – Hy Lạp. Từ đầu mùa tới chừ nghe mấy đứa thanh niên trong xóm xúi toàn thua tới thua”.
Tôi gãi đầu, thú thiệt là về bóng đá, tôi cũng mù mờ chẳng khác gì thanh niên trong xóm này, nhưng mấy “mụ” không tin. “Chú nói nghe lạ, nhà báo ở trung ương về, chắc biết rành hơn mấy đứa ở quê chứ, dự đoán thử đi…” – mấy “mụ” nài nỉ. Cùng đường, tôi lật tờ báo thể thao mang theo trong túi xách, liếc qua mục dự đoán rồi phán đại: “Trận Nga – Hy Lạp, nên bắt Hy Lạp thắng 1 – 0, giá 1 ăn 13, tức đánh 10 ngàn ăn hơn 130 ngàn”. Nghe tới đâu, mấy “mụ” gật gật tới đó: “Nhà báo có khác, nói có sách mách có chứng”.
Đêm ấy, tôi và Tuấn ra quán càphê thức xem bóng đá với đám thanh niên trong xóm. Vừa chợp mắt một chút ở hiên nhà sau gần một đêm thức trắng, tôi đã bị một trong các “mụ” tối qua lay dậy: “Tỉ số trận tối qua răng chú?”. Hóa ra mấy “mụ” bắt tỉ số nhưng không thèm xem!
Không mở nổi mắt, tôi trả lời: “Y như dự đoán”. “Thiệt không chú?”. Tôi giật mình tỉnh hẳn vì “mụ” hỏi như hét. “Thiệt!”. “Thiệt không rứa chú?”, chưa tin, “mụ” quay qua hỏi Tuấn cũng vừa giật mình ngồi bật dậy. “Thiệt, mà dì bắt bao nhiêu?” – Tuấn hỏi. “Một trăm ngàn” – mụ vừa trả lời vừa bấm đốt ngón tay nhẩm tiền. “Một ăn mười ba, vị chi tui có một triệu ba”. “Mụ” quay sang tôi: “Bằng tiền bủa lưới ngoài phá cả nửa tháng đó chú”. Vừa nói mắt “mụ” vừa ngời lên, rồi tít lại khi cười. Lần đầu tiên trong đời mắt tôi cận cảnh một “mụ” đàn bà sướng vì được tiền cá độ(!).
Sáng ra đi lang thang ở chợ Mới – chợ trung tâm của xã Điền Hải, ghé đến hàng gạo, hàng cá, hàng rau… tôi không tin vào tai mình khi chỗ nào chuyện thời sự của các chị, các bà vẫn là “tối qua thắng hay thua?”. Thấy tôi ngạc nhiên thắc mắc, “mụ” Gái – một trong những “mụ” có tham gia bắt tỉ số tối qua – cười giải thích: “Bắt tỉ số bóng đá đang là mốt của phụ nữ ở đây”. “Mụ” Gái thú nhận là tối qua chỉ bắt một trận Nga – Hy Lạp với số tiền 10 ngàn đồng cho tỉ số 2 – 1 và trắng tay.
Video đang HOT
Những học sinh phổ thông ở làng nghiên cứu báo thể thao trước trận đấu để tham gia cá độ.
Tất nhiên không chỉ có các bà nội trợ. Đối tượng tham gia cá độ ở làng quê này đầy đủ thành phần từ giáo viên, cán bộ, nông dân, ngư dân, học sinh… Ngoài phổ biến là bắt tỉ số, họ còn tham gia vào các kiểu cá độ khác đang thịnh hành như đi “cửa dưới – cửa trên”, “tài – xỉu”… với số tiền đặt cược từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu, thậm chí cá biệt lên đến vài chục triệu cho một trận bóng.
Ở quán càphê hôm tôi xem hai trận bóng đá vừa kể, tôi chú ý đến một nhóm học sinh phổ thông cá độ rất hăng máu và chuyên nghiệp. Mỗi đứa một điện thoại cầm tay, ngoài thông tin từ nhà mạng tại chỗ, nhóm này luôn cập nhật, tham khảo thông tin từ các nhà mạng khác và liên tục thay đổi cách đánh tùy diễn biến trận đấu. Trận Nga và Hy Lạp, tôi đếm nhóm này đánh đến… 5 “bát” (mỗi lần đánh gọi là một “bát”), mỗi “bát” từ 1 – 2 trăm ngàn để cuối cùng là hòa vốn.
“Đang đi học lấy đâu ra tiền mà đánh lớn dữ rứa?” – tôi hỏi đứa ngồi cạnh mình. Im lặng. “Ăn trộm gạo của mạ hắn mang đi bán chứ tiền mô ra chú” – một người khách ngồi bên ghé tai tôi nói nhỏ, kèm theo là một tiếng thở dài.
Ngồi ở Mỹ, cá độ ở… làng
Tuấn kể: Cách đây mấy năm, chuyện cá độ bóng đá ở đây chỉ đơn thuần là ghi tỉ số trận đấu từ một “cái con” làm công ăn hoa hồng cho các “cái mẹ” ở thành phố Huế. Và cả miệt dài 8 xã dọc phá Tam Giang gồm Điền Hương, Điền Lộc, Điền Môn, Điền Hòa, Điền Hải, Phong Hải (huyện Phong Điền); Quảng Ngạn, Quảng Công (huyện Quảng Điền) chỉ có 3 – 4 “cái con” thì mấy năm gần đây, tình hình đã khác.
Theo Tuấn, miệt này hiện có gần 20 “cái con”, quy mô không còn đơn thuần là ghi tỉ số. “Bây giờ tất cả cái bóng đá ở đây đều trang bị cho mình máy tính, đường truyền Internet tốc độ cao và mở tài khoản trên mạng để phục vụ cho việc cá cược của người chơi không chỉ ở trong làng mà còn vươn ra cả… quốc tế” – bạn tôi nói.
“Quốc tế?” – tôi hỏi lại đầy ngạc nhiên. “Mấy Việt kiều ở Mỹ gọi điện về làng cá độ bóng đá, không gọi là quốc tế thì gọi là chi?”. “Nhưng cụ thể ra răng?”. “Chuyện dài dòng lắm, tối nay anh đi với em sẽ rõ”. Một đêm nữa, tôi thức trắng với hai trận Hà Lan – Bồ Đào Nha và Đức – Đan Mạch, lần này chỉ để xem… Việt kiều Mỹ độ bóng đá như thế nào.
Điểm đến của tôi là quán càphê T ở xã H. Mới 1 giờ đêm, còn 45 phút nữa mới bắt đầu trận đấu, nhưng quán đã chật ních người. Khách người ngáp ngủ, người đọc báo nghiên cứu trận đấu, người bình luận, dự đoán… M – chủ quán – là người quen thân của Tuấn, cắm cúi vào máy tính xách tay, bên cạnh là hai phụ tá, tay phải cầm điện thoại di động chuông đổ liên tục, tay trái cầm sổ và bút liên tục ghi chép.
“Tài trận Bồ năm trăm”. “Xỉu trận Bồ một ngàn”. “Đi trên trận Đức hai ngàn”… Các phụ tá vừa hô vừa ghi chép. Bạn tôi nhắc: “Ngàn là ngàn đô á. Việt kiều bên Mỹ đang gọi về đánh đó”. Theo lời bạn tôi, mỗi một nhà cái ở đây đều có 5 – 7 mối ruột như vậy, họ đều là Việt kiều Mỹ có gốc gác từ địa phương. Không giống người Việt, các Việt kiều thường đánh rất nhiều “bát” cho mỗi trận đấu (thường là 5 – 7 “bát”, có khi 15 – 20 “bát”) với số tiền trung bình từ 5 trăm đến 2 ngàn USD/”bát”.
Và không chỉ đến EURO này, họ đánh đều hằng đêm tất cả các trận của khắp các giải từ Ngoại hạng Anh, Tây Ban Nha, Italia, Pháp cho đến các giải tận bên Nam Mỹ hay Trung Đông. “Tóm lại, trên thế giới có giải gì là họ đánh giải đó” – bạn kết luận.
Nhân lúc chủ quán rời máy tính chào khách, tôi tranh thủ: “Ở Mỹ người ta công khai việc cá độ bóng đá, vì sao mấy ông Việt kiều nhà mình không đánh luôn bên đó cho khỏe mà phải gọi điện thoại về Việt Nam để cá độ, vừa không chính danh (vì Việt Nam cấm cá độ bóng đá) vừa tốn tiền gọi điện?”. Chủ quá ngớ người một lúc rồi gãi đầu: “Thật tình em cũng không biết và chưa bao giờ hỏi về vấn đề này”.
Đang loay hoay không biết hỏi ai thì điện thoại của M reo. Lại một khách hàng nữa từ Mỹ gọi về đặt tài trận Đức – Đan Mạch với giá bước đầu là 2 ngàn. “Cho anh nói chuyện với đầu dây bên kia tí” – tôi canh cho đến khi M ghi xong thông tin cần ghi rồi đề nghị. M ngạc nhiên không hiểu chuyện gì, nhưng cũng đưa máy. Vừa đặt máy lên tai, tôi giới thiệu luôn về bản thân và đề nghị “anh giải đáp cho câu hỏi mà em đã thắc mắc tối giờ nhưng chưa có câu đáp”.
Đầu dây là giọng đàn ông, nghe áng chừng 50 tuổi, có chút ngạc nhiên nhưng rồi cũng trả lời. Ông ấy nói đại ý có 3 lý do để Việt kiều Mỹ gọi điện thoại về chơi cá độ bóng đá ở Việt Nam: Một là không thích chơi với tụi Mỹ vì không vui và không được xem trọng. Thứ hai là đánh ở Việt Nam, nếu thua thì tiền ai thu không biết, nhưng nhà cái – là người làng, người thân của họ được hưởng tiền hoa hồng 3% trên mỗi “bát” (ví dụ đánh mỗi bát 10 triệu đồng Việt Nam thì nhà cái được hưởng 300 ngàn đồng). Thứ ba, nếu thắng thì họ sẽ dùng số tiền đó để… cho lại người thân của mình ở Việt Nam thay vì gửi trực tiếp từ Mỹ về.
Nghe xong cuộc điện thoại, tôi thấy hoang mang. Nếu những lời trên là đúng thì cá độ bóng đá cũng có cái gọi là “ích nước lợi nhà” chứ đâu chỉ có xấu, có độc hại như lâu nay mình tưởng(!). Tuấn cười: “Đó là chơi… kiểu Mỹ, chứ chơi kiểu Việt Nam thì chỉ có tan cửa nát nhà trở lên!”. Bạn dẫn chứng: EURO này thì chưa, nhưng World Cup hai năm trước, ở đây đã có không biết bao nhà cái vỡ nợ hàng trăm triệu, có người là giáo viên hẳn hoi đã bỏ làng, bỏ vợ con để trốn vào Nam vì “ôm” tiền thay vì chuyển cho “cái mẹ” để ăn hoa hồng.
Rồi cũng như ở thành phố, cứ đến mùa bóng đá như EURO này là làng nước lại náo loạn cả lên bởi nạn trộm cắp. “Có điều, cũng không như thành phố, trộm cắp ở đây cũng chỉ là trộm vặt mấy con gà, vịt; hay tiền lẻ, lúa gạo (chủ yếu là trộm trong nhà) và quá lắm là cái xe máy, nhưng rất hi hữu” – bạn kể. Đúng là, EURO kiểu… dưới làng, đầy bi hài nhưng rất thú vị(!).
Theo Lao Động
Cá độ bóng đá: Không lên được "voi" đành..."xuống chó"
Cá độ bóng đá qua mạng Internet đang từng ngày len lỏi vào tận góc phố, từng quán cà-phê, căn nhà, đã và đang làm cho nhiều gia đình đang vui vẻ, khá giả bỗng tan gia bại sản.
Trong số những người có con em đã và đang lao thân vào trò chơi cá độ bóng đá qua mạng mà chúng tôi gặp được trong quá trình tìm hiểu thông tin để thực hiện bài viết này đều có chung ước mơ: đó là vấn nạn cá độ qua mạng được dẹp bỏ triệt để. Chỉ có "nó" không còn tồn tại thì cuộc sống của họ và nhiều gia đình khác mới có thể bình an và vui vẻ.
Tuy nhiên, theo nhiều CBCS thuộc các đội nghiệp vụ CATP Đà Nẵng mà chúng tôi đã trao đổi thì cho rằng đó là vấn nạn khó có thể ngăn chặn. Bởi, đây là một "trò chơi" khá tinh vi, lại được chơi kín đáo nên rất khó phát hiện và nhà cái lại "nằm" ở nước ngoài... Chính vì thế, có thể chắc chắn một điều là "ma lực" của cá độ bóng đá qua mạng vẫn tiếp tục hoành hành và làm cho nhiều người bị khuynh gia bại sản, gia đình ly tán...
Sau một thời gian dài mưu sinh bằng nghề làm đá granit, P. cũng dành dụm được số tiền hơn 300 triệu đồng để mua căn nhà tại một quận nằm ở phía nam thành phố để vợ và hai con tá túc. Khi cuộc sống vợ chồng trong căn nhà mới đã tạm ổn, P. cho nối mạng internet vào chiếc máy tính để biết hơn về thế giới bên ngoài. Những ngày đầu P. lên mạng chỉ để lướt web xem thông tin thời sự trong nước và quốc tế.
Vậy nhưng, khi được người bạn giới thiệu cho các trang mạng cá độ bóng đá và sở hữu trong tay một tài khoản cá cược thì chuyện lướt web của P. không còn để nắm bắt các thông tin nữa mà thay vào đó là xem lịch các trận bóng đá diễn ra trong ngày trên toàn thế giới và nghiền ngẫm những trang mạng bình luận trước trận đấu để xem đội nào trong trận sẽ nằm "kèo trên", tỷ số trận đấu sẽ là bao nhiêu, trong trận đấu có bao nhiêu quả ném biên, phạt góc thậm chí có bao nhiêu thẻ vàng sẽ được rút... Sau khi đã "chắc thắng", P. nhấp chuột để đặt cược...
Vậy là, từ một người thợ siêng năng, P. bắt đầu bỏ công ăn việc làm để chú tâm vào công việc chính là chơi cá độ bóng đá qua mạng. Và, chỉ trong thời gian ngắn, do thường dự đoán sai để rồi đặt cược thua nên số tiền P. nợ đã lên đến hàng trăm triệu đồng nên đành bán ngôi nhà vừa mới mua lấy tiền trả nợ...
Với việc dễ dàng tham gia cá cược qua mạng dù đang
ở nhà hay tại quán cà-phê đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh tan gia bại sản
(Ảnh minh họa)
Dù may mắn hơn vợ con của P. là không phải ra ở nhà trọ nhưng vợ con Đ. (trú cùng quận với P.) lại phải sống trong sự thấp thỏm lo âu. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả nên khi Đ. lập gia đình riêng, ba mẹ anh đã cho hẳn một ngôi nhà khang trang nằm ở mặt tiền trên tuyến lộ lớn trong nội thành Đà Nẵng. Dù đã có vợ đẹp con ngoan, nhà cao cửa rộng nhưng Đ. vẫn không quan tâm đến gia đình mà suốt ngày "làm bạn" với chiếc máy tính nối mạng để lướt web kiếm "kèo" nhấp chuột đặt cược. Và, kết quả mà Đ. đã có được trong những tháng ngày bên chiếc máy tính là số nợ hàng tỷ đồng.
Vậy nhưng, do gia đình "có điều kiện" nên số tiền nợ đó cũng được ba mẹ Đ. đứng ra "dàn xếp" êm xuôi. Tưởng khi đã được cha mẹ trả thay những khoản nợ trước đó và đôi lần chậm trả nợ bị giang hồ đến "hỏi thăm" thì Đ. sẽ sợ mà từ bỏ để lao động phụ vợ nuôi con nhưng không, Đ. càng ngày càng lún sâu với trò chơi thua nhiều hơn thắng này để rồi tiếp tục nợ với số tiền lên đến hơn 2 tỷ đồng. Thương con nhưng tài sản trong nhà đã ra đi hết nên lần này ba mẹ Đ. vay mượn mãi nhưng vẫn không đủ số tiền 2 tỷ đồng để trả nợ cho con nên đành bỏ mặc để Đ. tự giải quyết. Không có tiền nhưng cứ bị giang hồ "nhắc nhở" liên tục nên Đ. đành bỏ trốn để được yên thân. Vậy nhưng, trong lúc bỏ trốn, Đ. lại lao vào việc dùng "hàng đá" nên bị công an phát hiện bắt đưa đi cai nghiện. Hiện tại Đ. đã tạm yên thân trong trại cai nghiện, nhưng có điều vợ con anh phải lo sợ "sự cố" đến bất ngờ nên đành đóng cửa căn nhà để tạm lánh đi nơi khác một thời gian...
Một con bạc "cháy túi" đang thẫn thờ
Cùng điểm chung với Đ. là được sinh và lớn lên trong gia đình có điều kiện về kinh tế cũng như "đam mê" sâu sắc trò cá độ bóng đá qua mạng nhưng T. lại chịu khó học hành nên có được một công việc tạm ổn. Là cán bộ công chức đang công tác tại một quận trên địa bàn thành phố với tương lai tươi sáng và mẹ là chủ một cửa hàng tạp hóa lớn, sống trong một căn nhà hai tầng khang trang. Tưởng thế với T. là đã quá đủ nhưng không, anh lại có ước mơ lớn hơn, cao hơn đó là làm gì để thật nhanh có tiền. Vì vậy, khi nghe bạn bè bảo "nghề" cá độ bóng đá qua mạng dễ chơi lại nhanh có tiền là T. lao vào ngay. Tuy nhiên, dễ chơi thì đúng nhưng nhanh có tiền lại không. Càng chơi, T. càng nhận định sai về kết quả trận đấu nên liên tục thua và đi đôi với điều đó là tài sản trong nhà T. dần dần "đội nón ra đi".
Khi tài sản bắt đầu cạn, T. lại đi vay mượn để có tiền cá cược và chơi "khất" với mong muốn thoả mãn "cơn khát". Chính vì vây, sau những canh bạc "may rủi", số tiền nợ người khác của T. lên đến hàng tỷ đồng. Thấy con suốt ngày bị giang hồ "quan tâm" nên mẹ T. đành trả nợ thay cho con. Trả xong nợ, mẹ T. cũng hết lời khuyên can T., mong T. bỏ "đam mê" để lo công việc. Vậy nhưng, T. không những không nghe lời mẹ mà vẫn tiếp tục lao vào như con thiêu thân để tìm vận may. May đâu không thấy chỉ thấy số nợ mà T. thiếu người khác lại một lần nữa lên đến tiền tỷ. Và lần này dù mẹ T. phải bán ngôi nhà và hàng hóa mà mình đang buôn bán để trả nợ cho con nhưng vẫn không đủ. Sợ giang hồ tìm đến đòi số tiền còn lại, T. đã bỏ việc để trốn chạy. Vậy là, từ một gia đình khá giả, là người buôn bán hàng tạp hóa có tiếng, giờ đây mẹ T. phải đi rửa chén bát thuê cho người em chồng và sống tạm bợ trong căn nhà che tạm...
Rơi vào trường hợp như mẹ của T. là phải chấp nhận để tài sản và ngôi nhà thân yêu của mình vĩnh viễn "ra đi" nhưng có lẽ ông X. (trú cùng quận với T.) lại có phần may mắn hơn khi vẫn còn được số tiền hơn nửa tỷ để dưỡng già. Theo thông tin chúng tôi nắm được thì do đam mê với trò cá độ bóng đá qua mạng mà đứa con trai của ông đã nợ số tiền hơn 3 tỷ đồng. Đợi chờ mãi vẫn không thấy con ông X. trả tiền, chủ nợ đã cử "người" đến "hỏi thăm" và "gửi" lại những thùng sơn hòa lẫn với phân với lời nhắn: xin đứa con trai của ông cánh tay. Lo âu về khoản nợ và lo sợ tính mạng của con, ông X. đã ngã bệnh. Cuối cùng sau nhiều đêm suy nghĩ ông đành bán ngôi nhà với giá gần 3,8 tỷ đồng để trả số tiền nợ 3 tỷ đồng cho con...
Đó là 4 trong số hàng chục trường hợp "đam mê" với trò cá độ qua mạng để rồi dẫn đến cảnh nợ nần, tài sản "đội nón ra đi" và gia đình ly tán mà chúng tôi nắm được... Mùa Euro 2012 sắp đến, nhưng với đà phát triển mạnh của loại hình cá cược này nên chắc chắn một điều sẽ còn nhiều gia đình phải rơi vào hoàn cảnh như thế...
Theo ANTD
Vào mùa cá độ Trái bóng đã lăn, EURO đã diễn và mùa cá độ cũng đã bắt đầu. Niềm vui bóng đá lệch lạc đã nhấn chìm không biết bao nhiêu "con độ". Không chỉ mất hết tài sản, tiền bạc, các "con độ" còn vướng cả vào vòng lao lý khi niềm đam mê đơn thuần với trái bóng tròn được tẽ nhánh thành những...