Buôn lậu xăng dầu trên biển còn phức tạp
Hoạt động buôn lậu xăng dầu xuất hiện các đầu nậu là người Việt Nam móc nối với các đối tượng người nước ngoài, thỏa thuận về giá cả, thời gian, địa điểm giao hàng, phương thức thanh toán, sau đó nhận dầu trực tiếp trên biển.
Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật ( Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) Trần Văn Nam thông tin tới phóng viên báo, đài. Ảnh: Q.H
Đó là những thông tin do Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) Trần Văn Nam thông tin tới các phóng viên báo, đài tại buổi Họp báo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia diễn ra sáng nay 31/7.
Theo Cục trưởng Trần Văn Nam, tình hình tội phạm trên biển diễn ra phức tạp. Trong đó, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên nhiều lĩnh vực, ngành hàng khác nhau, với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhằm trốn tránh sự tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Riêng các vi phạm liên quan đến mặt hàng xăng dầu có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, số lượng hàng hóa. Nhiều vụ việc do lực lượng Cảnh sát biển phát hiện có trị giá xăng dầu rất lớn và có yếu tố nước ngoài. Hoạt động này diễn ra chủ yếu ở các vùng biển như: Đông Bắc, Bắc miền Trung và Nam bộ.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng Cảnh sát biển thực hiện hàng trăm chuyến tàu tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển trọng điểm. Kết quả lực lượng đã tiến hành kiểm tra 179 lượt tàu, thuyền các loại, xử phạt vi phạm hành chính hơn 700 triệu đồng.
Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, xử lý 37 tàu/138 đối tượng; thu giữ 7,5 triệu lít xăng dầu, 25.000 lít dầu FO; 64 tấn đam U rê; 728 tấn quặng sắt; 8.000 tấn than; 1.500 tấn Clanke…. Bán phát mại số tang vật bị tịch thu, thu nộp vào ngân sách hơn 91 tỷ đồng; bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý 7 vụ/6 tàu 1 xuồng; thu giữ 99 kg pháo nổ; 26.450 bao thuốc lá ngoại nhập lậu; 33.000 con chim bồ cầu…
Trong đó, lực lượng Cảnh sát biển phát hiện, xử lý 20 tàu/107 đối tượng trong đó có 20 đối tượng người nước ngoài liên quan đến mua bán xăng dầu; xử phạt 1,4 tỷ đồng; tịch thu 7,5 triệu lít xăng dầu; bán phát mại, thu nộp vào ngân sách trên 90 tỷ đồng.
Video đang HOT
Ông Trần Văn Nam lý giải: Những tháng đầu năm 2018, số lượng tàu thuyền hoạt động trên biển tăng, nhất là các tàu cá của ngư dân nên nhu cầu sử dụng xăng dầu trong khai thác hải sản trên biển rất lớn. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước có sự chênh lệch so với giá xăng dầu bán trên biển (do một phần xăng dầu lậu không chịu thuế, phí-PV). Bên cạnh đó, dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân, nhân dân về cả số lượng và giá cả.
Đơn cử như ở vùng biển Tây Nam, hoạt động buôn lậu xăng dầu xuất hiện các đầu nậu là người Việt Nam móc nối với các đối tượng người nước ngoài, thỏa thuận về giá cả, thời gian, địa điểm giao hàng, phương thức thanh toán, sau đó nhận dầu trực tiếp trên biển.
Một số tàu dịch vụ hậu cần nghề cá nhận dầu từ trong đất liền, sau khi cung cấp hết số dầu hiện có, tiếp tục mua dầu trôi nổi của tàu nước ngoài, bán lại cho ngư dân (chi phí thấp, lợi nhuận cao-PV).
Ở vùng biển miền Bắc và miền Trung, các đối tượng lợi dụng chính sách vùng đặc quyền kinh tế đối với các nước theo Công ước Luật biển năm 1982 để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu. Bởi, Công ước Luật biển năm 1982 không điều chỉnh lĩnh vực về vấn đề thương mại nên các tàu nước ngoài lợi dụng để hoạt động ở các vùng biển vùng đặc quyền kinh tế.
Bên cạnh đó, hoạt động này có hiện tượng lợi dụng vận đơn quốc tế quay vòng của cùng một công ty nhằm đối phó cơ quan chức năng khi bị kiểm tra, bắt giữ hoặc sử dụng tàu không số hiệu, số hiệu giả để giao dịch mua bán gây khó khăn cho quá trình điều tra.
Quang Hùng
Theo baohaiquan
Khởi tố điều tra một doanh nghiệp buôn lậu có hành vi xóa dấu vết
Sau khi 8 container hàng điện lạnh, điện tử đã qua sử dụng nhập khẩu về cảng Cát Lái bị cơ quan Hải quan phát hiện, bắt giữ, mặc dù không xuất hiện, nhưng DN đã có hành vi xóa dấu vết nhằm trốn tránh trách nhiệm.
Hàng điện lạnh đã qua sử dụng bị Hải quan TP.HCM bắt giữ tại cảng Cát Lái. Ảnh: T.H.
8 container hàng cấm "đội lốt" rổ nhựa
Sau hơn một năm mở rộng điều tra, làm rõ việc nhập lậu 8 container hàng cấm, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 vừa khởi tố hình sự tội "Buôn lậu" xảy ra tại cảng Cát Lái, liên quan đến Công ty TNHH TM DV Vận tải Giao nhận hàng hóa XNK Trí Nguyễn (Công ty Trí Nguyễn- địa chỉ tại số 3/4 Phan Văn Sử, quận Tân Bình, TP.HCM). Lần theo hồ sơ vụ việc cho thấy, thủ đoạn nhập lậu hàng hóa của Công ty Trí Nguyễn rất tinh vi.
Ngày 2/6/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 ban hành quyết định khám xét và phối hợp với các lực lượng kiểm tra 2 container hàng nhập khẩu khai báo là rổ nhựa của Công ty Trí Nguyễn. Kết quả, phát hiện trong 2 container hàng này không có mặt hàng nhựa như khai báo của DN, toàn bộ hàng hóa chứa trong container là máy lạnh, tủ lạnh, nồi cơm điện... đã qua sử dụng.
Từ 2 container hàng cấm bị phát hiện nêu trên, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 và Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan TP.HCM tiếp tục rà soát phát hiện thêm 6 container hàng của DN này đã cập cảng Cát Lái, hàng hóa đều thể hiện là mặt hàng rổ nhựa.
Theo lãnh đạo Tổ Kiểm soát Hải quan- Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, 8 container hàng này được nhập khẩu từ Nhật Bản về Việt Nam khai báo là rổ nhựa. Khám xét các lô hàng này, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện toàn bộ hàng hóa chứa trong 8 container là hàng cấm nhập khẩu, gồm máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh, nồi cơm điện, lò nước, máy tính xách tay.... đã qua sử dụng- nằm trong danh mục hàng cấm nhập khẩu theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ. Trị giá hàng vi phạm trên 13,8 tỷ đồng.
Để phát hiện được các container hàng cấm nêu trên, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã nghiên cứu hồ sơ lô hàng, phát hiện lô hàng này được các đối tượng chuyển lòng vòng qua nhiều nước trước khi đưa về Việt Nam nhằm đánh lạc hướng cơ quan chứa năng của Việt Nam. Cụ thể, lô hàng được chuyển từ Nhật Bản qua Thẩm Quyến- Trung Quốc, tiếp đó đến cảng tại Hồng Kông, rồi mới vận chuyển về cảng Cát Lái- TP.HCM. Tuy nhiên, thủ đoạn của lô hàng 8 container hàng cấm đội lốt rổ nhựa nhập khẩu đã bị phất hiện, ngăn chặn ngay tại cảng Cát Lái.
Doanh nghiệp không lộ diện, nhưng xóa dấu vết
Trong quá trình mở rộng điều tra, xác minh vụ việc, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã phát hiện nhiều tình tiết bất thường trong hoạt động của Công ty Trí Nguyễn.
Trong suốt quá trình cơ quan Hải quan xác minh, khám xét lô hàng, mặc dù đại diện DN không lộ diện, nhưng lại có nhiều hành động nhằm xóa dấu vết liên quan đến 8 container hàng cấm nêu trên.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, mặc dù hồ sơ nhập khẩu 8 container hàng nêu trên đều thể hiện người nhận là Công ty Trí Nguyễn, nhưng đại diện hãng tàu và cơ quan Hải quan đều không liên lạc được với công ty này. Xác minh tại địa chỉ đăng ký kinh doanh là nhà dân sinh sống, không có DN nào hoạt động.
Công ty Trí Nguyễn đăng ký thành lập vào tháng 9/2016, có chủ sở hữu và người đại diện pháp luật là Nguyễn Minh Trí, sinh năm 1993, ngụ tại Bình Phước. Tuy nhiên, làm việc với cơ quan Hải quan ông Trí cho biết, bản thân ông đi làm thuê, ông không thành lập DN nào, cũng chưa từng nghe đến Công ty Trí Nguyễn. Cũng không ai liên hệ với ông để thành lập hay thuê ông làm giám đốc DN này. Có một tình tiết đó là ông có đánh mất CMND, nhiều khả năng, đối tượng đã nhặt được và sử dụng để thành lập Công ty Trí Nguyễn.
Xác minh tại cơ quan Thuế được biết, ngày 12/4/2017, Chi cục Thuế quận Tân Bình ra thông báo doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký với cơ quan Thuế, nhưng đến ngày 29/5/2017, Công ty Trí Nguyễn lại gửi công văn cho Chi cục Thuế Tân Bình đề nghị khôi phục lại mã số thuế để tiếp tục hoạt động. Ngày 8/6/2017, Chi cục thuế đã khôi phục mã số thuế theo yêu cầu của DN. Nhưng từ đó đến thời điểm vi phạm, Công ty Trí Nguyễn không phát sinh doanh thu và không nợ thuế.
Sau khi lô hàng cấm nêu trên bị phát hiện tại cảng Cát Lái, ngày 10/7/2017, Công ty Trí Nguyễn làm thủ tục đăng ký lần 2 thay đổi chủ sở hữu là Nguyễn Việt Hoàng. Với thông tin điều tra này, lãnh đạo Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 cho rằng, công ty thay đổi pháp nhân nhằm trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật, đồng thời xin điều chỉnh container hàng vi phạm đã khám xét qua loại hình hàng quá cảnh để né chính sách mặt hàng. Những hành vi trên cho thấy, Công ty Trí Nguyễn có hành vi cố tình nhập khẩu hàng cấm. Công ty đã lợi dụng kẽ hở trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cũng như việc sửa đổi điều chỉnh các thông tin trên giấy phép không cần xác thực của cơ quan cấp phép để thay đổi, xóa dấu vết sau khi đưa về cảng Cát Lái một lượng lớn hàng điện lạnh, điện tử đã qua sử dụng, có trị giá rất lớn.
Sau khi khởi tố vụ án hình sự, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 bàn giao hồ sơ vụ việc cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM điều tra, truy tìm chủ đích thực núp bóng nhập lậu số hàng cấm nêu trên.
Lê Thu
Theo baohaiquan
Hải quan phát hiện 9 vụ vận chuyển trái phép khoảng sản, xăng dầu Nửa đầu năm 2018, lực lượng kiểm soát Hải quan đã phát hiện 9 vụ vận chuyển trái phép khoáng sản, xăng dầu không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Lực lượng Hải quan cũng sử dụng Hệ thống định vị giám sát trên không (UAV) theo dõi, giám sát đã phát hiện phương tiện vận chuyển trái phép trên...