Ca Covid-19 vượt 85 triệu, Mỹ lo ngại sóng lây nhiễm hậu kỳ nghỉ
Thế giới ghi nhận hơn 85,4 triệu ca nCoV với hơn 1,85 triệu người chết. Giới chức y tế Mỹ đang lo ngại về nguy cơ bùng phát lây nhiễm sau kỳ nghỉ Tết.
Thế giới ghi nhận 85.455.471 ca nhiễm và 1.850.112 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 538.797 và 7.715 ca một ngày, trong khi 60.387.163 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Mỹ , vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 161.493 ca nhiễm và 1.336 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 21.080.684, trong đó 360.027 người chết. Nước này khép lại năm 2020 với tháng 12 chết chóc nhất và có số ca lây nhiễm nhiều nhất kể từ thời điểm đại dịch bùng phát. Hơn 77.000 người đã chết và 6,4 triệu người nhiễm virus trong tháng cuối cùng của năm 2020, vượt qua con số kỷ lục được ghi nhận trước đó vào tháng 4/2020 với 58.000 người chết.
Nhân viên y tế chăm sóc cho một bệnh nhân Covid-19 tại trung tâm United Memorial ở Houston, Texas, ngày 4/12. Ảnh: AFP.
Giới chức y tế công cộng ngày 3/1 cảnh báo những ngày tai họa vẫn còn ở phía trước khi mà số ca nhiễm mới mỗi ngày có thể tiếp tục tăng liên quan đến hoạt động tụ tập, họp mặt kỳ nghỉ lễ.
“Đó là một viễn cảnh tồi tệ, không may nhưng đã được dự đoán trước”, tiến sĩ Anthony S. Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Mỹ, cho biết.
Ấn Độ , vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 16.660 ca nhiễm và 215 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.341.291 và 149.686.
Cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ ngày 3/1 phê duyệt hai vaccine Covid-19 cho sử dụng khẩn cấp, một loại là vaccine do công ty dược phẩm AstraZeneca phối hợp cùng Đại học Oxford, Anh, phát triển, và loại còn lại là vaccine mang tên COVAXIN do công ty Ấn Độ Bharat Biotech nghiên cứu.
Quốc gia đông dân thứ hai thế giới này dự kiến bắt đầu chương trình tiêm chủng Covid-19 quy mô lớn trong vài tuần nữa với chủ đạo là vaccine AstraZeneca/Oxford, trong khi vaccine COVAXIN sẽ được quản lý với điều kiện nghiêm ngặt hơn do chưa có dữ liệu nào về tính hiệu quả của nó được công bố.
Theo lãnh đạo cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ V.G. Somani vaccine AstraZeneca/Oxford đạt hiệu quả ở mức 70,42% còn vaccine COVAXIN “đủ an toàn và cho thấy phản ứng miễn dịch mạnh mẽ”.
Somani giải thích rằng vaccine của Bharat Biotech được phê duyệt “vì lợi ích cộng đồng, như một biện pháp phòng ngừa… để có nhiều lựa chọn hơn cho việc tiêm chủng, đặc biệt trong các trường hợp nhiễm chủng virus đột biến”.
Ấn Độ đã đình chỉ tất cả chuyến bay từ Anh từ ngày 23/12 tới ngày 7/1 do lo ngại nguy cơ lây lan chủng nCoV mới, nhưng khoảng 33.000 hành khách đã bay đến từ cuối tháng 11, trước khi lệnh cấm được thực thi.
Brazil , vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 276 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 196.018. Số người nhiễm nCoV tăng 17.214 ca trong 24 giờ qua, lên 7.733.619.
Với áp lực bủa vây Tổng thống Jair Bolsonaro về việc bắt đầu tiêm chủng cho người dân, chính phủ Brazil hôm 29/12 kêu gọi các nhà sản xuất vaccine Covid-19 tăng tốc đăng ký phê duyệt sử dụng vaccine tại nước này. Thứ trưởng Y tế Brazil Elcio Franco cam kết cải thiện đối thoại với Pfizer, sau khi hãng dược phẩm Mỹ phàn nàn về những thủ tục khó khăn khi đăng ký cấp phép.
Cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa cho biết đã phê chuẩn nhập khẩu hai triệu liều vaccine AstraZeneca/Oxford dù vaccine này chưa được chấp thuận sử dụng cho tiêm chủng đại trà.
Nga , vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 24.150 ca nhiễm nCoV và 504 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.236.787 và 58.506.
Trong bài phát biểu năm mới 2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận làn sóng Covid-19 thứ hai đang tàn phá đất nước. “Thật không may khi đại dịch vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Cuộc chiến chống lại nó không thể ngừng nghỉ trong một phút giây nào”, ông nói.
Video đang HOT
Nga đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine Sputnik V như một phần của chương trình tiêm chủng quốc gia vào đầu tháng 12, tập trung vào nhóm chịu rủi ro cao. Bộ trưởng Công nghiệp Denis Manturov cho biết Nga đã sản xuất tổng cộng hơn 2 triệu liều Sputnik V và phân phối một triệu liều trong nước trước khi kết thúc năm 2020.
Pháp , vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 12.489 ca nhiễm và 116 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.655.728 và 65.037.
5 người bị bắt và khoảng 1.600 người bị phạt tiền sau khi cảnh sát phát hiện một buổi tiệc tùng ăn mừng năm mới được tổ chức trái phép với hàng nghìn người tham gia ở vùng Brittany của Pháp hôm 2/1, bất chấp việc chính phủ đã ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn quốc.
Cảnh sát địa phương cho hay họ đã cố gắng dẹp buổi tiệc nhưng phải đối mặt với phản ứng “thù địch bạo lực”. Một xe cảnh sát bị đốt cháy, vài phương tiện khác bị hư hại. Các nhân viên cảnh sát bị ném đá và chai lọ dẫn đến bị thương nhẹ.
Pháp ngày 31/12 lần đầu ghi nhận ca nhiễm chủng nCoV mới từ Nam Phi, là một người ở vùng Haut-Rhin, gần biên giới Thụy Sĩ, mới trở về từ quốc gia châu Phi này. Chủng 501.V2 được giới chức Nam Phi phát hiện từ giữa tháng 12. Trước đó, ngày 25/12, Pháp ghi nhận ca nhiễm chủng nCoV mới từ Anh đầu tiên, là một công dân Pháp sống ở Anh.
Kể từ 2/1, Pháp áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm sớm hơn tại 15 khu hành chính đông bắc và đông nam, bắt đầu từ 18h thay vì 20h. Pháp đang bị chỉ trích vì triển khai vaccine chậm hơn nhiều các quốc gia châu Âu khác. Chưa đến 200 người được tiêm vaccine Pfizer/BioNTech ở nước này.
Bộ trưởng Y tế Olivier Veran ngày 1/1 thông báo kế hoạch mở rộng chiến dịch tiêm chủng vốn chỉ nhắm mục tiêu vào cư dân viện dưỡng lão và nhân viên y tế trên 65 tuổi. Veran nói rằng kể từ 4/1, nhân viên y tế trên 50 tuổi cũng được tiêm vaccine.
Anh , vùng dịch lớn thứ 6 thế giới, ghi nhận 2.654.779 ca nhiễm và 75.024 ca tử vong, tăng lần lượt 54.990 và 454 trường hợp. Tình hình dịch bệnh tại nước này diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của chủng nCoV mới, được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng ban đầu.
Giới chức y tế cảnh báo Anh đang “trở lại tâm bão” Covid-19, với số bệnh nhân nhập viện nhiều tương đương giai đoạn cao điểm hồi tháng 4. Chính quyền áp đặt biện pháp hạn chế Cấp 4 – cấp gắt gao nhất tại London và hầu hết các vùng tây nam, trung tâm, tây bắc và đông bắc của nước Anh, tác động đến 44 triệu người, tức 3/4 dân số. Người dân được yêu cầu ở nhà, cửa hàng không thiết yếu, tiệm làm tóc cũng như cơ sở giải trí phải đóng cửa.
Ngày 1/1, Anh ra lệnh đóng của tất cả trường tiểu học ở London và tái kích hoạt các bệnh viện dã chiến được thiết lập khi bắt đầu đại dịch.
Trong thông điệp năm mới đêm 31/12, Thủ tướng Boris Johnson cho biết Anh phải đối mặt với “cuộc chiến khó khăn” trong những tháng tới, nhưng tin rằng quốc gia này sẽ “thoát bóng ma” Covid-19 trong năm 2021.
Iran , một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 55.540 người chết, tăng 102, trong tổng số 1.243.434 ca nhiễm, tăng 5.960.
Iran hôm 29/12 khởi động giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên đối với loại vaccine Covid-19 do nước này tự phát triển, bằng việc tiến hành tiêm cho ba người trên truyền hình. Nhóm tình nguyện viên này bao gồm hai quan chức cấp cao và con gái chủ tịch Tập đoàn EIKO, nhà tài trợ cho dự án vaccine.
Ngoài ra, Iran đang tiếp tục phát triển một loại vaccine khác, đồng thời đặt khoảng 16,8 triệu liều thông qua Covax, cơ chế phân phối vaccine do Tổ chức Y tế Thế giới thành lập.
Hàn Quốc ghi nhận 657 ca nhiễm mới trong 24 giờ, nâng tổng số lên 63.244, trong đó 962 ca tử vong, tăng 20 ca so với hôm trước.
Chính phủ Hàn Quốc tuần qua bổ sung các hạn chế mới như cấm tụ tập trên 4 người, đồng thời đình chỉ các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết, các môn thể thao du lịch, nhằm ngăn chặn virus lây lan trong dịp Giáng sinh và năm mới. Nước này cũng tuyên bố đẩy nhanh công tác tiêm chủng Covid-19, sau khi phát hiện ra những ca đầu tiên của biến chủng nCoV liên quan đến Anh.
Trái ngược với cảnh người chen chúc đón năm mới như những năm trước, đường phố thủ đô Seoul của Hàn Quốc đêm qua vắng tanh do các hạn chế ngăn Covid-19. Những địa điểm nổi tiếng cũng không có bóng người, chỉ có những tốp cảnh sát làm nhiệm vụ để ngăn người dân tụ tập.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 765.350 ca nhiễm, tăng 6.877, trong đó 22.734 người chết, tăng 179. Indonesia đã cấm mọi du khách đến từ Anh và thắt chặt quy định với người đến từ châu Âu và Australia để hạn chế lây lan biến chủng virus.
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin hôm 29/12 cho biết nước này đang hoàn tất các thoả thuận mua 50 triệu liều vaccine Covid-19 từ Pfizer và AstraZeneca. Ông Sadikin nói thêm rằng 1,3 triệu nhân viên y tế tuyến đầu sẽ được ưu tiên tiêm vaccine trước. 500 người trong số họ đã tử vong vì Covid-19.
Hôm 31/12, Indonesia nhận 1,8 triệu liều vaccine Trung Quốc Sinovac. Đây là lô thứ hai sau khi họ nhận 1,2 triệu người hôm 6/12. Tổng cộng, Indonesia đã bảo đảm 329 triệu liều vaccine, trong đó có khoảng 125 triệu liều từ Sinovac, 50 triệu từ Novavax và 54 triệu từ chương trình vắc xin toàn cầu Covax. Mục tiêu của Indonesia là tiêm chủng miễn phí cho toàn bộ 267 triệu dân.
Philippines báo cáo 477.807 ca nhiễm và 9.257 ca tử vong, tăng lần lượt 891 và 4 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Hồi đầu tuần, quan chức Philippines cho biết một số bộ trưởng và binh sĩ đã được tiêm vaccine Covid-19, nhưng với số lượng không lớn. Quan chức không cho biết loại vaccine được sử dụng. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Bộ Y tế hôm 28/12 đều cảnh báo phản đối việc sử dụng vaccine chưa được phê duyệt và việc nhập khẩu, phân phối hoặc bán vaccine chưa được phê duyệt là bất hợp pháp.
Kể từ 2/1, Philippines cấm người đến từ Mỹ sau khi nước này phát hiện thêm ca nhiễm chủng nCoV mới từ Anh. Trước đó, Manila đã ra lệnh cấm nhập cảnh với hành khách từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ phát hiện chủng mới từ 29/12.
Thái Lan ghi nhận thêm 315 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca nhiễm lên 7.694, trong đó 64 người chết, giữ nguyên so với hôm trước.
Bangkok đóng cửa trường học, trung tâm chăm sóc trẻ em và người già, trường mầm non từ 4-17/1. 25 loại hình kinh doanh cũng sẽ phải đóng cửa tại thủ đô Thái Lan từ ngày 2/1 nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan, trong đó có quán rượu và bar, công viên nước, khu vui chơi, sân chơi cho trẻ em, trung tâm thể hình, tiệm massage.
Làn sóng Covid-19 mới tại Thái Lan bắt nguồn từ một chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon, gần thủ đô Bangkok. Giới chức hôm 25/12 cảnh báo nếu không thực hiện giãn cách xã hội, cùng nhiều biện pháp phòng dịch khác, Thái Lan có nguy cơ phải đóng cửa toàn quốc vào tháng 3 tới.
Singapore ghi nhận 58.697 ca nhiễm, tăng 35 ca trong 24 giờ qua. Số ca tử vong duy trì ở mức 29.
Đảo quốc này ngày 30/12 bắt đầu tiêm chủng vaccine Covid-19 của Pfizer, ưu tiên nhân viên y tế, người cao tuổi. Chính phủ dự kiến có đủ vaccine cho 5,7 triệu công dân vào quý 3/2021, theo đó người dân Singapore và người nước ngoài định cư lâu dài được tiêm miễn phí.
Hàng trăm nghìn người Mỹ có thể tử vong do tiêm chủng chậm chạp
Mỹ đã vượt mốc 20 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nước này không đạt mục tiêu tiêm chủng cho 20 triệu người trong năm 2020. Điều này cho thấy còn nhiều lỗ hổng trong việc triển khai vaccine ngừa COVID-19.
Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại một trung tâm y tế ở Houston, Texas ngày 31/12. Ảnh: Reuters
Theo trang The Guardian (Anh), việc phân phối vaccine của Mỹ bị các chuyên gia mô tả là vô cùng "hỗn loạn", với nhiều chỉ trích cho rằng cách triển khai vaccine thiếu hiệu quả của giới chức đang phá hỏng nỗ lực tiêm chủng của nước này.
Chỉ trong 3 ngày cuối năm, nước Mỹ đã ghi nhận trên 10.000 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong trên toàn quốc lên gần 350.000 cho đến nay. Trong đó, ngày 30/12/2020 được coi là ngày chết chóc nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này, với trên 3.700 người tử vong trong 24 giờ.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, vaccine được coi là hy vọng lớn nhất có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các chuyên gia đang cảnh báo rằng có thể sẽ có thêm hàng trăm nghìn ca tử vong nếu quá trình tiêm chủng không được triển khai nhanh chóng và chắc chắn.
Ông Ashish Jha, Trưởng khoa Sức khoẻ cộng đồng tại Đại học Brown, cho rằng nếu việc triển khai vaccine vẫn diễn ra với tốc độ hiện tại, nước Mỹ có thể tốn "rất, rất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm" để hoàn thành mục tiêu tiêm chủng quốc gia. Đồng thời, nếu vẫn tiếp tục trì hoãn trong nhiều tháng, điều đó có thể khiến Mỹ mất đi "vài trăm nghìn người".
Một phân tích của kênh NBC News đầu tuần này cũng nhận định với tỉ lệ tiêm chủng hiện nay, nước Mỹ sẽ mất gần 10 năm mới có thể tiêm chủng đầy đủ cho toàn bộ người Mỹ để kiểm soát đại dịch.
Một phụ nữ được tiêm vaccine COVID-19 tại bang Texas. Ảnh: WFAA
Cho đến nay, nhiều loại vaccine mới mang tính đột phá đang được tung ra thị trường như một loại "vũ khí" cứu nguy, bao gồm vaccine của Pfizer/BioNTech, vaccine Moderna và vaccine do Đại học Oxford cùng AstraZeneca hợp tác phát triển. Nhiều loại vaccine khác vẫn đang được thử nghiệm.
Ông Bruce Y Lee, Giáo sư sức khỏe cộng đồng và chính sách y tế tại Đại học Thành phố New York (CUNY), cho biết: "Các loại vaccine này dường như có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu triển khai chậm trễ 1 tuần, 2 tuần hay 3 tuần, trong khi các ca bệnh đang ngày càng tăng nhanh hơn, chúng ta sẽ phải trả giá bằng mạng sống. Đặc biệt, những nhân viên y tế là những người chịu hậu quả nặng nề nhất".
Việc cung cấp vaccine cho người dân ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ cũng đang gặp thách thức do kinh phí hạn hẹp và hậu cần phân tán.
Hệ thống y tế cộng đồng ở Mỹ thường xuyên thiếu tiền. Trong khi giới chức địa phương và bang từ lâu đã cảnh báo rằng họ cần hơn 8 tỉ USD tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, Nhà Trắng chỉ cấp cho các bang 340 triệu USD để chuẩn bị tiêm chủng.
Trong nhiều tháng, một số nhà lập pháp Quốc hội đã nỗ lực kêu gọi chính phủ cấp nhiều tiền hơn để hỗ trợ phân phối vaccine. Song, phải đến hôm 27/12/2020, khi dự luật viện trợ COVID-19 bị trì hoãn được Tổng thống Donald Trump phê duyệt, khoản trợ cấp bổ sung 8 tỉ USD mới được thông qua.
Nhưng ngay cả khi nguồn hỗ trợ được bổ sung, các bang vẫn không giải quyết triệt để vấn đề. Các chuyên gia cho rằng cần có một kế hoạch thống nhất, mang tính quốc gia để giải quyết những khó khăn về mặt hậu cần.
"Liều lượng sản xuất và phân phối không đủ. Các liều được phân phối phần lớn đều không được quản lý. Điều này không có gì quá ngạc nhiên, vì chưa có một kế hoạch quốc gia được phối hợp rõ ràng", Giáo sư Lee nói thêm.
Cách quản lý vaccine của các bang đã làm trầm trọng thêm những vấn đề này. Việc vaccine Pfizer/BioNTech cần được bảo quản trong nhiệt độ -70C, vaccine của Moderna cần được bảo quản ở nhiệt độ khoảng -20C, đồng nghĩa với việc các địa phương có thể gặp khó khăn trong việc tìm tủ đông có khả năng bảo quản phù hợp.
Bên cạnh đó, việc thiếu sự phối hợp trong việc cung cấp vật tư y tế như ống tiêm, kim tiêm và gạc tẩm cồn, cũng đã khiến việc triển khai tiêm chủng gặp nhiều khó khăn.
Một nhân viên y tế 77 tuổi chờ tới lượt tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Getty Images
Nhiều ghi nhận khác trên khắp nước Mỹ đã phác hoạ một bức tranh lộn xộn về việc triển khai tiêm chủng vốn còn tồn đọng nhiều hạn chế.
Cư dân bang Texas đã phàn nàn rằng các nhà cung cấp vaccine không phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin tiêm vaccine, các trang web chính thức của họ cũng khó xác định và người dân không biết tiêm vaccine ở đâu.
Tại Florida, những người từ 65 tuổi trở lên đã có thể bắt đầu tiêm phòng COVID-19. Nhưng nhiều người không lường trước được cảnh tượng những người cao tuổi phải cắm trại qua đêm để chờ tiêm vaccine.
Bà Terry Beth Hadler, 69 tuổi, đã phải xếp hàng trong bãi đỗ xe xuyên đêm cùng hàng trăm người bên ngoài thư viện Bonita Springs, phía tây nam Florida. Sau khi chờ đợi suốt 14 giờ, bà chia sẻ rằng một cuộc chiến gần như đã nổ ra trước khi trời sáng, khi một số người chen nhau xếp hàng. Bà lo ngại sự kiện này có thể khiến virus lây lan nhanh chóng hơn.
Gần Miami, đường dây nóng trang web của Bộ Y tế đã bị nghẽn mạng khi những người cao niên đổ xô gọi điện đến đặt lịch hẹn tiêm chủng.
Thành phố New York, điểm nóng về dịch COVID-19 trên thế giới vào đầu mùa xuân, cũng đang xảy ra tình trạng phân bổ vaccine chậm chạp. Thành phố đã nhận được hơn 340.000 liều vaccine nhưng mới chỉ cung cấp cho khoảng 88.000 người.
Không ai có thể phủ nhận rằng việc triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn trong bối cảnh khủng hoảng y tế công cộng đang diễn ra trên toàn quốc là một thách thức lớn.
"Các liều vaccine đã được phân phối đến các bệnh viện sẽ không được sử dụng trong một sớm một chiều. Các bệnh viện đang hoạt động với tốc độ rất cân nhắc. Các nhà cung cấp cần được đào tạo và nhân viên y tế cần được hướng dẫn về vaccine. Tuy nhiên, hiện nguồn lực của các bệnh viện cũng đang rất thiếu thốn, các nhân viên y tế vừa phải tiếp cận việc tiêm chủng vừa phải chăm sóc bệnh nhân", Claire Hannan, người đứng đầu Hiệp hội Nhà quản lý tiêm chủng, nói.
Bà Jessica Justman, Phó Giáo sư y khoa về Dịch tễ học tại Trường Y tế công cộng Columbia Mailman, cho rằng sự chậm trễ trong viêc việc triển khai vaccine gần như là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, sẽ phải trả giá bằng mạng sống nếu không cẩn trọng.
Ca nCoV toàn cầu gần 85 triệu, Mỹ trải qua tháng chết chóc nhất Thế giới ghi nhận gần 85 triệu ca nCoV, trong đó hơn 1,84 triệu người chết. Mỹ trải qua tháng 12 với số ca nhiễm và tử vong đều cao kỷ lục. Thế giới ghi nhận 84.916.674 ca nhiễm và 1.842.397 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 634.996 và 8.960 ca một ngày, trong khi 60.017.711 người đã bình phục, theo trang...