Bước khởi đầu tích cực đối với kiều bào và doanh nghiệp Việt tại Mỹ dịp Năm mới
Từ đầu năm 2022, Việt Nam nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ với một số nước và áp dụng quy định mới về cách ly nhằm tạo điều kiện cho bà con kiều bào về nước, cũng như mở rộng cơ hội đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài.
Chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên của Vietnam Airlines về Việt Nam kể từ khi xảy ra đại dịch đã hạ cánh an toàn tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa: TTXVN
Đây là thông tin đáng mừng và là bước khởi đầu tích cực của Năm mới, đặc biệt khi dịp Tết Nguyên đán truyền thống đang tới gần, đồng thời cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc đưa đất nước trở lại quỹ đạo bình thường. Các doanh nghiệp và cá nhân người Việt tại Mỹ đều chia sẻ nhận định trên khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại địa bàn.
Ông Nguyễn Hữu Thành, chủ một doanh nghiệp nhỏ cung cấp các sản phẩm phục vụ các tiệm làm móng tại bang Virginia cho biết bà con Việt kiều ở khu vực DMV (thủ đô Washington DC, bang Virginia và bang Maryland) rất phấn khởi khi đón nhận thông tin về việc mở lại chuyến bay thương mại thường lệ giữa hai nước. Ông cho biết đang cân nhắc về cách thức thực hiện của các chuyến bay thương mại cũng như mức giá trước khi quyết định có về nước hay không.
Theo ông Sean Lam, Phó Chủ tịch Tập đoàn IMSG, đơn vị được lựa chọn để cung cấp Hệ thống Thời tiết hàng không tích hợp tiên tiến cho Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam (VATM), sau gần hai năm đóng cửa, nhu cầu trở về đoàn tụ gia đình là rất lớn đối với những lao động Việt Nam đã hết hạn hợp đồng hay học sinh, sinh viên, người đi công tác bị mắc kẹt lại ở nước ngoài. Với bà con Việt kiều đã lâu chưa được trở về quê hương thăm gia đình, họ hàng hay tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, các đường bay thường lệ hai chiều sẽ giúp việc lựa chọn thời gian bay và lên kế hoạch bay dễ dàng hơn. Ông Sean Lam cho biết ông đã luôn mong chờ được quay trở về thăm người thân trong gia đình, bạn bè và gặp gỡ các đối tác nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là dự án hỗ trợ kỹ thuật thí điểm về nâng cao năng lực dự báo thời tiết hàng không tại Việt Nam mà ông đã dành nhiều tâm huyết trong suốt thời gian qua.
Ông Sean Lam cho rằng việc các bộ, ban, ngành trong nước đồng thuận mở lại đường bay quốc tế thường lệ trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang căng thẳng với sự xuất hiện của các biến thể mới, cho thấy quyết tâm rất lớn đưa đất nước trở lại quỹ đạo phát triển bình thường, cũng như thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới nhu cầu đi lại, học tập và làm việc của người Việt Nam cả trong và ngoài nước. Với những biện pháp phòng chống dịch hợp lý của chính phủ, Việt Nam vẫn có thể vừa hỗ trợ việc đón người từ nước ngoài trở về an toàn, vừa kiểm soát tốt được dịch bệnh, đem đến hy vọng và tin tưởng cho người dân để từng bước khôi phục lại và phát triển nền kinh tế.
Về tác động của kế hoạch mở lại một số đường bay quốc tế từ ngày 1/1/2022 của Việt Nam tới các doanh nghiệp Mỹ nói chung và tới Tập đoàn IMSG nói riêng, ông Sean Lam nhấn mạnh kế hoạch này có ý nghĩa rất tích cực đối với việc thắt chặt quan hệ hợp tác và tái hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài. Theo ông, đối phó với đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp có sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách thức và địa điểm làm việc. Kết nối Internet không biên giới cho phép mọi người gặp mặt và trao đổi từ xa, tuy nhiên để thực sự có thể thấu hiểu, tin tưởng và xây dựng được mối quan hệ hợp tác bền chặt thì việc gặp gỡ trực tiếp là vô cùng quan trọng. Theo ông, việc Việt Nam quyết tâm mở lại đường bay quốc tế, đặc biệt là đường bay thẳng thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ sẽ giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên, đem lại những cơ hội đầu tư và kinh doanh hoàn toàn mới.
Video đang HOT
ADVERTISING
X
Cũng chia sẻ quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Quốc, chủ một doanh nghiệp lữ hành tại bang Maryland cho biết ông rất trông chờ vào thời điểm những chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ được nối lại bởi hoạt động du lịch của công ty ông gần như bị tê liệt hai năm nay. Cho dù việc khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ của Việt Nam được cho là chậm hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực, nhưng đây sẽ là bước khởi đầu tích cực và là điều kiện để các công ty nối lại các hoạt động, đưa ra các sản phẩm du lịch, từ đó việc đón khách quốc tế sẽ nhanh chóng được kích hoạt trở lại, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cho ngành du lịch được phục hồi.
Bà Trần Kim Ngọc – Kế toán của công ty CPA của Mỹ cho rằng việc Việt Nam mở lại đường bay quốc tế là việc không thể chậm trễ hơn, nhất là khi Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã chuyển sang chiến lược mới trong cuộc chiến chống COVID-19 là chung sống an toàn với dịch bệnh và vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Theo bà Ngọc, điều này ko chỉ tạo điều kiện cho rất nhiều Việt kiều xa quê mong muốn được đoàn tụ gia đình trong dịp Tết nguyên đán, mà còn đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch, học tập của người dân. Người dân trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã được tiêm vaccine, cuộc sống ở nhiều nơi đã gần như trở lại “bình thường” nên bà tin rằng Việt Nam cũng sẽ trở lại bình thường như các nước khác.
Ngoài ra, bà Ngọc cho rằng nhiều doanh nghiệp du lịch, khách sạn, xuất nhập khẩu trong nước và nước ngoài có quan hệ giao dịch với Việt Nam đã bị ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh. Việc mở lại đường bay quốc tế sẽ giúp các doanh nghiệp này khôi phục lại các hoạt động mà họ đã từng có trước dịch bệnh cũng như tạo lại nhiều việc làm. Điều này sẽ góp phần phục hồi nền kinh tế của đất nước.
Có thể nói, quyết định mở lại đường bay thương mại quốc tế là sự kiện không chỉ các doanh nghiệp mà cả cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ nói chung rất mong đợi. Quyết định trên thể hiện sự quan tâm của Chính phủ tới nhu cầu đi lại của người dân và thúc đẩy cơ hội hợp tác đầu tư nhằm góp phần khôi phục kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Mong sớm nối lại chuyến bay giữa Việt Nam với các nước có đông kiều bào
Bà con kiều bào gửi gắm mong muốn Chính phủ sớm có các quy định phù hợp để người có hộ chiếu vắc xin có thể về thăm quê hương, đặc biệt mở trở lại những chuyến bay giữa Việt Nam với các quốc gia có đông kiều bào Việt đang sinh sống.
Hội nghị trực tuyến với các vị ủy viên Ủy ban khóa IX và Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh: MTTQ VN
Chiều 27-8, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với các vị ủy viên Ủy ban khóa IX và Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài.
Chủ trì hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, bí thư Trung ương Đảng, chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Phạm Quang Hiệu, thứ trưởng Bộ Ngoại giao, chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và ông Phùng Khánh Tài, phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Tại hội nghị, ông Phùng Khánh Tài cho biết với tinh thần "lá lành đùm lá rách", phát huy "tình dân tộc, nghĩa đồng bào", mặc dù bà con kiều bào còn đang gặp muôn vàn khó khăn nhưng vẫn hướng về quê hương, đất nước và có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 cũng như hỗ trợ công tác phòng chống dịch trong nước.
Từ khi phát động đến nay, các cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài đã ủng hộ cho công tác phòng chống dịch với tổng số tiền gần 60 tỉ đồng (cả tiền mặt và hiện vật).
Cùng với đó, kiều bào đã gửi qua MTTQ Việt Nam các cấp, Hội chữ thập đỏ và trực tiếp gửi tới bà con gặp khó khăn do mưa bão tại miền Trung trên 30 tỉ đồng cùng rất nhiều hiện vật thiết yếu.
Trong những ngày qua, gần 30 tổ chức, nhóm cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã phát động chiến dịch "Chung tay vì Việt Nam" và "10.000 liều vắc xin cho Việt Nam".
Kết nối các điểm cầu với kiều bào Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh: MTTQVN
Tại điểm cầu Hungary, bà Phan Bích Thiện, chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary, chia sẻ Hội đã kêu gọi quyên góp ủng hộ cho người dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam hơn 20.000 euro.
Bà Thiện bày tỏ mong muốn Chính phủ sớm có các quy định phù hợp để bà con đã được tiêm đầy đủ vắc xin, có "hộ chiếu vắc xin" có thể về thăm quê hương trong thời gian tới.
Tại Nga, ông Đỗ Xuân Hoàng, chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Nga, cho biết hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bên cạnh việc ủng hộ phòng chống dịch ngắn hạn, vừa qua dự án quyên góp dài hạn "Đồng lòng Việt Nam" đã được cộng đồng người Việt Nam tại Nga triển khai với số tiền ủng hộ khoảng 130.000 USD.
Số tiền này sẽ được phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Nga sử dụng để mua vắc xin hỗ trợ Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Ông Trần Bá Phúc, chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc, chia sẻ hiện nay, cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại Úc đang nỗ lực vận động đối với Chính phủ để viện trợ vắc xin cho Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam ưu tiên mua vắc xin được sản xuất tại Úc.
"Với trách nhiệm của mình, Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc sẽ là cầu nối để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể sớm tiếp cận, đàm phán mua nguồn vắc xin nhằm hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch trong nước" - ông Phúc bày tỏ.
Ông cũng mong muốn Ủy ban MTTQ Việt Nam kiến nghị với Chính phủ tiếp tục thúc đẩy việc tiêm phòng vắc xin để nhanh chóng có kế hoạch mở cửa trở lại cho bà con kiều bào được trở về thăm quê hương, đặc biệt mở trở lại những chuyến bay giữa Việt Nam với các quốc gia có đông bà con kiều bào đang sinh sống.
Kiều bào gửi tặng TP.HCM 42.000 khẩu trang N95 và kit test nhanh COVID-19 42.000 sản phẩm gồm khẩu trang y tế N95 và kit test nhanh COVID-19 của kiều bào, doanh nghiệp được trao đến các lực lượng tuyến đầu chống dịch trên địa bàn TP.HCM. Ngày 30/7, 42.000 khẩu trang y tế N95 và kit test nhanh COVID-19 của kiều bào Nhật Bản trao tặng đã được gửi tới các đơn vị ở TP.HCM để...