Ca Covid-19 tăng kỷ lục, Mỹ có nguy cơ thành “tâm dịch”
Mỹ đang bước vào năm mới 2022 trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo số ca mắc Covid-19 bùng nổ với tốc độ chưa từng có.
Các bệnh viện tại Mỹ đang đối mặt với nguy cơ quá tải do số ca nhiễm tăng cao (Ảnh: Reuters).
“ Omicron thực sự xuất hiện ở khắp mọi nơi. Điều khiến tôi lo lắng trong một tháng tới là nền kinh tế của chúng ta sẽ đóng cửa, không phải vì các chính sách của chính phủ liên bang hay chính quyền các bang, mà là vì rất nhiều người trong chúng ta bị nhiễm bệnh”, giáo sư Megan Ranney tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown, nói với CNN hôm 31/12.
Mỹ đã “phá kỷ lục” ít nhất 4 lần trong tuần này về số ca Covid-19 mới trung bình 7 ngày, trong đó kỷ lục cao chưa từng có được ghi nhận hôm 31/12 là 386.000 ca, theo dữ liệu mới nhất từ Đại học Johns Hopkins. Số ca nhiễm tăng cao đã gây ra nhiều xáo trộn trên khắp nước Mỹ.
Các dịch vụ y tế, vốn kiệt quệ sau các đợt bùng phát dịch trước đây, đang có nguy cơ quá tải trở lại do số ca Covid-19 ngày càng tăng. Tại bang Ohio, Thống đốc Mike DeWine ngày 29/12 đã thông báo về việc triển khai khoảng 1.250 Vệ binh Quốc gia để hỗ trợ các bệnh viện trong bối cảnh các cơ sở y tế này phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân sự.
Hàng nghìn chuyến bay đã bị hủy hoặc hoãn trong suốt kỳ nghỉ lễ năm mới do các nhân viên và phi hành đoàn bị nhiễm bệnh. Cục Hàng không Liên bang Mỹ ngày 31/12 cho biết ngày càng nhiều nhân viên hàng không có kết quả xét nghiệm dương tính với virus và để duy trì sự an toàn, lưu lượng giao thông tại một số cơ sở có thể bị cắt giảm, dẫn đến tình trạng trì hoãn chuyến bay trong kỳ nghỉ lễ bận rộn.
Video đang HOT
Làn sóng Covid-19 bùng phát trở lại tại Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới do sự xuất hiện của Omicron, chủng virus có nhiều đột biến chưa từng thấy. Tiến sĩ Jonathan Reiner, nhà phân tích của CNN, cho rằng biến chủng mới rất dễ lây lan và các biện pháp kiểm soát trước đây dường như không còn phát huy hiệu quả.
Khả năng lây nhiễm của biến chủng mới đã lý giải sự gia tăng đột biến số ca nhiễm trên toàn cầu, bao gồm ở Mỹ. Trong tuần qua, một số bang ở Mỹ đã báo cáo các ca nhiễm mới và nhập viện ở mức cao, phá vỡ các kỷ lục được ghi nhận trước đó.
Thống đốc bang New Jersey, Phil Murphy, ngày 31/12 cho biết bang này đã ghi nhận hơn 28.000 ca Covid-19 mới thông qua xét nghiệm PCR. Trong một cuộc họp báo, thống đốc cho biết con số đó gần như “tăng gấp 4 lần so với 2 tuần trước và gấp 4 lần so với thời kỳ đỉnh điểm của dịch bệnh vào mùa đông năm ngoái”.
“Các ca bệnh tại bệnh viện của chúng tôi đang ở mức gần bằng ngày tồi tệ nhất của đợt dịch vào mùa đông năm ngoái. Vấn đề là bây giờ chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy dịch sẽ lắng xuống”, Thống đốc Murphy cho biết.
Các bang khác, bao gồm Arkansas, Maryland và New York, cũng báo cáo các kỷ lục mới về số ca nhiễm.
Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Dr. Jeanne Marrazzo cảnh báo, sự gia tăng đột biến các ca nhiễm, đặc biệt ở trẻ em, có thể sớm dẫn đến số người nhập viện tăng đột biến.
Tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 nhập viện tại Mỹ đã lên đến mức cao chưa từng thấy trong tuần này. Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), trong tuần từ ngày 22-28/12, trung bình 378 trẻ em dưới 17 tuổi nhập viện mỗi ngày vì Covid-19, tăng 66% so với một tuần trước đó.
Các chuyên gia cho rằng, số trẻ em nhập viện gia tăng vì nhiều trẻ vẫn chưa được tiêm chủng. Hiện Mỹ tiêm đủ mũi vaccine cho 14% trẻ em từ 5-11 tuổi và 53% với nhóm 12-17 tuổi.
Bác sĩ Paul Offit, chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở bệnh viện nhi Philadelphia, cảnh báo, tình hình dịch bệnh trong 4-6 tuần tới có thể sẽ rất phức tạp vì virus SARS-CoV-2 có xu hướng lây lan mạnh vào mùa đông.
Mỹ cấp phép thuốc trị Covid-19 đường uống của hãng Pfizer
Liệu trình diều trị Covid-19 đường uống của Pfizer mang tên Paxlovid được Mỹ cấp phép, trong bối cảnh số ca bệnh, nhập viện và tử vong đều đang gia tăng tại nước này.
Quá trình sản xuất thuốc kháng Covid-19 thử nghiệm của Pfizer, Paxlovid, trong một phòng thí nghiệm ở Freiburg, Đức (Ảnh: Pfizer).
AP đưa tin, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 22/12 đã cấp phép cho Paxlovid - loại thuốc trị Covid-19 đường uống đầu tiên - tại nước này. Paxlovid của hãng dược Pfizer sẽ có thể dược dùng tại nhà để ngăn chặn các triệu chứng nặng của mầm bệnh.
Dấu mốc này diễn ra trong bối cảnh ca bệnh, ca nhập viện và người chết vì Covid-19 ở Mỹ đều tăng trong thời gian qua và các quan chức y tế cảnh báo nguy cơ xảy ra trận "sóng thần" dịch bệnh do biến chủng siêu đột biến Omicron gây ra.
Thuốc Paxlovid được xem là cách nhanh và rẻ hơn hẳn để trị Covid-19. Các thuốc được Mỹ cấp phép trước đó yêu cầu phải được truyền hoặc tiêm.
Một loại thuốc đường uống của hãng dược Merck dự kiến cũng có thể sẽ sớm được cấp phép. Tuy nhiên, thuốc của Pfizer được ưu tiên hơn vì mức độ hiệu quả rất cao khi làm giảm gần 90% nguy cơ nhập viện và tử vong ở nhóm những bệnh nhân dễ có triệu chứng nặng và chỉ gây ra tác dụng phụ nhẹ.
"Hiệu quả cao, tác dụng phụ thấp và đây là thuốc dạng đường uống. Nó đáp ứng mọi tiêu chí. Đây là loại thuốc giúp giảm 90% rủi ro nhập viện và tử vong ở nhóm có nguy cơ cao. Điều này thật tuyệt vời", tiến sĩ Gregory Poland từ tổ chức y tế Mayo Clinic nhận định.
Cụ thể, FDA cấp phép thuốc của Pfizer cho nhóm người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi với kết quả xét nghiệm dương tính với virus Sars CoV-2 và có các triệu chứng sớm. Những người này thuộc nhóm có nguy cơ cao nhất phải nhập viện nếu nhiễm mầm bệnh, bao gồm người cao tuổi bị béo phì và bệnh tim. Trẻ em phải có cân nặng ít nhất 40 kg để được sử dụng thuốc này.
Cả 2 loại thuốc từ Pfizer và Merck dự kiến sẽ đều có hiệu quả với Omicron vì chúng không tấn công vào protein gai của SARS-CoV-2, nơi thường xảy ra các đột biến tạo nên các chủng mới.
Hiện tại nguồn cung của thuốc này vẫn khá hạn chế do thời gian sản xuất. Pfizer tuyên bố họ sẽ tăng tốc trong năm tới. Chính phủ Mỹ đã đồng ý mua số liệu trình Paxlovid đủ để trị cho 10 triệu người. Pfizer cho biết họ đang trong quá trình sản xuất 80 triệu liệu trình trên toàn cầu vào năm tới, thông qua hợp đồng với các đối tác ở Anh, Australia và một số nước khác.
Các chuyên gia đều đồng ý rằng vaccine là cách tốt nhất để bảo vệ mọi người khỏi Covid-19. Tuy nhiên, với khoảng 40 triệu người trưởng thành Mỹ chưa tiêm chủng, các loại thuốc đường uống hiệu quả có thể đóng vai trò quan trọng để dập tắt làn sóng lây nhiễm hiện tại và trong tương lai. Mỹ hiện đang ghi nhận khoảng 140.000 ca bệnh mới mỗi ngày và giới chức nước này cảnh báo Omicron có thể làm con số này tiếp tục gia tăng.
Trong một diễn biến khác, Pfizer ngày 16/11 chấp thuận để các công ty dược đủ điều kiện sản xuất thuốc kháng Covid-19 mà Pfizer phát triển, cho 95 quốc gia trên thế giới, gồm các nước thu nhập thấp và trung bình.
Biến chủng Omicron lan nhanh, Anh ghi nhận hơn 106.000 ca/ngày Anh đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 mạnh chưa từng có, được cho là có liên quan đến Omicron - biến chủng mới của SARS-CoV-2 có khả năng lây lan cao hơn nhiều so với các biến chủng khác. Bất chấp sự lây lan của Omicron, Anh chưa có kế hoạch siết hạn chế trước Giáng sinh (Ảnh: AFP). Guardian...