Cá chết ở miền Trung: Giật mình sự kiện khủng khiếp vịnh Minamata
Một sự kiện tương tự như hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam từng xảy ra ở Nhật Bản đã gây ra một căn bệnh khủng khiếp cho người dân nơi này.
Bệnh nhân mắc bệnh Minamata có các triệu chứng tê liệt, co giật đến tử vong.
Công ty hóa chất đã đổ chất thải nhà máy chưa được xử lý vào biển Shiranui ở vịnh Minamata, gây ngộ độc thủy ngân cho các cư dân địa phương và gây ra căn bệnh được gọi là bệnh Minamata sau khi ăn một lượng lớn cá và sò trong vùng biển bị ô nhiễm nặng.
Lần đầu tiên căn bệnh này được phát hiện tại Minamata thuộc tỉnh Kumamoto vào năm 1956. Đến năm 1968, chính phủ Nhật bản đã chính thức tuyên bố, căn bệnh này do công ty Chisso gây ra vì đã làm ô nhiễm môi trường.
Bệnh nhân đầu tiên
Ngày 21.4.1956, một bé gái 5 tuổi đã được kiểm tra tại bệnh viện nhà máy của Tổng công ty Chisso ở Minamata, Kumamoto, một thành phố tại Kyushu, giáp ranh giữa hai tỉnh Kagoshima và Kumamoto. Các bác sĩ đã bối rối bởi các triệu chứng của cô bé gặp phải như đi đứng khó khăn, khó nói, và co giật. Hai ngày sau đó, em gái của cô bé này cũng bắt đầu biểu lộ những triệu chứng tương tự và cô bé cũng đã phải nhập viện. Mẹ của hai em bé này thông báo với các bác sĩ rằng con gái hàng xóm của cô cũng đã gặp vấn đề tương tự. Sau một cuộc điều tra từng nhà, thêm 8 bệnh nhân được phát hiện và nhập viện.
Ngày 1.5. 1956, giám đốc bệnh viện báo cáo cho cơ quan y tế địa phương rằng đã phát hiện ra một “căn bệnh lạ của hệ thống thần kinh trung ương”, đánh dấu sự xuất hiện chính thức của căn bệnh Minamata.
Để điều tra dịch bệnh, chính quyền thành phố và nhiều học viên y tế đã thành lập Ủy ban đối phó dịch bệnh lạ. Vào cuối tháng 5.1956. Do tính chất cục bộ của bệnh, đã có nhiều nghi ngờ rằng đây là căn bệnh truyền nhiễm nên yêu cầu người dân phải khử trùng nhà cửa. Tuy nhiên, những nghiên cứu sau đó đã bác bỏ sự lây lan của căn bệnh Minamata.
Ống xả thải hoá chất của công ty Chisso đổ ra vịnh Minamata.
Trong cuộc điều tra độc lập, ủy ban nói trên đã phát hiện bằng chứng đáng ngạc nhiên từ các hành vi kỳ lạ của mèo và động vật hoang dã khác trong khu vực xung quanh nhà bệnh nhân. Ngoài ra, họ cũng phát hiện những bất thường khác như rong biển không còn mọc trên đáy biển, và nhiều cá chết trôi dạt trên bãi biển.
Ủy ban nói trên mời các nhà nghiên cứu từ Đại học Kumamoto để giúp đỡ trong nỗ lực nghiên cứu. Một bức tranh hoàn chỉnh hơn về các triệu chứng biểu hiện của bệnh nhân đã dần dần được giải mã. Bệnh phát triển mà không có cảnh báo nào trước, các bệnh nhân thường phàn nàn họ bị mất cảm giác và tê ở bàn tay và bàn chân khiến không thể cầm nắm được các vật dụng, dù là nhỏ nhất. Các triệu chứng khác như mệt mỏi, ù tai, mắt mờ, điếc, nói lắp bắp…các hành động của cơ thể trở nên yếu ớt. Những bệnh nhân đầu tiên ở Minamata đã bị điên, co giật, bất tỉnh và chết một tháng sau khi bị mắc bệnh.
Video đang HOT
Đến tháng 5.1956, 40 bệnh nhân đã được phát hiện, 14 người trong số đó đã chết, một tỷ lệ tử vong đáng báo động là 35%.
Từ phát điên đến tử vong vì ăn cá nhiễm độc
Có những bệnh nhân bị mắc bệnh Minamata kinh niên, như là đau đầu, mệt mỏi thường xuyên, mất khả năng vị giác và khứu giác, hay quên…Những điều này biểu lộ không rõ nét nhưng làm cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn. Nhiều người còn bị bệnh Minamata bẩm sinh khi mẹ của họ đã ăn cá bị ô nhiễm methyl thủy ngân khi đang mang thai họ, khiến cho họ sinh ra đã là người tàn tật. Chưa một giải pháp nào có hiệu quả để chữa căn bệnh Minamata, nhưng các bác sĩ đã cố gắng làm giảm bớt những triệu chứng trên bằng những biện pháp tập luyện, trị liệu. Ngoài những tổn hại về mặt cơ thể con người, còn có những tổn hại về mặt xã hội nữa, chắc hạn có những sự phân biệt đối xử với những người mắc căn bệnh này.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Kumamoto cũng bắt đầu tập trung vào nguyên nhân của căn bệnh lạ. Họ phát hiện ra rằng các nạn nhân, thường là các thành viên trong cùng một gia đình, được gom lại trong một xóm chài dọc theo bờ biển của Minamata Bay. Các thực phẩm chủ yếu của những nạn nhân này là cá và các loại sò đánh bắt từ vịnh Minamata. Những con mèo trong khu vực có xu hướng ăn thức ăn thừa của các gia đình này cũng đã chết với các triệu chứng tương tự như phát hiện ở người. Điều này khiến các nhà nghiên cứu tin rằng căn bệnh bị gây ra bởi một số loại ngộ độc thực phẩm, trong đó cá và các loại sò bị nhiễm độc là thủ phạm chính.
Vào ngày 4.11.1956, nhóm nghiên cứu đã công bố những phát hiện ban đầu nêu rõ: ” Bệnh Minamata do một loại kim loại nặng xâm nhập vào cơ thể con người chủ yếu thông qua cá và sinh vật có vỏ”.
Thủ phạm là Methyl thủy ngân
Methyl thủy ngân gây nên căn bệnh Minamata là một loại của thủy ngân hữu cơ. Đây lào một loại bột trắng và có mùi giống như mùi lưu huỳnh bốc lên từ các suối nước nóng. Methyl thủy ngân dễ dàng được dạ dày và ruột hấp thụ và chuyển theo đường máu tới não, gan, thận và thậm chí nhau thai. Khi methyl thủy ngân xâm nhâp vào cơ thể, chúng sẽ tấn công vào cơ quan thần kinh trung ương.
Sự ô nhiễm đã làm nồng độ thủy ngân có trong nước biển của vịnh Minamata vượt quá 25 ppm. Lòng vịnh Minamata đã được nạo vét suốt 14 năm và tiêu phí tới 48.5 tỉ yên, những chi phí này do tỉnh Kumamoto đảm nhiệm.
Những cuộc điều tra về nồng độ thủy ngân trong các loài cá và sò trong vịnh Minamata đều được tiến hành mỗi năm 2 lần và sẽ kéo dài trong suốt 3 năm tới nữa.
Căn bệnh kiểu Minamata đã không chỉ xảy ra ở riêng vùng Minamata. Năm 1965 bệnh Minamata đã bùng phát dọc theo con sông Agano thuộc tỉnh Nigata, do công ty Showa Denko thải thủy ngân xuống. Những căn bệnh tương tự do bị nhiễm độc thủy ngân cũng đã xảy ra ở Trung Quốc và Canada. Trong những năm gần đây, sông và hồ vùng Amazon và Tanzania bị nhiễm thủy ngân cũng đã gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Cho đến nay, nhiều nạn nhân của căn bệnh này vẫn khó nhọc trong hành trình đi đòi công lý.
Các số liệu về Minamata là bài học rút ra cho không chỉ người Nhật và còn cho nhiều người dân trên thế giới nữa về việc môi trường bị tàn phá và sức khỏe con người bị ảnh hưởng trên diện rộng.
Cho đến ngày 30.4.1997, số người trong hai tỉnh Kumamoto và Kagoshima chứng nhận là đã mắc bệnh Minamata lên tới 17 ngàn người. Trong đó có 2.265 (trong đó 1.484 người đã qua đời cho đến 31.1.2003) đã được chính phủ công nhận. 10.625 người sau khi được chứng nhận là bệnh nhân Minamata đã được Chính phủ bồi thường. Như vậy, theo Chính phủ Nhật thì có tổng cộng 12.890 người đã mắc bệnh cho đến nay.
Theo một thống kê mới nhất của tờ Japan Times ngày 20.4.2016, đến nay chỉ còn khoảng 3.000 người được chấp nhận là bệnh nhân của căn bệnh Minamata, mặc dù vẫn còn 33.540 người đang tìm kiếm sự công nhận họ mắc căn bệnh này. Bệnh nhân Minamata đã được nhận một khoản tiền bồi thường từ 16-18 triệu yên. Ngoài ra Chisso còn phải trả tiền trợ cấp hang năm, chi phí thuốc men, tiền chăm sóc, tiền mai tang, tiền trị liệu suối nước nóng, châm cứu…. Ngoài ra công ty này còn phải trả tiền giúp đỡ, quà tặng an ủi, trị liệu massage, chi phí đi và về của bệnh nhân tới bệnh viện….
Công ty Chisso có một thời gian dài sản xuất phân hóa học, và là một trong những công ty hóa chất hàng đầu của Nhật bản. Từ năm 1932-1968, công ty Chisso tiếp tục sử dụng thủy ngân hữu cơ là chất xúc tác để sản xuất acetaldehyde, axit acetic và các chất dẻo. Tất nhiên trong quá trình sản xuất, methyl thủy ngân đã được sinh ra và cứ được đổ thẳng xuống biển mà không qua bất kì một sự xử lý nào.
Theo Danviet
Giả thiết về nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung
Nước thải từ bờ đã phân hủy mạnh, làm cạn kiệt ôxy trong các tầng nước sâu; chất độc xyanua được sử dụng trong đánh bắt... có thể là những nguyên nhân khiến cá biển dọc 4 tỉnh miền Trung chết hàng loạt.
TS Vũ Thành Ca, Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và hải đảo) cho biết, thống kê chưa đầy đủ từ đầu năm đến nay có hơn 30 vụ cá biển chết hàng loạt trên thế giới, chủ yếu liên quan đến môi trường biển. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, như: sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, rò rỉ chất ô nhiễm, bùng phát của tảo độc do phú dưỡng, cạn kiệt ôxy do phân hủy chất hữu cơ trong tầng nước sâu, dịch bệnh do vi trùng, virus hoặc ký sinh trùng...
Đối với khu vực biển không sâu, chất ô nhiễm hữu cơ được thải ra từ bờ sẽ không được pha loãng nhanh. Nếu nhiệt độ nước biển tăng mạnh, quá trình phân hủy chất hữu cơ sẽ diễn ra nhanh, lượng tiêu thụ ôxy sẽ lớn. Sự đốt nóng bề mặt sẽ tạo ra sự phân tầng mật độ nước biển rất mạnh, nếu gió không mạnh, sóng mặt không đủ để tạo ra sự xáo trộn nước, sẽ khiến nước ở các tầng dưới mặt bị cạn kiệt ôxy, làm chết cá.
Cá biển khu vực gần bờ Bắc Trung Bộ chết vào ngày từ 14 đến 18/4 là những ngày nắng nóng và biển khá lặng nên gió từ bờ thổi ra biển không đủ tạo ra sự xáo trộn mạnh mẽ của nước biển. "Vì vậy, lý do khiến cá biển chết hàng loạt có thể là do nước thải từ bờ đã phân hủy mạnh, gây nên cạn kiệt ôxy trong các tầng nước dưới mặt", ông Ca nói.
Cùng quan điểm trên, nhưng tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, từng làm việc ở Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ rõ hơn nguồn chất thải khiến môi trường biển bị biến động đột ngột khả năng cao có nguồn gốc từ khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh). "Chất độc theo dòng nước tràn ra biển, sau đó theo dòng hải lưu lan sang vùng biển khác", ông Dũng nói và cho biết đây lần đầu Việt Nam ghi nhận trường hợp cá lớn ở tầng sâu chết nhiều như vậy .
Cá chết nhiều khiến nhiều người miền Trung hoang mang. Ảnh: Đức Hùng.
Theo chuyên gia thủy sản Bùi Quang Tề, thông thường môi trường biển ô nhiễm khiến tảo "nở hoa", lấy hết ôxy khiến cá chết. Nhưng ở vùng biển miền Trung tảo thậm chí không thể phát triển thì chứng tỏ mức độ ô nhiễm quá trầm trọng. Năm 2001-2002 ở vùng biển Ninh Thuận và Bình Thuận từng có hiện tượng thủy triều đỏ, còn gọi là tảo "nở hoa" do ô nhiễm trong phạm vi dài 25 km và rộng 5 km khiến cá, tôm nuôi lồng bè chết hàng loạt. Sau đó hàng loạt vùng biển khác cũng có hiện tượng này.
Trong khi đó, một chuyên gia về tài nguyên biển khuyến cáo đơn vị chức năng cần xem trong cá có xyanua không. Đây là chất chất độc được sử dụng làm phương tiện đánh bắt bằng cách tác động lên hệ thần kinh của cá và như liều thuốc an thần khiến việc đánh bắt dễ dàng hơn. Trước đây Philippines từng yêu cầu Trung Quốc không được đánh bắt cá bằng việc sử dụng chất này.
"Với kinh nghiệm của tôi, cá ở rặng đá, san hô rất khỏe và tôi nghĩ chất độc như xyanua đã khiến chúng chết", ông nói.
Một vài nguyên nhân khác được các nhà khoa học đưa ra như chất thải từ giàn khoan mà trước đây Trung Quốc từng đặt ở cửa vịnh.
Dù đưa ra nhiều giả thiết về nguyên nhân cá chết, nhưng các chuyên gia thủy sản, môi trường biển vẫn cho rằng để vụ việc được làm rõ, giới chức cần lấy mẫu nước ở các tầng tại nhiều địa điểm và phân tích, xác định mức độ, thành phần chất gây ô nhiễm. Ngoài ra, lực lượng chức năng phải kiểm tra cơ sở sản xuất, trung tâm dân sinh trên bờ có khả năng xả thải, gây ô nhiễm nước biển.
Hiện tượng cá chết lần đầu tiên được ghi nhận ở các lồng bè nuôi trên biển, gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vào đầu tháng tư. Sau đó cá biển tự nhiên, cá nuôi lồng bè và cá hồ ven biển của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đồng loạt chết. Mỗi ngày, ngư dân xã ven biển thu gom được hàng tấn cá chết, mỗi con trọng lượng từ vài lạng tới 50 kg.
Không ăn cá chết
Trong khi chờ kết quả xác định nguyên nhân làm hải sản chết bất thường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người dân miền Trung không được sử dụng cá chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức. Bộ cũng yêu cầu địa phương khẩn trương thu gom cá chết và tiêu hủy theo quy định để hạn chế ô nhiễm môi trường; tổ chức tuyên truyền người dân không hoang mang, hướng dẫn phân biệt cá chết bất thường với cá khai thác trên biển và cá nuôi.
Bộ cũng yêu cầu các địa phương phối hợp các cơ quan chuyên môn lấy mẫu, xác định nguyên nhân cá chết, đề xuất giải pháp khắc phục.
Phạm Hương
Theo VNE