Cá chuồn chiên gập
Có nhiều loại cá khi kho nấu cần giữ nguyên hình dáng mới ngon, chẳng hạn cá nục, cá trích, cá phèn… Nhưng cũng có loại cá mà muốn ngon, cần phải “cải trang” chúng trước khi đặt lên bếp.
Ảnh: Trần Cao Duyên
Đó là trường hợp làm món cá chuồn chiên gập. Đây là món “chuyên trị” những bữa cơm mùa hè vùng Sa Huỳnh (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi).
Video đang HOT
Cá chuồn, nếu để thẳng đuột hoặc cắt khúc mà chiên sẽ giảm ngon vì toàn thân không có điều kiện ngấm gia vị. Vì thế, nhiều bà nội trợ chọn “phương án” chiên gập. Chỉ với cách này, cá chuồn mới “ôm” no nê một bụng gia vị và ngấm dần đều đến tất cả thớ thịt từ đầu đến đuôi.
Cá chuồn đánh vảy thật kỹ, cắt đuôi, vi và cánh, móc mang cả trong lẫn ngoài. Mổ toang bụng cá, bỏ ruột, nạo cho hết nhớt và gân máu rồi rửa sạch, để ráo. Chọn khoảng giữa sống lưng con cá và bẻ một cách dứt khoát cho đốt xương ở vị trí này gãy lìa để có thể gập lại một cách gọn gàng sau khi nhồi gia vị vào bụng.
Hành tím giã dập, sả băm nhỏ trộn với ít muối, đường, bột ngọt. Tách bụng cá ra, cho hỗn hợp gia vị vào rồi gập lại. Để như thế khoảng nửa tiếng sau cho cá “thích nghi” với hình dạng mới. Bắc chảo dầu lên, thả cá vào chiên, trở đều cho đến khi cá ngả màu vàng đậm. Cho thêm ít nước mắm, đường, bột ngọt, nghệ, ớt vào chảo. Để lửa riu riu, lại trở cá cho gia vị bên ngoài ngấm vào trong. Lúc này gia vị từ bụng cá cũng đang thấm ra ngoài. Nhờ thế, thịt cá chuồn “thăng hoa” tới đỉnh của sự thơm ngon.
Hình ảnh con cá chuồn lúc này được “lạ hóa”, trông khá giống con ếch đang ngồi, lớp da bóng nhẩy, vừa thấy đã thòm thèm. Bởi thế có người ví von gọi món này là “ếch biển chiên vàng”.
Chưa kịp tắt bếp, cá đã tỏa mùi thơm điếc mũi, như mách với người nhà rằng bữa cơm hôm nay có cá chuồn chiên gập đấy. Cá chiên theo cách này ngon đều từ mỏm đầu cho đến tận cùng phía đuôi cá. Ăn miếng cá nào cũng cảm nhận được vị mặn mà, ngòn ngọt, béo thơm.
Cá hết, hương cá vẫn còn đọng trong ít nước deo dẻo đằm chất gia vị dưới đáy chảo. Trẻ con thường trút cơm vào đấy rồi trộn đều, dùng muỗng xúc ăn. Loáng cái, chảo đã sạch trơn như vừa tráng qua một lớp nước.
Bây giờ là mùa cá chuồn. Chiều chiều, người làng chài tha hương chắc đang ngồi buồn nhớ cá chuồn chiên gập…
Theo TNO
Nướng ngói ở phố núi
Với tiết trời se se lạnh của Đà Lạt (Lâm Đồng) thì món nướng hoặc lẩu có thế mạnh hơn so với những món ăn khác. Thực khách có thể vừa ăn uống vừa được ngồi bên bếp than hồng để xua tan cái lạnh của phố núi, quả là thú vị.
Thông thường các món thịt hoặc hải sản được đặt lên vỉ thép để nướng; riêng có quán trên đường Nguyễn Lương Bằng với sáng kiến khá độc đáo: nướng ngói. Trên mỗi bếp than đặt một miếng ngói âm dương theo chiều nghiêng xuôi, sau khi ngói được nung nóng đều, rót một ít dầu ăn tráng đều mặt ngói, tiếp đó gắp thịt, tôm, mực bỏ lên miếng ngói để nướng.
Chủ quán cho biết, nhờ nhiệt tỏa đều khắp miếng ngói nên các loại thịt chín đều, không bị cháy xém hoặc có miếng chưa kịp chín vì... xa than hồng như nướng vỉ thép. Một ưu điểm khác, dầu mỡ từ thịt chảy ra không rơi xuống bếp than gây cháy xèo xèo, chỉ tự động theo miếng ngói chảy xuống chiếc đĩa đặt sẵn trên mặt bàn. Bởi đó, các loại thịt nướng vẫn giữ được độ ngọt, dầu mỡ ít bị tiêu hao.
Để ăn cùng các loại thịt nướng ngói còn có đậu bắp, cà tím nướng kẹp chung với rau húng nhăn và dưa leo, cà chua. Chừng ấy vẫn chưa đủ, để món ăn tạo được ấn tượng phải kể thêm món nước chấm đi kèm. Nước chấm thường là muối ớt xanh được chế biến khá công phu, ngoài muối ớt là "chủ lực" còn có gia vị là đường, mật ong, chanh tươi... được pha chế theo công thức riêng, với vị ngon rất khó quên.
Theo TNO
Ngỡ ngàng ngắm hoa ban rồi... chén Ban quản lý Khu du lịch Mộc Châu (Sơn La) đang xây dựng tour khép kín ngắm hoa ban, học cách chế biến món ăn từ hoa ban rồi... đánh chén! Sản phẩm du lịch này vừa lãng mạn, tinh tế và ngon miệng! Kể cũng lạ, dường như ở vùng Tây Bắc này, hễ chỗ nào có hoa ban là có người...