‘Buồng hạnh phúc’ và chuyện nữ tù mang thai
Hiện chưa có giải thích rõ việc thăm gặp riêng tư của phạm nhân là nhằm thực hiện một quyền hiến định hay là một chính sách nhân đạo của nhà nước.
Việc pháp luật cho phép phạm nhân được gặp vợ hoặc chồng tại phòng riêng không phải là quy định mới ở Việt Nam. Nhưng mới đây, chủ đề này được chú ý khi Bộ Công an lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư về việc phạm nhân gặp thân nhân, nhận, gửi thư; nhận tiền, quà và liên lạc điện thoại với thân nhân, trong đó có quy định phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng nhưng phải cam kết không được có thai. Điều khoản này đang nhiều ý kiến trái chiều.
Quyền con người hay đặc quyền?
Theo kinh nghiệm trên thế giới, không nhiều quốc gia cho phép phạm nhân được gặp vợ/chồng một cách riêng tư. Theo thống kê (có thể chưa đầy đủ), đó là các nước: Hoa Kỳ (một số bang), Australia (một số bang), Brazil, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ấn Độ, Ireland, Israel, Mexico, New Zealand, Pakistan, Nga, Arab Saudi, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh.
Chính vì vậy, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp – Bộ Công an chia sẻ rằng “Tôi đi nước ngoài và có trao đổi với họ về việc cho phạm nhân gặp vợ hoặc chồng tại phòng riêng, họ tỏ ra khá ngạc nhiên về điều này và cho rằng đây là một điểm tiến bộ của Việt Nam”.
Ở các nước trên, mức độ cho phép cũng rất khác nhau. Một số nơi rất thoáng như Mexico cho phép tù nhân gặp bạn trai/bạn gái (không nhất thiết có quan hệ hôn nhân) và thậm chí bạn đồng giới (riêng ở thành phố thủ đô Mexico). Phạm nhân nam ở Arab Saudi, một quốc gia Hồi giáo vẫn mang tiếng hà khắc, có thể gặp mỗi người vợ (nếu có nhiều vợ) mỗi tháng một lần.
Ở Brazil, trong khi phạm nhân nam có thể gặp vợ, bạn gái hoặc thậm chí bạn đồng giới, phạm nhân nữ rất hiếm khi có đặc quyền này. Một số quốc gia vốn coi trọng tự do cá nhân như Mỹ và Úc lại chỉ có 4/50 bang của Mỹ hay 2/7 bang của Úc cho phép thăm gặp ở phòng riêng.
Mặc dù việc thăm gặp riêng tư của phạm nhân được cho phép tại 4 bang (hơn 20 năm trước là 17 bang), pháp luật Mỹ chính thức không công nhận đó là một quyền được hiến định, mà coi là một đặc quyền. Cũng vì vậy, các thảo luận quanh vấn đề này chủ yếu tập trung vào khía cạnh chính sách hình sự thay vì vấn đề nhân quyền.
Trong hai thập kỷ qua, có hai lý do số bang chấp nhận giảm từ 17 xuống 4. Thứ nhất, có những nghiên cứu chỉ ra rằng có một số loại phạm nhân không thể cải tạo được, do đó chính sách thăm gặp nhằm khuyến khích họ cải tạo tốt hoàn toàn vô ích. Thứ hai, việc thăm gặp riêng tư được cho là không phù hợp với chính sách nghiêm khắc đối với tội phạm, vốn thắng thế trong những thập kỷ vừa qua.
Ở chiều hướng khác, một số nước như Ấn Độ quan niệm sự thăm gặp riêng tư của phạm nhân là một quyền con người cơ bản. Nó thuộc phạm trù quyền sống và tự do cá nhân được hiến định. Tuy nhiên, Ấn Độ thừa nhận nhà nước vẫn có thể giới hạn phạm vi thực hiện quyền này vì lợi ích công nếu có lý do chính đáng.
Video đang HOT
Một căn phòng hạnh phúc trong trại giam. Ảnh: Hoàng Hà/ Zing News
Có phân biệt đối xử phạm nhân nam – nữ?
Chính sách hình sự của Việt Nam trong vấn đề này là nhân bản, như Thiếu tướng Trần Thế Quân đánh giá việc cho vợ chồng phạm nhân gặp nhau là rất tốt, nhằm cải thiện tâm lý của phạm nhân, tạo điều kiện cho gia đình cùng tham gia, phối hợp với cơ sở giam giữ để giáo dục, cải tạo phạm nhân và tạo động lực để phạm nhân chấp hành, cải tạo tốt hơn.
Người viết bài này ủng hộ chính sách thăm gặp. Tuy nhiên, xung quanh quy định về việc cam kết không mang thai, xin nêu ra một số vấn đề cần thảo luận và lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội.
Thứ nhất, hiện chưa có giải thích rõ việc thăm gặp riêng tư là nhằm thực hiện một quyền hiến định hay là một chính sách nhân đạo của nhà nước. Xu hướng thế giới coi chính sách này nhằm thực hiện quyền sống và tự do cá nhân. Nếu hiểu như vậy, pháp luật phải đảm bảo và chỉ được giới hạn quyền này nếu có lý do chính đáng.
Thứ hai, nếu suy xét kỹ, việc thăm gặp trong phòng riêng liên quan đến hai quyền cá nhân: quyền quan hệ tình dục và quyền sinh con. Dự thảo thông tư dường như cho phép quyền quan hệ tình dục nhưng không cho phép quyền mang thai và sinh con (khi yêu cầu phải cam kết không mang thai và phải sử dụng biện pháp tránh thai).
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới hạn chế quyền thứ nhất hơn là quyền thứ hai. Họ cho rằng phạm nhân vẫn được bảo đảm quyền sinh con nhưng không cho phép gần gũi giữa vợ và chồng. Để thực hiện điều này, họ cho phép tù nhân được thụ tinh nhân tạo để có con. Một số nước chấp nhận cả hai quyền này vì cho rằng đó là hai quyền cơ bản của cá nhân mà việc tù tội không phải là lý do chính đáng để tước bỏ.
Thứ ba, pháp luật hiện nay có sự phân biệt đối xử giữa phạm nhân nam và nữ. Trong khi phạm nhân nam làm vợ có thai và sinh con từ việc thăm gặp được phần nào chấp nhận, phạm nhân nữ lại bị cấm. Mặc dù Thiếu tướng Quân có lý giải: “Nếu phạm nhân nam gặp vợ mà mang thai thì sẽ không quá rắc rối nhưng ngược lại, nếu phạm nhân nữ gặp chồng mà mang thai thì sẽ phát sinh nhiều phức tạp trong quá trình chấp hành án”, nhưng liệu đây có phải là sự vi phạm quyền bình đẳng nam nữ không?
(Theo Vietnamnet)
Lập Hội thích uống bia, uống rượu thì không phải đăng ký
Những người thành lập Hội đồng hương, Hội đồng ngũ, Hội cựu học sinh, Hội thích uống bia - uống rượu... không phải đăng ký theo quy định của luật nhưng có thể phải thông báo bằng văn bản tới UBND cấp xã, nơi có địa chỉ liên lạc về việc thành lập hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định (Ảnh: Quochoi.vn).
Sáng nay 22/9, báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật về hội tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết: "Hội do công dân Việt Nam thành lập nhằm mục đích gặp gỡ, giao lưu không phải đăng ký theo quy định của luật này".
Qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị luật cần quy định rõ về loại hội không đăng ký để vừa bảo đảm tôn trọng và cụ thể hóa quyền lập hội của công dân, vừa bảo đảm quản lý nhà nước đối với loại hội này. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật về hội đã chỉnh lý có một chương riêng quy định về hội không đăng ký.
Theo đó, các hội này phải thông báo bằng văn bản với UBND cấp xã nơi có địa chỉ liên lạc về việc thành lập hội, người đại diện theo ủy quyền của các hội viên và khi có sự thay đổi người đại diện hoặc trước khi chấm dứt hoạt động; báo cáo hoạt động hội khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu.
Ông Nguyễn Khắc Định lấy ví dụ về các Hội đồng hương, Hội đồng ngũ, Hội cựu học sinh, Hội yêu hoa, Hội thích uống bia, thích uống rượu,... đang hoạt động trên khắp cả nước và nhiều khi thành viên của hội chỉ có 3-5 người.
"Thực tế hiện nay chúng ta cũng là thành viên của nhiều hội như thế này, không hạn chế được. Đó là quyền của mỗi công dân"- ông Định nói.
Đối với hội phải đăng ký, dự thảo luật quy định hội được thành lập khi có đủ các điều kiện như: Tên của hội theo quy định; tôn chỉ, mục đích của hội phù hợp với quy định của pháp luật; phạm vi, lĩnh vực hoạt động của hội được xác định rõ theo ngành, nghề, lĩnh vực quản lý nhà nước; có trụ sở đặt tại Việt Nam và có từ 3 sáng lập viên trở lên...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội hoạt động trong phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh. Chủ tịch UBND cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội hoạt động trong phạm vi địa phương. Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thể ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội hoạt động trong phạm vi địa phương.
Ngoài ra, dự thảo luật đề nghị không áp dụng đối với: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam.
Ủng hộ những lập luận, giải trình về dự thảo luật nhưng bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp băn khoăn về việc định nghĩa hội đăng ký, hội không đăng ký. "Hội không đăng ký là gì? Hội đăng ký là gì?. Điều này cần cân nhắc, có thể tập trung hội có đăng ký thì quản lý, còn hội không đăng ký thì cân nhắc, chứ còn hi vọng quản hết và quy định vào trong này thì sẽ khó"- bà Nga nói.
Chung quan điểm, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Hiến pháp quy định công dân có quyền lập hội theo quy định của pháp luật. Luật này quy định về quyền lập hội của công dân, khi lập thì được công nhận, nếu không theo quy định của luật thì không được công nhận. "Nếu quy định hội không đăng ký thì phải giải mã dứt khoát hội nào phải đăng ký, hội nào không đăng ký, có ràng buộc rõ ràng vào dự thảo luật"- bà Thúy Anh bày tỏ.
Giải thích thêm, ông Nguyễn Khắc Định cho rằng ban đầu dự thảo luật không đưa nhóm hội không phải đăng ký vào, tuy nhiên sau đó có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội nói rằng đây là hình thức hội tự nguyện, nếu không điều chỉnh trong luật này thì không ổn.
"Phải đưa loại hội không đăng ký này vào, ghi vào luật để họ tuân theo nguyên tắc tự chủ, tự trang trải, tự chịu trách nhiệm và có hình thức thông báo với cấp xã khi ra đời; nếu vi phạm pháp luật thì cả hệ thống pháp luật xử lý"- ông Định nói.
Cứ mỗi Thứ trưởng về hưu lại thành lập một hội
Ông Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo luật cấm cán bộ công chức tham gia điều hành lãnh đạo hội có đăng ký và chỉ được thực hiện quyền này khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân công.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: "Nhiều đồng chí chuẩn bị nghỉ hưu thì xin thành lập Ban vận động thành lập Hội. Chuyện này rất nhiều nên trong dự thảo Luật về hội, chúng tôi đề nghị đối với cán bộ công chức lãnh đạo từ cấp vụ trở lên, sau 5 năm nghỉ hưu mới được tham gia thành lập, sáng lập, ban lãnh đạo của hội".
Theo ông Tuấn, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua cũng có nhiều ý kiến đề nghị làm rõ việc cán bộ công chức tham gia quyền lập hội để tránh "vừa đá bóng vừa thổi còi", lợi dụng ảnh hưởng trong lĩnh vực mình tham gia phụ trách để mang lại lợi ích cá nhân, vụ lợi và khắc phục thực trạng cứ chuẩn bị nghỉ hưu thì làm chủ tịch các hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu thực tế: "Có nhiều ông Thứ trưởng cứ về hưu là thành một hội, rồi xin nhà, xin xe, xin ngân sách, thậm chí xin biên chế nữa. Vừa rồi biết sắp ra đời Luật về hội này, có một số Bộ trưởng gặp tôi, nói lo lắm bởi ở bộ của họ đã có một số Hội rồi, mà Hội nào cũng ra đời chính đáng, cứ đeo bám xin tiền, xin chỗ làm việc, xin xe thì rất là mệt. Tôi nói cứ yên tâm, ra đời luật thì phải có nguyên tắc hoạt động rất rõ ràng".
Bà Ngân nói mình từng làm Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nên biết rất rõ chuyện "cứ mỗi Thứ trưởng về hưu là có một Hội ra đời". "Thực ra các hội này hoạt động rất tốt, huy động nguồn lực xã hội hoạt động tốt, nhưng quá nhiều thành ra việc đi vận động doanh nghiệp, vận động tài trợ cũng khiến doanh nghiệp than vãn. Ra đời luật này để quy định nguyên tắc, chính sách, quyền nghĩa vụ, điều cấm để chúng ta quản lý nhà nước"- bà Ngân nêu rõ và đề nghị không nên trì hoãn việc trình ra Quốc hội luật này.
Thế Kha
Theo Dantri
Quyền quản lý tín ngưỡng, tôn giáo sẽ "đẩy" về Bộ nào? Chiều 19/9, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Một trong những nội dung còn quan điểm khác nhau là cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo... Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đại diện cho cơ quan chủ trì soạn thảo dự án...