Bửu Long và 5 ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng khu vực phía nam
Không chỉ là điểm tham quan tâm linh nổi tiếng, những ngôi chùa tại TP.HCM còn sở hữu lối kiến trúc đa dạng và ấn tượng, thu hút giới trẻ đến tìm hiểu, check-in.
Ảnh: Dimotngaydang, lahuga25.
Chùa Bửu Long (quận 9): Chùa Bửu Long là công trình kiến trúc tiêu biểu cho sự kết hợp giữa tinh hoa nhà Nguyễn và văn hóa Đông Nam Á. Ngôi chùa nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 20 km, giữa núi rừng thiên nhiên thoáng đãng, mang nét đẹp tĩnh lặng, nhẹ nhàng. Nơi đây được rất nhiều người lựa chọn làm điểm đến chay tịnh, ngồi thiền, hay chỉ đơn giản là ngắm nhìn khung cảnh bình yên, tạm quên đi những xô bồ của cuộc sống hối hả.
Ảnh: Nhanthanh.99, tanyadtt.
Ngôi chùa được chạm trổ tinh tế, lấy màu trắng làm chủ đạo, kết hợp cùng gam vàng rực rỡ ở phần chóp mang hơi hướm Thái Lan. Check-in ở đây, nhiều người sẽ lầm tưởng bạn đang lạc ở xứ sở chùa vàng. Chùa đón khách từ sáng đến 11h, sau đó 14h mới mở lại. Bạn nên tận dụng khoảng thời gian buổi sáng không khí mát mẻ, trong lành để có những tấm ảnh sống ảo đẹp nhất. Địa chỉ: 81 Nguyễn Xiển, quận 9.
Ảnh: Thuc.0201.
Chùa Bà Thiên Hậu (quận 5): Ngôi chùa hơn 200 năm tuổi được biết đến là chốn linh thiêng giữa đất Sài thành phồn hoa, náo nhiệt. Mỗi dịp lễ Tết, người dân Sài Gòn thường ghé đến để thắp hương cầu năm mới bình an.
Ảnh: Courtneysuzz, luvistuann.
Không chỉ là nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, ngôi chùa còn mang giá trị kiến trúc, điêu khắc lâu đời, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Vừa bước vào cổng, bạn sẽ bị ấn tượng bởi vẻ trầm mặc, cổ xưa đặc trưng của người Hoa. Nhiều đường nét chạm trổ, hiện vật có giá trị về mặt lịch sử và mỹ thuật còn được lưu giữ đến ngày nay. Nơi đây cũng là địa điểm yêu thích của giới nhiếp ảnh. Địa chỉ: 710 Nguyễn Trãi, quận 5.
Ảnh: Phương Duy, x0×0mtee.
Việt Nam Quốc Tự (quận 10): Việt Nam Quốc Tự được xây dựng đầu năm 1964, là ngôi chùa nổi tiếng cổ kính, tinh xảo đến từng đường nét, mang đậm phong cách kiến trúc của người Việt. Ngôi chùa nổi bật nhờ bảo tháp 13 tầng, cao 63 m mang ý nghĩa lịch sử, tâm linh. Nhiều du khách đến đây lễ phật cũng như tận hưởng không khí trong lành, tịnh tâm hiếm có giữa lòng TP.HCM náo nhiệt. Địa chỉ: 246 đường 3 Tháng 2, Quận 10.
Ảnh: Dabaongoc, jade_vissel.
Chùa Ngọc Hoàng (quận 1): Được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20, đến năm 1984, chùa được đổi tên thành Phước Hải. Tuy nhiên, người dân vẫn quen gọi là Ngọc Hoàng. Ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, tọa lạc ngay giữa lòng thành phố. Nơi đây khoác lên mình vẻ đẹp trầm mặc thu hút nhiều khách du lịch và người dân bản địa đến hành hương. Bên cạnh nét kiến trúc đặc trưng của người gốc Hoa, chùa còn có một hoa viên lớn tuyệt đẹp với hồ cá, hồ rùa cho bạn tha hồ chụp ảnh. Địa chỉ: 73 Mai Thị Lựu, quận 1.
Ảnh: Iamnpthao, lee_mew, lengloo, zenchen82.
Chùa Ông (quận 5): Chùa Ông, nơi thờ Quan Công, có tên gọi khác là Nghĩa An Hội Quán. Nếu dịp đầu năm mới, người dân TP.HCM rủ nhau nô nức lên chùa để cầu bình an, may mắn thì ngày thường, ngôi chùa hiện lên với vẻ đẹp yên ắng, thanh tịnh trên con đường sầm uất, đông xe cộ. Chỉ cần diện một bộ trang phục kín đáo, rực rỡ, bạn sẽ có ngay bức ảnh check-in “triệu like” tại chùa. Địa chỉ: 678 Nguyễn Trãi, quận 5.
Video đang HOT
Ảnh: Sosi_dlac, chiulee162.
Phù Châu miếu ( quận Gò Vấp): Phù Châu miếu hay còn có tên miếu Nổi nằm trên một cồn nhỏ của sông Vàm Thuật. Do địa hình đặc trưng, bạn phải lên đò để ra miếu. Không chỉ nổi tiếng linh thiêng, nơi này còn thu hút khách tham quan với kiến trúc độc đáo. Miếu chứa hàng trăm tượng rồng lớn nhỏ, được ốp bằng mảnh sành sứ nhiều màu sắc, sống động và tuyệt đẹp. Đa số du khách ghé ngôi chùa độc đáo này để lễ phật, thả cá phóng sinh. Địa chỉ: quận Gò Vấp.
Theo news.zing.vn
Những tọa độ check-in giúp Cần Thơ xứng danh là nơi "ai đi đến đó lòng không muốn về" ở miền Tây
Xem qua bộ ảnh của chàng trai Nguyễn Hoàn Hảo, ai trong chúng ta cũng phải tấm tắc xác nhận rằng: Cần Thơ đúng là chốn dừng chân khiến "ai đi đến đó lòng cũng không muốn về".
Miền Tây Nam Bộ không chỉ hấp dẫn khách du lịch bởi nét bình yên vốn có của vùng sông nước hữu tình với những vườn cây ăn trái, kênh rạch chằng chịt hay cánh đồng cò bay thẳng cánh. Nơi đây còn ẩn chứa rất nhiều địa điểm check-in mới lạ có thể "đổi gió" cho chuyến đi của bạn. Một trong số đó chính là Cần Thơ - "thủ phủ của miền Tây".
Mới đây, bộ ảnh du lịch Cần Thơ của chàng trai Nguyễn Hoàn Hảo - thành viên của Đội có chuyến đi xuất sắc nhất Here We Go 2018 đang khiến cộng đồng mạng sốt ầm ầm. Không khoa trương cầu kỳ, không mẫu ảnh nhưng chỉ với vài khoảnh khắc bình dị nhất qua ống kính của anh chàng mà khiến ai xem qua cũng đều nôn nao muốn xách balo lên làm một chuyến đến Cần Thơ ngay lập tức.
Lần này, anh chàng Nguyễn Hoàn Hảo lại tiếp tục dắt tay chúng ta vi vu Cần Thơ - nơi được mệnh danh là "gạo trắng nước trong".
Chia sẻ về bộ ảnh này, Hảo cho biết: "Tuy ở Cần Thơ khá lâu rồi nhưng đây chắc là lần đầu mình ngồi xuống viết những dòng cảm nhận về nơi mà mình chọn là quê hương thứ hai của bản thân. Và chủ yếu nhất vẫn là giúp mọi người hiểu hơn "lòng không muốn về" thật ra là như thế nào trên mảnh đất Tây Đô! Còn gì bằng khi để một người ở Cần Thơ dẫn bạn đi khắp Cần Thơ và kể cho bạn nghe những câu chuyện của chính con người Cần Thơ. Kế hoạch một ngày làm khách du lịch của mình cùng với những người bạn chính thức bắt đầu!"
Chợ nổi Cái Răng
Đây là một địa điểm chắc chắn bạn không thể nào bỏ qua khi đến Cần Thơ đấy! Từ tờ mờ sáng dậy thiệt sớm là mình gọi điện liền cho Cô Mai (cô lái đò siêu dễ thương mình hay đi), bảo "Cô ơi tầm 5h30 cô đón con nhe". Thế là mình chỉ cần đến đúng giờ, xuống thuyền của cô đi thẳng một mạch từ bến Ninh Kiều ra đến chỗ chợ nổi. Trên đường đi, bạn sẽ được ngắm Cần Thơ trên sông nước khác hẳn với những gì từng nhìn thấy trên bờ. Cần Thơ trên sông thật đẹp và yên bình trong cái lành lạnh của sương sớm đầu ngày!
Chợ nổi Cái Răng là một trong những tọa độ đầu tiên bạn không thể bỏ lỡ khi du lịch Cần Thơ.
Đi tầm 30 phút thấy tấm bảng đề tên chợ nổi hiện ra ngay trên cầu Cái Răng là bạn đã chính thức đến nơi rồi! Chợ nổi ban sáng hoạt động rất tấp nập, ghe xuồng chở hàng hóa neo đậu cạnh nhau, kết hợp cùng những chiếc thuyền chở khách du lịch tham quan ra vào liên tục, làm rộn ràng cả một khúc sông.
Sau khi đi một vòng quanh chợ, mình tấp vô cái xuồng bán đồ ăn sáng của anh Tèo. Đàn ông con trai gì mà giỏi thấy sợ luôn, tự anh nấu rồi chở hết mọi thứ lên xuồng mang ra chợ bán. Một tay cầm tô bún, một tay múc nước lèo ta nói nó nhuần nhuyễn gì đâu! Một ngày anh múc không biết bao nhiêu tô cho đủ nữa! Sáng trời mát lạnh mà được ngồi cạnh cái nồi nước lèo nóng hổi bốc khói, cầm tô bún lênh đênh trên xuồng, vừa ăn vừa giữ người cho đừng chông chênh mới thấy là lạ. Cái cảm giác này chỉ ở miền Tây sông nước mới có thôi đó!
À quên mất, làm sao mình quên cho được nụ cười phúc hậu của cái cô bán bánh mì trên chợ nổi được nhỉ! Từ nụ cười hiền hòa của cô, mình nhìn thấy cả một miền Tây tuy không đủ đầy nhưng luôn vui vẻ và lạc quan với cuộc sống diễn ra hiện tại. Còn gì vui bằng một cuộc sống như vậy có phải không?
Nụ cười hiền hậu của người dân miền Tây khiến ai cũng đều "xiêu lòng"!
Lò hủ tiếu Chín Của
Sau khi đi hết một vòng chợ nổi, mình dặn dò: "Cô Mai chở con vô lò hủ tiếu của chú Chín nha!", và nơi này cũng là một trong những điểm bạn cũng không nên bỏ lỡ. Với những điều bản thân cảm nhận thì đây là một trong những lò hủ tiếu vẫn còn giữ nguyên được giá trị truyền thống nhất mà mình từng ghé thăm.
Lò hủ tiếu của chú Chín Của là một trong những nơi vẫn còn giữ nguyên được nét làm nghề truyền thống ở Cần Thơ.
Chạy vô nhà chú Chín, mình liền đi thẳng một mạch lại cạnh cái lò hủ tiếu. Chú đang lật đật lấy từng bánh hủ tiếu ra khỏi nồi hấp, cũng là công việc hàng ngày thường thấy ở nơi đây. Vô lò hủ tiếu Chín Của vui lắm, lần nào tới nghe chú kể chuyện thôi cũng đủ thú vị rồi! Mình nhớ hoài cái câu chú hay nói: "Mày muốn học nghề không? Tao chỉ mày, nhưng quan trọng là có chịu cực được hay không thôi?". Nhìn chú với những người khác làm việc thấy cực thật nhưng mà vui, họ cứ cười nói suốt buổi với tụi mình!
Được tận mắt nhìn thấy và trải nghiệm công đoạn làm ra sợi hủ tiếu luôn này!
Chùa Ông
Rôm rả cả một buổi sáng trên chợ nổi và lò hủ tiếu, chúng mình lên xuồng trở về lại Bến Ninh Kiều ghé thăm chùa Ông ngay tại đây. Chùa tọa lạc chính xác tại địa chỉ số 32, đường Hai Bà Trưng, quận Ninh Kiều. Vì là nơi linh thiêng nên mọi người hạn chế chụp ảnh và nếu có chụp thì nhớ càng nhanh càng tốt nhé!
Chùa Ông cũng là tọa độ tâm linh tuyệt đẹp nhất định phải có trong toplist những nơi phải ghé thăm khi đi du lịch Cần Thơ đấy nhé!
Chùa có tên gốc theo chữ Hán là Quảng Triệu Hội Quán, tên gọi khác là chùa Minh Hương và chùa Ông. Chùa được khởi công xây dựng trên phần đất vào năm 1894, đến năm 1896 thì hoàn thành. Và cũng như một số ngôi chùa của người Hoa khác, chùa Ông không nằm biệt lập mà nằm trong một khu dân cư đông đúc, ngay giữa trung tâm thành phố cạnh bên Bến Ninh Kiều.
Xóm Chài
Qua phà xóm chài ngay đường Hai Bà Trưng là các bạn sẽ đến được nơi đây. Nằm tách biệt hoàn toàn so với những khu phố tấp nập, tuy chỉ cách nhau một con sông nhưng cuộc sống nơi này rất khác biệt đấy nhé! Tới đây, mình bắt gặp hình ảnh những người dân lao động vẫn đang miệt mài với công việc trong cái xóm làm nghề chài lưới, tìm hiểu thêm về cuộc sống trên ghe, xuồng, hay tình làng nghĩa xóm trong những dãy nhà san sát nhau cạnh bờ sông. Bất chợt suy nghĩ, tình người trong mấy cái chung cư cao tầng ấy, vậy mà có thể lại bé hơn cái tình trong xóm chài nhỏ bé này!
Xóm Chài bình yên, một địa điểm không phải ai cũng để ý đến khi du lịch Cần Thơ.
Cuộc sống ở Xóm Chài nhỏ khá tách biệt và bình yên so với đô thị tấp nập bên kia sông.
Quán Hồi Đó
Đi chơi cả buổi sáng thì cũng đến giờ cơm trưa, tụi mình chạy ngay đến quán Hồi Đó - một tọa độ bạn không nên bỏ qua tọa lạc tại số 56, đường Trần Bình Trọng, quận Ninh Kiều. Đúng như cái tên của mình, quán mang không gian kiến trúc nhà miền Tây xưa, với từng đồ dùng hay đơn giản là một đôi đũa cũng đủ làm cho mọi người nhớ tới cái hương vị quê nhà.
Góc quán cổ xưa, đầy nét vintage như vầy liệu có khiến tim bạn "điêu đứng"?!
Chúng mình kêu khá nhiều đồ ăn, nhưng món mình thường hay gọi khi bước vào đây chính là lẩu Cù Lao. Chắc hẳn ai là người miền Tây thì sẽ biết đến món này, vì hồi đó trong các đám giỗ, đám cưới người ta hay dùng để đãi khách. Nồi lẩu có tên Cù Lao là do ở phần giữa của nồi nhô lên và rỗng phía bên trong, người ta sẽ cho than đốt vào, giữ nóng cho thức ăn xung quanh nồi lẩu, lúc đó thức ăn sẽ nổi lên như một cái "cù lao" vậy! Ăn xong, cả đám tụi mình tìm một quán cà phê nghỉ trưa để tiếp tục hành trình check-in Cần Thơ sau đó.
Nồi lẩu Cù Lao "độc nhất vô nhị" chỉ ở Cần Thơ mới có, đã có ai thử qua chưa?
Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam
Tầm 15h chúng mình xuất phát đi Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam (ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền). Đi xe từ trung tâm Cần Thơ về đến Thiền Viện mất tầm 20 - 30 phút.
Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam, một địa điểm lên ảnh cực đẹp cho hội con dân mê sống ảo!
Nơi đây hiện ra trên một khu đất rộng lớn với nhiều gian khác nhau. Bên trong chính điện - Đại Hùng Bửu Điện rất ấn tượng với vẻ trang nghiêm. Sàn lót gạch tàu màu đỏ, khu chính điện lợp ngói tám mái theo phong cách nhà Trần, khung cột gỗ lim to nhẵn mịn phủ sơn bóng loáng. Với sự tinh tế trong từng góc nhỏ cùng với các giá trị tâm linh, các giá trị văn hóa của Thiền Viện, đến đây các bạn sẽ cảm nhận được sự an yên, thanh tịnh trong tâm hồn!
Lối kiến trúc nhà gỗ tuyệt đẹp tại Thiền Viện.
Nhà cổ Bình Thủy
Chúng mình tiếp tục di chuyển đến với nhà cổ Bình Thủy - một trong những ngôi nhà cổ với lối kiến trúc đẹp nhất miền Tây. Nơi đây nằm ở số 144, đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy. Ngôi nhà cổ này được xây dựng từ năm 1870 bởi gia đình họ Dương. Dù đã gần 150 năm tuổi nhưng kiến trúc của nhà cổ Bình Thủy vẫn còn khá nguyên vẹn.
Nhà cổ Bình Thủy là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất tại Cần Thơ.
Ngôi nhà có 5 gian 2 mái, được xây dựng theo kiến trúc của Pháp. Từ phía ngoài nhìn vào, bạn sẽ thấy bốn lối cầu thang cánh cung nối từ sân đi vào nhà chính cùng hệ thống một loạt cửa sổ, đảm bảo độ thông thoáng cho ngôi nhà. Bước vào bên trong, ai cũng sẽ có cái cảm giác bàn chân mình mát lạnh khi đặt xuống nền nhà, vì toàn bộ gạch lát nền đều được vận chuyển trực tiếp từ Pháp cùng với không gian thoáng mát làm bạn thật sự cảm thấy thoải mái, cứ mãi chìm đắm vào những điều xưa cũ tại nơi đây.
Lối kiến trúc Pháp với những gam màu rực rỡ của nhà cổ Bình Thủy chắc chắn sẽ "đốn tim" bất cứ ai ngay từ cái nhìn đầu tiên!
Bước chân vào tham quan bên trong nhà cổ, ta như được tìm về một miền ký ức xưa cũ tuyệt đẹp!
Trung tâm Văn hóa Thanh thiếu niên quận Bình Thủy
Nằm cách nhà cổ Bình Thủy chỉ vài căn, bạn sẽ nhìn thấy một khu đất trống với nhiều ngôi nhà cổ khác nhau. Giờ thì mình sẽ mách cho các bạn một địa điểm khá mới ở Cần Thơ mà mình thấy rất ít bạn check-in.
Một khoảnh khắc tuyệt đẹp mình bắt lại được tại nơi đây!
Đình Bình Thủy
Điểm dừng chân cuối cùng của tụi mình trong chuyến hành trình khám phá Cần Thơ lần này chính là đình Bình Thủy - một trong những ngôi đình cổ xưa nhất khu vực Nam Bộ tọa lạc tại số 46/11A, đường Lê Hồng Phong, quận Bình Thủy.
Đình Bình Thủy với lối kiến trúc độc đáo cùng màu vàng ươm đặc trưng, khi lên ảnh chắc chắn sẽ rất đẹp đấy!
Đình Bình Thủy có lối kiến trúc khác rất nhiều so với kiến trúc đình ở miền Bắc. Nơi đây được xây dựng trên một nền cao ráo và có chiều sâu, nhà trước và nhà sau đều là hình vuông nên chiều nào cũng có 6 hàng 6 cột. Trên nóc đình, ta thấy nhà trước hai mái chồng lên nhau, nhà chánh điện sau 3 mái cũng xếp lên nhau theo kiểu kiến trúc "thượng lầu hạ hiên". Trên nóc đình có gắn tượng hình người, hình kỳ lân, hình cá hóa rồng. Mặt trước nhà là các cột xi măng trang trí những hình hoa lá đắp nổi vô cùng tinh tế và đẹp mắt.
Những địa điểm bên trên có thể vẫn chưa đủ để mình kể cho bạn nghe hết về vùng đất Cần Thơ. Nhưng với những điều tuyệt vời mình đã trải qua suốt 5 năm trời, quãng thời gian không dài nhưng mình tin là đủ để kết luận rằng: Không nơi đâu chân chất, hiền hòa như ở miền Tây hết! Vậy sao còn không nhanh chân về đây, nếu có dịp thì mình sẽ chỉ thêm cho các bạn một vài địa điểm hay ho để đi và còn cả rất nhiều nơi để ăn uống nữa nè!
Theo TTVN
Huyền ảo trong Đại lễ Phật đản 2019 Đại lễ Phật đản năm nay được tổ chức hoành tráng tại nhiều địa điểm ở Sài Gòn như chùa Pháp Hoa, Việt Nam Quốc Tự... Lễ hội Thả đèn hoa đăng ở chùa Pháp Hoa Chùa Pháp Hoa - một địa điểm quen thuộc tổ chức ngày hội thả đèn hoa đăng lớn nhất Sài Gòn thu hút hàng nghìn phật tử...