Cá chết hàng loạt ở hồ Trúc Bạch và Yên Sở, Cty Thoát nước nói gì?
Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội đã lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết tại hồ Trúc Bạch và hồ Yên Sở những ngày qua.
Cá chết được nhân viên Công ty Thoát nước thu gom, xếp đống ven hồ Trúc Bạch đoạn qua phố Trấn Vũ. (Ảnh: Hoàng Thành)
Phản ánh đến PV, nhiều người dân sinh sống tại khu vực hồ Trúc Bạch (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, khoảng một tuần nay xuất hiện hiện tượng cá chết, xác cá nổi lềnh bềnh trên mặt nước gây ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân.
“Cá chết bắt đầu từ khoảng 7 ngày trước, các công nhân vớt không xuể, vớt hết chỗ này, chỗ khác lại nổi lên trắng xóa. Thậm chí nhiều khu vực cá chết lâu ngày bốc mùi hôi thối rất khó chịu, nhiều người dân không dám đi tập thể dục và hóng mát ở hồ”, một người dân sinh sống gần hồ Trúc Bạch phản ánh.
Các nhân viên của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đang tiến hành vớt xác cá tại hồ Trúc Bạch. (Ảnh: Hoàng Thành)
Có mặt tại hồ Trúc Bạch, PV Dân Việt chứng kiến cảnh tượng hàng chục nhân viên của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đang vớt xác cá cho vào thùng và túi ni lông màu đen chất lên một chiếc xe bán tải mang đi tiêu hủy.
Cá chết nhiều nhất ở khu vực ven hồ dọc đường Thanh Niên, Trấn Vũ, đặc biệt là nơi đặt các cống tiêu thoát nước, nơi có nhiều rác thải ngưng tụ. Chủ yếu là cá rô phi và cá chép, trọng lượng rơi vào khoảng 200gr đến 400gr.
Do cá chết ngay trong những ngày nắng nóng khiến cả khu vực hồ Trúc Bạch bốc mùi hôi thối nồng nặc, làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của nhiều hộ dân sống quanh khu vực hồ.
Xác cá dạt vào bờ, nhiều nhất tại khu vực dọc đường Thanh Niên, Trấn Vũ… (Ảnh: Hoàng Thành)
Video đang HOT
Trước sự việc trên, trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Ngọc Uyên – Phó Trưởng phòng Đối ngoại Truyền thông, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, ngay sau khi nắm được tình hình cá chết trên mặt hồ Trúc Bạch, đơn vị đã phối hợp với lực lượng chức năng, đơn vị quản lý hồ tiến hành thu gom số lượng cá chết đi tiêu hủy. Hiện vẫn chưa có con số cụ thể về số lượng cá chết.
Cá chết chủ yếu là cá rô phi và cá chép, trọng lượng khoảng 200gr đến 400gr. (Ảnh: Hoàng Thành)
Nguyên nhân cá chết được Phó Trưởng phòng Đối ngoại Truyền thông, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xác định ban đầu là do thời tiết mưa nắng thất thường, đặc biệt đây là thời điểm chuyển giao mùa.
“Đây là tình trạng vẫn thường xuyên diễn ra vào thời điểm mưa nắng thất thường. Ban đầu cá chết chìm xuống dưới sau đó nổi lên trên nên rất khó phát hiện. Khi cá nổi lên đơn vị đã huy động nhân viên phối hợp với lực lượng chức năng, đơn vị quản lý hồ tiến hành thu gom số lượng cá chết đi tiêu hủy”, ông Uyên nói.
Thông tin đến PV, ông Uyên cho biết, những ngày qua tại khu vực hồ hồ điều hòa Yên Sở (quận Hoàng Mai) cũng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, song đã được Công ty Thoát nước Hà Nội và cơ quan chức năng xử lý, việc thu gom xác cá đã hoàn tất.
Ngay từ khi xuất hiện cá chết, các lực lượng chức năng của quận Tây Hồ đã cử người thu gom và vớt xác cá chết. Rất nhiều túi ni lông đen đựng cá chết được thu gom vẫn còn để ở ven hồ, gây mùi rất khó chịu khi đi qua. (Ảnh: Hoàng Thành)
Về việc này, ông Phạm Ngọc Toàn (Giám đốc Xí nghiệp quản lý cụm công trình đầu mối Yên Sở – thuộc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) thông tin, do thời tiết nắng nóng nên tình trạng cá chết vẫn thường diễn ra tại đây nhưng số lượng không nhiều. Những ngày gần đây, tình trạng cá chết tại hồ điều hòa Yên Sở xuất hiện nhiều hơn.
“Nguyên nhân theo tôi là đợt vừa rồi mưa bão nhiều nên phải mở các cửa xả để đưa nước từ các con sông nội thành Hà Nội chảy về hồ điều hòa này. Nước thải bẩn từ các con sông nội đô chảy vào hồ điều hòa là nguyên nhân dẫn đến cá chết”, ông Toàn cho hay.
Theo Danviet
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thị sát, kiểm tra công tác thoát nước sau mưa lớn
Chiều 25/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã thị sát trạm bơm Yên Sở và làm việc với Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội để kiểm tra công tác thoát nước mùa mưa năm 2019.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng kiểm tra công tác thoát nước tại trạm bơm Yên Sở
Báo cáo Phó Chủ tịch UBND TP, lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, tính đến 25-7-2019, trên địa bàn TP đã có 84 ngày mưa.
Công ty đã bám sát phương án thoát nước mùa mưa và phòng chống úng ngập mùa 2019 đã được phê duyệt; thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực để phục vụ công tác phòng chốt lụt bão theo phương châm "4 tại chỗ, 3 sẵn sàng".
Duy trì hệ thống thoát nước, công ty đã vận hành đập Thanh Liệt thoát nước ra sông Nhuệ; cụm công trình trạm bơm đầu mối Yên Sở, Bắc Thăng Long - Vân Trì.
Các hồ điều hòa và các trạm bơm cục bộ khác... được vận hành đúng quy trình; đảm bảo mực nước khống chế trên hệ thống theo đúng quy định. Thực hiện bảo dưỡng định kỳ các trạm bơm đảm bảo vận hành an toàn 24/24h.
Đối với các hồ điều hòa, công ty đã thường xuyên kiểm tra, vệ sinh, nạo vét các cửa cống ra vào hồ, vận hành các cửa van, trạm bơm theo đúng quy trình.
Các hồ đã và đang tiếp tục được xử lý ô nhiễm góp phần cải thiện cảnh quan và vệ sinh môi trường khu vực. Đến ngày 30-6-2019, đã triển khai thực hiện được 53/56 hồ theo Kế hoạch.
Công ty Thoát nước Hà Nội khẳng định, đã cơ bản hoàn thành các trục chính thoát nước, các tuyến phục vụ tiêu thoát nước cho các vùng trọng điểm úng ngập...
Với các điểm trũng úng ngập lâu năm: khu vực ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Công ty đã nghiên cứu, đề xuất UBND Thành phố phương án xây dựng bể điều tiết ngầm để xử lý giảm thiểu úng ngập, tận dụng nước mưa để phục vụ tưới cây, cứu hỏa và Thành phố đã giao các đơn vị tiếp quản và thực hiện.
Để công tác thoát nước được triển khai đồng bộ giữa nội thành và ngoại thành, công ty đã phối hợp chặt chẽ với Sở NN& PTNT trong công tác vận hành hệ thống thủy lợi sông Nhuệ phòng chống úng ngập trong mùa mưa năm 2019...
Cơn mưa lớn trưa 25-7 khiến nhiều tuyến phố Hà Nội ngập sâu
Sẵn sàng cho kịch bản mưa lớn, kéo dài
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng ghi nhận Công ty Thoát nước đã chủ động các phần việc; bảo dưỡng hệ thống thoát nước; xóa được 2 điểm đen úng ngập; đảm bảo ứng trực; điều chỉnh mực nước các sông hồ, sẵn sàng cho các tình huống; nghiên cứu các giải pháp xử lý ô nhiễm sông hồ.
Về đề xuất mới đây của công ty về việc bơm nước sông Hồng vào sông Tô Lịch đề làm sạch sông, Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, đây là vấn đề cần nghiên cứu thận trọng; nếu khả thi đây sẽ là phương án cho cả những con sông khác.
Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh việc thoát nước đô thị và nông thôn phải làm sao để giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Thời gian gần đây, vào mùa mưa, Hà Nội thường phải đón nhận những cơn mưa rất lớn. Theo thống kê mỗi năm mùa mưa Hà Nội phải nhận lượng mưa từ 1.600 -1.700 mm. Năm 2009, Hà Nội mới nhận lượng mưa khoảng 180 mm. Vẫn còn rất nhiều lượng mưa với diễn biến khó lường trong 2,5 tháng nữa. Rất dễ có những trận mưa rất lớn, kéo dài.
Do đó, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các sở ngành TP phải chủ động ứng phó với kịch bản sẽ có những trận mưa lớn, mưa cực đoan, kéo dài.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng đánh giá cao các dự án hầm chứa nước mà Công ty Thoát nước triển khai ở phố Nguyễn Khuyến, Đường Thành. Sắp tới, TP sẽ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án này.
Nhắc lại trận mưa lớn lịch sử năm 2008, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu phải có kịch bản xử lý cụ thể với các tình huống biến động. Công ty cũng cần xem xét đề xuất TP đầu tư trang thiết bị, công nghệ để giám sát xử lý; phối hợp với các nhà khoa học, doanh nghiệp, đơn vị có công nghệ, khả năng để xử lý các tình huống.
Phó Chủ tịch UBND TP giao các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các dự án sửa chữa, cải tạo hệ thống thoát nước theo hướng quản lý chặt chẽ chi phí, chất lượng...
Theo ANTD
Vì sao Hà Nội mưa tối trời lúc 2h chiều? Vùng mây đối lưu phát triển gây mưa lớn cho khu vực Hà Nội, khiến bầu trời thành phố tối sầm lúc 2h chiều. Clip: Hà Nội mưa tối trời lúc 2h chiều 2h30 chiều 20/8, trời Hà Nội bất ngờ chuyển dông và tối sầm, đèn đường cảm ứng được bật sáng. Ít phút sau, khu vực nội thành bắt đầu mưa...