Buồng trứng đa nang: Phụ nữ trẻ cũng khó tránh
Buồng trứng đa nang là hội chứng có thể ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt, khả năng có thai, nội tiết, tim mạch, mạch máu và biểu hiện bên ngoài của người phụ nữ (PN).
“Khi người phụ nữ có hội chứng này, đặc trưng sẽ có nồng độ androgen cao (đôi khi được gọi là nội tiết tố nam mặc dù phụ nữ bình thường cũng sản xuất loại nội tiết tố này), không có hoặc kinh không đều, có rất nhiều nang ở buồng trứng” – TS-BS Phan Trung Hòa, BV Từ Dũ khuyến cáo.
Chuyện ghi tại phòng khám
Yến năm nay 15 tuổi, so với nhóm bạn cùng trang lứa thì cô bé đã ra dáng thiếu nữ với chiều cao, cân nặng khá lý tưởng, duy chỉ có “đường kinh nguyệt” bị chậm. Điều này khiến cô có những biểu hiện không bình thường: mái tóc đen dày dần thưa thớt, thay vào đó là lông chân, lông tay mọc rậm rì. Mẹ cô chia sẻ: “Thấy con gái gần đây cứ rón rén hỏi mẹ xem nhà mình có ai nhiều lông như nó không, ăn gì để giảm lông, làm sao để triệt lông khiến tôi băn khoăn. Khi đưa con đi khám mới hay con mình đang mắc chứng bệnh quái ác này…”.
Còn Hoa, cô gái có gương mặt bầu bĩnh ngồi cạnh bé Yến, thì ngược lại. Theo lời Hoa thì cô dậy thì rất sớm, từ năm 10 tuổi. Năm nay 26 tuổi, chưa lập gia đình nên Hoa cũng không quan tâm đến chuyện kinh nguyệt của mình ngày càng thưa thớt (hai-ba tháng mới hành kinh một lần). Cho đến gần đây, tuy không thấy kinh, nhưng hầu như tháng nào cô cũng bị chứng đau bụng kinh hành hạ. Đó là những cơn đau vùng thắt lưng, tuy diễn ra trong vài phút nhưng quặn thắt khiến cô hụt hơi, vã mồ hôi, không đứng thẳng được. Đến bệnh viện kiểm tra, mới hay cả hai bên buồng trứng của cô trứng mọc từng chùm.
Trẻ hơn Hoa là Minh, 24 tuổi, khá mập. Minh cho biết, thời con gái kinh nguyệt của cô rất đều đặn, nhưng không hiểu sao sau khi lấy chồng lại bị tắt kinh. Đi kiểm tra, bác sĩ cho biết cô bị buồng trứng đa nang (BTĐN), theo bác sĩ là vì nồng độ androgen của cô tăng cao, trong khi progesterone lại thấp. Hiện cô đang tuân thủ chế độ ăn kiêng giảm cân và uống thuốc để có kinh.
Ảnh minh họa
Mất cân bằng nội tiết
TS-BS Phan Trung Hòa, cho rằng, vấn đề chính trong hội chứng BTĐN là sự mất cân bằng nội tiết của PN. Ở người PN bị BTĐN, buồng trứng của họ sản xuất ra androgen nhiều hơn bình thường. Nồng độ nội tiết này cao sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển và phóng thích noãn (rụng trứng).
Nguyên nhân chính xác chưa được biết, nhưng các yếu tố nguy cơ đã được xác định. Yếu tố di truyền khá rõ khi thường thấy ở PN mà có mẹ hay chị gái cũng bị BTĐN.
Một vài triệu chứng của BTĐN thường gặp gồm: chậm có thai do rối loạn rụng trứng; không có kinh, kinh thưa hoặc không đều; rậm lông, buồng trứng có nhiều nang; mụn trứng cá, da nhờn, gàu; tăng cân, béo phì thường ở vùng hông eo; có những mảng da sậm màu, đen ở cổ, cánh tay, đùi, vú; đau vùng chậu; lo lắng hay bị ức chế, ngưng thở khi ngủ… Các dấu hiệu này có thể tồn tại đến tuổi mãn kinh.
BTĐN có thể xảy ra ở tuổi rất trẻ (11 tuổi). Nguy cơ bị các vấn đề sức khỏe khác: 50% sẽ bị đái tháo đường trước 40 tuổi, nguy cơ bị đột quỵ tim tăng gấp bốn-bảy lần người cùng tuổi, dễ bị cao huyết áp; cholesterol, mỡ trong máu cao và dễ bị ngưng thở khi đang ngủ.
Video đang HOT
Do mất cân bằng nội tiết, androgen làm suy yếu các nang noãn (trứng) khiến chúng tuy phát triển nhưng không thể trưởng thành (chất lượng trứng không tốt) và hiếm khi có hiện tượng rụng trứng xảy ra.
Các nghiên cứu cũng cho thấy sự liên quan giữa Insulin và BTĐN. Insulin là nội tiết kiểm soát sự thay đổi của đường, tinh bột và thức ăn giàu năng lượng khác để sử dụng và dự trữ. Mức Insulin cao quá mức sẽ làm gia tăng sản xuất androgen dẫn đến mụn trứng cá, rậm lông, tăng cân và rối loạn rụng trứng.
Điều trị như thế nào?
TS-BS Phan Trung Hòa cho biết: Cần thay đổi cách sống để cải thiện tình trạng béo phì, thừa cân bằng giảm ăn thức ăn nhanh, thức ăn nhiều đường, ngọt. Nên ăn nhiều gạo lức, rau, trái cây, thịt nạc. Chế độ ăn này sẽ giúp giảm lượng nội tiết Insulin để chuyển hóa đường, đặc biệt, việc giảm 10% cân nặng có thể giúp chu kỳ kinh nguyệt trở về bình thường và đều hơn.
Việc dùng thuốc vỉ tránh thai kết hợp sẽ giúp chu kỳ kinh đều hơn, giảm mụn, làm giảm được nội tiết androgen. Cũng có thể dùng nội tiết progesterone đơn thuần để điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và giúp giảm nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung (nhưng không giúp giảm mụn và rậm lông).
Việc điều trị hiếm muộn, nguyên tắc cơ bản là tạo ra sự rụng trứng để tăng cơ hội có thai. Việc mổ nội soi đốt điểm trên buồng trứng (phá bỏ một số nang trứng không rụng) cũng giúp có hiện tượng rụng trứng sau đó. Nhưng loại bỏ các nang trứng không rụng không phải là cách điều trị bệnh triệt để.
Để dự phòng biến chứng, PN bị BTĐN nên được các bác sĩ sản phụ khoa, nội tiết tư vấn điều trị. Việc điều trị nên gồm nhiều mục tiêu chứ không chỉ vì điều trị cho có thai hay trị mụn. Quan trọng và lâu dài là ăn uống đúng, tập thể dục và không hút thuốc.
Theo VNE
Buồng trứng quyết định sự đẹp xấu của phụ nữ
Bảo vệ buồng trứng không chỉ tốt cho việc mang thai. Trứng khỏe mạnh không những tránh được hiện tượng đau bụng kinh, giúp 'nguyệt san' bình thường, mà còn ảnh hưởng tích cực đến nhan sắc, tâm trạng...
Dưới đây là 7 bí quyết giúp cho buồng trứng của bạn gái luôn khỏe mạnh, theo qq.
1. Bổ sung sắt khi đến kỳ kinh
Không có dấu hiệu tiền kinh nguyệt thì không cần điều dưỡng chu kỳ nguyệt san? Sai! Trong kỳ "đèn đỏ", máu kinh sẽ mang đi lượng lớn nguyên tố sắt trong cơ thể, mà sắt có tác dụng cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trứng.
Lời khuyên chuyên gia: Trong kỳ nguyệt san, phụ nữ nên ăn nhiều rau xanh, nội tạng động vật, đây là thực phẩm có hàm lượng sắt cao, giúp trứng luôn khỏe mạnh.
2. Rượu vang đỏ có lợi hơn bia
Theo phát hiện của Cơ quan nghiên cứu sức khỏe phụ nữ Hà Lan, mỗi ngày uống một cốc rượu vang đỏ, năng lực sống của trứng có thể tăng lên 20%. Các thành phần trong rượu vang có thể khiến trứng trở nên khỏe mạnh hơn. Hàm lượng polyphenol trong rượu vang nho trắng thấp hơn rượu vang đỏ 10%, cũng là lựa chọn tốt cho sức khỏe.
Chuyên gia cảnh tỉnh: Men trong bia sẽ "thôi miên", làm giảm sức sống của trứng, phụ nữ nên hạn chế uống.
Ảnh minh họa: fkzl91
3. Đậu phụ luộc tốt hơn đậu phụ chiên dầu mỡ
Trong đậu phụ, đậu tương có hàm lượng lớn protein thực vật, giúp cho trứng trở nên rắn chắc, khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên bạn nên ăn đậu phụ luộc, bởi dầu trong đậu phụ chiên chứa axit béo không bão hòa, sẽ phá vỡ hoạt tính của protein thực vật, điểm trừ cho sức khỏe.
Lời khuyên chuyên gia: Mỗi ngày ăn một miếng đậu phụ là đủ, lượng protein thực vật quá nhiều sẽ tạo gánh nặng cho thận.
4. Nhất định phải dùng biện pháp tránh thai
Nghiên cứu khoa học cho thấy, mỗi lần phá thai, chất lượng của trứng sẽ giảm 6%. Đừng cho rằng phá thai chỉ là tiểu phẫu, nó sẽ khiến cho thành trong buồng trứng mỏng đi, hoạt tính của trứng cũng giảm theo.
Phương pháp tránh thai tốt nhất: Đó là bao cao su chứ không phải thuốc tránh thai. Bất luận thuốc tránh thai dài ngày hay thuốc tránh thai khẩn cấp đều có thể làm rối loạn hàm lượng hormone trong cơ thể, ảnh hưởng tới chất lượng của trứng.
5. Hạn chế sử dụng thuốc giảm đau
Phụ nữ trong độ tuổi 25-35 trung bình mỗi người uống 77 viên thuốc giảm đau một năm. Điều này làm cho hoạt tính của trứng giảm 7% so với người không dùng thuốc giảm đau.
Chuyên gia cảnh tỉnh: Thuốc giảm đau gây ức chế thần kinh não, thời gian dài sử dụng sẽ ảnh hưởng trung khu thần kinh, tốc độ "ra chỉ thị" của não tới buồng trứng bị chậm, hoạt tính của buồng trứng cũng yếu theo.
6. Tránh bức xạ máy tính càng xa càng tốt
Nghiên cứu chỉ ra, bức xạ máy tính có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng buồng trứng. Tuy nhiên, hoàn toàn tránh xa được bức xạ máy tính là điều rất khó, đặc biệt với dân văn phòng, công nghệ. Phần lớn mọi người đều cho rằng, chuyển sang dùng màn hình LCD có thể tránh được bức xạ máy tính, thực tế, nơi bức xạ lớn nhất không phải màn hình mà là nguồn điện.
Lời khuyên chuyên gia: Bức xạ của máy tính xách tay nhỏ hơn nhiều so với máy tính để bàn. Vì vậy, muốn tránh tối đa bức xạ máy tính, cách tốt nhất là bạn hãy nạp đầy pin máy tính xách tay, sau đó ngắt điện và làm việc bằng pin.
7. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Cháo bạch quả hạt sen
Nguyên liệu: Hạt sen (30 gam), bạch quả (15 gam), tiêu (5 gam), gạo nếp (100 gam).
Cách làm: Nghiền nhuyễn hạt sen, bạch quả và hạt tiêu, đổ vào nấu cùng gạo nếp, cho lượng nước vừa phải, nấu chín nhuyễn, ăn thay thế bữa sáng.
Cháo đậu đỏ
Nguyên liệu: Đậu đỏ (100 gam), gạo (100 gam).
Cách làm: Sau khi bỏ đậu đỏ vào đun được một lúc thì bỏ gạo vào nấu cùng cho đến khi chín nhuyễn, bỏ thêm một ít đường, ăn thay thế bữa sáng. Mỗi tuần ăn 1 lần.
Theo VNE
Sẩy thai quen dạ: biết mà khó tránh Mang thai, sinh con là thiên chức của người phụ nữ, thế nhưng không ít người bị sẩy thai liên tiếp nhiều lần. Giới chuyên môn gọi đó là sẩy thai quen dạ. Nhiều lần mang thai vẫn chưa có con Chị Thanh Thủy, giáo viên một trường Mầm non ở Thanh Hóa lấy chồng ở tuổi 27 - độ tuổi sinh đẻ...