Buôn người qua biên giới ngày càng phức tạp
Theo ông Vũ Thế Phấn – Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng – Bộ Quốc phòng, từ năm 2011 đến nay, các đơn vị bộ đội biên phòng đã phát hiện, điều tra, xử lý 248 vụ/462 đối tượng phạm tội mua bán người qua biên giới.
Tuyên truyền nâng cao ý thức, giải pháp hiệu quả hạn chế nạn mua bán người.
Việc giải cứu gặp nhiều khó khăn
Là tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc, những năm gần đây, tình hình buôn bán người tại Lào Cai diễn ra phức tạp. Ông Nguyễn Tường Long – Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB&XH tỉnh Lào Cai cho biết, giai đoạn 2011 – 2015 Lào Cai phát hiện 392 vụ, giải cứu và tiếp nhận 585 nạn nhân bị buôn bán qua biên giới. Giai đoạn 2016- 2018 phát hiện 187 vụ/138 đối tượng, giải cứu và tiếp nhận 237 nạn nhân. Riêng 8 tháng đầu năm 2018, tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận 45 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó có 9/45 nạn nhân có hộ khẩu thường trú tại Lào Cai chiếm 20%; 10 nạn nhân là trẻ em chiếm 22%, hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông, Dao, Thái…
Các đối tượng tội phạm thường dùng những thủ đoạn hết sức tinh vi để lừa những phụ nữ, trẻ em nhẹ dạ cả tin như: Có một việc làm nhàn hạ có thu nhập cao (bán hàng lương tháng từ 5 – 7 triệu đồng), giả vờ yêu đương rủ đi chơi hoặc dẫn về ra mắt gia đình rồi mang thẳng sang Trung Quốc bán.
Một số đối tượng đánh vào tâm lý của những phụ nữ có gia đình nhưng cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc rồi dụ dỗ “sang Trung Quốc lấy chồng sẽ có cuộc sống giàu sang, sung sướng, được chiều chuộng và không phải làm gì vì Trung Quốc rất thiếu phụ nữ”. Tuy nhiên trên thực tế, những phụ nữ này lại bị bán làm vợ cho những người đàn ông già, nghèo, tật nguyền. Họ phải phục vụ tình dục và lao động cật lực, bất đồng ngôn ngữ, bị đánh đập, giam giữ tại gia đình nhà chồng và rất khó có cơ hội được trở về Việt Nam.
“Chỉ có khoảng 1,8% những phụ nữ bị bán sang Trung Quốc có thể tự trở về, mà phần lớn là qua hình thức trao trả song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đa số các nạn nhân khi trở về đều gặp các vấn đề về tâm lý và sức khoẻ” – ông Long nói.
Đánh giá về công tác giải cứu nạn nhân buôn bán người, ông Vũ Thế Phấn cũng cho biết, địa bàn biên giới vừa là nơi các đối tượng này tuyển mộ, lừa gạt, chứa chấp nạn nhân vừa là địa bàn trung chuyển, vận chuyển, chuyển giao nạn nhân qua biên giới. Trong đó tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc được xác định là tuyến trọng điểm về hoạt động của tội phạm mua bán người, tập trung chủ yếu tại các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Lào Cai.
Video đang HOT
Cũng theo ông Phấn, nạn nhân bị mua bán sang biên giới với nhiều mục đích khác nhau, song chủ yếu nhằm bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục, hôn nhân trái pháp luật, nhiều nạn nhân bị bán sâu vào các địa bàn nội địa của Trung Quốc nên việc giải cứu nạn nhân gặp nhiều khó khăn.
Tăng cường nguồn lực hỗ trợ nạn nhân
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân mua bán người hòa nhập cộng đồng, đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Giang cho biết, trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, các nạn nhân hầu hết được phía Trung Quốc trao trả chỉ ghi trong biên bản trao trả là công dân Việt Nam nhập cư trái phép. Trong khi đó, Hà Giang không có cơ sở lưu trú tạm thời, Nhà nước không có chế độ quy định hỗ trợ kinh phí trong khi chờ công an điều tra, xác minh, nạn nhân…Chính vì vậy công tác bàn giao cũng như hỗ trợ nạn nhân mua bán người gặp rất nhiều khó khăn.
Về vấn đề này, ông Lê Đức Hiền – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cũng cho rằng, mức quy định hỗ trợ như hiện nay quá thấp, do đó cần phải nghiên cứu sửa đổi theo hướng tăng mức hỗ trợ trực tiếp về y tế cho nạn nhân, đồng thời bổ sung sửa đổi các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nạn nhân tiếp cận được với các dịch vụ hỗ trợ về trợ giúp pháp lý, vay vốn, dạy nghề, học nghề, tạo việc làm…
Thực tế tại phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng chống mua bán người giai đoạn 2012 – 2017 mới đây của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, nhiều đại biểu cũng chỉ ra rằng, Luật Phòng chống mua bán người quy định nhiều chính sách rất nhân đạo, tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về sớm tái hoà nhập cộng đồng, nhưng trên thực tế một số địa phương chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho họ được hưởng các chế độ theo quy định của luật.
Đáng chú ý là mức hỗ trợ tiền ăn cho nạn nhân trong thời gian tạm trú tại các cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định hiện nay là rất thấp, chỉ 30.000 đồng/người/ngày, bằng mức ăn của các đối tượng tại cơ sở bảo trợ xã hội. Còn hỗ trợ tiền thuốc thông thường 50.000 đồng/người là không phù hợp với nhu cầu nạn nhân vừa được giải cứu trở về. Bên cạnh đó, thủ tục làm hồ sơ để thực hiện ban đầu còn quá rườm rà, gây khó khăn cho nạn nhân.
Lê Bảo
Theo daidoanket
"Kỳ tích" của hai nạn nhân từng bị lừa bán qua biên giới
Chị Lữ Thị Tím (ở bản Pủng, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) và chị Lô Thị Mày (ở bản Tam Bông, xã Tam Quang, huyện Tương Dương, Nghệ An) từng trốn thoát cạm bẫy buôn người từ bên kia biên giới.
Ít ai ngờ, sau khi trở về quê, họ lại trở thành nhân tố số một của Câu lạc bộ (CLB) phòng chống buôn người tại địa phương, thậm chí trở thành cán bộ chủ chốt của bản.
Ngoài việc tuyên truyền chống nạn buôn người, chị Lữ Thị Tím còn "truyền nghề" thêu ren đồ thổ cẩm. ẢNH: V. ĐỒNG
Trang đời mới của cô gái bản Pủng
Chúng tôi trở lại bản Pủng với một tâm trạng khác lần trước khi tìm đường đến đây viết về câu chuyện buồn của chị Lữ Thị Tím (33 tuổi) bị lừa bán sang động quỷ buôn người bên kia biên giới rồi trở về với đôi chân bị cưa cụt (Bài "Xót xa cô gái đẹp bị lừa bán, về nhà với đôi chân cụt" đăng trên Báo Gia đình & Xã hội ngày 30/12/2017). Bây giờ, chị Tím không chỉ là "tay nghề giỏi về thêu ren thổ cẩm" mà còn là một "diễn giả" của Hội phụ nữ huyện trong CLB phòng chống buôn người.
Vẫn trong ngôi nhà sàn của bố mẹ, chị Tím không rời tay thêu áo váy thổ cẩm cho người Thái theo đơn đặt hàng. Do hai bàn chân bị cưa cụt nên khi chúng tôi đến, chị Tím cất giá thêu rồi dùng hai tay "đi" bằng hai chiếc ghế con đến bên cửa sổ nhà sàn để tiếp chuyện. Chị Tím kể: "Năm 2011, khi bị lừa bán sang Trung Quốc, tôi mới 26 tuổi đã thạo nghề thêu ren nhưng chưa khá như bây giờ. Nay ngồi ở nhà làm cũng không đủ hàng cho những đại lí mua lẻ, bán sỉ".
Vui với nghề tạo dựng được cuộc sống, chị Tím càng vui hơn khi kể về "nghề" mới là "làm diễn giả vì cộng đồng". Chị Tím tâm sự: "Mỗi lần CLB sinh hoạt, Hội phụ nữ huyện muốn tôi thuật lại chuyện "người thật, việc thật" của mình khi bị lừa bán và sau khi được giải thoát, trở về bản làng để có hôm nay cho chị em phụ nữ các bản trong xã nghe nhằm giúp họ cảnh giác, không dễ bị lừa bán như tôi trước đây".
Nhắc tới chuyện này, chị Vũ Thị Huyền - Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Kỳ Sơn không ngớt lời khen "diễn giả" Lữ Thị Tím. "Mỗi lần Tím cầm micro kể lại câu chuyện li kì nhưng đầy những tủi buồn của mình thì hội trường im phăng phắc bởi câu chuyện của chị Tím có sức thu hút ghê gớm. Rất tiếc, việc đi lại của chị Tím khó khăn nên chị em ở nhiều địa phương khác trong huyện chưa được tiếp cận "nhân chứng" sinh động này. Bù lại, chúng tôi tổ chức quay clip những buổi kể chuyện của chị Tím ở bản Pủng để các CLB của xã khác được biết", chị Huyền nói.
Qua nhiều lần làm "diễn giả" với cách kể chuyện súc tích và lôi cuốn, chị Tím trở thành tuyên truyền viên tích cực cho CLB tuyên truyền phòng chống nạn buôn người trên địa bàn. Theo chị Huyền, thực tế dẫn chứng của chị Tím góp phần nâng cao tầm nhận thức của chị em phụ nữ vùng cao, từ đó họ không còn bị lừa gạt, gây nên những chuyện đời thương tâm, làm giảm số vụ án buôn bán người qua biên giới trên những địa bàn rẻo cao giáp biên giới Việt - Lào.
Trở thành Bí thư Chi bộ bản
Tại bản Tam Bông, chúng tôi nghe một câu chuyện khác thú vị không kém chuyện chị Tím: Nạn nhân sau khi được giải cứu trở về địa phương đã trở thành hộ gia đình làm kinh tế khá, bản thân chị được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ bản rồi Bí thư Chi bộ bản Tam Bông. Đó là chị Lô Thị Mày, 39 tuổi.
Chị Mày kể: "Năm 2014, tôi 35 tuổi, đã có chồng và hai con nhỏ. Thời gian này, gia đình đã được vay vốn nhưng chưa vực được kinh tế gia đình. Lúc đó có người đến nhà xin số điện thoại của tôi, sau đó họ gọi điện và hứa sẽ dẫn tôi đi xin việc làm. Tôi được đưa sang Trung Quốc, làm thuê trong một công ty sản xuất dây xạc điện pin điện thoại. Suốt 4 tháng trời làm lụng vất vả nhưng người ta không trả tiền lương. Biết bị lừa nên tôi đã bỏ trốn cho đến khi được Bộ đội biên phòng Lạng Sơn giải cứu".
Sau khi về tới bản, chị Mày được Chi hội Phụ nữ xã và cấp Ủy, Ban quản lý thôn bản cho vay 500.000 đồng để gây dựng vốn. "Lúc đó, lợn đang rẻ, tôi mua được một đôi lợn để nuôi. Đến giờ, gia đình có thêm 4 con bò và nhận khoanh nuôi bảo về 5ha rừng", chị Mày kể.
Thấy chị Mày chịu khó, gương mẫu trong cuộc sống nên năm 2015, chị được Ban chấp hành Hội phụ nữ xã giới thiệu, bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ bản Tam Bông. Làm được 2 năm, chị được Cấp ủy địa phương bầu làm Bí thư Chi bộ bản này. Chị đang làm tốt công việc được giao thì năm 2018 bị đau dạ dày, nhiều lần phải điều trị tại bệnh viện nên xin nghỉ việc ở bản.
Chị nói: "Khi làm cán bộ phụ nữ và cán bộ bản, tôi kiêm luôn cả việc truyên truyền viên của CLB phòng chống buôn bán phụ nữ của huyện. Chuyện của mình suốt đời không thể quên được, cộng với những gì mình làm được sau khi trở về quê là cơ sở để tôi tâm sự với các chị em. Phụ nữ là những người yếu thế, hiểu biết xã hội hạn chế nên khi tôi kể lại thực tế chuyện đời mình thì ai cũng hiểu và rút ra bài học cảnh giác cho mình. Đến bây giờ không làm cán bộ nữa nhưng việc truyên truyền tôi vẫn làm như trước".
Cũng như cách tuyên truyền của chị Tím ở bản Pủng, cách làm của chị Mày ở bản Tam Bông giúp ích rất nhiều cho các chị em trên địa bàn biết nhận thức để cảnh giác, tránh xa những cạm bẫy buôn người đang âm thầm diễn ra tại vùng cao này.
Từ mô hình đến CLB tại các điểm "nóng"
Bà Hà An, Trưởng Ban chính sách - luật pháp thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An cho biết: "Năm 2012, khi nạn buôn bán phụ nữ "nóng" lên tại các huyện vùng cao biên giới ở Nghệ An, Hội phụ nữ tỉnh kết hợp Công an tỉnh chỉ đạo thành lập "Mô hình hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người". Từ mô hình này, Hội phụ nữ huyện thành lập các CLB phòng chống buôn bán người ở các địa bàn thường xảy vụ việc. Tại Kỳ Sơn, 4 xã có CLB là Chiêu Lưu, Phà Đánh, Bảo Thắng, Na Ngoi. Tại huyện Tương Dương có CLB tại 4 xã Tam Quang, Nga My, Xá Lượng, Lưỡng Minh. Trung bình một CLB có 50 thành viên tham gia. Hiện CLB này đã xuất hiện trên địa bàn nhiều xã thuộc các huyện có nguy cơ buôn bán người trong tỉnh".
Vũ Đồng
Theo giadinh
Sơn La: Bản Mông chìm trong biển nước suốt 1 tháng, người dân điêu đứng Nương ngô, vườn mận của bà con bị ngập sâu trong biển nước. Suốt 1 tháng qua, người dân ở bản Tả Phình, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đang phải gồng mình chống chọi với mưa lũ. Cả trăm ha ngô, mận của bà con bản Tả Phình ngập sâu trong biển nước, chỗ ngập sâu nhất lên đến...