Bùng nổ thanh toán điện tử tại Việt Nam
Thanh toán trực tuyến qua ngân hàng điện tử ( internet banking, mobile banking) ở Việt Nam chỉ mới phát triển vài năm gần đây nhưng đang thật sự bùng nổ khi lượng người dùng mua sắm hàng hóa, dịch vụ qua các ứng dụng này ngày càng tăng.
Theo nhiều chuyên gia công nghệ, đang có sự thay đổi chóng mặt trong xu thế thanh toán hiện đại, khi người dùng chuyển từ PC sang thiết bị di động cầm tay đòi hỏi các ngân hàng (NH) thương mại phải thay đổi chiến lược tiếp cận khách hàng, nếu không muốn thị phần rơi vào tay đối thủ cạnh tranh. Ở Việt Nam, thanh toán trực tuyến qua NH điện tử, điện thoại (Internet Banking và Mobile Banking) chỉ mới phát triển mấy năm gần đây nhưng đang thật sự bùng nổ.
Ứng dụng ngân hàng trên di động
Ông Huỳnh Song Hào, Giám đốc khối bán lẻ, NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các dịch vụ điện tử và dịch vụ NH hiện đại sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong tương lai. Thống kê đến năm 2015, số lượng người dùng Mobile Banking đã vượt mốc 1,8 tỉ trên toàn cầu, hơn cả người dùng PC.
Đồng thời, có tới 34% các giao dịch bán lẻ trên toàn cầu được thực hiện từ điện thoại di động, trong đó, một số thị trường như Nhật, Hàn Quốc, Anh con số này hơn 45%.
Riêng thị trường Việt Nam, với dân số 92 triệu người có đến 55% người sử dụng smartphone và truy cập mạng bình quân 2 giờ mỗi ngày. Mua sắm trực tuyến chiếm tỉ lệ 58%. Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường thẻ NH cũng cho thấy xu hướng tiêu dùng không bằng tiền mặt, góp phần phát triển các dịch vụ thanh toán trên di động. Đến nay, có khoảng 45 NH cung cấp dịch vụ SMS banking, Internet Banking và 25 NH ứng dụng Mobile Banking.
“Thanh toán qua điện thoại di động đang rất phổ biến ở các nước phát triển khu vực Bắc Mỹ, Tây Âu và khu vực châu Á Thái Bình Dương với mức tăng trưởng hơn 90% mỗi năm. Dự báo của một số tổ chức thanh toán quốc tế, giá trị thanh toán qua điện thoại di động trên thế giới đến năm 2017 có thể vượt 1.000 tỉ USD và gần tương đương với thanh toán bằng thẻ” – ông Hào nhận xét.
Đại diện NH TMCP Tiên Phong (TPBank) nhận định, trong 10 năm trở lại đây, thanh toán không dùng tiền mặt được NHNN, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử quan tâm phát triển… giúp thị trường thanh toán trực tuyến trở nên rất đa dạng. Người dùng có nhiều cách để thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến.
Chẳng hạn, qua Internet Banking, Mobile Banking: bằng việc sở hữu một tài khoản NH, khách hàng có thể sử dụng để thanh toán hóa đơn, dịch vụ mà NH có kết nối như trả tiền điện, tiền nước, học phí, vé máy bay, bảo hiểm… Qua cổng thanh toán trung gian: các công ty trung gian thanh toán kết nối với các tổ chức tài chính, website thương mại, ví điện tử giúp cho khách hàng có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch thanh toán, chuyển tiền. Đồng thời, các loại thẻ NH, ví điện tử cũng đang được phát triển mạnh mẽ trở thành kênh thanh toán chính.
Thời của những “cú click”
Video đang HOT
Chị Trần Thanh Mai (ngụ quận 9, TP HCM), cho biết năm nay gia đình chị quyết định về quê nội ăn Tết ở Nghệ An nên ngay từ khi đường sắt bán vé tàu Tết chị đã lên mạng đặt mua. Lầu đầu tiên ngành đường sắt bán vé qua mạng và chấp nhận thanh toán trực tuyến, giúp chị và hàng ngàn khách hàng có nhu cầu về quê bằng xe lửa không phải chờ đợi thấp thỏm ngoài ga tàu.
“Rất bất ngờ khi quy trình mua vé tàu Tết lại đơn giản như vậy, tương tự như việc đặt vé máy bay – thanh toán trực tuyến ngay, chỉ cần sử dụng dịch vụ Internet Banking là tôi có thể ngồi tại nhà và mua vé tàu cho cả gia đình” – chị Mai chia sẻ.
Đăt vé máy bay qua mạng đã trở thành điều bình thường với nhiều người
Từ khoảng 3 năm nay, khi dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking phát triển ở Việt Nam, những hóa đơn dịch vụ trong gia đình từ điện, nước, điện thoại hay cước internet đều được chị Nguyễn Ngọc Anh (ngụ quận 3, TP HCM) thanh toán qua mạng. Bản thân chị Ngọc Anh cũng ít để tiền mặt trong ví, khi đi mua sắm ở siêu thị hoặc trung tâm thương mại chị thường cà thẻ hơn.
Theo nhiều chuyên gia, trong khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường bán lẻ Việt Nam thật sự sôi động với sự tham gia của các NH thương mại. Phần lớn các NH đều đang triển khai hệ thống eBank ở nhiều cấp độ khác nhau, tùy vào nhóm đối tượng khách hàng riêng nhưng đều chú trọng đầu tư vào công nghệ bảo mật, an toàn dữ liệu, xác thực thông tin giúp nâng cao trải nghiệm cho người dùng cũng như tạo lòng tin nơi khách hàng.
Theo TPBank, bên cạnh việc gia tăng kết nối, bổ sung tiện ích dịch vụ, các NH cũng không ngừng nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp, đầu tư nâng cấp hệ thống mạng, mở rộng băng thông đường truyền tốc độ cao để cải thiện chất lượng kết nối. Việc này hạn chế tối đa sự nghẽn mạng giữa NH với các tổ chức tín dụng, các cổng thanh toán và các nhà cung cấp dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng trong quá trình trải nghiệm, sử dụng dịch vụ.
“Một yếu tố đang tác động mạnh mẽ lên sự sống còn của NH thương mại là quyền lực của người tiêu dùng. Bởi trước đây, khách hàng phải tìm kiếm, dựa vào các dịch vụ của NH thì nay bản thân mỗi NH phải tự gia tăng chất lượng dịch vụ, áp dụng nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ mới để thu hút khách hàng. Và trong xu hướng bùng nổ ứng dụng công nghệ trên nền tảng di động hiện nay, khách hàng đến với NH không chỉ cần đáp ứng nhu cầu về sản phẩm mà còn kỳ vọng nhiều hơn vào sự trải nghiệm. Do đó, mỗi NH không chỉ tạo ra một sản phẩm chất lượng tốt mà cần thỏa mãn cả nhu cầu phi tài chính của khách hàng: sự mới mẻ, trải nghiệm và khác biệt” – bà Đặng Tuyết Dung, Phó tổng giám đốc, NH TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) nhận xét.
Thách thức từ những tập đoàn công nghệ
Một thách thức rất lớn cho các NH thương mại là cuộc đua hình thức thanh toán mới từ những công ty, tập đoàn công nghệ như Apple Pay, Samsung Pay, Facebook Payments, Google Wallet, Amazon…
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, cho rằng đây thật sự là lo lắng, quan tâm của các NH khi những tổ chức phi NH cũng triển khai các ứng dụng, trở thành một kênh thanh toán, kênh cho vay tiêu dùng khá quan trọng đối với nhiều khách hàng hiện nay. Dù vậy, tùy vào mức độ chấp nhận rủi ro, khách hàng sẽ chọn NH thương mại hoặc các ứng dụng thanh toán trên.
Phó tổng một NH thương mại cổ phần lớn cũng thừa nhận, điều các NH “sợ nhất” lúc này là thị trường ngày càng xuất hiện những công ty star up, công nghệ mới không cần đến NH, chỉ cần thông qua mạng xã hội hoặc chợ ứng dụng, được bảo mật và có cả quy trình quản trị rủi ro. Khi đó, các NH hiển nhiên phải đi mua lại những ứng dụng này hoặc phát triển công nghệ tương tự để cạnh tranh.
Phương Anh
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Nhân dân tệ - vị thế mới không tác động nhiều tới kinh tế Việt Nam
Việc buôn bán, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện cũng chỉ thông qua cả 2 đường là tiểu ngạch và chính ngạch, đồng thời sử dụng đồng USD là chủ yếu.
Trong một diễn biến khi nhiều người quan ngại về khả năng tác động xấu tới thị trường tiền tệ của Việt Nam do đồng Nhân dân tệ vừa được Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) công nhận là một trong 5 đồng tiền dự trữ chính thức và có quyền rút vốn đặc biệt như đôla Mỹ (USD), đồng tiền chung châu Âu (EUR), bảng Anh (GBP) và yen Nhật (JPY), thì quan điểm chung của giới phân tích đều cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng rất ít, hầu như không đáng kể, thậm chí phải mất ít nhất 6 tháng tới 1 năm nữa mới thấy rõ được tác động dây chuyền này. Theo Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng, đây là vấn đề giá trị đồng tiền và dự trữ của các quốc gia lớn. Lâu nay, Việt Nam chủ yếu chỉ có hai luồng tiền tệ chính thức là USD và EUR.
Việc buôn bán, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện cũng chỉ thông qua cả 2 đường là tiểu ngạch và chính ngạch, đồng thời sử dụng đồng USD là chủ yếu. Do đó, khi đồng nhân dân tệ được xếp vào nhóm những đồng tiền dự trữ chính thức của IMF thì khả năng một số doanh nghiệp Việt Nam sẽ mạnh dạn hơn khi sử dụng trực tiếp đồng nhân dân tệ trong giao dịch.
Xét về góc độ nào đó, điều này còn có lợi cho vấn đề ngoại thương giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc được tốt hơn, thay vì việc sử dụng đồng tiền trung gian là USD như hiện nay. Tuy nhiên, đối với Việt Nam thì đồng USD vẫn còn đóng vai trò rất quan trọng trong vài năm tới.
Cũng theo Chuyên gia Đinh Thế Hiển, chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi đồng Nhân dân tệ được đưa vào rổ dự trữ tiền tệ thế giới. Bởi lẽ, chính sách tiền tệ của Việt Nam chưa có dư địa đủ lớn để chọn rổ tiền tệ dự trữ như các nước lớn.
Cho dù, gần đây Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động ngoại thương với Nga và Trung Quốc bằng cách sử dụng trực tiếp đồng tiền bản địa của hai nước này. Với dân số gần 1,4 tỷ người, Trung Quốc, hiện là một thị trường lớn và tiềm năng đối với nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó có Việt Nam.
Đặc biệt là trong những năm gần đây, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều vào thị trường này, nhất là một số mặt hàng nông sản như cao su, gạo, thủy sản, trái cây...
Cùng có chung quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đồng tình về những thuận lợi đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi có thể chủ động hơn trong các hoạt động thanh toán, giao dịch thương mại với phía đối tác Trung Quốc. Nhất là khi đồng nhân dân tệ đủ điều kiện và được công nhận có quyền hoán đổi tự do cũng như thanh toán rộng rãi trên thế giới.
Từ nay, các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các tổ chức kinh tế có quan hệ mậu dịch với Trung Quốc sẽ không cần phải thông qua đồng tiền thứ 3 là đồng USD và đương nhiên sẽ không còn nhiều quan ngại về tác động của sự thay đổi tỷ giá.
Mặc dù vậy, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ Việt Nam, cũng như việc thực hiện cam kết giữ ổn định tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục bị mất giá, trong một nỗ lực mà Trung Quốc đang theo đuổi, nhằm đưa đồng nhân dân tệ vào quỹ đạo chung của các đồng tiền có quyền hoán đổi tự do trong rổ tiền tệ thế giới mà IMF quy định.
Tuy nhiên, bình luận về khả năng giữ ổn định tỷ giá từ nay tới cuối năm và sang nửa đầu năm 2016 như Ngân hàng Nhà nước đã cam kết, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng xu hướng phá giá đồng nhân dân tệ đã được ngành ngân hàng tiên lượng và dự báo, nên đã có sự phòng vệ thích hợp trong mọi tình huống.
Bà Hạnh cũng nhấn mạnh đồng nhân dân tệ - khi được chấp thuận đưa vào rổ tiền tệ quốc tế của IMF cũng phải có độ trễ nhất định mới ảnh hưởng tới thị trường tiền tệ Việt Nam. Chắc chắn, phía Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đúng cam kết về việc giữ ổn định tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng USD.
Về phía các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đa phần trong số họ đều là các doanh nghiệp tư nhân nên sự chủ động của họ thường rất cao. Thậm chí, họ có cả những đơn vị tư vấn tài chính để giúp việc và đưa ra những khuyến cáo, cảnh báo cần thiết.
Trong quá trình kinh doanh, các doanh nghiệp này cũng đã thận trọng hơn trong việc sử dụng các phương thức thanh toán hữu hiệu, ít rủi ro và hướng tới các chuẩn mực thanh toán mới của thế giới, như yêu cầu đối tác thanh toán trước 1 phần hoặc sử dụng các công cụ và sản phẩm phái sinh của ngân hàng như bảo lãnh hợp đồng, cam kết hợp đồng để đảm bảo ổn định tỷ giá... Do đó, khả năng tác động tới thị trường, tới doanh nghiệp là không đáng ngại, bà Hạnh nhận định.
Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho rằng, việc đồng nhân dân tệ được IMF đưa vào rổ dự trữ tiền tệ thế giới không ảnh hưởng đến vấn đề xuất khẩu của doanh nghiệp.
Ông Thuận lý giải, trong buôn bán với Trung Quốc, doanh nghiệp thường sử dụng cả 2 loại tiền tệ là đồng USD và Nhân dân tệ. Tuy nhiên, trước khi quyết định phương thức thanh toán với đối tác Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ căn cứ vào giá cả của 2 loại đồng tiền này, xem đồng tiền nào có lợi hơn thì mới lựa chọn đồng tiền đó để giao dịch, kể cả tiểu ngạch và chính ngạch.
Trong bối cảnh đó, các nhà xuất khẩu cao su Việt Nam, gồm cả Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam sẽ nghiên cứu việc sử dụng đồng tiền nào có lợi để ký kết hợp đồng dài hạn với các đối tác Trung Quốc trong năm 2016.
Theo THẠCH HUÊ-HỨA CHUNG
Theo_PLO
CSM: Lợi nhuận quý IV/2015 có thể giảm nhẹ, năm 2016 lạc quan BVSC cho biết, CSM sẽ được hưởng lợi từ sự bùng nổ của thị trường xe tải, qua đó công ty sẽ có cơ hội để mở rộng thị trường cho lốp Radial; hạn chế sự thay thế của lốp Radial đối với sản phẩm lốp Bias truyền thống trong ngắn hạn. Kết quả kinh doanh quý III/2015 kém khả quan Tổng doanh...