Cả châu Âu lo sợ khi virus corona từ Italy lan rộng
Đợt bùng phát dịch virus corona tại Italy đang có dấu hiệu lan rộng ra toàn châu Âu khi liên tiếp 5 quốc gia trong khu vực phát hiện ca nhiễm có liên quan đến nước này.
Italy đang là nước có số ca nhiễm virus corona cao nhất ngoài châu Á. Tính đến hết ngày 25/2, có 322 người tại quốc gia Nam Âu xét nghiệm dương tính và 11 ca tử vong có liên quan đến chủng virus corona mới, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên là SARS-CoV-2.
Ở bờ bên kia Địa Trung Hải, Algeria cũng ghi nhận một công dân Italy dương tính với virus, nhưng chưa thể xác minh người này có về nước trong thời gian qua hay không. Dịch bệnh do virus corona (được WHO gọi tắt là Covid-19) đã xuất hiện tại 4 châu lục: Á, Âu, Phi và Bắc Mỹ.
Ít nhất 11 thị trấn tại Italy đã được đặt dưới tình trạng phong tỏa. Ảnh: AFP
Liên tiếp xuất hiện ca nhiễm liên quan đến Italy
Chủng virus khiến hơn 2.700 người chết trên toàn thế giới đang có dấu hiệu lan rộng trên “lục địa già”. Liên tiếp 5 quốc gia châu Âu trong ngày 25/2 thông báo có ca nhiễm liên quan đến Italy, bao gồm: Tây Ban Nha, Áo, Croatia, Thụy Sĩ và Pháp.
Số ca nhiễm tại Italy tiếp tục tăng. Số ca nhiễm mới trong ngày 25/2 là 100 người. Phần lớn ca nhiễm nằm tại phía bắc nước này, ở các vùng Lombardy và Veneto. Tuy nhiên, vài ca nhiễm mới lại xuất hiện ở miền Trung và miền Nam Italy, lần lượt là Tuscany và Sicily.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte hôm 24/2 cho biết công tác quản lý tại một bệnh viện ở phía bắc nước này không tuân thủ đúng các quy trình ứng phó virus, góp phần dẫn đến bùng phát virus corona ở Italy. Ông Conte không nêu cụ thể tên cơ sở này.
Châu Âu đang nâng cao cảnh giác trước diễn tiến dịch ở Italy, được giới chức WHO nhận định là chỉ mới bước vào giai đoạn đầu của lây lan.
Video đang HOT
Chính phủ Áo ghi nhận một thanh niên 24 tuổi, đến từ Lombardy và sống tại Innsburk, xét nghiệm dương tính với virus. Trong khi đó, tại Barcelona, một phụ nữ 36 tuổi du lịch tại Lombardy trở về đã xét nghiệm dương tính với virus corona. Đảo Tenerife của Tây Ban Nha cũng phát hiện một cặp đôi đến từ Lombardy nhiễm virus.
Bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của Croatia là một người đàn ông từng đến thành phố Milan, cách tâm dịch Codogno hơn 50 km. Pháp cũng phát hiện thêm 2 ca nhiễm mới, bao gồm một phụ nữ Trung Quốc và một công dân Pháp từng đến Lombardy.
Khách sạn H10 Costa Adeje Palace tại Tây Ban Nha cho cách ly hàng trăm khách sau khi phát hiện du khách Italy nghi nhiễm virus corona. Ảnh: AFP.
Khẩn trương lên chiến lược ứng phó
Những ca nhiễm mới khiến các nước lo ngại dịch bệnh có thể lan rộng nhanh chóng trên khắp châu Âu, đặc biệt khi Hiệp ước Schengen cho phép người dân 26 nước thành viên tại châu Âu tự do đi lại trong khối. Trước lo ngại này, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran tiết lộ cuộc họp vừa qua với những người đồng cấp ở châu Âu đã thống nhất xây dựng “một chiến lược tập thể”.
“Hiện nay, cần nhấn mạnh rằng không có lý do gì để đóng cửa biên giới giữa các quốc gia thành viên. Đây là cách phản ứng thái quá và cũng thiếu hiệu quả”, Bộ trưởng Veran trả lời báo giới tại Rome.
ANSA dẫn lời Michele Capone, quan chức cảnh sát nội địa Italy, cho biết các cơ quan chức năng nước này đã thiết lập chốt kiểm soát và triển khai cả quân đội đến “vùng đỏ” dịch bệnh ở Lombardy. Chính phủ siết chặt lệnh cấm tụ tập đông người. Trận đấu sắp đến của câu lạc bộ Inter Milan vẫn diễn ra nhưng không có khán giả đến xem.
Tại miền Nam Italy, chính quyền vùng Basilicata thông báo sẽ buộc cách ly người đến từ phía bắc. Trong khi đó, hai vùng Puglia và Calabria đã yêu cầu người đến từ vùng dịch phải khai báo với giới chức địa phương. Dù vậy, Thủ tướng Giuseppe Conte vẫn cho rằng phản ứng mạnh tay tại các địa phương là “không thích đáng”.
Trong khi Croatia nhấn mạnh nước này đã sẵn sàng và sẽ bình tĩnh ứng phó dịch bệnh, nhiều chuyên gia cảnh báo nước láng giềng của họ là Hungary không được trang bị đầy đủ để đối đầu đợt bùng phát virus corona.
Sân bay quốc tế Budapest thông báo họ mới mua một camera đo thân nhiệt vào tuần trước và sẽ thuê thêm một camera mới để giám sát sức khỏe hành khách đến sân bay.
Giới chuyên gia cảnh báo đợt bùng phát virus ở châu Âu sẽ là thách thức lớn đối với hệ thống y tế của vùng Balkans vốn không được quan tâm đầu tư thời gian qua. Y bác sĩ những nước trong khu vực thường tìm đường sang Tây Âu để làm việc.
Tính đến nay, 11 quốc gia tại châu Âu đã ghi nhận các ca nhiễm virus corona với gần 400 bệnh nhân. Phái đoàn của WHO tại Trung Quốc ngày 24/2 đã cảnh báo thế giới chưa đủ sẵn sàng để ứng phó một đợt bùng phát dịch quy mô lớn.
Nhiều chuyên gia bệnh truyền nhiễm nhấn mạnh thế giới cần một chiến lược ứng phó thống nhất để giảm thiểu thiệt hại từ dịch bệnh và giảm tốc độ bùng phát, đồng thời thừa nhận không thể chặn đứng đà lây lan của virus corona.
Theo Zing.vn
Ukraine chỉ trích Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga làm suy yếu châu Âu
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) sẽ giúp củng cố cho nước Nga nhưng lại làm suy yếu châu Âu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Trao đổi trong cuộc họp với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Kiev ngày 31/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng chỉ trích việc Đan Mạch cấp phép cho dự án khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga.
Ông Zelensky cho rằng quyết định của Đan Mạch sẽ làm ảnh hưởng đến cả Ukraine, đến hợp đồng trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu thông qua đường ống đặt trên lãnh thổ Ukraine.
Việc mất hợp đồng trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Ukraine. Năm 2017, nước này kiếm được khoảng 3 tỷ USD phí vận chuyển khí đốt của Nga.
Theo nhà lãnh đạo Ukraine việc xây dựng Nord Stream-2 không chỉ là vấn đề an ninh năng lượng là còn là là vấn đề địa chính trị. Ông Zelensky cảnh báo châu Âu sẽ bị suy yếu vì dự án này còn.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 là dự án xây dựng hai đường ống dẫn khí với tổng công suất lên đến 55 tỷ m3 khí/1 năm từ bờ biển của Nga qua biển Baltic đến Đức, bỏ qua Ukraine. Dự án này dự kiến sử dụng 86% đường ống của dự án Dòng chảy phương Bắc hiện tại trước khi rẽ nhánh.
Đường ống này sẽ đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic - Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức. Tổng giá trị đầu tư xây dựng dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là 9,5 tỷ euro.
Mới đây, trong thông báo ngày 30/10, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch cho biết cơ quan này "đã cấp phép cho dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 xây dựng một phần đường ống khí đốt tự nhiên ở thềm lục địa của Đan Mạch thuộc Đông Nam đảo Bornholm trên Biển Baltic". Cơ quan này khẳng định Đan Mạch có nghĩa vụ cho phép việc xây dựng đường ống trung chuyển theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển.
Trước đó, Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn năng lượng Gazprom Victor Zubkov hồi đầu tháng 10 cho biết tuyến đường ống đưa khí đốt từ Nga sang châu Âu hiện đã hoàn thành được 83% trong chiều dài đường ống hơn 2.000 km nhưng bị trì hoãn do thiếu sự cho phép đặt ống trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch.
Tuyến đường ông qua biển Baltic này sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt giữa Nga và Đức, làm một số nước Tây Âu lo ngại sẽ bị phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Đức, Phần Lan và Thụy Điển đã cấp giấy phép xây dựng dự án này.
Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), cho rằng đường ống sẽ đem lại nguồn cung năng lượng ổn định với giá cả phải chăng.
Minh Đăng
Theo vietnamfinance/RT
Bên trong trại tị nạn Hy Lạp đang 'bên bờ vực thảm họa' Trại tị nạn trên các đảo của Hy Lạp đang "bên bờ vực thảm họa" bởi sự quá tải và điều kiện mất vệ sinh, ủy viên cơ quan nhân quyền châu Âu cảnh báo hôm 31/10. Hy Lạp lại trở thành điểm đến chính cho những người tị nạn vào châu Âu, và nước này đang phải vật lộn để hỗ trợ...