Bứt phá nhưng phải phù hợp với thực tiễn
Đến cuối năm 2016, tỉnh Sơn La phấn đấu sẽ có thêm 5 xã cán đích, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trong tỉnh lên 8 xã. Ngoài ra, tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2020 có 100% số xã đạt từ 8-10 tiêu chí trở lên; 23 xã đạt 19/19 tiêu chí.
Phóng viên Trang trại Việt đã phỏng vấn ông Hà Quyết Nghị- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NNPTNT Sơn La về mục tiêu này.
Thưa ông, là một địa bàn thuộc diện khó khăn nhất cả nước, việc thực hiện chương trình xây dựng NTM có phải là một thách thức?
- Sơn La là một trong những tỉnh khó khăn của vùng Tây Bắc. Khi bắt tay vào thực hiện chương trình NTM, toàn tỉnh có tới 5/11 huyện nghèo. Ngay cả các huyện không thuộc diện nghèo thì tỷ lệ hộ nghèo cũng vẫn cao. Sơn La lại có khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên bị bão lũ tàn phá.
Đặc biệt, trong 4 thập kỷ qua, Sơn La liên tiếp thực hiện 2 cuộc đại di dân với hàng chục ngàn hộ dân phải di dời để phục vụ cho công trình Thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Sơn La. Trong đó, Thủy điện Sơn La có chính sách tái định cư đi cùng với di dân, song Thủy điện Hòa Bình thì chưa có chính sách tái định cư. Điều đó đặt ra cho Sơn La rất nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch, kiện toàn cán bộ, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập cho nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa…
Những khó khăn đó khi áp vào các tiêu chí NTM thì đều bị ảnh hưởng. Bởi thế, xuất phát điểm xây dựng NTM của Sơn La rất thấp. Nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La cũng xác định: Xây dựng NTM tuy là thách thức nhưng cũng là thời cơ để địa phương có cơ hội bứt phá. Thực tiễn 5 năm xây dựng NTM ở Sơn La đã khẳng định điều đó.
Nghề nuôi ba ba gai ở huyện Sông Mã ngày càng phát triển mạnh, cho thu nhập cao.
ảnh: Kiều Thiện
Ông có thể cho biết cụ thể hơn những thành công của Sơn La trong quá trình xây dựng NTM giai đoạn vừa qua?
Video đang HOT
- Đến nay, toàn tỉnh đã có 3 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, 34 xã đạt 10 tiêu chí trở lên trong tổng số 188 xã vùng nông thôn. Về tiêu chí quy hoạch, đã có 188/188 xã đạt, tiêu chí giao thông đã có 17 xã đạt, tiêu chí điện có 115 xã đạt, thu nhập có 28 xã đạt… Có thể nói, kết quả đó chưa lớn nhưng là những tiền đề thuận lợi để Sơn La hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong thời gian tới.
So với xuất phát điểm, hẳn đó là những bứt phá quan trọng?
- Nói vậy cũng không sai, bởi ai cũng biết, với một tỉnh nhiều khó khăn như Sơn La, nhiều xã mới chỉ đạt hoặc cơ bản đạt được 1-2 tiêu chí thì việc hoàn thành chỉ tiêu đặt ra là thách thức rất lớn. Trong khi đó, nguồn ngân sách cấp cho chương trình xây dựng NTM từ Trung ương cũng như của tỉnh còn rất hạn chế. Để đạt được kết quả cao, cũng là nhờ sự đồng thuận, hưởng ứng, hy sinh của rất nhiều người dân…
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những đóng góp của nhân dân trong thời gian qua?
- Mặc dù là tỉnh có nhiều huyện nghèo, đời sống người dân sống dựa chủ yếu vào nông nghiệp, nhưng do hiểu rõ được những lợi ích lớn lao mà chương trình xây dựng NTM mang lại nên nhân dân trên địa bàn hưởng ứng và đóng góp rất nhiệt tình. Bà con các địa phương sẵn sàng đóng góp các ý kiến hay khi xây dựng phương án đầu tư phát triển; góp hàng chục, hàng trăm ngày công vào việc xây dựng các công trình dân sinh, văn hoá… Đặc biệt, đã có rất nhiều hộ tự nguyện hiến đất sản xuất, đất ở, cây cối, hoa màu, nguyên vật liệu và cả tiền mặt để xây dựng NTM.
Tại một xã nhiều khó khăn như Chiềng Khương của huyện Sông Mã, chỉ trong hơn 4 năm qua, người dân đóng góp hơn 5 tỷ đồng, trên 20.000 công lao động, hiến trên 12.000m2 đất và ủng hộ hơn 2.400m3 cát, đá; 21m3 gỗ cốp pha, chặt 290 cây nhãn, xoài để địa phương triển khai làm đường giao thông, nhà văn hóa… Hay như gia đình ông Lõ Văn Chum ở bản Dăm (xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn) đã hiến 360m2 đất ruộng và nương để làm đường liên bản; ông Tòng Văn Ngon ở xã Mường Giàng (huyện Quỳnh Nhai) cũng hiến hơn 300m2 đất phục vụ chương trình xây dựng NTM.
Sự tự nguyện tham gia đóng góp của người dân cũng chính là một trong những thành công lớn trong quá trình bứt phá xây dựng NTM của Sơn La. Chỉ khi có sự nhận thức đầy đủ về NTM thì người dân mới tự giác đóng góp và hy sinh lớn như vậy. Nhờ đó, đến nay các xã trên địa bàn đã đạt bình quân 7,28 tiêu chí/xã, có gần 70 xã đạt từ 8 tiêu chí trở lên.
Chăn nuôi gia súc đang trở thành nguồn thu nhập cao, ổn định bền vững trong kinh tế hộ ở các xã vùng cao huyện Mường La, Sơn La. ảnh: Kiều Thiện
“Điều đặc biệt cần quan tâm khi xây dựng NTM chính là: Phải tạo được sự bứt phá ngay từ khi xây dựng mục tiêu phấn đấu, nhưng mục tiêu ấy phải phù hợp với thực tiễn địa bàn, phù hợp với sức dân”.
Ông Hà Quyết Nghị
Ông có thể chia sẻ với bạn đọc một vài kinh nghiệm chủ yếu để tạo nên sự bứt phá trong xây dựng NTM ở Sơn La?
- Mỗi địa phương, mỗi địa bàn khi thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đều có những sáng kiến, kinh nghiệm phù hợp với thực tiễn của nơi ấy. Tôi chỉ xin chia sẻ một vài kinh nghiệm chung. NTM là một chương trình mang tính tổng thể cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, trật tự an toàn xã hội ở vùng nông thôn. Bởi thế, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận rất cao của người dân thì các chương trình, dự án triển khai mới hiệu quả. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh về sự đồng thuận của người dân, bởi họ chính là chủ thể của NTM. Người dân phải là người vạch kế hoạch phát triển cho chính bản mình, xã mình và phấn đấu để kế hoạch ấy hoàn thành và được hưởng lợi từ sự hoàn thành ấy.
Nhưng muốn huy động sức lực, trí tuệ của người dân, bắt buộc phải có sự tương tác rất lớn từ hệ thống chính trị qua các kênh tuyên truyền, qua sự đầu tư thuyết phục. Cũng như các vùng nông thôn khác trong cả nước, khi mới bắt tay triển khai chương trình NTM ở Sơn La cũng có không ít người dân chưa hiểu rõ về giá trị của NTM, họ lo sợ phải đóng góp quá sức… Nhưng đến hôm nay, như các bạn thấy, NTM ở Sơn La đã có sự chuyển đổi lớn nhờ sự tương tác hài hòa giữa đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của người dân. Điều đặc biệt cần quan tâm khi xây dựng NTM chính là: Phải tạo được sự bứt phá ngay từ khi xây dựng mục tiêu phấn đấu, nhưng mục tiêu ấy phải phù hợp với thực tiễn địa bàn, phù hợp với sức dân.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Giúp nông dân vực dậy sau bão lũ
Hoàn lưu bão số 2 gây mưa, lũ quét cuối tháng 7 vừa qua đã cuốn trôi nhiều ngôi nhà, xóa trắng hàng chục ha hoa màu của nông dân xã Kim Quang, huyện Bát Xát (Lào Cai). Tuy nhiên, do được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, gia cố chuồng trại nên số trâu nằm trong Dự án hỗ trợ nông dân vay vốn Quỹ HTND nuôi trâu sinh sản tại xã Kim Quang không bị thiệt hại gì.
Giúp dân thêm vững tin
Quang Kim là địa phương nằm trọn trong vùng hoàn lưu bão số 2 nên bị ảnh hưởng nặng nề về nhà cửa, tài sản. Mấy tháng nay, cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã vẫn đang nỗ lực ổn định lại đời sống, khôi phục sản xuất.
Dự án hỗ trợ nông dân vay vốn Quỹ HTND nuôi trâu sinh sản do Hội ND tỉnh Lào Cai, Hội ND huyện Bát Xát, Hội ND xã Kim Quang triển khai thực hiện tại đây đã góp phần giúp nhiều hộ vững tin hơn.
Gia đình ông Lý Văn Hù, thôn Làng Toòng, xã Quang Kim vẫn nguyên vẹn sau bão với đàn trâu của dự án sử dụng Quỹ HTND. Ảnh: Trần Việt Phương
Anh Vàng Văn Dương - Chủ tịch Hội ND xã Quang Kim cho biết, dự án được triển khai thực hiện từ tháng 6.2016, có quy mô lên tới 800 triệu đồng với 16 hộ hội viên, nông dân tại thôn Làng Toòng và Làng Kim tham gia. Mỗi hộ được Quỹ HTND cho vay 50 triệu đồng để mua trâu giống, tu sửa, làm mới chuồng trại. "Do các hộ thành viên được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, được hướng dẫn vị trí đặt và gia cố chuồng trại nên đợt bão lũ hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8 đã không gây thiệt hại gì tới số trâu nằm trong dự án. Điều này rất may mắn, không chỉ giúp bà con vững tin hơn vượt qua khó khăn trước mắt mà còn hướng tới việc tăng thu nhập lâu dài..." - anh Dương bày tỏ.
Giải quyết 2 khó khăn cho nông dân
Theo anh Dương, sở dĩ Hội ND xã đề xuất và được Hội cấp trên chấp thuận triển khai dự án chăn nuôi trâu sinh sản là muốn giải quyết 2 khó khăn của bà con. Khó khăn thứ nhất là về sức kéo trong khâu làm đất, khó khăn thứ 2 là về thu nhập.
Toàn xã Quang Kim chỉ có hơn 84ha đất nông nghiệp, địa hình đồi núi chia cắt, đường sá chưa thuận lợi và những mảnh ruộng ở đây có độ cao, thấp, vị trí khác nhau nên khó áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất. Chính vì vậy, ở Quang Kim bà con vẫn dùng sức trâu để cày, bừa là phổ biến. Dự án đã giúp các hộ dân có "đầu cơ nghiệp" để làm sức kéo trong sản xuất nông nghiệp.
Gia đình ông Lý Văn Hù, thôn Làng Toòng, xã Quang Kim vẫn nguyên vẹn sau bão với đàn trâu của dự án sử dụng Quỹ HTND. Ảnh: Trần Việt Phương
Ông Lý Văn Hù, thôn Làng Toòng, xã Quang Kim năm nay đã ngoài 60 tuổi. Do tai nạn giao thông nên ông chỉ có thể loanh quanh ở nhà, hoặc làm các việc đồng áng nhẹ nhàng, chứ không làm việc nặng được. Được tham gia vào dự án nuôi trâu sinh sản, ông chia sẻ: "Nhà tôi có mấy sào ruộng, đợt lũ vừa rồi mất trắng. Gia đình vững tin hơn vì vẫn còn 2 con trâu, 1 con mua được từ vốn vay Quỹ HTND, và 1 con của gia đình gom góp tiền mua thêm. Theo hướng dẫn của dự án, sắp tới tôi sẽ chuyển chuồng trâu ra xa nhà và xây dựng kiên cố hơn...".
Theo Danviet
Sức sống mới ở Nam Yang Nam Yang là một trong 3 xã đầu tiên của huyện Đak Đoa đã "về đích sớm" trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Hiện nay, chính quyền và người dân trong xã đang tập trung duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được nhằm đảm bảo giữ vững xã...