Buôn bán “thần dược” giá “khủng” và những kế hoạch lừa đảo tinh vi
Tôi gọi vào số điện thoại 09361400xx để nhờ tư vấn và mua thần dược chữa bệnh ung thư. Trả lời tôi, chủ hàng thuốc nam ríu rít: “Anh tìm đúng địa chỉ rồi, xáo tam phân đặc trị ung thư giai đoan cuối, nhiều người chữa khỏi rồi. Anh cứ mua 1 kg, sắc uống là chắc khỏi”. Và để tôi biết địa chỉ, chủ hàng thuốc nam cho tôi địa chỉ: số xxx đường 20 phường 5 quân Gò Vấp TP Hồ Chí Minh. Đến khi hỏi giá thì chủ hiệu ân cần: Em giảm giá cho anh, thuốc thật đảm bảo, chỉ 3 triệu/kg thôi. Ông chú tôi ở Phú Yên chuyên đi đào xáo tam phân bán cho con buôn chỉ được giá có 500 nghìn/kg.
Có thể nói chưa ở đâu như ở nước ta cứ mỗi năm lại phát hiện ra một thần dược chữa được tất cả mọi bệnh nan y. Từ ung thư giai đoạn cuối, chó dại cắn đã lên cơn… đến cổ trướng, tiểu đường, thận suy, tâm thần phân liệt, thậm chí AIDS. Những người bệnh thì vái tứ phương, được bệnh viện cho biết mắc trọng bệnh là dỏng tai lên nghe, thấy đâu có cơ hội, dẫu mong manh cũng phải tìm đến. Hỡi ơi, bao nhiêu thần dược ra đời, bao nhiêu tin đồn chữa khỏi cả một huyện người mắc ung thư mà bên Na Uy không gửi cho cái Noben nào.
Không phải họ hẹp hòi gì, chỉ cần tìm ra một cơ may có thể kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư họ đã cho ngay một cái giải Noben hàng triệu USD cùng bao nhiêu danh tiếng rồi. Khổ. Người ta không cho những người phát hiện ra các thần dược bởi vì toàn thần dược đểu, toàn bịp bợm để kiếm tiền của người mang trọng bệnh sắp chết. Có thể pháp luật dương gian chưa sờ đến nhưng khi sang thế giới bên kia chắc Diêm vương không thể tha cho tội trọng này.
Chết vì cây mật nhân
Trong mấy tháng gần đây, thiên hạ đồn ầm ĩ chuyện mới phát hiện được cây mật nhân chữa được đủ mọi loại bệnh. Từ ung thư đến u nang, tiểu đường, viêm gan đến cả bệnh tim cũng khỏi. Chỉ cần đem 30g mật nhân khô đun kỹ lấy nước uống là khỏi ngay. Thì đây: Ngày 16/9, bác sĩ Nguyễn Xuân Tạo, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viên Đa khoa Lâm Đồng cho biết, tại bệnh viện vừa có một bệnh nhân tử vong, một bệnh nhân khác được cứu sống sau 5 ngày cấp cứu do uống rượu ngâm rễ cây mật nhân.
Bệnh nhân Nguyễn Quang Hướng, 55 tuổi, trú tổ 3, Chi Lăng 2, thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) nhập viện với các triệu chứng khó thở, chân tay co giật, nhịp tim nhanh. Theo lời kể của gia đình ông Hướng, trưa 10-9 người hàng xóm tên Sang đã cho ông Hướng một đoạn cây và gọi đó là “mật nhân” để ngâm rượu. Sau khi uống rượu ngâm, ông Hướng bị tê môi lưỡi, co giật, tím tái và được gia đình đưa đi cấp cứu. Không tin rễ cây mình cho hàng xóm là độc dược, trưa 14/9, ông Sang lấy rượu của ông Hướng ngâm uống một lúc 3 ly để “chứng minh” và đã tử vong vài giờ sau đó. Các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã khám nghiệm tử thi và niêm phong các bình rượu ngâm rễ cây nói trên để giám định độc tố.
Không chỉ mật nhân, trong thời gian qua hàng loạt “phát hiện động trời” về thần dược chữa bách bệnh đã làm xáo động dư luận. Nào cây kim cương, cà gai dây leo, chạc quẹt, bột rắn lục, bột vàng, địa sâm, mật gấu, óc khỉ, máu-mật rắn hổ đất… làm dân các tỉnh miền núi ráo riết phá rừng săn tìm còn người bệnh lẫn con buôn cũng lao đến cửa rừng chờ đợi thu mua, đẩy giá lên cao chót vót. Giá rễ cây mật nhân từ chỗ 50-70 nghìn một kg, bây giờ ở TP Hồ Chí Minh đã lên đến trên hai triệu đồng một kg khô. Gia cây kim cương tươi từ 200 nghìn đồng một kg, bây giờ là 1.800.000 đồng/ kg. Nhiều người đã tìm đến các loại “thần dược” mong khỏi bệnh dù tốn kém, nhưng cuối cùng cũng chỉ là tiền mất tật mang.
Quá nhiều người đã chết sớm chỉ vì tin vào những thần dược có thể chữa được ung thư. Tại Bệnh viện Ung bướu, chị Mai Hoa, ở số nhà 131 Phương Sài, Nha Trang, Khánh Hòa có người thân bị ung thư vòm họng, giọng buồn bã: “Cũng tại gia đình nóng ruột, nghe người ta chỉ cho anh uống bột sụn cá mập liên tục trong vòng 20 ngày sẽ có cải thiện nên ngưng xạ trị… nhưng uống đủ 20 ngày thì anh ấy ra đi”.
Nhưng tại sao người ta lại tin đó là thần dược? Không thể không tin khi những kẻ lừa đảo đã tổ chức cả một chiến dịch công phu, thậm chí có cả sự hỗ trợ vô tình của các cơ quan nghiên cứu lẫn các phương tiện truyền thông đại chúng. Trường hợp thần dược Xáo tam phân là một ví dụ.
Những kế hoạch lừa đảo tinh vi
Video đang HOT
Đầu năm 2012 bà Trần Thị Xuân Hồng, thường trú ở thôn Tây, xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa tung tin cho một số phóng viên về một người mắc bệnh gan nặng, bệnh viện đã trả về nhà để chờ chết đã được chữa khỏi nhờ một loại cây rừng. Có vẻ là tin “hot” mấy tờ báo cử phóng viên về khai thác tài liệu viết bài. Đó là câu chuyện một ông tên là Lê Hàng do uống rượu nhiều bị bệnh gan nặng, bụng to như cái trống. Đến bệnh viện, bệnh viện không chữa được, cho về nhà chờ chết. Trong khi chờ chết, ông Hàng được một người bạn là công nhân cho một đoạn cây, bảo sắc lên uống thử. Ai ngờ sau khi uống vào thấy đỡ. Ông uống thêm gần một tháng, bệnh khỏi hẳn, thậm chí khỏe hơn người bình thường.
Sau khi báo chí vào cuộc, chuyện cây Xáo tam phân được nhiều người quan tâm. Sở Y tế Khánh Hòa lấy mẫu cây Xáo tam phân gửi cho Viện Dược liệu TW để kiểm nghiệm. Rất nhanh chóng Viện Dược liệu TW đã kiểm nghiệm và gửi thông báo cho Sở Y tế Khánh Hòa. Kết luận quan trọng nhất sau khi nghiên cứu trong ống nghiệm và trên chuột bạch là: “Đánh giá sơ bộ ban đầu về cây lạ ở Ninh Vân là cây Xáo tam phân có một số thành phần hóa học thường gặp trong cây thực vật, có độc tính thấp, có tác dụng chống viêm gan cấp, ức chế 5 dòng tế bào ung thư trên chuột nhắt”.
Đây chỉ là một thông báo định hướng để ngành y tế Khánh Hòa có hướng tiến hành các bước nghiên cứu theo quy trình nghiên cứu phát triến thuốc, hóa dược, sinh y phẩm chữa bệnh mà Bộ Y Tế đã quy định rất rõ ràng trong thông tư số 03/2012 TT-BYT ngày 2 tháng 2 năm 2012, chứ hoàn toàn không công nhận giá trị thật sự của Xáo tam phân ức chế 5 dòng tế bào ung thư. Thế nhưng ngay sau đó thay vì công bố thông báo của Viện Dược liệu TW, Sở Y tế Khánh Hòa đã ra một thông báo về kết quả kiểm nghiệm của Viện Dược liệu TW, trong đó có nội dung: “Xáo tam phân có giá trị thực sự trên ống nghiệm (in vitro) và trên động vật thực nghiệm chuột trắng (in vivo)”, làm bùng lên một làn sóng tìm mua Xáo tam phân chữa bệnh ung thư trên cả nước, rừng bị tàn phá tơi bời. Đến nay có thể coi cây Xáo tam phân bị tuyệt diệt trên đất Khánh Hòa, đến độ tỉnh Khánh Hòa đang đề xuất một dự án dùng ngân sách để bảo tồn, phát triển cây Xáo tam phân. Giá cây Xáo tam phân từ vài chục nghìn lên hàng trăm nghìn và bây giờ là nhiều triệu đồng. Một Việt kiều từ Mỹ về, kể trên báo chí đã phải mua 1kg lõi cây Xáo tam phân với giá 2.000 USD/kg.
Nhưng thực chất ông Lê Hàng chưa bao giờ mắc bệnh gan đến độ bệnh viện trả về. Ông chỉ đi khám tại một phòng khám tư nhân (Phòng khám Phúc Lộc), và tất cả tài liệu lưu cho thấy ông chỉ bị viêm gạn mãn tính nhẹ do uống nhiều rượu. Và ông Sinh, người cho ông khúc cây rừng ấy không ai khác là một ông lang ở địa phương. Và cuối cùng người tổ chức khai thác, buôn bán cây xáo tam phân trên địa bàn Khánh Hòa là hai ông Hàng và ông Sinh.
Kết quả nghiên cứu khoa học chính thức cho thấy, Xáo tam phân không có tác dụng chữa bệnh, Bộ Y tế chưa cấp bất kỳ giấy phép nào cho phép dùng Xáo tam phân để chữa bệnh hoặc sản xuất thuốc chữa bệnh. Ngày 5-6-2013, tại Nha Trang, GS. TS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp để nghe các báo cáo của các ngành địa phương tỉnh Khánh Hòa về tình hình nghiên cứu cây Xáo tam phân. Kết luận như sau: “Kết quả nghiên cứu của Viện Dược liệu về cây Xáo tam phân còn mang tính thử nghiệm, định hướng cho những nghiên cứu tiếp theo. Do đó, chưa thể xem thử nghiệm này là cơ sở để khẳng định cây Xáo tam phân có tác dụng trên cơ thể người. Các cơ quan thông tấn, báo chí và phóng viên của các báo, đài cần phải đưa tin một cách chính xác, tránh loan truyền các thông tin chưa được công nhận về tác dụng chữa bệnh trên người của cây Xáo tam phân, gây hoang mang cho người dân, cần đảm bảo ổn định trật tự và an toàn xã hội tại địa phương. Cần rút kinh nghiệm, thận trọng khi công bố thông tin”.
Chiếc bong bóng về một thần dược đã vỡ như vậy. Tuy nhiên tin đồn về thần dược được các báo chí thổi phồng rầm rộ, nhưng những kết luận khoa học thật sự thì rất ít báo đưa tin. Và vì vậy, hàng trăm trang mạng vẫn đang quảng cáo giá trị chữa bệnh của Xáo tam phân và giá cây Xáo tam phân vẫn ở trên trời.
Cần làm gì loại “thần dược đểu” ra khỏi đời sống?
Cây thuốc, vị thuốc, bài thuốc đông y ở nước ta rất phong phú và là tài sản vô giá của dân tộc. Tuy nhiên, thuốc chữa bệnh liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người,, trước khi sử dụng cần phải được nghiên cứu, thử nghiệm theo đúng các tiêu chuẩn y tế. Hầu hết các loại “thần dược” cho đến nay chưa có một chứng cứ khoa học, một văn bản pháp quy công nhận là cây thuốc, vị thuốc, bài thuốc đông y được Bộ Y tế cho phép sử dụng. Vì vậy, việc khai thác kinh doanh để sử dụng cho mục đích chữa bệnh là hoàn toàn trái pháp luật. Các ban ngành liên quan cần nghiên cứu để kịp thời ra các văn bản nghiêm cấm về việc khai thác kinh doanh các loại cây, con cho mục đích chữa bệnh. Ngành Y tế đang dần dần quản lý chất lượng về an toàn thực phẩm và quản lý thuốc men. Tuy nhiên, việc để một loại thực vật giá trị chưa được khẳng định lại được phổ biến kinh doanh có hệ thống trên toàn quốc và ngay cả trong một số nhà thuốc thì ngành Y tế cần phải xem lại trách nhiệm của mình. Việc ban hành sớm các văn bản pháp quy rõ ràng minh mạch về vấn đề này là rất cần thiết chứ không chỉ đơn thuần là lên tiếng khuyến cáo người dân không nên dùng khi chưa có sự công nhận của của Bộ Y Tế.
Việt Long
Theo ANTD
"Ma ngón", cái chết mang tên một loài cây
Lá ngón là một loại thực vật nếu ăn vào sẽ đứt ruột mà chết. Thứ cây ấy đã giết nhiều người, với những cái chết thảm khốc và những vụ án trấn động cả miền sơn cước. Có vụ người ta nắm tay nhau ăn lá ngón tự tử, dăm bảy người cùng một lúc...
Nhiều người chỉ vì không ưa một ai đó cũng đã dùng lá ngón để kết thúc cái sự "ngứa mắt" của mình. Và còn rất nhiều vụ chết người thương tâm chỉ vì ăn, uống nhầm lá ngón. Chẳng thế mà, ở vùng cao người ta vẫn thường gọi cây lá ngón là "cây ma ngón"
Dùng nước lá ngón "tiễn" chồng, con gái và cháu nội "về trời"
Câu chuyện về người đàn bà độc ác Thào Thị Bia đến nay vẫn được những người dân thôn Háng Trợ B, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên nhắc đến với một nỗi khiếp sợ khôn cùng. Người đàn bà ấy chỉ vì những mâu thuẫn vụn vặt mà đang tâm dùng nước lá ngón đầu độc chết những người thân yêu nhất của mình.
Thào Thị Bia sinh năm 1940, là người gốc ở Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái. Cơ quan điều tra đã có kết luận, đã bắt giam, rồi tòa án đã xử Thào Thị Bia với mức án 20 năm tù giam vì tội dùng lá ngón giết người. Những lời khai của Bia trước cơ quan điều tra có thể khiến bất cứ ai trong số chúng ta đều cảm thấy rùng mình kinh sợ.
Cách đây khoảng tám năm, Bia đã bắt đầu dùng lá ngón để đầu độc nạn nhân thứ nhất, chính chồng Bia, tên là Hạng Chứ Dính với lý do "nhẹ tựa lông hồng". Dính là chồng thứ hai của Bia. Bia lấy hai anh em của một nhà làm chồng. Đầu tiên Bia lấy người anh là Hang Vả Chống. Sau khi Chống ốm chết thì anh em nhà chồng lại bắt Bia lấy người em là Hạng Chự Dính. Dính sức khỏe ốm yếu, bệnh tật nên không làm được việc gì giúp đỡ gia đình. Đã thế chuyện vợ chồng cũng không đáp ứng được nhu cầu của Bia.
Điều này đã khiến Bia thường xuyên bị ức chế. Nghĩ rằng Dính đích thực là một người chồng vô tích sự, nếu cứ để Dính sống chỉ khiến Bia ức chế hơn mà thôi chẳng thà giết quách Dính đi cho đỡ "ngứa mắt". Nghĩ là làm, Bia vào rừng hái lá ngón về đun nước mời chồng uống. Cốc nước "nghĩa tình" của Bia chảy đến đâu thì Dính trợn mắt, sùi bọt mép đến đó. Kết quả là Dính đã chết gần như ngay lập tức sau khi uống xong cốc nước lá ngón.
Người thứ hai Bia đầu độc chết chính là con gái ruột của thị tên là Thào Thị Mang. Mang tuy đã 25 tuổi nhưng chưa lấy chồng. Và ở một bản làng xa tút tắp thế thì con gái 25 tuổi chưa chồng có thể khẳng định là đã ế. Biết thân phân mình nên Mang đã tiết kiệm, tích cóp được một số tiền nho nhỏ để phòng thân. Nhưng từ khi phát hiện ra con gái có tiền vốn riêng mà không cho mình khiến Bia luôn có cảm giác ấm ức. Nhất lại có lần Bia xin Mang tiền để mua thuốc phiện nhưng Mang không cho nên Bia thấy ghét lắm. Bia nghĩ nó không thương mình nên mình phải giết nó. Lần này cũng giống hệt lần trước, Bia lại vào rừng hái lá ngón rồi cho sắc cùng với nước đưa con gái uống. Mạng chết!
Người thứ ba mà Bia nhắm tới không ai khác chính là đứa cháu nội mới mười tháng tuổi của mình tên là Hang Thị Lâu. Lý do khiến Bia ra tay tàn độc với người cháu nội cũng chỉ hỏi "ghét cái thằng bố đẻ ra Lâu". Bia khóc khi khai với cơ quan điều tra rằng: "Thằng Hang A Sú (con trai Bia) và con Ía (con dâu Bia) không thương tôi. Lúc tôi ốm đau nhờ chúng nó đi mua thuốc thì chúng nó bảo tôi giả vờ để không phải làm việc. Cả hai đứa chúng nó rất hay bắt tôi phải cai thuốc phiện nên tôi ghét". Chỉ vì ghét con trai và con dâu mà Bia không ngần ngại ra tay sát hại đứa cháu nội của mình. Hôm đó, chị Ía lên rẫy mới gửi đứa con gái của mình nhờ Bia trông hộ. Sẵn cơn tức trong người, Bia vào rừng bứt lá ngón rồi về sắc bắt đứa cháu bé bỏng phải uống. Khi bố me Lâu đi làm về thì thấy bà nội đang khóc lóc bên thi thể cháu và giải thích nó bị trúng gió mà chết rồi.
Hoa lá ngón
Một bình rượu giết 6 mạng người
Năm ấy, bà Nông Thị Lợi ở bản Mường (Sơn Lộ, Bảo Lạc, Cao Bằng) đổ bệnh đau lưng thường xuyên nên chả làm ăn gì được. Thấy bệnh mỗi ngày một nặng nên bà đã vào rừng đào rễ cây lá lẩu về ngâm rượu để xoa bóp. Quê bà người ta vẫn thường dùng loại lá ấy mỗi khi ai đó bị ngã hoặc bị đau xương khớp. Bà Lợi tìm đến phía bìa rừng rồi dừng lại ở một cụm cây tỏa tán lá màu xanh mát rượi. Khi chắc chắn đó là cây mình đang cần tìm, bà Lợi lấy chiếc thuổng nhỏ hì hụi đào từng cái rễ của cây "thuốc" ấy lên đem về nhà. Bà Lợi còn cẩn thận rửa sạch cái rễ ấy rồi đem đi phơi. Xong đâu đấy bà cho vào ngâm rượu, định bụng chờ rễ cây ngấm sẽ đem ra vừa uống vừa bóp vào chỗ lưng bị đau. Nhưng nào ngờ, chính cái bình rượu "thuốc" tự tay bà Lợi đi đào rễ mang về ngâm ấy lại là thủ phạm giết chết cùng lúc tới 6 mạng người. Hai người là con trai bà Lợi, bốn người còn lại đều là hàng xóm của nhà bà.
Tựa tấm thân gầy gò bên bậu cửa, đôi mắt ầng ậc nước, bà Lợi kể lại cái đêm kinh hoàng đã tiễn hai người con trai và những người hàng xóm tốt của bà sang một thế giới khác: "Tối hôm đó ăn cơm xong, tôi thấy lưng mình đau ê ẩm nên mới xách chai rượu ngâm rễ cây ra rót vào cái chén này này. Nhưng mà chỉ rót có ít ít thế này thôi chứ không đầy đâu (bà Lợi gạch ngang khoảng 1/3 cái chén nhỏ cho chúng tôi xem - PV). Uống xong tôi chóng mặt lắm, ngã lăn quay ra. Tôi chỉ kêu cứu được hai tiếng thôi là răng đã dính chặt vào nhau rồi, bọt mép sùi ra".
Nghe tiếng kêu thất thanh của mẹ, lúc đó anh Nông Văn Thiên là con trai cả của bà Lợi đang băm rau cho lợn ngoài sân hốt hoảng chạy vào nhà. Thấy mẹ đang nằm lăn dưới đất, anh Thiên bế mẹ lên giường rồi chạy đi hô hào mọi người đến cứu. Nghĩ mẹ mình bị trúng gió nên mới bị sùi bọt mép và cấm khẩu nên anh Thiên đã cùng nhiều người khác xoa dầu con hổ lên khắp người bà Lợi. Được một lúc thì thấy bà Lợi nằm im, bọt mép cũng ngừng chảy nên những người có mặt ở đó chắc mẩm đã đuổi hết gió độc trong người bà Lợi. Nhiều người ra về, trong gian nhà lá liêu xiêu ấy chỉ còn lại hai người con trai bà Lợi và bốn người đàn ông là hàng xóm sống xung quanh nhà bà. Họ vẫn chưa yên tâm về sức khỏe của bà Lợi nên nán lại chờ đợi. Trong lúc bồn chồn vì lo cho sức khỏe của mẹ, anh Nông Văn Thiên mang bình rượu "thuốc" mà mẹ anh đã ngâm được một thời gian ra mời em trai và bốn người hàng xóm.
Sáu chén rượu được rót ra và tất cả cùng nâng chén để mừng cho cái sự ốm qua quýt của bà Lợi. Nhưng uống xong chén thứ nhất, ba người đàn ông lăn đùng ngã ngửa ra giữa nhà rồi vật vã, lồng lộn. Hai người còn lại cũng từ từ đổ sập xuống sàn nhà. Người duy nhất còn gắng gượng được là anh Thiên. Lại một lần nữa trong đêm anh Thiên phải chạy đi hô hoán mọi người ứng cứu. Nhìn thấy họ vật vã, gào thét, máu dãi, anh Thiên hãi hùng bế từng người lên, tìm cách cứu họ. Anh Thiên đi gọi anh Long, cán bộ văn hóa xã đến cứu mọi người, anh Thiên còn tỉnh táo nói: "Anh Long mau cứu họ, họ chết thì tôi cũng không sống được đâu. Họ chết cả ở nhà tôi thì tội to lắm. Rượu này có độc rồi, đừng ai uống nữa". Đó cũng là câu nói cuối cùng của anh Thiên trước khi ngã vật xuống đất.
Đêm đó bản Tuồng như chìm trong cơn ác mộng. Cùng một lúc sáu xác người đàn ông nằm ngổn ngang dưới sàn nhà. Khi cán bộ y tế xã đến nơi thì cả sáu người này đều đã chết. Khi Công an đến giám định pháp y và mổ tử thi thì cả sáu người như một, ruột và lục phủ ngũ tạng đều bị nổ tung. Đem bình ruơu đi xét nghiệm, thì nhận được kết quả quá bất ngờ: rượu ngâm với rễ cây lá ngón. Từ lúc biết được nguyên nhân dẫn đến cái chết của hai người con trai và bốn người hàng xóm, bà Lợi như phát điên. Bà cứ gào thét trong đau đớn vật vã: "Mẹ giết chết các con rồi! Tôi giết chết các anh các chú rồi. Sao không để cho tôi chết đi?".
Sau này, khi Công an đưa bà Lọi ra bìa rừng để dựng lại hiện trường nơi đào cây "thuốc" đem về thì ai cũng ngỡ ngàng vì cây mà dân bản cho là "thuốc" có thể chữa lành nhiều bệnh ấy lại giống đến không ngờ với cây lá ngón. Cái cây có vị thuốc ấy lá xanh như cây lá ngón. Nó trùm phủ cả bìa rừng, nhưng gốc của nó chen lẫn với gốc cây lá ngón. Gốc cây "ma ngón" chung bụi chung lùm với cây vị thuốc, nhưng lá cành của nó vươn dài, nằm rạp xanh ở tít mãi cuối tán rừng. Giống lá ngón nó ma quái, châp chờn như vậy, nên bà Lọi lấy nhầm. Đào rễ lá ngón về, bà còn phơi nắng, còn ngâm với rượu. Toàn những thứ chắp thêm vây cánh cho "ma ngón": rễ cây lá ngón độc nhất của cả hệ thống cái cây, cái lá, cái hoa, cái quả của nó; càng phơi khô độc tố càng tích tụ; thêm rượu "dẫn" chất độc nữa thì... có trời cứu.
Có lẽ, không nơi đâu trên trái đất này người ta lại có thể tiếp cận với cái chết dễ dàng như ở Tây Bắc. Khoảng giữa đưa người ta từ sự sống đến cái chết luôn là những phút bốc đồng. Chúng ta không thể nào chất, phá đào bới hết được cái loại cây chết người ấy nhưng chúng ta có thể tìm cách để nâng cao nhận thức cho những người dân vùng cao để họ hiểu được rằng, mọi thứ mất đi có thể lấy lại, trừ mạng sống.
Ông Vàng A Hờ, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông: Mỗi năm trên địa bàn huyện có khoảng 30 đến 50 người chết vì lá ngón. Nhưng con số này chỉ bằng một phần ba tổng số những người tự tử nhưng không chết. Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều biện pháp để giảm thiểu số lượng người chết vì lá ngón nhưng thực sự chưa có một biện pháp nào khả thi nên vẫn lâm vào bế tắc.
UBND huyện đã tổ chức nhiều ban, ngành, đoàn thể và nhân dân phá nhổ cây lá ngón, tất nhiên cũng chỉ là muối bỏ biển. Nhưng đấy cũng là một cách để khi bà con nghĩ đến chuyện tự tử thì phải đi tìm lá ngón tít trong rừng sâu. Chúng tôi chỉ dám hy vọng trong thời gian dài vất vả đi tìm lá ngón biết đâu cơn tức giận, sự hận thù của họ sẽ nguôi ngoai mà sẽ không tìm đến cái chết nữa. Ngoài ra lãnh đạo huyện cũng tổ chức tuyên truyền lồng ghép nhiều chương trình về tác hại của lá ngón trong trường học, trong các buổi ngoại khóa. Nâng cao tập huấn kiến thức cho cán bộ y tế xã, huyện để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người.
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
Sinh viên cười: 'Rễ cây' của thằng bạn Hai người bạn ngủ chung giường trong ký túc. Một người gặp ác mộng hét thất thanh và tỉnh dậy, người kia hỏi: Ảnh minh họa - Có chuyện gì vậy? - Tao nằm mơ thấy ác mộng - Mày mơ thấy gì? - Tao nằm mơ thấy mình đang rơi xuống vực thẳm - Thế mày có chết không? - Không, may...