Rước “nàng tiên nâu” từ quê bản địa
Chúng tôi tìm về xã Eawy (huyện Ea H’leo, Đắc Lắc) khi “cơn bão” ma túy vẫn hoành hành khắp hang cùng ngõ hẻm nơi đây. Những câu chuyện đau lòng có căn nguyên từ “cái chết trắng” day dứt, ám ảnh chúng tôi mãi không thôi.
Trung tâm y tế xã Eawy là nơi thường tiếp nhận những trường hợp sốc thuốc do những đối tượng nghiện trong xã đến cấp cứu
Những con số buồn
Ngày trước từ huyện Ea H’leo vào xã Eawy chỉ có rừng, nay thì đã hết, hệ quả của những đợt di dân tự phát của những đồng bào người Tày, Nùng, Mông là những cánh rừng biến thành nương rẫy. Tình trạng này kéo dài hàng chục năm, đến nay cơ bản gần chấm dứt, nhưng hậu quả vẫn còn như nhãn tiền. Chính sách an cư cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Đắc Lắc bước đầu có kết quả cũng là lúc nãy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Những tệ nạn xã hội mới lại nảy sinh tấn công vào những bản vùng sâu, có đồng bào ít chữ, nơi vốn dĩ “sức đề kháng” còn non yếu.
Trước khi quyết định vào xã Eawy, anh bạn đồng nghiệp ở Đắc Lắc cho tôi biết một số thông tin cơ bản: Eawy không chỉ có người nghiện mà còn có người nhiễm HIV. Nạn trộm cắp hoành hành như một dịch bệnh vô phương đối phó.
Eawy cách trung tâm huyện Ea H’leo khoảng 30km, dân cư tụ khá đông, nhưng hỗn tạp. Toàn xã hơn 12 nghìn người, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Mông (chiếm khoảng 62%), họ đều gốc vùng Tây Bắc di cư vào từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ngoại trừ một số hộ gia đình tương đối khá giả, còn lại tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao (25% năm 2011), người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, trồng cây công nghiệp và một phần là nghề… phá rừng. Tôi vẫn đinh ninh trong đầu rằng tại sao một xã nghèo và hẻo lánh như Eawy lại có những vấn nạn xã hội nhức nhối như thế? Những thứ mà lâu nay chỉ được nhắc đến ở miền xuôi, hay ở những trung tâm các thành phố lớn?
Câu chuyện ma túy ở bản Eawy như một… trường ca đau khổ chưa có hồi kết mà mỗi chương đoạn nghe đến khiến người ta phải chán ngán. Vì ma túy, gia đình tán gia bại sản, vợ chồng lìa nhau, anh em tan tác, người vào tù, kẻ ra tội, người chết vì sốc thuốc, đói thuốc… Rôi lại có kẻ nghiện oặt chán đời tự tìm đến cái chết xảy ra liên miên.
Theo thông tin từ chính quyền xã Eawy, thì ma túy xuất hiện ở Eawy đã hàng chục năm nay. Khoảng từ năm 1980, thuốc phiện theo bước chân những đồng bào dân tộc ở Tây Bắc vào. Họ mang theo thói quen hút thuốc phiện và những giống cây thuốc phiện vào để gieo trồng. Đây chính là khởi điểm để sau này biến thái thành những dạng ma túy khác như: Chất bột và dịch lỏng dùng để hít và chích.
Nếu như trước kia chỉ có những người hút thuốc phiện theo thói quen, thì nay lớp người nghiện đang dần trẻ hóa, thanh niên Eawy tìm đến kim tiêm, hút hít ngày càng nhiều. Cuộc chiến ma túy của chính quyền nơi đây lại phải chuyển sang một mức độ mới, với tính chất cam go và phức tạp hơn. Do nắm được nhu cầu sử dụng ma túy, một số đối tượng hám lợi, bất chấp luật pháp, móc nối với với bên ngoài đưa ma túy vào xã. Đến nay đã có những đường dây quy mô lớn, chuyên nghiệp, tinh vi tuồn ma túy từ Tây Bắc theo những chuyến xe chở khách hoặc từ con đường bên kia biên giới Lào sang. Vì vậy, từ một xã lành mạnh, giờ đây Eawy được xem là điểm nóng về ma túy của toàn huyện Ea H’leo, cùng như tập trung đủ thứ tệ nạn xã hội.
Một con nghiện hơn 10 năm chưa thể cai ở thôn 6C, xã Eawy
Cuộc chiến cam go
Video đang HOT
Chính quyền xã Eawy thừa nhận rằng ma túy đã ăn sâu, bén rễ vào đời sống người dân từ nhiều năm nay, vì vậy công tác bài trừ thực sự là bài toán mà đến nay chưa có lời giải khả quan. Người đứng đầu xã cho biết, nạn ma túy chỉ thuyên giảm một thời điểm nào đó thôi, sau đó lại bùng phát, nó âm ỉ như ngọn lửa ngầm khó dập tắt.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong xã năm nào cũng xuất hiện thêm những đối tượng nghiện hút mới trong danh sách thống kê người nghiện của xã. Thống kê sơ bộ, hiện xã có 42 đối tượng được phát hiện thường xuyên dùng ma túy. Nhưng nói như chính những vị cán bộ xã nơi đây thì trên thực tế, con số này còn cao hơn rất nhiều lần. Vấn đề chích hút nóng đến nỗi, trong bất cứ cuộc họp nào của xã cũng đưa ra bàn bạc, trưng cầu ý kiến, thẳng thắn đấu tranh để tìm cách bài trừ.
Ở Eawy, không khó khăn gì để tìm những gia đình tán gia bại sản vì ma túy. Trong những ngày tìm hiểu về vấn nạn này ở xã, chúng tôi thật sự “sốc” về những trường hợp có gia đình có tới 2 – 3 thành viên mắc nghiện. Thậm chí có gia đình cả cha và con đều dính ma túy. Chuyện tù tội vì tàng trữ, sử dụng, mua bán ma túy thì nhan nhản. Chuyện cai xong tái nghiện thì ở xã này có thể nói là nhiều vô kể.
Đau lòng nhất vẫn là câu chuyện gia đình ông Lương Văn Năm (thôn 6C). Gia đình người Tày này có 3 người con trai, 1 gái thì 3 người con trai đều mắc nghiện. Trong đó 2 người đi tù cùng một ngày vì tội sử dụng, buôn bán ma túy. Người còn lại được “đặc xá” vì phải ở nhà chăm sóc cha liệt giường, hiện cũng nằm trong diện theo dõi vì hơn 10 năm nay chưa thể cai nghiện. Và khi trụ cột gia đình mất đi, nhà ấy chỉ còn một bà lão 80 tuổi cùng đứa cháu 6 tuổi bấu víu nhau sống qua ngày. Nghe đâu, chính quyền xã đang làm hồ sơ đưa cháu vào trại trẻ để được hưởng chính sách diện trẻ mồ côi.
Lại có gia đình như ông Lương Văn Mừng, bà Dương Thị Lá có con là Lương Văn Linh nghiện nặng. Ông bà khóc đứng khóc ngồi vì thằng con nghiện cứ năm lần bảy lượt chôm tài sản của nhà để hút chích. Lần cuối cùng vật quá, Linh lái luôn chiếc máy cày của nhà đi cầm lấy tiền chích hút. Không còn cách nào khác, ông bà đành tính đến nước là viết đơn trình công an cho con mình được đi… ở tù. Câu chuyện chua xót trên làm dư luận thôn quê bàn tán hàng tháng trời. Thế nhưng, theo ông Mừng, nhà tù có khi còn an toàn hơn môi trường con ông đang sống.
Gia đình Hoàng Văn Tòa (thôn 7B) cũng là một trường hợp đau lòng. Ngày chưa vương ma túy, vợ chồng đầm ấm, có của ăn của để, nhưng gia đình tan nát khi Tòa nghiện ngập, sinh trộm cắp rồi bị bắt đi tù. Ngày ra trại cũng là lúc người vợ chán nản phá nhà dắt con về ngoại ở. Quá bi quan, Tòa thắt cổ tự vẫn. Ngay cả trường hợp gia đình có con em đang là sinh viên học đại học cũng chết vì chích ma túy quá liều. Những vụ việc rất ít trên chỉ là bề nổi của câu chuyện buồn về ma túy nơi đây mà thôi, còn rất nhiều câu chuyện khác ở Eawy mà khi nghe xong bất cứ ai cũng không khỏi quặn lòng chua xót.
Trong khi cơn bão ma túy vẫn chưa thuyên giảm thì nhiều hộ gia đình đang nơm nớp lo sợ rằng, một mai con em mình có thể vấy nghiện ngập bất cứ lúc nào. Nhiều gia đình phải gửi con em về quê hoặc đi nơi khác để tránh môi trường cám dỗ. Và như thế, câu chuyện ma túy vẫn như tiếng thở dài thườn thượt mà người dân nơi đây đang phải gánh chịu. Trong sâu thẳm tâm can, họ mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc để bài trừ tận gốc, đem lại cuộc sống yên bình cho người dân vốn dĩ đầy rẫy những khó khăn này.
Bà Quách Thị Diễm Chi, trạm phó Trạm y tế xã Eawy cho biết: Nhận thấy tình hình quá nghiêm trọng, năm 2010 các đoàn thể xã đã kết hợp mở một đợt cai nghiện ngay tại trụ sở Y tế xã. Những người mắc nghiện cũng nhiệt tình tham gia, những mong quyết tâm đoạn tuyệt ma túy. Nhưng chỉ được mấy ngày họ lại đập cửa tuồn ma túy vào, xong khóa cai ai nấy đều quay lại con đường hút chích. Bà Chi cũng thừa nhận rằng, đây chỉ là hình thức tạm thời, không hiệu quả. Trên thực tê,ë muốn những người nghiện giã từ với “cái chết trắng” để trở lại hòa nhập cuộc sống cộng đồng thì rất cần sự chung tay, giúp đỡ của nhiều lực lượng.
Theo NDT
Tán gia bại sản vì làm nô lệ cho "nàng tiên nâu"
Ở Eawy, ma túy trở thành cơn bão thực sự khoảng từ năm 2000, khi xuất hiện hình thức hít và chích. Cho đến nay, nó đã trở thành nỗi ám ảnh của những gia đình có con em đang tuổi vị thành niên.
Và, khi cái nghèo vẫn còn ghì sát đất thì cùng một lúc họ phải chống chọi với nhiều tệ nạn xã hội khác mà căn nguyên nảy sinh từ ma túy.
Một góc xã Eawy hôm nay
Tự sự "đắng" của một người nghiện
Được sự giới thiệu của ông trưởng thôn 6C, chúng tôi tìm đến nhà con nghiện Nông Văn Lâm (SN: 1982) khi anh này đang co quắp trên chiếc giường cáu bẩn, trong gian buồng tăm tối. Trong căn nhà tạm bợ, đồ đạc sơ sài, không còn gì giá trị. Đơn giản, chủ nhân của nó là người có thâm niên làm bạn với "nàng tiên nâu".
Như chính Lâm nói: "Tất cả những gì giá trị trong nhà đều đã ra đi theo khói thuốc rồi". Không úp mở, cũng không rụt rè vì "sẽ bị lên báo" như chúng tôi nghĩ, anh tự sự câu chuyện với chúng tôi một cách trung thực về bản thân đến trần trụi. Bởi phải cảnh nghiện oặt, "mười mấy lần quyết tâm cai mà không thành", Lâm muốn thông qua cuộc đời mình nhắn nhủ đến mọi người hãy cảnh giức với "cái chết trắng".
Lâm gốc người Tày, quê gốc xã Tri Phương, mãi tận một miền quê nghèo ở tận huyện vùng sâu Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Nhưng gia đình đặt chân đến Eawy khi Lâm còn bế ngửa, lúc đó là khoảng đầu những năm 1980, cha mẹ Lâm cùng theo đoàn người ùn ùn ngoài Bắc vào Đắc Lắc theo diện kinh tế mới.
Trong bộn bề khốn khó của đoàn người mang ước mơ thoát nghèo, gia đình Lâm chọn Eawy là nơi đỗ chân. Năm tháng trôi đi, anh em Lâm lớn lên trong sự nghèo khó, đói khát và thất học. Trên Lâm có 1 anh, dưới còn 2 em trai nữa, nhưng rồi người anh cả cũng chết vì đói và bệnh, Lâm và 2 em trai làm lụng đủ thứ nghề để kiếm sống. Nhỏ thì đi trồng khoai mì thuê, xởi cỏ gốc cà phê, cao su, lớn hơn nữa biết cầm cưa thì gia nhập đoàn khai thác gỗ thuê cho lâm tặc.
Bà nội của Lương Văn Linh: "tôi đã khóc nhiều vì thằng Linh"
Hồi mới thành lập làng, Ewy chỉ có mấy chục nóc nhà lụp xụp của những người Tày, Nùng, Dao...những đồng bào thiểu số này đã mang theo thói quen hút thuốc phiện từ quê vào. Họ quan niệm, đã là người Tày, người Nùng thì ai cũng phải biết hút thuốc phiện. Ở trên nương, lúc ngồi nhậu ở đầu làng, họ tụ tập hút thuốc phiện nhả khói xanh rờn, người ta đơn giản nghĩ rằng đó là một thứ gì đó đơn thuần như cơm ăn, áo mặc mà cha ông vẫn thường làm.
Ngày đó Lâm cũng có thói quen nghiện giống người lớn. Nhưng thứ thuốc đó nhẹ, nó không làm cho bản thân điên đảo, hay rấm rức như muốn xé toang lồng ngực mỗi khi lên cơn như "thứ dùng để chích thẳng vào đường máu như bây giờ". Từ tập tành, rồi đến quen và nghiện lúc nào không hay, đến nay như Lâm thú thực: "Nếu tính tuổi nghiện thì mình đã có hàng chục năm rồi".
Heroin xuất hiện, lứa tuổi thanh niên trong xã "đón nhận"một cách nhiệt tình. Những kẻ cơ hội nhận thấy đây là một thị trường béo bở, nên chúng thiết lập đường dây chuyên nghiệp rồi tuồn ma túy vào Eawy theo những chuyến xe vận tải khách từ Bắc vào, hoặc bên kia biên giới nước Lào Sang. Chỉ trong thời gian ngắn, Lâm cùng đám bạn đứa nào đứa ấy nghiện hết, "đô" chích không ngừng được tăng liều. Để được thỏa mãn cơn đói ma túy, Lâm xin đi làm lơ xe cho những tài xế chuyên tuyến xe khách, mỗi chuyến đi Lâm lại được thỏa thê "lên mây". Tất nhiên, những tép "hàng trắng" cũng được đều đều ngụy trang theo những chuyến xe tuồn vào Eawy.
Theo thống kê từ Trạm y tế xã Eawy, đến hết năm 2011 toàn xã có 42 đối tượng nghiện hút, thôn nào cũng có người nghiện và thực tế, con số 42 mới chỉ phán ánh được một phần của thực tế mà thôi. Điều đáng nói, những đối tượng nhiễm HIV/AIDS của xã có nguyên nhân từ chích ma túy đã xuất hiện đáng báo động. Năm 2011, toàn xã có 6 người nhiễm HIV chủ yếu qua con đường máu. Tất cả các đối tượng đều có quá trình tiêm chích ma túy trươc đó, và tất nhiên, con số nguy cơ và chưa phát hiện chắc chắn sẽ còn lớn hơn.
Có những giai đoạn Eawy người dùng ma túy, nhà nhà tan nát vì ma túy, mà người ta phải gọi xã nghèo này là điểm đen nhức nhối. Những gia đình có người mắc nghiện, tham gia buôn bán, tàng trứ, vận chuyển đầy rẫy. Những người dắt díu nhau vào tù có liên quan đến ma túy thì không thiếu, nhiều gia đình chưa kịp ngoi lên khỏi cái nghèo đã bị ma túy dìm sâu vào vũng lầy tan tác.
Lâm bảo, đáng lý ra anh ta cũng đi tù vì may túy, vì ở xã Lâm luôn nằm trong danh sách đối tượng "đen" nhưng khi cán bộ công an đến bắt, Lâm cũng chẳng chống đối rồi phân trần: "Tôi đi tù cũng được, nhưng cha tôi đang nằm liệt giường sắp chết, trên tôi còn bà nội già yếu, dưới tôi còn người em gái (cùng cha khác mẹ) không nơi nương tựa", thế rồi may mắn được "tha". Không đi tù, cũng không dứt được ma túy, Lâm lại về nhà, nằm ở góc giường, lại chích ma túy như con mọt rấm rức nghiền cột nhà ngày này sang ngày khác.
Lâm bảo, nếu tính tài sản bao năm phục vụ cho chích hút thì anh ta đã tuồn vào mũi xi lanh hàng chục cái xe máy, mấy mảnh vườn cà phê. Cái gì giá trị, hễ vào tay Lâm là tuồn tuột như nước trôi qua cầu. Xe máy chỉ mua được dăm bữa nửa tháng lại ra đi, vợ khóc lên khóc xuống, bà nội Lâm nằm lần bảy lượt quỳ lụy van xin. Nhưng khi tỉnh hứa sẽ cai, lúc lên cơn đâu lại vào đó.
Anh bảo, cái anh khổ tâm nhất là biết tác hại ghê gớm của ma túy mà không thể thể đoạn tuyệt. Bản thân Lâm cũng đã từng mắm môi thề thốt trước bàn thờ cha mình là quyết tâm cai, nhưng thề đến lần thứ 15, 16 gì đó mà vẫn hoàn tái nghiện. Khổ nỗi, bây giờ muốn cai cũng đâu phải cai chay, muốn được vào trung tâm để cắt cơn theo phương pháp khoa học, nhà Lâm thì từ lâu chẳng có thứ gì đáng giá trị bán.
Ngó trước nhìn sau còn được mảnh vườn trơ trọi của bà nội, Lâm nhiều lần đặt vấn đề rằng: "Nếu bà bán khoảnh vườn cho cháu đi cai, khi thành công cháu sẽ kiếm tiền mua lại cho bà". Nhưng bà Lâm cũng chẳng còn niềm tin để giúp đứa cháu từng hàng chục lần thề cai. Trong vòng luẩn quẩn, Lâm lại ném lao theo lao, kiếm được đồng nào xào luôn đồng ấy để giải quyết cơn nghiện.
Lương Văn Linh là một trong số rất nhiều thanh niên Eawy bị sa ngã trong "cơn bão" ma túy
Cha mẹ viết thư cho con vào tù
Nhà ông Lương Văn Mừng và bà Dương Thị Lá nằm hun hút ở thôn 5C, từ ngày đứa con trai đi tù ông bà nhẹ nhõm đi hẳn. Nhưng câu chuyện "cha viết thư cho con đi tù" vẫn còn đọng lại trong những lời bàn tán chua xót trong mỗi người dân nơi đây.
Nói về mặt bằng kinh tế thì trong xã, nhà ông Mừng cũng không phải thuộc dạng nghèo, trong nhà cũng có chút ít của nả gọi là đủ ăn, có chiếc xe công nông hạng nhỏ đi rẫy khi mùa màng về. Nhà ông có người con là Lương Văn Linh, ông Mừng không có chữ, nên đứa con trai cũng theo nghiệp cha thất học. Ở nhà, ngày lên rẫy, đêm tụ tập bạn bè, rồi bỗng một ngày ông Mừng phát hiện đồ đạc trong nhà lần lượt không cánh mà bay một cách khó hiểu. Khi chăm chú nhìn đứa con thì suốt ngày bần thần ngáp ngắn ngáp dài, theo dõi mới biết cậu choai vừa nứt mắt nhà mình đã "đi theo chúng bạn" (mắc nghiện). Khuyên răn mãi, nhưng đứa con "nghe nàng tiên nâu" hơn lời khuyên hữu ích của cha mẹ.
Năm đầy 20 tuổi Linh đã vào trại 3 lần vì tội trộm cắp tài sản lấy tiền chích choác. Nhìn đứa con trượt dài trên con đường hư đốn, ông bà chỉ biết khóc đứng khóc ngồi. Đỉnh điểm của sự tha hóa là vào tháng 4/2011, sau một cơn vật thuốc không kiếm đâu ra tiền, chàng quý tử đánh luôn chiếc công nông dựng dưới gầm nhà mang đi tiệm cầm được 45 triệu. Sau khi chuộc được chiếc xe máy gán nợ trước đó, số tiền còn lại Linh nướng tất cả vào ma túy.
Qúa khổ sở vì đứa con, không còn cách nào khác, ông Mừng bàn với vợ "thôi thì cha không dạy được con thì nhờ pháp luật dạy. Dẫu sao thì những năm tháng trong tù mong một lần con mình nghĩ lại mà biết thương cha mẹ, hay ít ra nó cũng tránh xa được làn khói trắng. Ông Mừng quyết định viết đơn tố cáo lên công an rằng thằng con đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng ma túy trái phép. Ông còn nhớ mãi phiên tòa xét xử lưu động ngay tại xã, nhiều người dè bĩu, chỉ trỏ cái việc làm kỳ quặc của ông. Nhưng như ông nói, bậc làm cha làm mẹ khi rơi vào hoàn cảnh như vợ chồng ông mới thấu hết nỗi khổ.
Nát nhà vì ma túy Thanh niên ở Eawy đang độ khỏe mạnh trai tráng rồi bị ma túy vùi dập. Ba anh em trai nhà Lâm cũng không nằm ngoài kịch bản vũng lầy đó. Nhà nghèo, mẹ chết sớm, cha thiếu trách nhiệm lại đi bước nữa, bỏ mặc anh em Lâm vạ vật như cục đá, sỏi ngoài rừng, quanh năm làm thân thuê mướn, thế rồi 3 anh em chính thức mắc nghiện. Trong một lần đang phân phối ma túy cho một con nghiện trong xã, hai em trai của Lâm bị tóm gọn. Phiên tòa xét xử được mở ngay tại xã, tuyên phạt hai người em của Lâm mỗi người 8 năm tù. Từ đó biệt tăm, đến nay Lâm cũng không rõ hiện các em mình đang thụ lý ở trại nào.
Theo NDT
Cá độ mùa EURO...nóng vào giờ G EURO 2012 "nóng" không chỉ bởi việc người hâm mộ (NHM) sẽ được thưởng thức những trận bóng đỉnh cao mà còn "nóng" bởi những quán cà phê, tiệm cầm đồ sẽ hoạt động hết công suất để phục vụ cho những tín đồ mê "đỏ đen". Tiệm cầm đồ: "6% là hữu nghị rồi" Có thể nói, việc "say độ" của không...