Buôn lậu thuốc lá : Diễn biến phức tạp
Mặc dù thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đã tạo được sự chuyển biến cả về nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả trong đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, song số vụ buôn lậu thuốc lá bị phát hiện, bắt giữ chỉ chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn.
Kết quả chưa tương xứng
Thực tế cho thấy, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp, chỉ có thể tăng giảm trong từng giai đoạn, chứ chưa bao giờ chấm dứt. Để ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này, Chính phủ đã có Chỉ thị số 30/CT-TTg (ngày 30/9/2014) về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai chuyên đề có trọng điểm. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã tạo được sự chuyển biến cả về nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả trong đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong hai năm 2017, 2018 lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã bắt giữ gần 3 triệu bao thuốc lá ngoại nhập lậu. Từ đầu năm đến nay, tình trạng buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu giảm so với những năm trước.
Vận chuyển thuốc lá lậu chủ yếu là cư dân sống quanh khu vực biên giới
Video đang HOT
Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng tình hình thực tế, chưa đáp ứng mong muốn, kỳ vọng của Chính phủ và người dân. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), số vụ buôn lậu thuốc lá mà các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn so với thực tế. Ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) – cho rằng, nguyên nhân của vấn nạn này do buôn lậu thuốc lá đem lại siêu lợi nhuận. Cùng với đó, địa hình kênh rạch chằng chịt, đường mòn lối tắt nhiều là điều kiện cho các đối tượng buôn lậu thẩm lậu thuốc lá vào Việt Nam. Mặt khác, công tác tuyên truyền về tác hại thuốc lá nhập lậu của Việt Nam hiện chưa đủ mạnh…
Tăng cường phối hợp
Xác định đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá ngoại nhập lậu là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, đa dạng về hình thức tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức người dân về tác hại của buôn lậu thuốc lá đối với xã hội và kêu gọi mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này. Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân đưa tin, tố giác hành vi buôn lậu thuốc lá cho lực lượng chức năng. Song song với đó, tăng cường cơ sở vật chất cho lực lượng chống buôn lậu, bởi buôn lậu ngày càng tinh vi, hiện đại, nhưng cơ sở vật chất của lực lượng chức năng vẫn còn rất khó khăn.
Ngoài ra, do hiện nay, các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu chủ yếu là cư dân sống quanh khu vực biên giới, theo Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh, giải pháp căn cơ và dài hạn đẩy lùi vấn nạn này là đảm bảo công ăn việc làm cho người dân nơi đây không tiếp tay cho buôn lậu. Trong ngắn hạn, tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị cho bản thân lực lượng chống buôn lậu, tránh tuyệt đối tình trạng mang tính bảo kê, tiếp tay buôn lậu.Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố, các lực lượng chức năng (bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, công an, QLTT, thanh tra chuyên ngành) tăng cường thanh tra, kiểm tra; phân công cụ thể, gắn trách nhiệm của người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách.
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh:
Việc phối hợp tốt giữa các lực lượng và từng lực lượng làm quyết liệt, làm đến cùng thì công tác chống buôn lậu thuốc lá sẽ hiệu quả hơn.
Thu Phương
Theo congthuong
Buôn lậu vẫn tung hoành, vì sao?
Cứ đến gần tết là tình hình buôn lậu lại nóng lên. Theo số liệu của các lực lượng chức năng thì hàng năm, lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam khoảng 1 tỷ bao, làm thất thoát ngân sách nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng Quảng Trị giữ xe khách chở hàng lậu từ biên giới vào nội địa
Cứ đến gần tết là tình hình buôn lậu lại nóng lên. Theo số liệu của các lực lượng chức năng thì hàng năm, lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam khoảng 1 tỷ bao, làm thất thoát ngân sách nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng. Số liệu điều tra của tổ chức quốc tế Oxford Economics cũng cho thấy, Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong 14 quốc gia vùng lãnh thổ châu Á. Hàng lậu có thể giết chết bao người, làm hại nền kinh tế, mặc dù chúng ta có quá nhiều tổ chức chống buôn lậu, thế nhưng 1 tỷ bao thuốc lá (con số quá khổng lồ) đã vào Việt Nam bằng cách nào, sao không cán bộ nào bị xử lý?
Mới đây, lực lượng cảnh sát biển đã phát hiện, thu giữ 700.000 lít xăng dầu không rõ nguồn gốc được vận chuyển trên biển, đang "chảy" ra ngoài. Việc xăng dầu đang chảy qua biên giới đáng ra cần phải được kiểm tra từ lâu, thế nhưng không được chỉ đạo làm rõ.
Ở hầu hết các tỉnh giáp biên giới Campuchia, việc luôn lậu xăng dầu bằng đường tiểu ngạch qua biên giới đáng báo động, nhưng không cơ quan nào tham gia xử lý. Điển hình, ở Tây Ninh - một tỉnh biên giới nghèo, kinh tế chưa phát triển mạnh, lượng nhiên liệu cần cho sản xuất và cho giao thông không lớn nhưng vì sao nhà nhà mở cây xăng, ở các tuyến đường ngoại thành của tỉnh thì chỉ vài kilômet là có một cây xăng. Ngay tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám trong trung tâm thành phố Tây Ninh, chỉ dài vài cây số, mà cũng có đến 5 - 7 cây xăng. Mật độ xe cộ không đông, vậy tại sao cây xăng mọc lên như nấm, phục vụ ai mà các cây xăng này vẫn tồn tại và phát triển?
Các câu hỏi trên khiến người dân đặt vấn đề về công tác quản lý của các cơ quan nhà nước. Năm nào cứ đến cuối năm, chính các cơ quan có trách nhiệm phòng chống buôn lậu lại kêu ca buôn lậu tăng, khó kiểm soát. Trong khi cái người dân mong chờ là các cơ quan này phải chịu trách nhiệm khi để buôn lậu xảy ra, thay vì kêu ca. Đã đến lúc Chính phủ cần giao trách nhiệm quản lý địa bàn, phân rõ trách nhiệm cho các cơ quan như sở công thương, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế...
Nếu người dân phát hiện buôn lậu thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan nào thì người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm, chứ không thể như hiện nay, quá nhiều cơ quan có quyền quản lý, xử phạt, nhưng hàng lậu vẫn... tung hoành.
CHẾ HÂN
Theo sggp
Phát hiện 2 container chứa hơn 100 bao vảy tê tê Ngày 23/5, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3)- Cục Điều tra chống buôn lậu đã ra quyết định khám xét 2 container hàng nhập khẩu và phối hợp với Đội 1, Phòng 2- Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Chi cục Hải quan cảng Cái Mép (Cục Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu) khám...